29/09/2012 08:25 GMT+7

Kiều bào ta nồng nhiệt hướng về biển Đông

MAI HƯƠNG
MAI HƯƠNG

TT - Chiều 28-9, Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ 2 diễn ra tại TP.HCM bế mạc. Buổi chiều mưa này đã rất nồng ấm khi các đại biểu đồng loạt đứng dậy vây kín quanh một nhân vật.

Nhiều người cố chen vào gần bên trong để xin được nắm tay, được khoác vai, được chụp chung một tấm hình làm kỷ niệm.

Cần chính sách sử dụng hiệu quả vốn đầu tư của kiều bào

yj7F7OQs.jpgPhóng to
Sau bài phát biểu về chủ quyền lãnh thổ và biển đảo, thiếu tướng Nguyễn Thanh Tuấn (cục trưởng Cục Tuyên huấn, Bộ Quốc phòng) được bà con Việt kiều vây quanh bày tỏ sự đồng tình và cùng chụp ảnh lưu niệm -Ảnh: T.T.D.

Người nhận được sự hâm mộ và tình cảm nồng hậu của đông đảo bà con Việt kiều không phải là một diễn viên hay ca sĩ, mà chính là Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Bộ Quốc phòng - thiếu tướng Nguyễn Thanh Tuấn. Rút khỏi hội trường vào giờ giải lao, ông vội bước ra cổng để lên xe cho kịp giờ bay. Dòng người đi theo ông kéo dài đến tận cửa...

Cái gì đúng, bà con sẽ ủng hộ

“Trong chiến tranh, không phải vũ khí là yếu tố chiếm lĩnh. Kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, vũ khí của chúng ta lạc hậu hơn Pháp, hơn Mỹ rất nhiều nhưng chúng ta chiến thắng vì chúng ta có cách đánh, có nghệ thuật quân sự, có truyền thống yêu nước và giữ nước. Năm nay, ta tổ chức kỷ niệm 40 năm trận Điện Biên Phủ trên không - kỷ niệm sự kiện một nước nhỏ bé, nghèo nàn như Việt Nam lại có thể bắn rơi B52 của quân đội Hoa Kỳ. Tướng Nguyễn Chí Thanh từng viết: “Ta dám đánh Mỹ, biết đánh Mỹ và quyết thắng Mỹ. Nhờ dám đánh, biết đánh và quyết thắng mà cuối cùng chúng ta đã thắng. Bà con yên tâm, Đảng, Nhà nước, Chính phủ ta đã lường hết tất cả những tình huống có thể xảy ra và có biện pháp ứng phó từ đơn giản đến phức tạp nhất”.

Bài nói chuyện về công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo của thiếu tướng Nguyễn Thanh Tuấn liên tục bị ngắt quãng vì những tràng vỗ tay. Trong khuôn khổ hai ngày diễn ra hội nghị, có lẽ đó là bài nói chuyện được lắng nghe chăm chú nhất, nhận được nhiều tràng vỗ tay nhất và có nhiều phút lắng đọng nhất.

Chia sẻ trong giờ giải lao, ông xúc động: “Tôi cũng không nghĩ những thông tin mình mang đến hội nghị lại được bà con tiếp nhận nồng hậu như thế này. Càng thấy rõ một điều: cái gì đúng sẽ được bà con ủng hộ”.

Mong có thông tin rõ ràng hơn

Ngồi trầm ngâm phía cuối hội trường, ông Lê Văn Ninh, kiều bào Mỹ sống ở Texas, dùng hai chữ “xúc động” để nói về bài phát biểu của thiếu tướng Nguyễn Thanh Tuấn. Ông nói: “Nghe ông tướng nói, tôi mới hiểu rõ vấn đề. Tôi theo dõi vấn đề tranh chấp biển Đông và biên giới lâu lắm rồi. Thiệt tình từ trước đến nay, tôi chỉ ngầm đoán về những chủ trương của Đảng và Nhà nước. Vì một lý do nào đó mà quan điểm về vấn đề này chưa được nói rõ”.

Ông nói điều khiến ông tâm đắc nhất là khi biết được trong đàm phán về chủ quyền biển đảo, lãnh đạo Đảng và Nhà nước rất vững vàng, luôn đứng trên lập trường bảo vệ lợi ích quốc gia. Ông rất mừng, rất hãnh diện vì điều đó. “Từ xưa đến nay, tôi nghĩ Đảng luôn rất khôn khéo trong giải quyết mọi vấn đề. Nhưng vì không có thông tin ra ngoài nên người dân ở nước ngoài chưa hiểu rõ, khiến các thế lực xấu dễ dàng lợi dụng tung hỏa mù. Mong là mỗi khi có chính sách, đối sách quan trọng thì Đảng và Nhà nước sớm công bố cho dân chúng, kể cả đồng bào ở hải ngoại, biết để không có sự nghi ngờ hiểu lầm gì về vị thế vững chắc và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam”.

Còn anh Nguyễn Khánh Kinh, kiều bào Thụy Sĩ, chia sẻ: “Sống ở nước ngoài, đọc báo thấy tình hình biển Đông căng thẳng quá, mình lo lắm. Mà đọc báo chỉ biết thông tin vậy thôi chứ không hiểu rõ được nội tình, không hiểu được những gì mà Đảng và Nhà nước đang quan tâm lo lắng. Hôm nay nghe thiếu tướng nói thì mình yên tâm rồi. Yên tâm vì Đảng và Nhà nước vẫn luôn hiểu được truyền thống của dân tộc và đã có kế hoạch ứng phó. Đảng và Nhà nước quyết tâm làm những điều tốt đẹp nhất cho đất nước mình thì người dân lúc nào cũng ủng hộ”.

Anh Kinh cho biết anh càng mừng hơn khi biết được chủ trương của Đảng và Nhà nước là giải quyết tranh chấp trên tinh thần hòa hiếu. “Khi có chiến tranh thì người dân sẽ rất khổ. Ở Thụy Sĩ, một số thành phần xấu đã lợi dụng tình hình tranh chấp trên biển Đông để kích động với mục đích xấu. Tôi mong trong thời gian tới, những thông tin rõ ràng như thế này được công bố rộng rãi hơn, kịp thời hơn để kiều bào tuy ở xa nhưng vẫn nắm được tình hình đất nước”.

Là một người trẻ đang có nhiều dự án tâm huyết cho công tác tập hợp kiều bào, chị Lê Thúy Hạnh, giám đốc Công ty cổ phần Tiếp Thị Số, đỏ hoe đôi mắt khi nhìn thấy những tình cảm của bà con kiều bào dành cho biển đảo của Tổ quốc. Chị chia sẻ: “Nghe thiếu tướng nói xong, bà con ai cũng phấn khởi. Người này rủ người kia đóng góp chút gì cho Trường Sa. Với họ, Trường Sa luôn ở trong tim. Nhìn thấy như thế, tôi hiểu rằng chỉ cần có chung nguồn cội, con dân đất Việt dù có ăn đâu, ở đâu vẫn mãi nghĩ về, mãi lo toan và vun đắp cho đất mẹ Tổ quốc”.

Việt - Trung tiếp tục đàm phán trên biển

Đàm phán vòng 2 cấp chuyên viên Việt Nam - Trung Quốc về vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc bộ đã diễn ra trong hai ngày 26 và 27-9 tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 28-9 cho biết đàm phán diễn ra trong không khí hữu nghị, thẳng thắn và xây dựng.

Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, tại đàm phán, hai bên khẳng định quyết tâm cùng nỗ lực thúc đẩy đàm phán trên cơ sở các nguyên tắc đã được xác định trong “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc” ký tháng 10-2011, vững bước thúc đẩy phân định vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc bộ, đồng thời bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này. Hai bên nhất trí nguyên tắc chỉ đạo phân định vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc bộ căn cứ vào luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 và thực tiễn quốc tế liên quan. Đàm phán vòng 3 sẽ diễn ra nửa đầu năm 2013 tại Việt Nam.

H.GIANG

Rộng đường cho kiều bào đầu tư về nước

Cũng tại hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần 2, nhiều ý kiến của kiều bào nêu lên những giải pháp để khơi thông nguồn vốn và phát huy hiệu quả các khoản đầu tư của kiều bào về trong nước.

Các đại biểu cho rằng với hàng ngàn doanh nghiệp của hơn 3,5 triệu kiều bào trải khắp thế giới là một nguồn tài nguyên lớn cho sự phát triển của kinh tế VN. Tuy nhiên, việc khai thác nguồn tài nguyên quý giá này đang còn nhiều rào cản.

Ông Nguyễn Hoài Bắc, kiều bào tại Canada, chủ tịch HĐQT Trường trung cấp nghề VN - Canada, cho rằng chính sách thu hút sự đóng góp của kiều bào tại VN còn thiếu nhất quán nên dễ làm các nhà đầu tư mất niềm tin. Ví dụ như cách tính thuế, điều kiện mua nhà... chưa có những quy định thật sự bền vững và mang tính chất khuyến khích kiều bào.

Ông Trần Trung Kiên, Trung tâm Dịch vụ và hợp tác với người VN ở nước ngoài TP.HCM, phân tích tuy về chủ trương VN khuyến khích và ưu tiên cho kiều bào đầu tư về nước, nhưng ở góc độ pháp luật điều này chưa được thể hiện rõ. Trước đây, chính sách dành cho nhà đầu tư Việt kiều rất thông thoáng, kiều bào khi đầu tư về nước được lựa chọn là nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy khi đó lượng kiều bào đầu tư về nước tăng rất cao, thống kê từ năm 2004-2007 trung bình mỗi năm 200-500 doanh nghiệp có vốn đóng góp của kiều bào được thành lập tại TP.HCM. Tuy nhiên, khi các văn bản hướng dẫn Luật đầu tư được ban hành lại quy định kiều bào đầu tư về nước áp dụng chính sách như với nhà đầu tư nước ngoài. Điều này khiến thủ tục, thời gian đầu tư đối với kiều bào bị phức tạp và kéo dài hơn.

Ông Hoàng Xuân Bình, phó chủ tịch Hội doanh nghiệp VN tại Ba Lan, nêu giải pháp các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp của kiều bào tại nước ngoài cần kết nối với nhau. Ví dụ các tập đoàn, công ty lớn trong nước có thể chuyển giao thương hiệu cho các doanh nghiệp nhỏ của kiều bào tại nước ngoài. Khi đó, hàng triệu cơ sở kinh doanh của kiều bào sẽ là mạng lưới tốt để đưa hàng hóa VN ra thế giới và chính các sản phẩm đó sẽ giúp các doanh nghiệp kiều bào tham gia chuỗi giá trị của hàng hóa VN.

Một giải pháp khác cũng được ông Bình đưa ra là VN cần sớm hình thành một khu giới thiệu sản phẩm xuất nhập khẩu toàn quốc. Đề xuất này xuất phát từ thực tế nhiều kiều bào khi về nước tìm kiếm cơ hội làm ăn phải tốn kém rất nhiều công thu gom hàng do các mặt hàng trong nước được phân bố rất lẻ tẻ. Mặt khác, Nhà nước cần tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi cho kiều bào.

Ông Bình lấy ví dụ một chuyến hàng xuất khẩu từ VN sang châu Âu phải mất khoảng 30 ngày vận chuyển. Theo thông lệ quốc tế, người mua hàng có thể chỉ phải trả trước 20% tiền mặt, phần còn lại có thể chuyển khoản khi nhận được hàng. Tuy nhiên, thói quen dùng tiền mặt trong nước khiến nhà đầu tư Việt kiều phải khổ sở tìm kiếm nguồn vốn và chịu lãi suất 80% giá trị món hàng trong 30 ngày chờ vận chuyển hàng.

Một nội dung cũng được rất nhiều kiều bào quan tâm là chất lượng nguồn nhân lực trong nước. Với ưu thế là dân số trẻ, nhưng VN chưa có nhiều những người thợ lành nghề để tạo ra những sản phẩm độc đáo mang thương hiệu VN. Ông Nguyễn Hoài Bắc cho rằng VN cần phải phân định rõ ràng trong chiến lược đào tạo, vừa có những người kế thừa đội ngũ trí thức, nhưng cũng phải đào tạo được những người thợ giỏi để phục vụ nhu cầu phát triển của nền kinh tế.

Ông Quách Ngọc Tuấn, phó vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Kế hoạch - đầu tư, ghi nhận phản ảnh của bà con kiều bào về những bất cập và sẽ chuyển tới các cơ quan hữu quan để nghiên cứu sửa đổi chính sách cho phù hợp. Trong đó có những việc có thể làm ngay như sửa đổi nghị định hướng dẫn thực hiện Luật đầu tư theo hướng “mềm” theo Luật quốc tịch. Khi đó, kiều bào có hai quốc tịch khi đầu tư về nước sẽ được áp dụng chính sách như với các nhà đầu tư trong nước.

MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên