13/01/2012 09:40 GMT+7

Huế - những tháng ngày sục sôi - Kỳ 9: Trốn lệnh truy nã, mặc áo cà sa

NGUYỄN ĐẮC XUÂN
NGUYỄN ĐẮC XUÂN

TT - Buổi trưa hôm 31-5-1966, diễn ra cuộc hội thảo bàn chuyện tiếp tục đấu tranh chống Mỹ tại giảng đường C. Tôi đến dự hội thảo thì gặp bác sĩ Mỹ Ted Britton mặc veston màu vàng nhạt đang đứng trước cửa lớn vào giảng đường. Ông ta trố mắt nhìn tôi có vẻ ngạc nhiên và hỏi tôi bằng tiếng Việt: - Tôi tưởng anh bị bắt rồi mà?

kVBOs1d1.jpgPhóng to

Hòa thượng Thích Chơn Tế (bìa phải) kể với ông bà nhà văn Bửu Ý về chuyện xuống tóc cho sinh viên Nguyễn Đắc Xuân vào mùa hè 1966 - Ảnh tư liệu N.Đ.X.

Lệnh truy nã

Anh Bửu Tôn - đoàn phó đoàn sinh viên Phật tử (phụ trách ngoại vụ), chủ tịch Phong trào Nhân dân tranh thủ hòa bình - từng cho tôi biết Ted Britton là đại tá tình báo CIA. Giờ này mà Ted hỏi tôi như thế là có vấn đề rồi. Tôi hơi ớn sườn nhưng cố giữ bình tĩnh đáp:

- Ông mới tưởng chứ chưa phải sự thật nên tôi còn đến đây!

- Chúc ông may mắn!

Ted đáp và lách người ra phía sau Morin lẫn vào đám đông đang bàn tán về chuyện sách ảnh tài liệu trong tòa lãnh sự vừa mới về với ông bà hỏa khi sáng. Bị chụp mũ Việt cộng nhiều lần nhưng tôi không phải là Việt cộng nên không sợ. Tôi vẫn tiếp tục hoạt động đấu tranh. Sau khi gặp Ted Britton trước giảng đường C, tôi đoán là Mỹ và chính quyền Thiệu - Kỳ đã có kế hoạch bắt tôi. Thế thì không sớm thì muộn tôi cũng bị bắt. Nghĩ như thế nên tôi không dự hội thảo nữa mà nhờ các bạn dùng xe đạp chở giúp tôi về lại chùa Diệu Đế - đầu não của cuộc tranh đấu lúc bấy giờ.

Ngay trưa hôm đó (31-5-1966) các đài phát thanh của Thiệu - Kỳ đọc lệnh yêu cầu tôi và anh em Hoàng Phủ Ngọc Tường - Hoàng Phủ Ngọc Phan đến trình diện họ ở Mang Cá. Nếu chúng tôi không trình diện thì họ sẽ phát lệnh truy nã và không bảo đảm an ninh cho cả ba người.

Trong tình hình cấp bách căng thẳng như thế tôi không thể tìm gặp các anh Tường, anh Phan để thống nhất cách thức đối phó với lệnh truy nã được. Ai lo phần người ấy thôi. Sau này tôi được biết: khi biết tin mình bị truy nã, hai anh em anh Hoàng Phủ Ngọc Tường và Hoàng Phủ Ngọc Phan nhờ cơ sở cách mạng ở Huế tổ chức cho hai anh thoát ly ra vùng giải phóng ngay. Còn tôi là sinh viên phật tử nên sống chết gì vẫn phải bám vào các chùa, bám Phật giáo. Tôi cởi áo kaki của sinh viên quyết tử và mặc vào bộ áo cà sa, thay mũ kêpi bằng chiếc nón lá rộng vành. Tôi chỉ được ngồi sau chùa Diệu Đế viết bài cho Đài phát thanh cứu nguy Phật giáo chứ không được xuất hiện giữa công chúng như lâu nay.

Từ chùa này sang chùa khác

Tôi làm việc “bí mật” tại chùa Diệu Đế được mấy hôm thì thầy Thích Trí Quang cho người xuống chùa Diệu Đế bảo tôi phải lên chùa Từ Đàm tức khắc, nếu không sẽ bị bắt và khó thoát được. Thầy Trí Quang mà đã báo như thế thì tình hình quá cấp bách rồi. Tôi xách túi tài liệu đi ngay. Hai bạn sinh viên Cao Hữu Điền và Phạm Văn Rơ đạp xe đạp giúp “hộ tống” tôi từ chùa Diệu Đế lên chùa Từ Đàm. Không dám đi đường Lê Lợi, chúng tôi lén đi theo đường Ngô Quyền phía sau Bệnh viện Huế, lên dốc Bến Ngự rồi mới lên được chùa Từ Đàm.

Biết thế nào chính quyền cũng cho người lên bắt tôi lại, các thầy gửi tôi vô chùa Kim Tiên của thầy Chánh Trực. Thầy Chánh Trực người Quảng Trị, cao to, giọng nói ấm, khỏe, chúng tôi xem thầy như vị “hộ pháp” của chúng tôi từ tháng 7-1963 đến nay.

Thầy Chánh Trực giấu tôi ở trong một cái liêu kín sau chùa. Đến bữa các điệu bưng cơm chay vào liêu cho tôi chứ tôi không được ra ngoài. Một người suốt ngày đọc, viết, nói, đi lại như con thoi bỗng dưng bị giấu vào cái liêu này thật buồn quá. Bị đưa đi giấu gấp quá tôi không mang theo được sách truyện gì. Ở chùa lại không có báo chí gì để đọc cả. Nằm trong cái liêu chùa Kim Tiên tôi có cảm giác như đang bị giam tù. Sáng sáng tụng kinh xong, thầy Chánh Trực đem nước trà vào uống cùng tôi và thầy ngồi kể chuyện lịch sử chùa Kim Tiên cho tôi nghe. Hồn vía tôi đang bận chuyện tranh đấu và chưa biết ngày mai số phận mình sẽ ra sao nên nghe thầy Chánh Trực kể chuyện lịch sử chùa, tôi cố gắng nghe nhưng nghe lỗ tai bên này thì thông tin thoát ra lỗ tai bên kia.

Thầy Chánh Trực giấu kín tôi như thế nhưng rồi cũng bị lộ. Nhiều lần mật vụ của Phan Văn Khoa đến dò la tin tức về tôi. Một buổi tối thầy Chánh Trực cho người đem tôi qua gửi ở chùa Tường Vân của hòa thượng Thích Tịnh Khiết. Chùa Tường Vân ở phía trong chùa Kim Tiên mấy trăm mét. Phía sau chùa Tường Vân nối liền với một vùng đồi khi cần có thể thoát lên núi một cách dễ dàng.

EqzM6ZkS.jpgPhóng to
Sinh viên Nguyễn Đắc Xuân trong thời tranh đấu (ảnh do mật vụ chụp lén)

Thích Trí Minh

Để có thể hài hòa với sinh hoạt ở chốn thiền môn và địch không thể nhận ra tôi, thầy Thích Chơn Tế (nay là hòa thượng trụ trì chùa Tường Vân) xuống tóc cho tôi và tôi lấy pháp hiệu là Thích Trí Minh.

Tại chùa Tường Vân, tôi gặp được nhiều nhà sư có cảm tình với Mặt trận Giải phóng. Và bất ngờ tôi phát hiện được một vài người bị tình nghi là Việt cộng nằm vùng nên phải vào chùa làm thiền sư giả. Đồng thời cũng gặp một vài công chức cao cấp, sĩ quan quân đội Việt Nam cộng hòa ly khai tranh đấu chống Thiệu - Kỳ cũng vào tá túc trong chùa với tôi.

Lúc này cơm gạo rất cao và khó mua. Nhưng dù sao phật tử cũng không để các chùa thiếu gạo. Chùa Tường Vân không thiếu gạo. Thức ăn thì hết sức đạm bạc. Ngày ba bữa cơm với rau muống luộc chấm tương. Tôi ăn thiếu chất nên rất gầy. Một buổi khuya nọ có người vào chùa gọi tôi ra gốc cây cổ thụ ở trước chùa “gặp người quen”. Tôi hơi sợ không dám ra nhưng các thầy bảo đó là người trong làng không đáng sợ. Tôi mặc áo cà sa nâu chắp tay trước ngực đúng phong cách của một thiền sư ra gặp người quen. Tôi gặp hai người phụ nữ khoảng trên 40 tuổi tay cầm một gói lá chuối. Họ bảo tôi như mẹ bảo con đã xuất gia:

- Chúng tôi biết thầy lúc này ăn chay niệm Phật rất thuần thành tinh tấn. Nhưng đến nay sức khỏe của thầy coi bộ xuống lắm rồi nên chúng tôi mời thầy bồi bổ sức khỏe mấy cái trứng hột vịt lộn!

Mời thầy tu (dù là thầy tu dỏm) ăn trứng hột vịt lộn thật quá kỳ. Tôi từ chối. Cuối cùng mấy bà huỵch toẹt gọi tên thật của tôi chứ không thầy bà gì nữa. Biết không thể đóng kịch với những người biết rõ tông tích giả mặc áo cà sa của mình, tôi phải ăn. Và chưa bao giờ tôi ăn hột vịt lộn ngon đến như thế.

Trong thời gian tôi giả tu ở chùa Tường Vân (trung tuần tháng 6-1966), tướng Nguyễn Ngọc Loan xua quân đi dẹp bàn thờ Phật, truy bắt những người đã tham gia tranh đấu ở Huế. Một số người bị tra tấn không giữ được khí tiết lên đài phát thanh nhận “tội” và tố cáo những người đã lãnh đạo phong trào tranh đấu. Tôi buồn nhất là có nhiều vị giáo sư quy hàng lên đài tố cáo lại sinh viên của mình. Một giáo sư của tôi kêu đích danh tên tôi, tố cáo tôi là “vua xách động”. Thầy gọi tôi về trình diện để được khoan hồng.

Đài phát thanh Huế cứ đọc đi đọc lại danh sách những người chúng kêu ra trình diện, những người chúng vừa bắt được, những người chúng đang truy nã. Chúng hứa sẽ thưởng cho những ai chỉ điểm chỗ ở của những người có trong danh sách bị truy nã. Nghe đài, nhiều khi tôi phải nín thở...

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Những giọt nước tràn ly Kỳ 2: Súng đã nổ! Kỳ 3: Lửa từ bi từ Sài Gòn đến Huế Kỳ 4: Sinh viên Huế tuyên chiến Kỳ 5: “Nước lũ” tràn ra Huế Kỳ 6: Số phận Ngô Đình Cẩn Kỳ 7: Phá hội thảo “Bắc tiến” Kỳ 8: Đốt USIS và tòa lãnh sự Mỹ

_______________________

Vào một đêm trăng, “thiền sư Thích Trí Minh” nhận được một lá thư từ chiến khu của một người thân quen.

Kể từ đó, thủ lĩnh sinh viên tranh đấu trở thành Việt cộng.

Kỳ tới: Trở thành Việt cộng

NGUYỄN ĐẮC XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên