28/08/2012 09:50 GMT+7

Chính trường rối ren, Putin xuất hiện

NGỌC TRÍ
NGỌC TRÍ

TT - Sau khi thực hiện chiến dịch giúp Boris Yeltsin tái đắc cử tổng thống năm 1996 (có sự hỗ trợ của trùm tài phiệt George Soros), thanh thế các ông trùm không còn là chuyện rỉ tai hậu trường. Họ đã công khai trở thành nhóm doanh nhân có tiếng nói nặng ký trong Kremlin.

Kỳ 1: Mảnh đất màu mỡ cho thế lực ngầm Kỳ 2: “Câu lạc bộ Đồi Chim Sẻ” Kỳ 3: Khi nhóm lợi ích ra tay!

QTGV9c7u.jpgPhóng to
Chánh công tố Yuri Skuratov (thứ hai từ phải sang), người chủ trì cuộc điều tra tham nhũng ở điện Kremlin liên quan đến các nhóm lợi ích, đã bị gài bẫy, bị áp lực để ngưng cuộc điều tra - Ảnh: RIA Novosti

Loạn “bố già”, chính trường rối ren

Tất cả họ đều thành công và người thành công nhất là Mikhail Khodorkovsky. Sau khi giành được Công ty dầu Yukos, Khodorkovsky liên tục mở rộng liên kết nước ngoài và trong những năm đầu sự nghiệp ngân hàng (Menatep), Khodorkovsky cũng đã xây mạng tài chính khổng lồ với chi nhánh tại Thụy Sĩ, Gibraltar, Caribê và vô số địa điểm bí mật khác, nơi mà hàng trăm triệu đôla có thể giấu dễ dàng.

Một trong những nơi như vậy là Jurby Lake Ltd, đặt tại thiên đường trốn thuế Isle of Man (thuộc Vương quốc Anh). Trong thực tế, việc lập tài khoản hải ngoại để phân tán tài chính là phương pháp được áp dụng phổ biến tại nước Nga thời ăn xổi ở thì, trong bối cảnh kinh tế bất ổn giai đoạn Boris Yeltsin. Hàng ngàn doanh nghiệp Nga đều làm tương tự. Mỗi tháng, khoảng 2 tỉ USD đã tuồn khỏi nước Nga bằng đủ cách. Trong thập niên 1990, có thể có 100-150 tỉ USD đã bốc hơi khỏi Nga. Chẳng ai có thể ngăn được làn sóng chảy máu tiền tệ khi chính Ngân hàng Trung ương Nga cũng tuồn tiền mặt ra hải ngoại, thông qua một công ty bình phong cực nhỏ tên Công ty Quản lý tài chính (FIMACO) tại Jersey (cũng thuộc Vương quốc Anh). Vụ FIMACO đến nay chưa bao giờ được điều tra tường tận.

Bức tranh kinh tế ảm đạm đã tạo ra một khoảng trống quyền lực chính trị tại Kremlin. Tháng 9-1998, thị trưởng Matxcơva Yuri Luzhkov lần đầu tiên úp mở khả năng tranh cử tổng thống. Phía sau hậu trường, Vladimir Yevtushenkov - sếp nhóm Systema (quy tụ các doanh nhân “có sừng có mỏ” tại Matxcơva) - đã khuyến khích Luzhkov tham gia tranh cử. Yevtushenkov chính là kiến trúc sư ý tưởng thành lập Center TV, kênh truyền hình đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch đánh bóng Luzhkov. Có một tín hiệu nữa cho thấy Luzhkov thật sự nhắm vào ghế tổng thống: cho ra đời đảng Otechestvo (Đất tổ). Trong khi đó, uy tín Boris Yeltsin tiếp tục xuống dốc, cùng tình trạng sức khỏe ngày càng kém.

Các ông trùm, đặc biệt Boris Berezovsky, bắt đầu lo rằng nếu không “tạo vua” thay thế và nếu để Luzhkov tiến vào Kremlin thì thời của họ cũng tàn. Tuy nhiên, không chỉ Luzhkov, một nhân vật nữa cũng đang có vài tính toán lộ liễu cho sự nghiệp chính trị. Người đó là Thủ tướng Yevgeny Primakov. Là một chính khách già nua từ thời Liên Xô, Primakov, sau vài thành công ổn định chính sách tiền tệ, đã công khai chỉ trích sự thao túng chính trường của giới tài phiệt. Kẻ đầu tiên lọt vào tầm ngắm là Berezovsky. Tháng 2-1999, công tố viên và an ninh đã tấn công loạt công ty thuộc sở hữu Berezovsky, trong đó có trụ sở Công ty dầu Sibneft và Hãng hàng không Aeroflot. Tại Sibneft, người ta phát hiện nhiều thùng tài liệu của một công ty nhỏ tên Atoll chuyên lĩnh vực an ninh. Châm thêm dầu, tờ Moskovsky Komsomolets (thân tín Luzhkov) viết rằng Berezovsky đã dùng Atoll để do thám gia đình Yeltsin, trong đó có con gái Yeltsin (Dyachenko)...

Dường như chưa đủ rối, lại xảy ra vụ chánh công tố Yuri Skuratov, lúc đó đang tiến hành chiến dịch điều tra tham nhũng nội bộ Kremlin. Dù được đánh giá là quyết đoán trong hành xử công việc, Skuratov lại có một điểm yếu chết người: ham gái. Skuratov bị gài dính vào một số ả giang hồ, bị quay trộm và những cuộn băng chứng cớ đã được dùng làm công cụ uy hiếp. Vào ngày Công ty dầu Sibneft bị lục soát, Yeltsin đã yêu cầu Skuratov ngưng chiến dịch điều tra. Để gây sức ép, bản sao cuộn băng thậm chí được gửi cho một đài truyền hình.

Cơn gió lạnh đã bắt đầu thổi xào xạc với những tín hiệu chẳng lành vào giữa năm 2003 và trở nên lạnh buốt vào ngày 2-7-2003, khi Platon Lebedev - đối tác làm ăn của Khodorkovsky (từng ngồi ghế CEO Tập đoàn Ngân hàng Menatep) - bị bắt. Vài tuần sau, tay giám đốc an ninh của Tập đoàn Yukos (cựu sĩ quan KGB) cũng bị thộp.

Lúc đó, một tùy viên thân tín đã soạn ra một “toa thuốc” cho Khodorkovsky, trong đó liệt kê những điều nên làm để tránh bị bắt. Một số người thân cận cũng khuyên Khodorkovsky trốn ra nước ngoài. Tuy nhiên, đương sự bỏ ngoài tai vì vẫn tin vào thế lực của mình... Thế rồi đột ngột tinh mơ ngày 25-10, nước Nga thức dậy với bản tin gây rúng động: ông trùm Khodorkovsky vừa bị lực lượng an ninh đặc nhiệm Nga bắt tại phi trường Novosibirsk (Siberia) lúc 5g sáng. (Vanity Fair, 4-2012).

Trong nỗ lực cứu vãn thanh danh, Skuratov bất ngờ ngửa bài khi công bố chi tiết hồ sơ điều tra dang dở. Vụ Skuratov, cuộc đột kích Công ty Berezovsky, sự kiện đồng rup mất giá, vụ tuyên bố tống khứ tài phiệt khỏi Kremlin của Primakov và chiến dịch tranh cử Luzhkov đều xảy ra gần như cùng lúc và đã tạo một không khí hỗn loạn chưa từng có. Ngày 5-4-1999, văn phòng công tố đưa lệnh bắt Berezovsky, tội tư túi trong hoạt động kinh doanh Aeroflot. Cùng lúc, Skuratov dọa tung thêm vài bí mật động trời nữa. Và rồi, tháng 5-1999, Yeltsin bất ngờ sa thải Primakov, thay bằng Sergei Stepashin rồi ngày 10-8-1999, Stepashin cũng bị phế.

Ngồi vào chiếc ghế thủ tướng Nga là một con người quyết lập lại trật tự: Vladimir Putin...

Sự thịnh nộ của Boris Yeltsin kết thúc bằng một đoạn kết bất ngờ. Đêm 31-12-1999, trên truyền hình, Boris Yeltsin tuyên bố từ chức và giao ghế tổng thống cho Vladimir Putin. Diễn văn truyền hình Yeltsin đầy những than thở: “Nhiều hi vọng của chúng ta đã không thành hiện thực” và “mong rằng công chúng Nga hãy tha thứ...”. Còn các ông trùm, những đứa con của chính sách tư bản hóa vô chính phủ thời Yeltsin, bắt đầu phải chọn con đường riêng...

Ngay khi tiếp nhận ghế tổng thống, năm 2000 Vladimir Putin đã gửi đến các bố già một thông điệp ngắn gọn: 1/ Các ông trùm tài phiệt kể từ nay không được tham gia và thao túng chính trường; 2/ Họ sẽ không được hưởng quyền bất khả xâm phạm và bất cứ ai cũng có thể bị điều tra; 3/ Thuế má và luật kinh doanh phải được tuân thủ nghiêm chỉnh.

Và cú ra đòn quyết liệt nhất là ra lệnh bắt giữ Mikhail Khodorkovsky (ngày 25-10-2003) với loạt tội danh liên quan trốn thuế và biển thủ (đương sự bị xử 9 năm tù vào tháng 5-2005; tháng 12-2010, khi vẫn còn trong tù, Khodorkovsky bị xử thêm tội biển thủ và rửa tiền, khiến bản án bị kéo dài thêm đến năm 2017).

Với những người khác thì thế nào? Anatoly Chubais, một trong những kiến trúc sư chính sách kinh tế “big bang”, không còn xuất hiện trên trung tâm khán đài. Phần mình, sau chiến dịch tranh cử tổng thống thất bại, Yuri Luzhkov trở lại ghế thị trưởng Matxcơva nhưng không còn trở thành nhân vật gây sự chú ý của báo chí. Alexander Smolensky biến mất khỏi dòng thời sự. Có một lúc, Smolensky thành lập một ngân hàng nhưng sau đó phải bán lại. Vladimir Gusinsky còn cầm cự được thêm ít lâu. Bán cổ phần còn lại trong NTV cho Gazprom với giá 50 triệu USD, Gusinsky ôm tiền ra nước ngoài và hiện sống ở New York (có cổ phần trong tờ báo Israel Maariv và một kênh truyền hình vệ tinh tiếng Nga hoạt động tại New York).

Cuối cùng, nhân vật nổi nhất, Boris Berezovsky, phải trốn sang Anh (được chính thức hưởng quy chế tỵ nạn chính trị vào tháng 9-2003) và sẽ chẳng bao giờ có khả năng quay lại Nga để lập cỗ máy chính trị lật đổ Putin như từng tuyên bố...

__________________

Vì sao các nhóm lợi ích có thể hình thành và thâu tóm của cải nước Nga? Hãy xem trường hợp Khodorkovsky - từ một phó bí thư Đoàn đến trùm tài phiệt nước Nga.

Kỳ tới: “Con đường thâu tóm” của một đại gia

NGỌC TRÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên