Chuyển viện hai trẻ mắc bệnh hiểm nghèo qua máy bayRead this on Tuoitrenews.vn
Phóng to |
Bé My khi sinh nặng 3,5kg, giờ nặng 3,3kg với dị tật tim bẩm sinh phức tạp, và bé Quân nặng 9kg với cục bướu bạch huyết rất to ở vùng mặt và cổ, đều đã đi cấp cứu và nằm viện gần như liên tục từ lúc mới sinh. Chặng đường gian nan ấy có sự hi sinh của hai người mẹ và hai đại gia đình.
“Còn nước còn tát”
Trong phòng bệnh hai giường đơn, bốn ngày nay có bốn người lớn, bà và mẹ của Trà My từ Bình Phước, mẹ và bác của Hải Quân từ Lâm Đồng. Trà My đang ở phòng cách ly sau ca mổ ngày 20-7, còn Hải Quân vừa được trở lại buồng bệnh sau ba ngày ở phòng cách ly mà lúc nào cũng yên ắng lạ thường. Nổi bật trên cái nền yên ắng ấy là những tiếng khò khè liên tục, nghe như tiếng máy nào đó của bệnh viện lắp ở phòng này. Nhưng đó lại là tiếng thở của bé Hải Quân, với một cục bướu lớn trên mặt, khiến đầu bé lớn hơn hẳn bình thường, miệng bé luôn phải há ra để thở. Bé chưa biết nói mà chỉ im lặng thở mệt nhọc, khi bé được đỡ trên vai người bác tên Ý hoặc mẹ bé là chị Ngô Thị Yến.
Để có những ngày qua với bé My, bé Quân là sự hỗ trợ rất lớn của những người tốt khắp thế giới, là chặng đường hai giờ bay từ TP.HCM ra Hà Nội đã được tính toán kỹ với bốn bình oxy mang lên máy bay cùng hai bác sĩ đi theo hỗ trợ… Chặng đường trước mắt tuy còn dài lắm nhưng cũng đã có quyền hi vọng. |
Mãi đến Tết Nhâm Thìn vừa rồi, bé Quân mới lần đầu tiên được về nhà, nhưng chưa đầy một tháng lại phải quay vào viện. Trong chuỗi ngày căng thẳng ấy, chị Yến và chồng cứ tối ở viện với con, ngày về nhà bán quán hàng ăn nhỏ, mong sao có tiền cho con đi chữa bệnh. Từ sơ sinh bé Quân không thể tự ăn, ngủ phải nằm võng nghiêng một bên người để khỏi chạm vào khối u bên má còn lại, ngày phải bế vác trên vai để dễ thở…
Cùng phòng bệnh đặc biệt này là bé Trà My. Một tháng trước, khi con gái đầu lòng Trà My gần 1 tháng tuổi, chị Trần Mỹ Hạnh được các bác sĩ ở Bệnh viện Thánh Tâm Bình Phước báo cháu bị dị dạng tim bẩm sinh và chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM. “Ở Bệnh viện Nhi Đồng 1, các bác sĩ nói dị dạng của bé rất phức tạp, bé có thể mất ngay trên bàn mổ nên sau khi điều trị bớt viêm phổi, gia đình có thể đưa bé về. Trong tuần đầu tháng 6, cả gia đình chúng tôi rất khủng hoảng” - chị Hạnh tâm sự.
Nhưng rồi niềm tin “còn nước còn tát” khiến chị Hạnh trong vòng một tháng gửi thư tới khoảng… 50 tổ chức từ thiện trong và ngoài nước để tìm cách chữa bệnh cho con. “Ngày 10-7, chỉ một ngày trước khi đưa My đi mổ tim ở Ấn Độ nhờ hỗ trợ toàn phần của một tổ chức ở Úc, hãng hàng không chúng tôi chọn đã từ chối do lo ngại bất trắc trên đường đi. Nhờ bài báo trên Tuổi Trẻ, tôi biết anh Sam, đang làm việc cho tổ chức từ thiện ở Canada. Tôi đã gửi thư đi và nhận được hồi âm: hãy gửi hồ sơ bệnh án của bé Trà My cho chúng tôi”- chị Hạnh cho hay.
Từ anh Sam, chị Hạnh và gia đình được biết bác sĩ tim mạch nhi John Charles Loo, đang làm việc cho một bệnh viện ở Mỹ. Cũng như anh Sam, chị Hạnh chưa từng gặp bác sĩ Loo, nhưng sự nhiệt tình của bác sĩ khiến cả gia đình rất xúc động. “Anh Sam và bác sĩ Loo đã tìm được bệnh viện ở Anh nhận chữa, nhưng chi phí lên tới 70.000-80.000 bảng. Bệnh viện ở Thái Lan dự kiến chi phí 33.000 USD nhưng tham khảo ba gia đình bệnh nhân, họ nói phải chuẩn bị gấp đôi số đó. Tôi mới sinh đang thất nghiệp, ông xã làm ăn thất bại, tổ chức từ thiện thì đang trong thời gian quyên tiền. Trong lúc đó, anh Sam đã liên lạc với Bệnh viện Nhi T.Ư và được GS Nguyễn Thanh Liêm, giám đốc bệnh viện, nhận điều trị cho Trà My và Hải Quân. Chỉ trong hai ngày kể từ khi quyết định, hai gia đình chúng tôi đã đặt chân đến Hà Nội” - chị Hạnh chia sẻ.
Phóng to |
Bé Trà My đang được chăm sóc đặc biệt - Ảnh: Việt Dũng |
Hi vọng
GS Nguyễn Thanh Liêm cho biết bé Trà My đã tạm qua giai đoạn nguy hiểm nhất. Theo GS Liêm, khi nhận thông tin về trường hợp Trà My, bệnh viện đã tổ chức nhiều cuộc hội chẩn và đánh giá bé có cơ may. Ngay sau khi được chuyển đến Bệnh viện Nhi T.Ư, bé My đã được hội chẩn lại để đánh giá toàn diện sức khỏe, hầu hết ý kiến đều thống nhất không thể chờ đợi hơn nữa vì sức khỏe bé ngày càng kém.
Phương án mổ được chọn là mở dọc động mạch chủ cắt bỏ đoạn hẹp, cắt đôi động mạch phổi và nối động mạch phổi vào động mạch chủ, làm tăng đường kính động mạch chủ đảm bảo máu nuôi cơ thể, ngoài ra phải làm cầu nối nhỏ để dẫn máu từ động mạch chủ lên phổi. Theo ông Liêm, phẫu thuật sửa dị tật tim cho bé My là phẫu thuật phức tạp nhất trong các loại phẫu thuật tim bẩm sinh và mở ra một trang mới cho phẫu thuật dị tật tim ở VN.
Theo chị Yến, bé Hải Quân đã được tiêm thuốc và chờ ba tuần nữa để bác sĩ đánh giá khả năng phục hồi. GS Liêm cho hay Bệnh viện Nhi T.Ư đã điều trị 300 bệnh nhi bị u bạch huyết, tỉ lệ thành công rất cao với 80% trường hợp bướu xẹp đến mức độ không phải mổ, 20% còn lại kích thước bướu đã nhỏ hơn trước khi được can thiệp. Trường hợp bé Quân khó tiên liệu hơn vì bé đã được phẫu thuật hai lần. Vác con trai trên vai để bé dễ thở hơn, chị Yến quả quyết: “Vất vả mấy cũng được, chỉ mong con trai khỏi bệnh”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận