26/04/2012 10:35 GMT+7

Một thời trong veo

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Trong veo là cảm giác tôi nhìn thấy trong những tấm ảnh ngày ấy. Trong veo là cảm giác đọng lại sau những câu chuyện với các nhân vật ngày ấy. Trong veo là lý do khiến mỗi người ngày ấy đều đã làm được những việc vượt sức mình.

wtSvhWAs.jpgPhóng to

Từ trái sang: bà Út Nhựt, ông Năm Đức, bác sĩ Nguyễn Thị Mẫn, ông Quận (ảnh dưới) và những nụ cười vẫn trong veo như 50 năm trước - Ảnh: Tự Trung

z5q9aeBp.jpgPhóng to

Trong veo cũng chính là tính từ chung để kể về những người rất trẻ được giao những công việc rất quan trọng ở Văn phòng Trung ương Cục miền Nam ngày ấy, để hôm nay đơn vị họ đã phục vụ được phong tặng danh hiệu Anh hùng.

“Ngày ấy vui, vui quá xá” - ông Trần Minh Tâm (tự Quận) cười cái nụ cười “rộng đến mang tai” như ngày nào của ông khi nhắc về “những ngày Mã Đà, những ngày Dầu Tiếng”. Ngày ấy Quận là một thiếu niên 13 tuổi, “thấy cha, anh hai, anh ba đều theo cách mạng, thấy mấy chú, bác toàn người tốt không hà nên nằng nặc đòi theo... vào rừng”. Mấy chú bảo Quận phải ở nhà đi học tiếp, ít năm nữa rồi đi sau, trong rừng cực khổ lắm, không gạo, không muối, không có gì ăn... Bao nhiêu lý lẽ cậu nhỏ cũng vẫn gật đầu trong ý muốn khăng khăng lao tới như tên lửa của tuổi trẻ. Vậy là vào rừng, điểm đầu tiên Quận được dẫn đến là Tây Ninh, căn cứ Xứ ủy Nam bộ.

Theo cách mạng vui quá xá

Niềm vui lấp lánh cũng ẩn hiện trên gương mặt bà Út Nhựt (Đặng Hồng Nhựt) khi nhắc về những ngày “vì hoàn cảnh mà biến thành chim sơn ca trong rừng Mã Đà” ấy. Bà cứ cười mãi: “Tui là con gái duy nhất trong căn cứ của Trung ương Cục. Mưa rừng hoài không dứt, đồ phơi mãi vẫn ẩm ướt, vắt, muỗi nhiều vô kể. Mấy ông đàn ông hầu như không mặc được quần áo, thành ra tui cứ phải hát lên để... báo hiệu mỗi khi đi đâu”.

Luyện hát suốt như vậy nên sau này Út Nhựt đã mạnh dạn tự xướng âm, hát bài Giải phóng miền Nam lần đầu tiên trong rừng Đông Nam bộ để mấy chú lãnh đạo duyệt làm nhạc hiệu cho đài phát thanh Giải phóng.

“Vô đó tới bữa được ăn cơm với cá khô, thỉnh thoảng mấy anh còn săn được mễn, gà rừng cho tôi một tô thịt. Tôi ngồi ăn, cười hoài, nói mấy chú gạt con không hà, đi cách mạng sướng quá trời, sướng hơn ở nhà”. Được vài ngày, xứ ủy quyết định sẽ dời sang căn cứ Mã Đà - chiến khu Đ, nơi sẽ thành lập Trung ương Cục miền Nam. Toàn bộ cơ quan gồm gần 500 con người di chuyển. Những thử thách bắt đầu với chú bé 13 tuổi. Đau, mỏi, trúng thực, sốt rét, mất gần hai tháng Quận mới đi được tới nơi.

“Chà, hồi đó tôi tự hào ghê lắm, mà cũng là nhờ các chú đã cho bác sĩ riêng của mình ở lại giữa rừng săn sóc tôi”. Mã Đà rừng thiêng nước độc, nổi tiếng “sơn cước anh hùng tận” nhưng trong ký ức của Quận lại toàn niềm vui.

Hôm nay đôi mắt ông Trần Minh Tâm vẫn lấp lánh, nụ cười tươi rói kể về những khi đang làm việc thì nghe tiếng cây ngã, vội chạy ù đi kiếm hái chôm chôm, buổi tối ca hát, những buổi diễn văn nghệ, ca kịch cải lương. Và niềm vui tột cùng là lần được chú Hai Văn (Phan Văn Đáng) cho một chiếc máy chiếu phim nhỏ cùng mấy đoạn phim Sạc-lô là chiến lợi phẩm từ chiến thắng Phước Thành, chú Sáu Dân (Võ Văn Kiệt) cho thêm mấy cục pin. Thế là Quận trở thành nhà chiếu phim lưu động khắp căn cứ, “giờ nhắc tới còn mê”.

Ông Năm Đức (Trần Quang Đức) cũng cười hoài kể ngày ở rừng mình là một cây văn nghệ, lại chuyên giả gái. Cũng má phấn, môi son, cũng hoa tai, vòng cổ, yểu điệu, hát hay. “Vui tới nỗi tui sém nữa bỏ việc đánh máy ở Văn phòng Trung ương cục để sung vào đoàn văn công rồi” - ông cười, đến hôm nay vẫn còn vẻ bẽn lẽn. Không được sống những ngày “Mã Đà sơn cước anh hùng tụ” như mọi người nhưng bác sĩ Nguyễn Thị Mẫn cũng bảo những năm ở căn cứ Tây Ninh là những ngày tháng “vui nhất đời” của bà.

“Không chỉ vì những ngày ấy được sống gần cha (ông Nguyễn Văn Đậu, nguyên phó chánh Văn phòng Trung ương cục - NV) mà vì những ngày ấy mình đã sống một cách ý nghĩa nhất” - bác sĩ Mẫn nói sau khi đã cống hiến gần hết đời mình cho ngành y.

Không cần nghe kể cũng biết cuộc sống trong rừng là như thế nào với những người trẻ đang sức ăn sức lớn ấy nhưng tôi vẫn thấy lạ. Lạ vì ai cũng chỉ nói đến niềm vui, không nhắc gì đến những thiếu thốn, gian nan, cực khổ, hiểm nguy. Nhưng không nhắc thì bổn phận của người đi sau vẫn phải biết và nhớ.

Gian nan thử sức trẻ

Cầm cuốn sổ tay chi chít công thức, sơ đồ, mạch điện, phân tích kỹ lưỡng những nguyên tắc, nguyên lý hoạt động của vô tuyến điện một cách tỉ mỉ, kỹ lưỡng, cẩn trọng, đẹp mắt trên tay ông Trần Minh Tâm, tôi cứ nghĩ là của một kỹ sư.

Thật ngạc nhiên khi ông bảo cuốn sổ ấy ông đã thực hiện trong những ngày vừa tự học qua sách Công nhân kỹ thuật vô tuyến cao cấp của Liên Xô, vừa công tác trong bộ phận vô tuyến điện ở Cục Thông tin thuộc Trung ương cục. “Và khi ấy, xét về trình độ học vấn bài bản, tôi mới học hết lớp 3, sau này tôi còn phải đứng giảng dạy các lớp kỹ thuật vô tuyến trung cấp nữa” - ông Tâm nói, miệng cười nụ cười của cậu bé Quận năm nào.

Hồi ấy sau hai năm làm giao liên, phục vụ đủ việc trong văn phòng Trung ương Cục, kể cả việc đi tải gạo mấy ngày đêm với cái bao to hơn người, Quận được cho đi học vô tuyến điện và gắn bó với những mạch điện tới sau này. Cuốn sổ như minh chứng cho sự nỗ lực và trưởng thành vượt bậc của Quận, đâu chỉ còn là một cậu nhóc ham vui quên cả đói nữa. Nhắc đến điều kiện khắc nghiệt của rừng miền Đông, ông Tâm lại cười: “Thì đó, đóng chưa đầy năm Trung ương Cục đành phải rời đi vì khó khăn quá. Nhưng nói gì thì nói chứ trong rừng mà, thỉnh thoảng cũng kiếm được cái ăn không phải đói dài, đói hoài đâu”.

Thoát ly năm 17 tuổi, tuổi bẻ gãy sừng trâu, khi đang là học sinh trung học, ông Năm Đức cũng không kể gì đến những cơn cồn cào vì lá giang, lá bứa trong rừng miền Đông. Ông chỉ kể hơn một năm mình được thử thách kinh qua làm rẫy, trồng bắp, trồng lúa, nấu cơm, rồi được đưa vào văn phòng để đánh máy tài liệu. Từ đó, cái máy đánh chữ gắn chặt với ông như hình với bóng, như một công việc đã được sinh ra để dành sẵn cho Năm Đức. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã nhận xét về Năm Đức trong thời gian ông làm bí thư Trung ương Cục: “Cậu này giỏi, đáng được lãnh lương thứ trưởng”.

Nhưng những năm ấy làm cách mạng không có lương, Năm Đức chỉ có những nguyên tắc nằm lòng: tuyệt đối bí mật, tuyệt đối chính xác, tuyệt đối sẵn sàng, tuyệt đối khẩn. Bom đạn đến, balô của Năm Đức là chiếc máy đánh chữ, giấy, rubăng, mực, tài liệu đánh dở. Có yêu cầu, đang ngủ, đang ăn, ngay cả đang lên cơn sốt rét Năm Đức cũng ngay lập tức “tỉnh như sáo” để hoàn thành công việc. Mười ngón tay múa trên bàn phím, hai con mắt lướt trên tài liệu chi chít dấu vết dập xóa, đủ kiểu chữ nhưng không được phép nhầm lẫn, sai chữ, nhảy dòng... Căng thẳng có, mệt mỏi có, tù túng có, nhưng rồi “công việc cuốn mình đi, mỗi lần vào chiến dịch, đánh máy chỉ thị, chiến lược rồi lại báo cáo, tưởng như chính mình cũng được theo chân các quân đoàn, sư đoàn, khát khao nung nấu trong lòng bao năm cũng được thực hiện”...

Khác với bác sĩ Nguyễn Thị Mẫn thỏa được ước mơ khi nỗ lực theo nghề quân y, ông Năm Đức, ông Quận đã thoát ly với ước mơ cầm súng. Nhưng rồi họ đã tự thuyết phục mình: “Công việc gì dù đơn giản nhưng làm tốt cũng vẫn đóng góp được cho cách mạng” để vững lòng suốt bao năm gắn bó với công việc của một nhân viên văn phòng ở giữa rừng, giữa đạn bom sôi sục dù rằng công việc của họ không hề là đơn giản. Cũng như vậy là câu chuyện của hàng ngàn người trẻ khác đã gắn thời tuổi trẻ đẹp nhất đời mình với Văn phòng Trung ương Cục miền Nam. 50 năm đã qua, bây giờ nhắc lại, ai cũng mỉm cười mà rằng: “Thời ấy trong veo”.

Đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

Đảng và Chính phủ đã quyết định trao tặng Văn phòng Trung ương Cục miền Nam danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập và kỷ niệm 37 năm ngày thống nhất đất nước. Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng được tổ chức vào 9g sáng nay (26-4) tại hội trường TP.HCM (111 Bà Huyện Thanh Quan, Q.3). Chương trình được truyền hình trực tiếp trên HTV9.

Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III, tháng 1-1961 quyết định giải thể Xứ ủy Nam bộ (1954-1961), thành lập Trung ương Cục miền Nam. Trung ương Cục có nhiệm vụ cơ bản là “căn cứ vào nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc và các nghị quyết, chỉ thị của trung ương và Bộ Chính trị về cách mạng miền Nam mà đề ra chủ trương, chính sách, phương châm, kế hoạch công tác và chỉ đạo cụ thể ở miền Nam...”. Văn phòng Trung ương cục là cơ quan vừa làm tham mưu vừa phục vụ trực tiếp hằng ngày cho Trung ương Cục.

Gần 15 năm (1961-1975) hoạt động trong điều kiện chiến tranh vô cùng ác liệt, di chuyển địa điểm nhiều lần, nằm giữa vòng vây các đơn vị lớn của phía đối phương, liên tục bị đánh phá, tìm diệt, nhưng tập thể cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Văn phòng Trung ương cục đã vững vàng, dũng cảm, sáng tạo vượt mọi thử thách, mưa bom bão đạn, hi sinh xương máu để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên