10/09/2012 10:20 GMT+7

"Tôi cần 10 năm"

Ông Dương Quang Thiện
Ông Dương Quang Thiện

TT - 75 tuổi, đã qua mốc hưu trí những 15 năm, là tuổi của nghỉ ngơi vui cùng con cháu, an nhàn uống trà đọc sách, nhất là với một người đã làm việc thật nhiều, cống hiến thật nhiều cho khoa học, cho xã hội như ông Dương Quang Thiện.

eLU1CQKG.jpgPhóng to
Ảnh: Tự Trung

Ấy vậy mà không, những ngày ở tuổi 75 này ông lại đang vùi mình vào một dự án lớn, lớn nhất cho cả đời mình: “Viện đào tạo quản trị bằng công nghệ thông tin (CNTT) là ước nguyện của tôi và bà đầm (vợ ông người Pháp - PV), ở đó CNTT sẽ được dạy ở trình độ cao hơn và căn bản hơn là việc viết phần mềm. Mọi việc trong xã hội từ hành chính tới y tế, giáo dục, sản xuất phải được quản trị bằng hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất, khi đó mọi việc sẽ nhanh chóng, rõ ràng, minh bạch hơn, xã hội cũng vì thế mà tốt đẹp hơn. Tôi đang viết dự án, biên soạn những gì sinh viên cần được học. Về vật chất cũng đã chuẩn bị được căn bản: là gia sản của tôi và bà đầm, cộng với số tiền bán căn biệt thự này...”.

Ông trình bày rành rẽ từng bước đi của lộ trình trước vẻ mặt bất ngờ của khách đến thăm, những người vốn chỉ dự định đến hỏi thăm sức khỏe và hơn nữa, an ủi ông trước một mất mát lớn trong đời.

Giấc mơ một đời

"Chúng tôi cần khoảng năm năm để xây dựng dự án và chừng mười năm đào tạo như thế, các chuyên viên này sẽ liên kết lại tạo ra một xã hội điện tử..."

Những ngày sau đó, hộp thư điện tử của tôi luôn xuất hiện những lá thư mang tên Dương Quang Thiện: thư ngỏ mời cộng sự, đề nghị thành lập lại nhóm SAMIS đã một thời lừng lẫy với các sách và dự án CNTT của ông, lộ trình dự kiến, những ý kiến phản hồi từ các thành viên, bài báo ghi lại ý kiến của Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân “Thiếu tổng công trình sư cho các đại dự án CNTT” trong diễn đàn cấp cao CNTT...

Hào hứng và chắc chắn, dự án viện quản trị cứ tiến từng bước một. Những người đầu tiên tình nguyện đầu quân không phải ai xa lạ: là Đào Thị Hằng, cô học trò giỏi toán và đầy ước mơ của chương trình Vì ngày mai phát triển năm nào, nay đang làm luận án thạc sĩ tại Pháp; là Nguyễn Thanh Liêm, Lê Nguyễn Minh Quang, Lê Thị Thanh Mai... - những “anh hai, chị hai” của đại gia đình Vì ngày mai phát triển. Và mọi người cùng bảo: “Chúng tôi đang chờ thêm những người giỏi hơn chúng tôi nữa”.

Nhiệt tâm có thừa và lo ngại, ưu tư cũng không ít. Lo ngại vì mong muốn và mục đích của ông quá lớn, quá lớn so với mặt bằng giáo dục đại học đang gặp không ít vấn nạn hiện nay. Ưu tư vì tuổi ông đã cao và người kế tục biết đã kịp đủ tài, đủ tâm, đủ lực? Cả lo lắng nữa vì đã hơn một lần ông gặp phải người nuốt lời làm tiêu tan bao tâm sức, công của đầu tư... Nhưng những suy tính có thể làm chùn chân ấy hình như chỉ là của riêng những người xung quanh, còn ông Dương Quang Thiện vẫn ung dung mỗi ngày với những bước tiến mới của dự án, thỉnh thoảng lại gửi đi một bài báo nhỏ với những chứng minh đầy thuyết phục của một xã hội điện tử, quản trị hệ thống, như là việc tất yếu mình phải làm.

Như là cỏ vẫn xanh rờn trong sân nhà ông vậy.

Lần tìm trong những chồng báo lưu ố vàng, chợt phát hiện những bài báo mang tên Dương Quang Thiện hừng hực nhiệt huyết với việc đầu tư có hệ thống cho giáo dục, chống chảy máu chất xám, lập lại trật tự xã hội bằng quản trị hệ thống, lập cơ sở dữ liệu điện tử toàn quốc... từ những năm đầu thập niên 1970, khi đất nước còn đang ngập chìm trong chiến tranh, bom đạn. Những bài báo khi ấy đã được nhiều người ủng hộ và cũng không ít người chỉ trích cho là viễn mơ. Quả là viễn mơ thật khi so sánh với bối cảnh Việt Nam lúc ấy, người người chỉ có một giấc mơ: im tiếng súng, hòa bình.

“Ước mơ về một xã hội hiện đại, văn minh, phát triển của tôi đương nhiên chỉ có thể song hành với hòa bình. Và tôi đã mang theo nó khi lên máy bay du học rồi lại lên máy bay về nước” - ông Dương Quang Thiện nói về chàng thanh niên Dương Quang Thiện như là chàng trai ấy đang hiện diện trước mặt mình, như là không có khoảng cách nửa thế kỷ đã trôi qua.

Chàng trai ấy từng mang nặng mặc cảm khuyết tật và nghèo khó đến trường, để rồi lấy lại được sự tự tin nhờ lời động viên và sự giúp đỡ âm thầm của một thầy giáo. Chàng trai ấy lên đường du học bằng cả gia tài của mẹ chỉ đủ mua một tấm vé máy bay và lời dặn: Phải thành công, phải trở về và không được lấy vợ đầm. Chàng đã thành công, đã trở về, mang theo cả một cô đầm tình nguyện làm một người vợ Việt Nam và mang theo một ước mơ: xây dựng xã hội điện tử ở Việt Nam, bắt đầu từ việc đào móng. Từ ấy đến nay đã gần 50 năm.

Những mầm xanh

“Chúng tôi sẽ có nhiều cấp độ đào tạo: cao đẳng, đại học, sau đại học, sẽ liên kết với một số viện quản trị, đại học nước ngoài để mời giảng viên thỉnh giảng hoặc đào tạo từ xa. Chúng tôi không đào tạo kỹ sư CNTT mà là những kỹ sư, chuyên viên có thể sử dụng CNTT như một công cụ quản trị, xây dựng hệ thống thông tin trong chuyên môn của mình, là sản xuất, là quản lý hành chính, kinh tế, y tế, giáo dục. Cần khoảng năm năm để xây dựng dự án và chừng mười năm đào tạo như thế, các chuyên viên này sẽ liên kết lại tạo ra một xã hội điện tử...” - ông Dương Quang Thiện thản nhiên tính toán và tự tin với dự án của mình hơn bao giờ hết.

“Và ông sẽ bán cả căn nhà này sao?”. Ông cười xòa: “Tôi có một mình, ở đâu lại không được. Viện quản trị thành lập sẽ xây dựng cả ký túc xá cho sinh viên và cả nhà cho các giáo sư thỉnh giảng. Tôi vô đó ở luôn càng tốt”.

Ông Dương Quang Thiện đã sẵn sàng, chỉ chờ các cộng sự nữa là khởi động. Ông cười nhẹ tênh vậy mà khách chỉ đến thăm thôi lại nghe tiếc ngẩn ngơ. Dễ gì tìm được căn biệt thự tươi tắn màu hoa cỏ, yên tĩnh đến thế giữa thành phố này. Mà căn nhà xây theo kiến trúc gôtich vừa cổ điển vừa hiện đại lại do đích thân bà đầm thiết kế, thấm đẫm bao kỷ niệm, chứng kiến bao vui buồn của ông bà.

“Vừa dốc hết tiền xây xong nhà thì ngày 30-4-1975 tới, bà đầm gật đầu khi tôi đề nghị ở lại, rồi bà bắt đầu những ngày tập ăn bo bo” - ông lại cười, mắt lấp lánh hình bóng bà đầm. Từng món đồ đạc trong nhà cũng mang màu thời gian như thế, bao nhiêu chăm chút giữ gìn của bà đầm để tiết kiệm tiền đầu tư cho các chương trình “lấy giáo dục nuôi giáo dục”. Nếu mai đây mọc lên một tòa cao ốc thì còn đâu mảng cỏ xanh, còn đâu dấu bà đầm... Nhìn thấy ánh mắt ấy, ông lại cười xòa, phẩy tay: “Giữ nó thì viện quản trị sao thành lập được, đã có người đến xem và trả giá rồi”.

Ừ thì cỏ xanh trong khoảnh sân này sẽ phải nhường chỗ cho những mầm xanh hơn mà ông sẽ ươm ở viện quản trị vậy.

Dịch vài bài báo gửi cộng sự

Những ngày này, ngoài thời gian xây dựng dự án, ông lại “chiết” một ít phút dịch vài bài báo trên các tờ báo Pháp mà ông đọc hằng ngày, gửi thư cho cộng sự. “Ai muốn dữ liệu cá nhân của bạn?”, “Xí nghiệp tự quản”, “Hiện tượng di dời cơ sở sản xuất”, “Con đường của khủng hoảng kinh tế”... những bài báo cung cấp thêm góc nhìn, thêm kiến thức và quan trọng hơn nữa, thêm nhiệt tâm. Nhiệt tâm đã được nuôi dưỡng từ suốt một đời ông Dương Quang Thiện và giờ đây được truyền sang các cộng sự trẻ của ông.

Ông Dương Quang Thiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên