26/11/2011 10:15 GMT+7

Hồi sinh cho những phận đời nhiễm HIV

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TT - Bà làm đủ nghề để kiếm sống: chẻ củi, nấu nước thuê đến lượm lặt các thứ đồ thừa thãi trong chợ nhưng vẫn tự nguyện hằng ngày tắm rửa, làm vệ sinh và chia sẻ với những người bị nhiễm HIV chỉ bởi một tấm lòng.

Read this on Tuoitrenews.vn

HpwsHtTC.jpgPhóng to
Bà Đông lúc nào cũng có sẵn những lọ thuốc khử trùng để tắm rửa cho người nhiễm HIV - Ảnh: T.L.

“Tôi đã từng tuyệt vọng khi biết mình đang ở điểm cuối của cuộc đời. Mỗi ngày đau đớn nhận ra da thịt, thân thể mình đang dần bị hủy hoại bởi căn bệnh thế kỷ. Nhưng càng tuyệt vọng hơn khi nhận thấy sự lạnh lùng của gia đình. Giữa những giây phút tuyệt vọng ấy thì bà đến. Người phụ nữ xa lạ nắm lấy tay tôi mà không cần mang găng tay, bà lặng lẽ tháo thùng nước trên chiếc xe đạp cà tàng vừa chạy đến. Đó là đôi thùng nhựa có chứa nước lá đã nấu sẵn. Bà tắm gội, lau thân thể cho tôi. Bà an ủi tôi. Bà kể chuyện thường ngày ở chợ, tự nhiên như thể đã quen biết từ lâu lắm rồi. Từ đó tới nay, vài ngày bà lại đến với tôi để chuyện trò, săn sóc”. Chị N.N.L. (37 tuổi, P. Nhật Tân, Q.Tây Hồ, TP Hà Nội), một phụ nữ nhiễm HIV giai đoạn cuối, nói về bà Tám Đông như thế.

Lặng lẽ

“Bà Tám Đông, Đông “ết” phải không? Đi thẳng tới cuối chợ rồi rẽ trái sẽ thấy cái hàng nước bỏ không, nhưng bà ấy quanh quẩn đâu đấy thôi”, người dân ở cổng chợ Nhật Tân chỉ như thế khi chúng tôi tìm gặp bà Bùi Thị Đông.

Hàng nước cuối chợ trống người. Vài gói thuốc lá với mấy chai nước cất trong chiếc hộp gỗ sờn cũ, đặt trên chiếc bàn cũ kỹ phủ đầy bụi. “Bà ấy suốt ngày lo đi tuyên truyền, rồi tới nhà chăm sóc, khâm liệm cho mấy người bị HIV chứ có lo buôn bán gì đâu. Thế nên hàng nước của bà ế khách, chẳng ai dám đến mà uống. Ngay cả chúng tôi nhiều khi thấy bà vừa đi tắm rửa cho người nhiễm HIV về còn sợ, bà cho gì cũng chẳng dám ăn” - chị Đỗ Thị Minh, bán thịt cạnh hàng nước của bà, nói.

“Không bán nước thì làm nghề khác, tôi thiếu gì nghề để kiếm sống” - bà Đông bảo thế. Những câu chuyện về người nhiễm HIV từ đó cứ nối tiếp nhau mãi không ngừng, dù chợ đã vãn người và nắng trưa đã rọi trên mái đầu nhiều sợi bạc của bà.

Tính đến cuối năm 2010, P.Nhật Tân có 287 người nhiễm HIV. Nhiều người chuyển qua AIDS giai đoạn cuối, nội tạng bị phá hủy, mỗi ngày đi vệ sinh hàng chục lần, toàn thân đầy vết lở loét, người nhà không ai dám lại gần. Những lúc đó, người ta lại nhớ bà. Hằng ngày, bà đi khắp chợ Nhật Tân nhặt nhạnh thanh củi khô, xấp giấy hộp gom lại để dành trong góc nhà kho của chợ. Rồi bà đi tìm lá sả, hương nhu..., ba hòn gạch kê thành bếp ở góc chợ đỏ lửa. Nước nguội, bà chở đến tận nhà tắm gội, giặt giũ cho người bệnh hoàn toàn miễn phí.

Bà bảo: “Mấy đứa phát bệnh, gia đình ai cũng sợ hãi nên không dám đến gần. Nhiều đứa tôi vừa mới đến đã xua đuổi, tỏ vẻ bất cần. Nhưng khi được mình hỏi han săn sóc, chúng bảo giờ mới thấy sợ chết, cứ ôm tôi mà khóc. Giai đoạn cuối, đứa nào cũng dằn vặt và đau đớn. Đến với chúng, mình chỉ biết dùng cái tâm để hiểu, để cảm thông”.

Hơn 15 năm làm bạn với những người có HIV, bà Đông chỉ làm theo bản năng, kinh nghiệm và cái tình giản dị như thế. Mãi đến năm 2005, Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS về phường phổ biến kiến thức HIV, bà hào hứng rủ mọi người tới tham dự. Từ đó, bà trở thành tình nguyện viên cho quỹ.

Bà đến tận nhà dân để phổ biến kiến thức HIV rồi phát bao cao su, phát kim tiêm miễn phí cho đối tượng nghiện hút. Nhưng công việc bà làm thường xuyên nhất là đưa người HIV đi nhập viện. Có tháng bà chuyển gần 20 người có HIV đến viện để khám và tư vấn. Về nhà, bà lại nấu nước lá, đổ vào đôi thùng nhựa rồi chở đến từng nhà người bệnh để lau rửa, tắm giặt cho họ. Người bệnh chết, một tay bà tắm, khâm liệm rồi chôn cất. Đến năm 2008, nhờ quá trình tuyên truyền của bà Đông và nhóm Tre Xanh (Q.Tây Hồ), sự kỳ thị của người dân với HIV và AIDS giảm hẳn.

Góc khuất cuộc đời

Đi vào cuối con hẻm, qua nhiều ngách nhỏ mới tới được nhà bà Đông (54B, tổ 25, cụm 4, ngách 406, P.Nhật Tân, Q.Tây Hồ). Căn nhà ngói nằm im vắng, gian bếp cũ đã sập, chi chít mạng nhện giăng. Người phụ nữ cười nói rổn rảng ngoài chợ và ân cần với từng người bệnh HIV khác hẳn với một bà Đông trầm lặng khi kể câu chuyện cuộc đời mình.

Nước mắt lăn dài trên gương mặt người phụ nữ khắc khổ. Chồng bà sau khi lớn tiếng “mày đi ra xã hội mang siđa về nhà” thì bỏ đi biệt tăm đã mấy năm nay. Lo cho thiên hạ nhưng không ngờ tai vạ ập đến nhà bà. Dũng, con trai đầu của bà, vướng vào nghiện ma túy. Đã năm lần bà vay mượn để đưa con đi cai nghiện nhưng thất bại. Loay hoay lo cho con chưa xong thì người con trai thứ hai cũng nghiện ma túy và nhiễm HIV.

“Đến giai đoạn cuối Dũng mới sợ cô đơn, muốn cưới vợ để được biết thế nào là mái ấm gia đình” - bà kể. Vậy là năm 2002, bà Đông lại lo vay mượn để cưới vợ cho con trai. Thúy, vợ Dũng, cũng là người nhiễm HIV cùng xóm. 13 tháng sau ngày cưới, Thúy phát bệnh giai đoạn cuối, một tay bà chăm sóc, lo liệu rồi khâm liệm khi con dâu chết. Năm 2004, Dũng cũng phát bệnh rồi qua đời, bỏ lại cậu em trai vừa nghiện vừa nhiễm HIV cùng món nợ gần 100 triệu đồng và nỗi mất mát tột cùng của mẹ.

Từ đó người ta lại thấy bà Đông càng gắn bó thêm với những số phận HIV như sự cảm thông, chia sẻ từ chính hoàn cảnh gia đình mình. Với từng người có HIV, bà rủ rỉ tâm sự để an ủi, động viên. Có người nói bà gàn dở khi cả đời cứ “đâm đầu vào việc mà người đời ghê sợ”, cũng có người hiểu chuyện, chép miệng bảo bà “tội quá!”. Nhưng với bà, mọi người nói gì cũng không quan trọng, hàng nước có bán được hay không cũng không quan trọng. Bà làm đủ thứ nghề để kiếm sống: từ lau dọn nhà vệ sinh, rửa tấm ván bán thịt đến lượm lặt các thứ đồ thừa thãi trong chợ để có thu nhập làm công tác xã hội và nuôi con bị bệnh. Bà chỉ mong mình còn được sống, còn khỏe mạnh để đến với từng phận đời nhiễm HIV đang cần mình.

“Chỉ một chữ tâm”

Bà Dương Kim Tuyến, cán bộ dự án Tổ chức Care tại VN, nhìn nhận: “Bà Tám Đông cùng các tình nguyện viên nhóm Tre Xanh đã tham gia dự án “Stronger - chăm sóc những người có HIV và hỗ trợ nhóm trẻ em dễ bị tổn thương” do chúng tôi tổ chức. Bà rất nhiệt tình, tận tâm với những người có HIV/AIDS. Đặc biệt là công việc khâm liệm cho người mất vì AIDS, một tay bà lo liệu, chôn cất họ. Dù bà không biết chữ và rất nghèo, nhưng tình thương của bà với những người có HIV/AIDS chưa bao giờ vơi cạn”.

“Bà đã biến nỗi đau mất con trai, con dâu vì AIDS thành sự đồng cảm, sẻ chia với những người có HIV/AIDS trên địa bàn. Cùng với hội phụ nữ phường, bà Đông thành lập câu lạc bộ “Hãy đến bên nhau” là nơi gặp gỡ, sẻ chia của những người nhiễm HIV ở P.Nhật Tân và các phường lân cận. Bà giúp đỡ, tư vấn, chăm sóc, khâm liệm... làm tất cả những việc liên quan đến người có HIV/AIDS mà không có đồng thù lao nào, chỉ với một tấm lòng” - ông Nguyễn Xuân Trường, phó chủ tịch UBND P.Nhật Tân, nói.

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên