08/10/2012 09:15 GMT+7

Nghèn nghẹn rừng mẹ Nghèng

LAM GIANG
LAM GIANG

TT - Mất 45 năm bà Phạm Thị Nghèng và người dân ở xã Quang Phú (TP Đồng Hới, Quảng Bình) mới trồng được 200ha rừng cây phi lao phòng hộ trên vùng cát trắng ven biển. Khu rừng huyền thoại một thời ấy đang bị cắt xén dần để lấy đất xây nhà.

GxpPD7za.jpgPhóng to

Một khu khách sạn, nhà nghỉ đang mọc lên trên rừng mẹ Nghèng - Ảnh: Lam Giang

Phóng sự “Mẹ Nghèng 45 năm cặm cụi trồng rừng” trên Tuổi Trẻ Chủ Nhật hơn mười năm trước đã thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn đọc về cánh rừng phi lao ven biển “huyền thoại”, gắn liền với người đàn bà cần mẫn gánh từng xô nước tưới cây trên cát bỏng, từ lúc tóc còn xanh đến khi đầu bạc. Hơn một thập kỷ trôi qua, người mẹ anh hùng giờ đã ra đi, còn “đứa con” của mình đang teo tóp trước cơn lốc đô thị hóa...

Ngổn ngang, loang lổ

"Từ cách đây hơn nửa thế kỷ, một người đàn bà vùng quê như mẹ Nghèng mà đã hiểu giá trị môi trường như thế thì đáng quý lắm. Vì vậy, cần thận trọng khi đánh đổi môi trường để lấy đô thị ồ ạt như hiện nay"

Ông Nguyễn Khắc Thái (tiến sĩ sử học, nguyên chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình)

Bây giờ rừng mẹ Nghèng từ đoạn giáp ranh với phường Hải Thành (vùng biển Nhật Lệ) ra đến giáp xã Nhân Trạch, với chiều dài hơn 3km, chỉ còn một dải hẹp ven bờ biển (nằm ở phía đông đường du lịch Đồng Hới - Nhân Trạch) là được giữ lại nguyên sơ như hồi mẹ còn sống. Còn rừng phía tây đường du lịch gần như đã được cắt cho xây dựng đô thị. Cánh rừng phi lao xanh rì ngày nào giờ loang lổ những mảng đất đỏ, những khu đất trống của các công trình đã được cấp đất và giao đất mà chưa thi công, chen lẫn những khu dân cư nhà cửa xây san sát.

Vụ chặt hạ cây ở rừng mẹ Nghèng đầu tiên diễn ra vào ngày 11-8-2003, trên diện tích 15,4ha. Hơn 5.000 cây phi lao đã bị chặt hạ để lấy đất cho khu tái định cư sân bay Đồng Hới. Lúc đó chủ tịch UBND xã Quang Phú là ông Nguyễn Văn Hờ đã không giấu nổi tiếc nuối: “Rừng mẹ Nghèng bị san ủi là rất đáng tiếc. Bởi những cánh rừng này gần như đã trở thành tài sản quý của người dân Quang Phú và của cả tỉnh Quảng Bình”.

Đến thời điểm hiện tại, theo ông Lê Bình Phú, cán bộ địa chính - xây dựng xã Quang Phú, có khoảng 20 dự án gồm nhà hàng, khách sạn, chợ, khu dân cư... đã được quy hoạch xây dựng trên diện tích rừng mẹ Nghèng. Trong đó, khu tái định cư cho dự án sân bay Đồng Hới gồm 100 hộ dân và nhiều khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng mọc dần lên từ năm 2003 đến nay đã thành một khu phố sầm uất.

Ông Phú cho biết toàn bộ diện tích rừng mẹ Nghèng khoảng 200ha, kéo dài khoảng 3km dọc bờ biển, nay chỉ còn khoảng 118ha. Trên bản đồ quy hoạch chi tiết, các dự án xây dựng nằm san sát, ít thấy các khoảnh rừng lớn xen kẽ giữa các công trình bêtông. Khoảnh rừng cây phi lao xanh tươi phía tây đường du lịch đã và đang nhường chỗ cho nhà nghỉ, khách sạn mọc lên.

Cây xanh nhiều sẽ... heo hút (?!)

Ông Nguyễn Văn Bảy, trưởng phòng tổng hợp Chi cục Bảo vệ môi trường Quảng Bình, cho rằng để đáp ứng nhu cầu xây dựng đô thị thì phải lấy bớt diện tích rừng, vấn đề là phải tính toán thật chặt chẽ: lấy đất rừng bao nhiêu, cách bờ biển bao nhiêu và để rừng xen kẽ ở giữa thế nào... Nếu không tính kỹ điều này sẽ phải trả giá rất đắt cho môi trường trong tương lai. “Quy hoạch chi tiết đô thị trên diện tích rừng ở Quang Phú đã làm cách đây 11 năm, khi chưa có vấn đề biến đổi khí hậu. Vì vậy, cần xem xét lại quy hoạch và nếu cần thiết phải điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện mới” - ông Bảy nói.

Còn ông Trần Hữu Phước, hạt trưởng Hạt Kiểm lâm TP Đồng Hới, cho rằng không nên dồn đất xây dựng về phía biển mà dồn lên đất đồi phía tây Đồng Hới, như thế sẽ giữ được những cánh rừng phòng hộ ven biển.

Ngậm ngùi khi nhìn khu rừng bị xẻ thịt, ông Hoàng Bá Ngôn, con rể và cũng là người tham gia chăm sóc rừng mẹ Nghèng, đề nghị đối với những khu vực không quy hoạch xây dựng đô thị thì phải bảo vệ chặt chẽ rừng cây, chống lấn chiếm đất rừng làm hàng quán như đã xảy ra trước đó ở khu vực bảy nhà hàng ven biển, làm mất cả chục ngàn mét vuông rừng. “Trước đây, mẹ chúng tôi và bà con ở xã, trong đó có cả vợ tôi, đã phải gánh từng gánh nước lội trên đồi cát nắng đến cháy da thịt để tưới cây, khổ cực vậy mới có được rừng cây xanh tốt như bây chừ. Nếu rừng bị phá hết thì đau cho mẹ lắm!”.

Trả lời việc này, ông Lê Anh Đức, trưởng phòng kiến trúc - quy hoạch Sở Xây dựng Quảng Bình, nói việc phát triển đô thị ở xã Quang Phú là phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế, dân cư. Nếu chỉ để rừng xanh cho môi trường thì đô thị không phát triển được, hơn nữa đã có vùng rừng cây phía đông đường du lịch vẫn được giữ nghiêm ngặt.

Theo ông Đức, khi quy hoạch xây dựng trên đất rừng xã Quang Phú và khu vực rừng mẹ Nghèng, đã tính toán đến tác động môi trường. Thế nhưng, thời điểm đó do chưa có vấn đề biến đổi khí hậu nên quy hoạch chỉ đặt mục tiêu phát triển đô thị. Tuy nhiên, vấn đề biến đổi khí hậu nếu có tác động đến vùng ven biển Quang Phú thì cũng là rất nhỏ trong toàn bộ diện tích của TP Đồng Hới. Vì vậy, không cần phải điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng này. Từ nay về sau, trên vùng đất rừng này sẽ không phát triển thêm các công trình xây dựng, đô thị. Về ý kiến cần xen kẽ các mảng rừng xanh trong khu đô thị, ông Đức cho rằng đô thị thì cần có sự tấp nập, nếu để cây xanh xen kẽ nhiều quá trông sẽ heo hút.

6eCq7CCD.jpgPhóng to
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm mẹ Nghèng sau khi mẹ được Nhà nước phong tặng Anh hùng lao động - Ảnh: Cao Trường Sơn

“Tôi rất muốn được làm một người trồng rừng”

Trân trọng công sức trồng rừng của bà Phạm Thị Nghèng, trong một lần về thăm quê Quảng Bình, đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tới thăm bà Nghèng. Đại tướng rất xúc động nói với bà con trong xã Quang Phú rằng: “Nếu không có những cuộc chiến tranh liên miên trên đất nước ta và không trở thành một vị tướng cầm quân, tôi rất muốn được làm một người trồng rừng chống cát cho quê hương mình như bà Nghèng đây”.

U7nEQhvC.jpgPhóng to
Bài báo về mẹ Nghèng và khu rừng huyền thoại trên Tuổi Trẻ Chủ Nhật ngày 11-7-1999

Người mẹ anh hùng

Mẹ Phạm Thị Nghèng qua đời ngày 27-10-2002, hưởng thọ 74 tuổi. Ròng rã 45 năm, mẹ Nghèng đã trồng được gần 200ha rừng phi lao chắn cát trên vùng cát Quang Phú, Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Năm 2000, mẹ được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động, được Chủ tịch nước gửi thư khen, Bộ Tài nguyên - môi trường trao giải thưởng Môi trường VN năm 2002. Mẹ Nghèng cũng là người đầu tiên có sáng kiến dùng cành phi lao để ươm ra cây phi lao giống, thay vì chỉ ươm giống từ hạt.

LAM GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên