Phóng to |
Đã sáu tháng nay, Mai Linh, cô sinh viên với nickname Selena, cần mẫn lên Paltalk luyện phát âm, đọc và nói với thầy cô vốn là những người Việt đang sinh sống ở nước ngoài. Là sinh viên ở TP.HCM, nơi có nhiều trung tâm Anh ngữ nhưng Linh lại không có điều kiện đi học.
Rèn tiếng Anh miễn phí
Cô sinh viên ngành kinh tế khởi đầu chỉ có vốn ngữ pháp tiếng Anh tương đối, phát âm và giao tiếp khá tệ nhưng nhờ chăm chỉ, hiện nay Linh đã có thể trò chuyện tiếng Anh rất tốt. Paltalk có bao nhiêu room (phòng) học tiếng Anh thì Linh có mặt ở bấy nhiêu room. “Cứ rảnh lúc nào là em vào room lúc ấy, room nào có thầy cô là giơ tay đọc bài. Các thầy cô kỹ tính lắm. Sai một từ cũng bắt phải đọc đi đọc lại” - Linh bảo.
Bị thầy cô “bắt bẻ” từng câu từng chữ hoặc có những chữ khó đọc, phải trẹo lưỡi đọc mười mấy lượt mới “qua ải” lại trở thành những cái được nhất của lớp học online. Linh kể lúc đầu lên học cũng lo ngại sẽ có những kẻ quậy phá hay nói nhăng nói cuội vào room nhưng nhiều lần chứng kiến các thầy cô thẳng tay “tống cổ” kẻ quấy rối ra khỏi room nhờ chức năng bounce (đuổi ra) khiến cô rất yên tâm.
Với những người đã có nền tảng tiếng Anh cơ bản, Paltalk lại là môi trường tốt để hoàn thiện kỹ năng nghe nói. Thu Trang, 24 tuổi, ở Hà Nội, là dân tiếng Anh có nghề, đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành tiếng Anh hẳn hoi. Dù đang là cộng tác viên dịch thuật cho một tờ báo nhưng hằng ngày cô vẫn đều đặn lên những room tiếng Anh trên Paltalk, gắn liền với máy tính và headphone. “Giao tiếp của Trang trước đây cũng tàm tạm nhưng vẫn còn nhiều lỗi lắm. Vào đây đọc bài, nói chuyện với thầy cô được các thầy cô chỉnh cho những từ thường hay sai. Kỹ năng nghe, nói, đọc và nhất là phát âm khá hơn nhiều lắm” - Trang chia sẻ.
Sau những nickname
Cơ hội tốt English sharing and experience, English sharing and learning, Study English online và Learning English from Seattle to Hanoi (LESH)... là những room tiếng Anh được nhiều người VN biết đến và đều có trang web đăng lịch học, bài giảng. Thầy cô trong room chủ yếu là người Việt sinh sống ở nước ngoài. Các room này đều vào học tự do nhưng có quy định học tập rõ ràng. Theo thầy Nam Anh - từng là giảng viên tiếng Anh tại ĐH Hà Nội và cũng là người nhiều năm tham gia room LESH trên Paltalk, phần lớn bạn trẻ VN có thể vững về ngữ pháp nhưng phát âm và giao tiếp lại không tốt. Những người tham gia dạy trên Paltalk có thể không có chuyên môn sư phạm nhưng bù lại họ sống ở nước ngoài, nói tiếng Anh là ngôn ngữ chính nên tham gia lớp học của họ sẽ là cơ hội tốt để rèn kỹ năng phát âm và giao tiếp từ người bản ngữ. |
Giờ dạy của bacDon trên hai room Study English online (SEO) và English sharing and learning (ESL) dày đặc những bàn tay (Paltalk có chức năng raise hand hình bàn tay - giơ tay để xếp lượt ưu tiên, ai bấm trước xếp trước). Những đoạn văn tiếng Anh mà bác lục lọi trên báo được đưa vào room rồi lần lượt gọi các bạn lên đọc. Phương pháp cổ điển này rất hiệu quả. Bảy năm dạy học trò Việt, giờ đây những giờ học của bacDon thêm vui nhộn với những câu tếu táo bằng tiếng Việt. Vốn tiếng Việt mới chỉ gần 500 từ nhưng những câu “BacDon bó tay”, “bacDon đẹp lão”, “bacDon thích ăn chè”... của bacDon khiến room lúc nào cũng rần rần.
Lớp học online nhưng các thầy cô Paltalk lại rất quy củ, có thời khóa biểu đàng hoàng. Nhìn vào lịch học room SEO, giờ học phần lớn là thời gian buổi sáng hoặc buổi tối ở VN, thuận lợi cho các học viên. Đổi lại thầy cô tự nguyện trên Paltalk phải sắp xếp giờ dạy rất tréo ngoe do chênh lệch múi giờ. Đã năm năm qua, thầy Sig, một người Việt đã sống hơn 20 năm ở Mỹ, phải tranh thủ dậy lúc gần 6g sáng vào thứ hai, thứ sáu hằng tuần lên Paltalk dạy khoảng hai giờ cho các học viên của mình trước khi đi làm công việc hằng ngày. Lúc đó khoảng 20g-21g VN.
Học trò lên lớp “vô tội vạ”, cứ lượt này ra lượt khác vào. Với những thầy cô có lịch dạy thứ bảy, chủ nhật thì những buổi dạy kéo dài dường như vô tận, dạy nửa ngày, dạy hơn chục giờ là chuyện thường. Những lúc ấy họ phải thức tới 2g-3g sáng. Thầy Lục Chỉ, đang ở Canada, với nickname luchicamma trên room Enghlish sharing and experience (ESE) có thời gian giữ lớp kỷ lục 16 giờ liên tiếp. Lúc đó room gần 180 bạn và có tới 50-60 bàn tay, thầy cứ cố nấn ná gọi thêm vài bàn tay nữa để khỏi uổng công các bạn chờ đợi.
Không chỉ lên mạng dạy đọc, dạy dịch, những chiếc máy tính chạy 24/24 giờ để room luôn hoạt động, tích hợp thêm phần mềm chạy tự động có tên Trivia để luyện nghe, học từ vựng khi không có thầy cô trong room, phần mềm từ điển tự động để các bạn tiện tra cứu trên room ESE cũng được thầy cô tự mày mò thực hiện để các bạn thuận lợi hơn trong việc học. Các thầy cô trên ESE còn tự bảo nhau cùng đóng góp, kêu gọi bạn bè để gây dựng một học bổng hằng năm mang tên ESE cho các bạn sinh viên nghèo hiếu học ở VN (năm nay ESE nhận hồ sơ xin học bổng đến ngày 28-11-2011).
Công việc hằng ngày của thầy Lục Chỉ là làm công nhân thi công công trình đá granit nên thầy đùa rằng trong những “ốp” (operator - người điều hành) trên room ESE, thầy dạy dở nhất. “Thầy Dailynews là giáo sư đại học, cô Thoangbuon là giáo viên toán bên Mỹ. “Ốp” trên Paltalk người nào cũng “dữ” hết, chỉ có thầy Lục Chỉ làm thợ thôi” - thầy nói vui. Nhưng thầy Lục Chỉ vẫn lên room để giúp các bạn trẻ bởi vì “ai cũng có công việc riêng nên để có thể giữ lớp đều đều thì không phải ai cũng đủ tâm để làm. Chúng tôi chỉ mong các bạn trẻ VN mình có thể nói tiếng Anh một cách chuyên nghiệp, tới nơi tới chốn để không bị chê xoàng nữa”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận