Phóng to |
Bé Hà, 13 tuổi, ở Bù Gia Mập (Bình Phước), đang đợi ngày sinh con - Ảnh: NG.LOAN |
Kỳ 1: Những giấc mơ màu đen
Bà mẹ tuổi 12
Chúng tôi về Đông Thọ, Đông Hưng (Thái Bình) vào những ngày sau Tết Nguyên đán. Ở một góc đường làng, cô bé Mai đang tranh nhau quả bóng bay với đám trẻ con cùng xóm. Mai chỉ dừng tranh bóng bay khi có tiếng gọi của mẹ: “Mai ơi! Về trông lấy em một tí này...”. Phía sau tiếng gọi ấy là cả một bi kịch, khi đứa trẻ được mẹ xưng với Mai là “em” ấy chính là con ruột của cô bé, dù Mai chỉ vừa bước qua tuổi 12.
“Phải gọi thế cô chú ạ, vì cháu nó còn mải chơi lắm, nó có biết gì đâu!” - chị Hân, mẹ của Mai và là bà ngoại của đứa trẻ, nói với chúng tôi những lời như phân bua nhưng đầy chua xót. Bố của đứa trẻ gọi chị bằng bà ngoại này còn đáng tuổi người sinh ra chị. Đó là gã hàng xóm hơn 60 tuổi đã xâm hại bé Mai rất nhiều lần khi chị Hân còn mải mê làm thuê tận Đài Loan. Ngày chị trở về thấy con gái xanh xao, bụng chướng, đưa lên Hà Nội khám thì đã quá muộn. Thai nhi đã 6 tháng tuổi và chị Hân chỉ còn biết chuyển con gái đang học lớp 6 của mình từ bệnh viện nhi sang bệnh viện phụ sản trong cùng một ngày.
Không còn được làm mẹ Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Bá Quyết - phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản trung ương, kể có không ít bé gái bị xâm hại tình dục, sau này có chồng nhưng không thể sinh con, không được làm mẹ, không phải vì lý do liên quan chức năng sinh sản. Ông từng khám cho một phụ nữ lấy chồng suốt bốn năm nhưng không thể gần gũi chồng vì cơ thể luôn “phản ứng” với những ám ảnh từ ngày thơ bé. Cũng có trường hợp đã mang thai nhưng lại không thể sinh nở một cách suôn sẻ vì tử cung không co giãn, do những “phản xạ có điều kiện” từ tâm lý... Đó là những nỗi đau mà không dễ gì chia sẻ nguyên cớ, kể cả với những người thân nhất. Và nỗi đau ấy cũng không kém bi kịch của những bà mẹ trẻ đã từ bỏ núm ruột của mình. |
Làm bà ngoại ở tuổi 40, chị Hân héo hắt đi vì giờ không chỉ nuôi con gái mà còn phải nuôi cả cháu ngoại đang ẵm ngửa. “Tám tháng nay rồi, cứ vay mượn để mua sữa cho cháu. Nhiều người bảo tôi mang cho cháu đi nhưng đứa trẻ này vô tội. Rủi tôi cho cháu đi, sau này lỡ có việc gì thì tôi đến chết vẫn không khỏi ân hận” - chị Hân nói như thế khi đứa cháu ngoại cứ nhảy lên trong lòng.
Không có hơi ấm của bố, không được bú sữa mẹ, bà ngoại vừa là cha, vừa là mẹ của đứa bé. Căn nhà tuềnh toàng, chỉ có một thứ được tính ra tiền đó là những hộp sữa chị Hân mua cho bé: “Tôi nghe tivi nói sắp tăng giá sữa nên tôi mua trước mấy chục hộp để cháu ăn dần. Thiếu tiền thì vay anh em lo cho cháu chứ không để cháu đói. Nó vốn đã thiệt thòi lắm rồi...” - chị bần thần.
“Nó không phải con em”
13 tuổi, vừa bước qua lớp 6, gương mặt còn búng ra sữa nhưng cô bé Hà ở xã Phú Riềng, H.Bù Gia Mập (Bình Phước) sắp trở thành mẹ khi cái thai trong bụng đã hơn bảy tháng. Không còn được sống cuộc sống trẻ thơ như bao đứa trẻ khác, cô bé cũng không có một chút niềm hạnh phúc của một người phụ nữ sắp được làm mẹ. Căm ghét ông K. hàng xóm, người đàn ông đã hãm hại đời mình, nên với Hà giọt máu đang mang là một nỗi uất hận mà thiên chức làm mẹ còn quá non nớt đã không đủ mang lại tình mẫu tử.
Còn hai tháng nữa sinh nhưng Hà gần như chưa chuẩn bị cho công việc làm mẹ. “Mẹ em nói không phải chuẩn bị gì cả vì em sinh xong sẽ có một gia đình trên Đắk Lắk xuống xin đứa trẻ về nuôi”. Hà nói em cũng không muốn sinh em bé, tại nó lớn quá rồi nên không phá được, vì nhà em cũng không đủ tiền nuôi bé mà em còn phải đi học. “Thế cho con đi em không thương nó à?” - chúng tôi hỏi. Đáp lại chỉ là câu trả lời vô tư đến đắng lòng: “Nó đâu phải là con của em, nó là con ông K., giữ lại chẳng có gì mà nuôi”. Chúng tôi định nói với Hà một điều gì đó để an ủi, muốn động viên Hà, nhưng dường như nỗi ám ảnh của cô bé quá lớn nên tất cả mọi ngôn từ đều không thể xoa dịu.
Và còn bởi một câu chuyện đã gặp trước đó cũng ở Bình Phước về người mẹ trẻ Ngọc Nga ở thị xã Đồng Xoài. Nga sinh con năm 14 tuổi, sau sáu năm liền bị hại, cha con gia đình hàng xóm đe dọa và thay nhau xâm hại. Đứa trẻ mang cái tên Thiện Nhân do Nga sinh ra giờ là nỗi ám ảnh và căm ghét của Nga. Chúng tôi gặp cô bé trong một xưởng giày da ở Đồng Xoài, nơi em làm việc với tờ đơn xin việc dán ảnh của chị gái vì em chỉ mới 14 tuổi, và cũng là nơi Nga hi vọng sẽ vứt bỏ hết ký ức khủng khiếp của mình. Nhắc đến con trai Thiện Nhân, Nga mím chặt môi tức tưởi: “Nó không phải con em”, rồi nức nở. Tiếng khóc đủ để thấy trong lòng bà mẹ trẻ ấy còn có cả sự day dứt vì đã bỏ con nhưng không đủ lớn để xóa nhòa ký ức sáu năm sống sợ hãi, ô nhục trong câm lặng.
“Trước đây nó cũng là một cô bé bình thường, thật sự tôi không thể hiểu được chuyện gì đang xảy ra với con bé, càng ngày nó càng lầm lỳ, ít nói. Đỉnh điểm là lúc phát hiện mình có thai, con bé biến thành một con người khác. Nó cáu bẳn, gắt gỏng ngay cả với tôi” - bà Lê Thị Riêng, mẹ Nga, kể lại. Ôm cháu ngoại trong lòng, bà Riêng cay đắng: “Nó là một đứa con nít hoạt bát, từng là học sinh giỏi cấp huyện, bị cha con nhà người ta hãm hại mà ra nông nỗi. Biểu sao nó không hận...”.
“Đôi khi nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ cha lắm, nhưng em sợ phải về ngôi làng đó, sợ gặp thằng Nhân. Cứ mỗi lần gặp nó là em thêm căm ghét trong người...”. Nói đến đây Nga khóc nức nở như một đứa trẻ. Mà quả thật, bà mẹ trẻ ấy cũng chỉ mới là một đứa trẻ.
___________________
Những đứa trẻ chào đời từ bi kịch sau những vụ hiếp dâm trẻ em thường không cha, nhiều trẻ bị mẹ bỏ rơi và lớn lên trong túng bấn. Nhưng đó chưa phải là ngáng trở lớn nhất của cuộc đời các bé...
Kỳ tới: Những đứa con bị chối bỏ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận