09/08/2012 10:07 GMT+7

Nghĩa trang online

SƠN LÂM - D.NGỌC HÀ
SƠN LÂM - D.NGỌC HÀ

TT - Tình cảm của con người ngày càng được gửi gắm nhiều hơn vào thế giới Internet. Để tưởng nhớ, để có thể giãi bày cảm xúc, để tìm được sự đồng cảm xung quanh và vơi bớt nỗi niềm khắc khoải với người đã khuất, những trang web chuyên dùng để lập mộ phần ngày càng thu hút đông đảo cộng đồng mạng.

dZEeU8rR.jpgPhóng to
“Mộ phần” trên nhomai.vn - Ảnh: S.L. (chụp lại)

Nghĩa trang đầu tiên trên mạng Việt

Trên thế giới, các nghĩa trang trên mạng đã được phát triển từ lâu. Khi Internet phá vỡ các giới hạn của không gian, một đứa con trai sống ở Úc có thể “viếng” mộ cha mình chỉ bằng cách bật máy tính lên, dù thân thể người cha đã được an táng ở Canada. Còn ở VN, diễn đàn nhomai.vn được xem là nghĩa trang online đầu tiên, do anh Nguyễn Anh Tú lập từ tháng 2-2008.

Hiện diễn đàn có gần 57.000 thành viên, với hơn 12.000 ngôi mộ được lập. Vốn “lợi thế” về diện tích đất so với nghĩa trang thật, nhomai.vn thoải mái sắp xếp những khu vực mộ phần riêng biệt khác nhau, từ khu vực nghĩa trang nghệ sĩ, nghĩa trang thiếu nhi, nghĩa trang liệt sĩ, các khu vực tôn giáo khác nhau... Đăng ký vào diễn đàn, các thành viên có thể chọn lựa nhiều “kiểu mộ” khác nhau để lập mộ, có cả nến thắp, hoa chưng, phần giãi bày tâm sự hằng ngày và chia sẻ, an ủi qua lại với nhau.

Có mộ phần để lựa chọn, có khói hương để thắp, có nến để chia sẻ... dẫu tất cả là hình ảnh nhưng chắc hẳn những ai đăng ký thành viên và lập mộ phần trên diễn đàn nhomai.vn đều gửi gắm rất nhiều tình cảm của mình. “Không như ở ngoài đời, những cuộc thăm viếng người đã khuất thường gần như là những cuộc mặc niệm, khi tôi thả cảm xúc của mình với người đã khuất công khai trên mạng, cái cảm giác được cả cộng đồng chia sẻ có lẽ là thứ quan trọng nhất” - chị Lan, một thành viên của nhomai.vn, tâm sự.

Lần đầu biết đến nghĩa trang online này vào tháng 1-2010, chị Lan đã bật khóc khi đọc được lời tâm sự của một thành viên trên diễn đàn với mộ phần dành cho cha. Chị Lan kể:“Ba tôi mất cách đó bốn tháng vì bệnh ung thư, những gửi gắm trải lòng của một thành viên đã làm cho nỗi nhớ, sự ân hận vì những lỗi lầm của mình đối với ba vỡ ra. Tôi đăng ký ngay và cũng lập một mộ phần cho ba mình, thay vì phải chờ đến tết mới về quê thăm mộ ba, tôi cảm giác như mình được gần với ba hơn mỗi khi truy cập vào diễn đàn...”.

Những “người đưa đò” qua nghĩa trang mạng

Trải qua những năm tháng chiến tranh dai dẳng ác liệt, việc đẩy lùi hậu quả chiến tranh từ trong tâm trí mỗi gia đình có một phần xương máu vùi theo bom đạn vẫn chưa bao giờ ngơi nghỉ. Nhiều người đã tự nguyện dành tất cả thời gian rảnh của mình để lập nên những trang web chứa toàn thông tin liệt sĩ. Đó có lẽ là hình thức ban đầu cho những nghĩa trang trên mạng ngày một “chuyên nghiệp” hơn ở Việt Nam.

...Mẹ mất trong loạt bom Mỹ rải xuống Hương Khê, Hà Tĩnh vào mùa hè đỏ lửa 1972. Người anh trai Nguyễn Đăng Khoa tham gia chiến dịch Mậu Thân rồi biệt tăm tin tức từ năm 1971, nỗi đau chiến tranh và hành trình tìm kiếm anh trai dai dẳng ba mươi lăm năm luôn ám ảnh thầy Nguyễn Sỹ Hồ (trưởng bộ môn toán Trường THPT Tân Bình, xã Tân Uyên, Bình Dương). Nức tiếng dạy giỏi toán một vùng, chưa bao giờ thầy Hồ nghĩ đến việc dạy thêm ngoài giờ, mà dành hết thời gian rảnh của mình cho hành trình đưa những hài cốt liệt sĩ về với gia đình.

Năm 2008, khi vừa gắn được Internet, thầy Hồ đã nghĩ ngay đến việc giúp những gia đình còn mất mát trong chiến tranh tìm lại một phần máu mủ. Những thông tin liệt sĩ thu thập được trong quá trình tìm anh trai, thầy Hồ tổng hợp tạo thành một nghĩa trang liệt sĩ trên mạng trong trang cá nhân http://teacherho.vnweblogs.com. Vào trang mạng cá nhân của thầy Hồ, thay vì phải vất vả thị sát từng ngôi mộ trong các nghĩa trang liệt sĩ rải rác khắp nơi, những người muốn tìm lại người thân của mình chỉ mất vài tiếng là tìm kiếm được hơn 120.000 bia mộ với địa chỉ, thông tin rõ ràng. Tất cả được sắp xếp khoa học theo từng tỉnh, nghĩa trang, đơn vị lúc hi sinh...

Đặt tên trang mạng cá nhân của mình là Người Đưa Đò, đến nay thầy giáo Hồ đã “đưa đò” hơn ngàn liệt sĩ về nhà sau bao năm nằm nơi xa lạ. Trong số đó có mười một gia đình ở xa đến được thầy giúp đỡ ăn ở, trực tiếp tham gia cải táng người thân về quê cũ. Hiện tại, có đến vài ngàn lượt truy cập vào trang Người Đưa Đò hằng ngày.

w5NIgv4J.jpgPhóng to

Giao diện trang web http://nghiatrangtruongson.quangtri.gov.vn với thiết kế 3D ở giữa - Ảnh: S.L. (chụp lại)

Tri ân và Trường Sơn 3D

Ngày 27-4-2012, một “nghĩa trang liệt sĩ trực tuyến” mới, với tên Tri Ân, đã chính thức hoạt động ở địa chỉ trian.go.vn, do Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC thực hiện. Với mục tiêu sẽ số hóa tất cả các nghĩa trang liệt sĩ trên toàn quốc, đến nay Tri Ân đã tạm thời cập nhật hơn 50.000 thông tin về mộ liệt sĩ ở hai tỉnh Quảng Trị và Nghệ An, và nhận được hơn 30.000 lượt truy cập sau hơn ba tháng hoạt động.

Anh Nguyễn Hoài Sơn, trưởng ban quản lý dự án “nghĩa trang liệt sĩ trực tuyến” Tri Ân, cho biết: “Hiện tại Tri Ân vẫn đang tiếp tục cập nhật thông tin từ nghĩa trang liệt sĩ các tỉnh khác, với mục tiêu chung trở thành một diễn đàn cho gia đình, người thân, đồng đội kết nối chia sẻ thông tin về các liệt sĩ, hỗ trợ các gia đình không có điều kiện đi lại tương tác với các ban quản lý nghĩa trang trên toàn quốc, cung cấp các văn bản pháp luật liên quan... nhằm tạo điều kiện để cộng đồng thể hiện tình cảm của mình với các liệt sĩ đã nằm xuống cho Tổ quốc”.

Trước đó, toàn bộ nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, tỉnh Quảng Trị cũng đã được chuyển tải hoàn toàn lên internet, với tên miền www.nghiatrangtruongson.quangtri.gov.vn. Đây có thể xem là nghĩa trang liệt sĩ trên mạng hoàn hảo nhất hiện nay. Trang web được thực hiện với kinh phí hơn 1,3 tỉ đồng, đây là món quà của TP.HCM tặng tỉnh Quảng Trị. Công trình này được Trung tâm Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) thuộc Sở Khoa học - công nghệ TP.HCM thực hiện suốt một năm, từ tháng 6-2010.

Đây cũng là lần đầu tiên tại VN áp dụng hệ thống GIS vào việc lập một trang web với hình ảnh 3D trên một diện tích rộng hơn 40ha. Để thực hiện, sáu thành viên của GIS phải mất hơn hai tháng đo vẽ bản đồ địa chính, tỉ lệ 1/500 toàn bộ khuôn viên của nghĩa trang. Từng ngôi mộ, từng phân khu, từng tượng đài, đền tưởng niệm đều được đo vẽ chi tiết để khớp với tỉ lệ thật. Hơn 14.400 tấm ảnh đã được chụp để dựng lại đoạn phim 3D tái hiện toàn bộ khung cảnh nghĩa trang.

Toàn bộ hình ảnh này sẽ chi tiết đến từng ngôi mộ, khóm hoa trong nghĩa trang, giúp những người thân liệt sĩ ở xa vẫn có thể mường tượng được không gian tận khu mộ các liệt sĩ đang yên nghỉ. Hơn 1.000 tấm ảnh được chụp để ghép lại tạo ra những tấm ảnh panorama, giúp người xem có thể xem khung cảnh nghĩa trang theo một góc 360 độ.

Trang web có thêm một ưu điểm nữa là chỉ cần nhập tên liệt sĩ thì tất cả thông tin cá nhân như: năm sinh, năm hi sinh, quê quán, đơn vị, vị trí phần mộ... kèm theo một sơ đồ hướng dẫn lối vào từ cổng sẽ hiện ra, giúp người thân dễ dàng tìm đến tận nơi và giúp thể hiện tên liệt sĩ theo từng nhóm quê quán, đơn vị của 10.257 liệt sĩ đang yên nghỉ tại nghĩa trang Trường Sơn.

_______________

__________________

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1:“Hái ra tiền” nhờ đất nghĩa trangKỳ 2: Gian nan tìm... huyệtKỳ 3:“Luật” ở nghĩa trangKỳ 4: Sống cùng bia mộ Kỳ 5:Nghĩa trang hạng sang

Kỳ tới: Dư dả nhờ... nghĩa trang

SƠN LÂM - D.NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên