Phóng to |
Con cá mú nặng 14kg do chính tay ngư dân Tô Thị Tám thả lưới bắt được - Ảnh: Võ Minh |
Chiều một ngày đầu tháng 3, tôi được hai vợ chồng nữ ngư dân Tô Thị Tám cho lên tàu để cùng đi phiên biển của ngày mới. Vài động tác nhanh lẹ, bà Tám từ tàu nhảy vọt xuống chiếc thúng chèo tay chèo thẳng vào bờ đón tôi ngược ra tàu. Thúng cập tàu, bà Tám nhổ neo ra hiệu cho chồng là ông Đỗ Minh Hoàng nổ máy hướng thẳng ra khơi. Gió săn, bà Tám đứng trước mũi tàu vừa sửa soạn ngư cụ vừa liên tục phất tay ra hiệu cho chồng né những cơn sóng biển. Con tàu nhỏ bé cứ chòng chành lướt đi trên sóng nước.
Yêu biển... như chồng
Bà Tám đã bước sang tuổi 50, khuôn mặt đen sạm vì biển, đã gắn bó với nghề biển hơn mười năm cùng chồng. Lúc 9 tuổi bà đã cùng cha mưu sinh bằng nghề đánh cá trên chiếc thúng nhỏ ở vùng biển quen thuộc này. Lớn lên, bà lập gia đình với ông Hoàng. Gia cảnh nghèo khổ, không đủ tiền sắm thuyền to, máy lớn cho chồng đi biển nên hai vợ chồng quyết định mua một chiếc ghe nhỏ, rồi cùng nhau làm nghề thả lưới trên biển mưu sinh.
Ngày trước vợ chồng bà Tám đánh bắt ở vùng biển gần đất liền nhưng tôm cá trong bờ mỗi ngày một thưa thớt. Vợ chồng bà mở rộng phạm vi đánh bắt ra xa hàng chục hải lý. Từng ngày qua, bà Tám thuần thục chuyện thả lưới đánh cá như những nam ngư dân. Trên biển, chồng lái thuyền, vợ có nhiệm vụ đánh lưới. Mặc những cơn sóng dữ hất nước tung tóe vào mặt, bà Tám vẫn đứng trụ vững trên tàu, đôi tay thoăn thoắt thả lưới nhìn chẳng kém đàn ông. Vừa thả lưới bà vừa nhanh nhảu nói: “Hồi xưa nói rằng chỉ có đàn ông mới đi biển nhưng bây giờ phụ nữ đi biển như thường đó thôi. Họ chẳng thua gì đàn ông, không say sóng, hợp cùng chồng ra khơi làm ăn tiết kiệm hơn. Đi riết rồi thành quen. Chồng một việc, vợ một việc, đồng tay đồng chân, đồng vợ đồng chồng thì mới kiếm cơm, lo cho con cái ăn học đàng hoàng. Đi biển hoài nên yêu biển luôn, giờ bỏ sao được biển. Đi biển với chồng có thú vị riêng của nó”.
Sau khi thả hết tay lưới, vợ chồng bà Tám lại đưa tôi trở lại bờ. “Sáng sớm mai, nếu chú muốn ra thu lưới thì dậy lúc 4g ra biển tôi đưa đi” - bà Tám dặn. Đúng 4g, bà lại chèo thúng đưa chúng tôi lên tàu của hai vợ chồng ra thu lưới. Đến nơi, thuyền tắt máy, mặc cho sóng xô đẩy. Hai dàn lưới dài gần 500m được vợ chồng bà lần lượt kéo lên tàu. Kéo được một đoạn, bà vui mừng hô lớn: “Ông ơi có con cá mú rất to dính lưới rồi”. Vợ chồng bà Tám cố sức kéo thật nhanh. Họ vui mừng khi bắt được con cá mú nặng đến 14kg.
Con cá được bà Tám ôm ghì chặt vào người. Lưới dính vào rạn san hô nặng trĩu, bà cùng chồng phải cố dùng sức nhiều hơn để kéo. Lần lượt lộc biển là ốc, cá, mực... vào lưới. Bà Tám hồ hởi: “Hôm nay hên. Số cá này bán hơn 2 triệu đồng. Coi vậy chứ có bữa được như vầy, có bữa thì về tay không”. Ông Hoàng tâm sự: “Vợ đi biển thấy thương lắm. Nhưng khi cùng vợ đánh bắt được thì rất là vui. Nghề này vất vả lắm nhưng có vợ đi với mình, thâu lưới, vá lưới thấy cuộc sống trên biển rất hạnh phúc”.
Ra khơi cùng chồng
Tháng 3 trời nắng nóng. Ở vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn thấp thoáng những “phận má hồng” từ đất liền ra đây lầm lũi mưu sinh nghề đi biển. Có hàng chục phụ nữ đều ở làng biển Bình Thuận đi biển như thế đang “tá túc” ở Lý Sơn làm ngư dân. Chị Bùi Thị Ngọc lúc nhỏ chẳng biết gì về biển. Quê ở tận tỉnh Gia Lai. Duyên số đưa đẩy người phụ nữ này lấy chồng đi biển rồi gắn kết nghiệp biển cùng chồng. Tính ra đây là năm thứ năm chị bám biển kể từ khi chính thức trở thành vợ ngư dân.
“Ngày đầu ra khơi cùng chồng, tôi bị say sóng biển dữ lắm, như thể mình không thể đi biển được. Nhưng thấy chồng cơ cực, một mình lam lũ trên biển cực quá nên cố sức tập luyện để chống chọi được với sóng gió phụ giúp chồng. Giờ thì quen rồi, thấy làm ngư dân vui hơn. Dù nặng nhọc nhưng đi cùng chồng thấy vui” - chị Ngọc nói. Chị bắt đầu lên thuyền từ 4g30 mỗi ngày, cùng chồng ra biển kéo lưới đặt đêm trước để thu cá, tôm, ốc... Sau đó chị lại tất tả đưa số hải sản bắt được lên bờ rao bán. Xong việc chợ lại chạy về chèo thúng ra thuyền lo cơm nước cho chồng. Chiều lại cùng chồng vá lưới chuẩn bị chuyến biển chiều tối tiếp theo. Công việc cứ xoay vòng như thế nhưng ở người nữ ngư dân này vẫn tràn đầy nghị lực.
Ngồi trên mạn thuyền, tay vá víu những đoạn lưới bị cá làm rách, chị Phạm Thị Thúy Quỳnh hát vui vài câu khôi hài: Thuyền là nhà. Biển đảo là quê hương. Nhà mình là khách sạn. Vui nhưng là thật. Hai vợ chồng chị Quỳnh quanh năm suốt tháng sống trên sóng nước, lấy thuyền làm nhà. “Nhà là khách sạn”, chị Quỳnh ví như vậy là bởi lâu lâu mới ghé về nhà ngủ lại qua đêm. Thời gian còn lại đều trên biển. “Vào mùa đi biển có khi cả tháng trời mới tranh thủ về lại nhà trong đất liền. Về nhà, lo cho con cái, chuẩn bị gạo, tiền cho các con ăn học rồi lại lo ra biển đánh lưới. Vất vả nhưng vẫn phải cố. Ở quê tôi, chị em làm ngư dân nhiều lắm” - chị Quỳnh nói.
Anh Lê Văn Thanh - chồng chị Quỳnh - cười hiền, mắt nhìn vợ một lát rồi chậm rãi quay sang nói: “Được đi biển với vợ vui lắm. Nếu chọn một bạn biển và vợ mình tôi sẽ chọn vợ để đi biển. Nhưng phụ nữ như vợ tôi mà đi biển thấy thương quá. Ngày biển động, tôi còn không chịu nổi sóng dữ nói chi là vợ. Vợ mình đảm đang như thế, mình mừng và hãnh diện lắm”.
Những con sóng biển liên tục bổ vào bờ. Những nữ ngư dân vẫn can trường đạp sóng ra khơi cùng chồng. Sự cơ cực đầy bão táp ấy nào lấn át được lòng quyết tâm bám biển của các nữ ngư dân làng biển.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận