18/06/2012 10:34 GMT+7

Để ví dặm bay xa

VŨ TOÀN - NGỌC NGA
VŨ TOÀN - NGỌC NGA

TT - Nghệ sĩ ưu tú Trịnh Thị Hồng Lựu - phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ - là một trong những người “nóng gan, nóng ruột” mỗi khi nghĩ tới đường đi xa của dân ca ví dặm.

Bà tâm sự: “Dân ca đang bị khuất chìm ngay trên những miền quê đã sinh ra nó”.

Kỳ 1: Những câu hát phường vải, đò đưa Kỳ 2: Nghệ nhân làng Kỳ 3: Giữ gìn câu hát ngày xưa

CI0LyuJc.jpgPhóng to
Nghệ sĩ ưu tú Hồng Lựu, phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ - Ảnh: NGỌC NGA

Nỗ lực bảo tồn ví dặm

“Những lần đi biểu diễn và sau đó nhiều chuyến đi thực tế trong dân, tôi càng thấu được khát vọng của người dân về hát dân ca - bà Trịnh Thị Hồng Lựu nói tiếp - Rõ ràng dân ca là món ăn tinh thần đặc biệt của người dân miền quê này. Nhiều lúc đoàn dân ca gặp khó khăn, không ít người nản lòng nhưng có một điều may mắn là người dân Nghệ - Tĩnh chưa bao giờ quay lưng với những lời ca, điệu ví. Tôi nhớ như in hình ảnh mỗi lần đoàn đi biểu diễn, bà con làng xã đều mang củ khoai, bắp ngô đến biếu anh em nghệ sĩ rồi dặn “lần sau nhớ về hát tiếp nhé”. Lại có những người đạp xe từ quê mang xuống TP Vinh cho các nghệ sĩ chút quà đặc sản, dù đoàn chỉ mới một lần về biểu diễn”.

Hỏi chuyện về sự ra đời của Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ, bà Hồng Lựu nói: “Thực tế dân ca ví dặm trong dân đang bị mất dần nên mục đích giản dị về sự ra đời của trung tâm này là để bảo lưu khẩn cấp giá trị của dân ca, nếu không càng về sau càng rất khó. Từ thực tế này, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch đề nghị và được UBND tỉnh chấp nhận ngay”.

Theo bà Hồng Lựu, mặc cho đang còn rất nhiều khó khăn trong việc bảo tồn những lời ca, điệu hát ví dặm, nhưng các nghệ sĩ và người có trách nhiệm phải ráo riết vào việc ngay. Trung tâm lấy nhà hát làm trụ sở.

Các thành viên của trung tâm đều thấu hiểu khát vọng chung của mọi người là phải trả dân ca về với cộng đồng người dân; làm sao để dân ca trở thành sinh hoạt thường xuyên của mọi tầng lớp nhân dân. Nếu mỗi lần những người con xa xứ qua đò về quê được nghe cô gái chèo đò hát ít câu ví đò đưa hoặc lên núi đi du lịch được nghe hát ví trèo non thì tuyệt quá.

Sau khi có trung tâm, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch cùng Hội Văn nghệ dân gian hai tỉnh Nghệ - Tĩnh bàn bạc, phối hợp mở hội thảo khoa học bảo tồn và phát huy các giá trị dân ca, hò, ví dặm xứ Nghệ. Nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu văn hóa, nhạc sĩ, nghệ sĩ trăn trở làm sao “dân ca ví dặm phải được quần chúng nuôi dưỡng qua nhiều thế hệ mới có những giá trị văn hóa trường tồn mang bản sắc con người Nghệ - Tĩnh”.

Theo nghệ sĩ ưu tú Tiến Dũng, phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Nghệ An, việc đưa dân ca ví dặm vào giảng dạy tại các trường học chưa phải là “đắc sách”, mặc dù công việc này không hề dễ dàng nhất là việc tìm chọn giáo viên có năng khiếu hát dân ca phù hợp với tuổi nhỏ. Tiếp đó là việc đưa dân ca vào giảng dạy trong chương trình của truyền hình. Việc quy hoạch cán bộ chuyên môn ngành di sản, tiếp tục đi điều tra sưu tầm... đều quan trọng, nhưng câu chuyện cốt lõi của dân ca ví dặm vẫn là phát triển cho được các đội văn nghệ quần chúng, phục hồi các không gian diễn xướng. Khi phát hiện người có năng khiếu phải có chính sách nuôi dưỡng họ trở thành nghệ nhân.

Trao đổi về không gian diễn xướng hiện nay khi một số phường nghề phổ biến gần như đã mất đi thì những không gian đó được thay thế bằng lễ hội dân gian, làng nghề truyền thống, đình chùa di tích lịch sử văn hóa. “Không gian này vẫn có thể hút hồn dân ca ví dặm khi được diễn xướng tại đây” - ông Dũng khẳng định.

fjeYH1Wx.jpgPhóng to

Tiết mục hát đối nam nữ của các diễn viên trẻ ở xã Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An) - Ảnh: Vũ Toàn

Sẽ có festival về ví dặm

Sau hội thảo, Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ vừa tổ chức thành công Liên hoan dân ca ví dặm lần thứ nhất (9-2011). Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường cho biết sở dĩ có liên hoan này là để “khảo sát lại khả năng hát dân ca trong người dân đang ở mức nào. Rất vui, 20 câu lạc bộ từ 14 huyện có dân ca ví dặm đã mang về những tiết mục khiến nhiều người sững sờ. Từ đây, những hạt giống dân ca ví dặm sẽ được nhân rộng nhằm mở ra một khoảng trời mới cho di sản của cha ông”.

Trong liên hoan, chúng tôi chứng kiến hình ảnh những cháu bé chưa đầy mười tuổi, những cụ ông, cụ bà tay chống gậy nhưng nét mặt vẫn hăm hở từ nhiều miền quê xa về biểu diễn. Họ bước lên sân khấu hát ví, hát dặm với niềm say mê từ tận đáy lòng.

Cảm động nhất khi cháu bé Hoàng Anh ở xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu, vừa rời lớp 1 lên lớp 2 được ông nội dắt lên sân khấu với chiếc đàn bầu do ông mua và tập cho mới vài tháng đã khiến ban giám khảo cuộc thi vỗ tay đến tám lần khi tấu đàn bầu bài ví giận thương. Sau đó, giải đặc biệt đầu tiên được trao cho Hoàng Anh. Tiếp đó, đội nhạc dân tộc của Câu lạc bộ Hồng Sơn ở huyện Quỳnh Lưu cũng nhận giải đặc biệt...

Sau liên hoan, chúng tôi mới biết hầu hết 70 CLB dân ca ở Nghệ An tự góp tiền để trang trải chi phí tập luyện và đi biểu diễn khắp nơi. Nói về những động thái tích cực này, ông Nguyễn Xuân Đường phân tích: “Tự nguyện đến với dân ca và say mê ca hát là điểm thuận lợi to lớn cho công tác bảo tồn và phát huy dân ca xứ Nghệ. Chúng tôi đang dồn tâm sức để giải cho được bài toán về tính đồng bộ giữa hai tỉnh Nghệ - Tĩnh trong việc đưa dân ca vào giảng dạy trên truyền hình và trong trường học, với mong muốn giúp dân hiểu và dân hát thật hay về ví dặm để bù đắp một thời gian quá dài dân ta bị hụt hẫng khiến ví dặm bị mai một dần. Khi có phong trào, hai năm tỉnh tổ chức liên hoan một lần. Trước đó các câu lạc bộ thi ở phường xã, huyện tổ chức thi cụm xã. Từ huyện sẽ thi tỉnh”.

Nói đi đôi với làm. Ông Đường đã có nhiều buổi làm việc, chỉ đạo Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Nghệ An phối hợp Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Hà Tĩnh xây dựng đề án về festival dân ca ví dặm. Ngày hội không chỉ có các câu lạc bộ tham gia mà còn mời cộng đồng người Nghệ - Tĩnh xa quê đem về những tiết mục quý của ví dặm.

Đây là dịp cho bạn bè, du khách trong và ngoài nước có dịp thưởng thức dân ca Nghệ - Tĩnh. Những hoạt động văn hóa này không chỉ nhằm tôn vinh giá trị trường tồn của dân ca ví dặm mà còn quảng bá với bạn bè trên thế giới. Vậy là một cuộc dấn thân mới của các nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nhà chức trách lại bắt đầu mới có thể biến ý tưởng thành hiện thực. Hiện 70 câu lạc bộ dân ca ví dặm tại Nghệ An đang được củng cố thật vững chắc để làm nền cho một festival đầy thú vị trong nay mai.

VŨ TOÀN - NGỌC NGA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên