13/08/2012 11:47 GMT+7

Ra khơi nơi địa đầu Tổ quốc

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - Vốc tặng tôi nắm cát nơi địa đầu đất nước để gửi về phương Nam, các ngư dân Trà Cổ (Quảng Ninh) lại dong thuyền ra biển với nhắn nhủ: “Nếu trả nắm cát này về với đất, hãy thay chúng tôi rải ở mũi Cà Mau nhé”.

rtwIGoXm.jpgPhóng to
Dù nghề biển bây giờ vất vả, thất bát nhưng vợ chồng anh Lộc vẫn không rời biển - Ảnh: Quốc Việt

Bình minh ngày mới đã tỏa sáng trên điểm đầu tiên của bản đồ đất nước hình chữ S.

Đó là bãi biển Trà Cổ nơi tôi đang đứng có đài bia linh thiêng hình búp sen đắp nổi dòng chữ “Mũi Sa Vĩ, Trà Cổ, Móng Cái, địa đầu Tổ quốc” và câu thơ Tố Hữu Từ Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước.

Làng chài sáu thế kỷ

Cách đây 12 năm, lần đầu tiên ngược lên Trà Cổ, TP Móng Cái, Quảng Ninh, tôi cũng có một buổi sáng chia tay ngư dân trên bãi biển địa đầu đất nước. Mùa hè này, tôi lại trở về đây. Vẫn những ngư dân cũ, vẫn những gương mặt rắn rỏi, chai sạm nắng gió dù rằng người nhớ, người quên. Lão ngư Bùi Văn Doãn, 73 tuổi, nhận ra gương mặt của người bạn trẻ đến từ phương Nam đã từng hỏi chuyện ông năm nào, nhưng không thể nào nhớ nổi tên.

Ông hàn huyên: “Mấy năm nay nhiều phen sóng gió nhưng bà con ngư dân Trà Cổ vẫn kiên cường trụ vững. Như tôi ngần tuổi này vẫn đi khơi đều đặn đấy”.

Ở làng chài Trà Cổ, ông Doãn đang là trụ cột cho lớp người đi biển trẻ. Họ chính là hậu duệ của hàng chục đời ngư dân đã đến mở đất, dựng làng như những người lính trấn giữ vùng biên thùy này. Ông Doãn kể cả trong các thư tịch cổ lẫn ký ức được truyền đời nhắc nhớ thì ngư dân Trà Cổ hiện nay chính là hậu duệ của những người đi biển tài ba đến từ bán đảo Đồ Sơn, Hải Phòng xưa.

Chuyện khởi từ cách đây khoảng sáu thế kỷ, một nhóm ngư dân Đồ Sơn gồm 12 gia đình đi đánh cá, gặp bão phải ghé vào đây. Lúc ấy, Trà Cổ còn là đầm bãi nước độc rừng thiêng, chưa có mấy người sinh sống. 12 gia đình ngư dân Đồ Sơn đã phân vân, bàn luận không biết nên về hay ở lại. Chính vì vậy, đến giờ đình làng vẫn lưu truyền các câu thơ được cho là tổ tiên của mình sáng tác: Ở đây ăn bổng lộc gì? Lộc sim thì chát, lộc si thì già. Và hai câu đối lại là: Ở đây vui thú non tiên. Tháng ngày tôm cá lấy tiền nuôi nhau.

Cuối cùng, sáu gia đình quay về, sáu gia đình ở lại khai hoang, mở làng mới, dần dần gầy dựng nên Trà Cổ ngày nay. Trên mảnh đất biên thùy, họ vừa là ngư dân vừa như là những người lính trấn thủ ở địa đầu đất nước. Là người từng lẫm chẫm theo ông nội, rồi sánh vai cùng cha ra khơi, ông Doãn tâm sự tổ tiên mình truyền kể đã qua hàng chục đời lập nghiệp ở đây nhưng chưa ai rời biển. Sóng gió đã thấm vào máu, vào cốt cách và cả giấc mơ tương lai của con cháu họ.

Thời xa xưa, ông được nghe ông mình kể lại rằng Trà Cổ vẫn còn rậm rịt và nghèo khổ lắm. Ngư dân quây quần với nhau trong những ngôi nhà đất, nhà sàn dưới bóng rừng. Tuy nhiên, họ lại nổi tiếng là những con người kiên cường. Thời cha ông họ xưa mưu sinh nghề biển bằng những cái mảng được kết lại với nhau từ tre nứa, nhưng họ đã dong buồm đi rất xa, đến tận các hòn đảo và xuôi xuống được cả vùng trong.

Cái khắc nghiệt của thiên tai, của nghèo khó không quật được họ, ngay cả bọn sơn lâm thảo khấu ở biên giới, giặc tàu ô cướp biển cũng không làm họ lùi bước. Ông Doãn nhớ những năm nóng bỏng cuối thập niên 1970, chỉ có người già, phụ nữ, trẻ em mới tạm lùi vào trong, còn trai tráng vẫn kiên cường bám trụ giữ làng. Khi bình yên vừa trở lại, làng chài lại nhanh chóng đông đúc như xưa.

Kiên cường trên đầu sóng

Dẫn tôi đi thăm bạn bè ngư dân ở làng chài, lão ngư Bùi Văn Doãn vui vẻ giới thiệu mười người con của mình. Ông có ba trai, bảy gái, nhưng tất cả đều bám biển. Ngay cả cô gái út Bùi Thị Hào có vẻ mảnh dẻ cũng từng có thâm niên cả chục năm trên đầu sóng ngọn gió.

Đã đặt chân qua nhiều làng chài trên các miền đất nước, điều đầu tiên tôi cảm nhận được ngay là sự khó khăn vốn liếng, tàu thuyền nhỏ lẻ vẫn còn hiện diện khá nhiều ở ngư dân Trà Cổ. Đến nay, một số ngư dân vẫn còn dùng những chiếc mảng tre để đi biển như cha ông họ năm xưa dù có sự thay đổi một chút là cánh buồm đã được thay thế bằng động cơ công suất nhỏ... Tuy nhiên, những ngày lang thang bên họ, lặng nhìn họ làm việc và lắng nghe tâm sự, tôi vẫn cảm nhận dòng máu can trường bám biển vẫn căng tràn trong những con người đời truyền đời làm ngư dân này.

Buổi sáng ở làng chài, tôi tình cờ đón chuyến đi biển của vợ chồng anh Nguyễn Văn Bảo về bờ. Người ngư dân này không trúng luồng cá, nhưng vẫn vui vẻ: “Thôi thì hôm kia bù hôm nay. Gia đình mình vẫn được ở làng quê tổ tiên, vẫn sống được bằng nghề cha ông truyền lại là quý lắm rồi”.

Đã bước sang tuổi 50, nhưng người đàn ông của biển này vẫn còn rắn rỏi, tiếng nói sang sảng rõ rọt. Anh nhiệt tình mời tôi về nhà nghe chuyện tổ tiên mình. Họ cũng chính là những người ngư dân từ Đồ Sơn phiêu bạt đến đây mở đất. Anh không cần học nghề biển, bởi từ nhỏ đã lênh đênh trên đầu sóng ngọn gió với cha ông. “Nhưng đàn ông ở đây thạo nghề biển là bình thường thôi. Chính các cô cũng chịu sóng gió giỏi lắm đấy”. '

Anh rót tách trà mời khách phương Nam và giới thiệu vợ mình. Chị Khổng Thị Vinh vẫn chưa kịp thay bộ quần áo đượm hơi muối mặn mặc từ biển về. Cũng như ông Doãn, các con anh Bảo lại bám biển cùng cha. Họ tin rằng được sống chết với nghề cha ông là niềm tự hào của người Trà Cổ.

Ở Trà Cổ, tôi còn được nghe biết bao chuyện hào khí và linh thiêng về những ngư dân can trường này. Trong những cơn sóng gió bất ngờ, có người đã đắm thuyền, vỡ mảng, trôi dạt qua tận Trung Quốc nhưng cuối cùng vẫn ôm tấm ván bơi về được quê hương mình. Họ có niềm tin rằng sẽ được hương hồn tổ tiên phù hộ nếu xứng đáng là người sống can trường ở nơi biên thùy Tổ quốc.

Buổi chiều, gặp ngư dân trẻ tuổi Bùi Văn Thắng đang lúi húi cạo hà bám trên vỏ thuyền, tôi đã nghe anh tâm sự từng phiêu bạt vào tận vùng biển Cà Mau, nhưng cuối cùng vẫn trở lại biển quê nhà. Trên đường rong ruổi, anh đã gặp mối lương duyên với một cô gái tận miệt đồng ruộng Tân Hưng, Long An. Người con gái quê cây tràm, cây lúa nước ngọt, theo chồng ngược ra miền biển xa xôi để rồi cũng trở thành cô ngư dân không kém gì phụ nữ địa phương.

Anh Thắng xúc động nói: “Cô ấy lạy bàn thờ nhà chồng, thưa chuyện thấy từ đời ông, đến đời cha, rồi anh em nhà chồng đều sinh sống bằng chiếc thuyền trên biển nên cũng xin học ra khơi. Tôi nói vất vả lắm đấy. Cô ấy cười nói để xem sao, thế mà cuối cùng cũng chịu sóng gió được”. Bây giờ thì trên sóng biển biên thùy này có cả mồ hôi của người miền Bắc lẫn người đến từ miền Nam.

Chia tay làng chài Trà Cổ, tôi trở lại phương Nam. Balô có nắm cát của bãi biển thiêng liêng địa đầu Tổ quốc mà các ngư dân đã nhắn nhủ tôi rải giúp xuống mũi Cà Mau. Tôi sẽ thực hiện ước nguyện này, vì Tổ quốc Việt Nam là một dải hình chữ S “từ Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước”.

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên