19/09/2011 04:11 GMT+7

Nước mắt phu vàng - Kỳ cuối: Những nấm mồ phu

HOÀNG LỘC
HOÀNG LỘC

TT - Lên khỏi hầm, ra khỏi bãi vàng tôi mới biết mình may mắn còn sống. Nghĩ lại câu chuyện về cái chết của những đồng nghiệp xấu số nằm lại chốn rừng sâu, tôi cứ ám ảnh mãi.

tU6SgeWL.jpgPhóng to

Ngôi mộ Ba Mũ của các phu vàng chết do bị ngạt khí mìn trong khe suối 45 (Phước Xuân, Quảng Nam) - Ảnh: Hoàng Lộc

Mộ đá

Tôi được Đông, trước đây từng “bán sức” làm phận phu phen tại nhiều bãi vàng, nhận lời dẫn vào rừng sâu để thắp nén nhang trên mộ những phu vàng xấu số. “Mua thêm nhang để thắp cho mấy anh ấm lòng, chứ ở giữa rừng sâu cô quạnh lắm!” - Đông không quên căn dặn.

Lúc ngồi nghỉ bên gốc cây cổ thụ, Đông nói như chiêm nghiệm: “Đời phu vàng ngắn ngủi lắm, sống ngày nào biết ngày đó. Lâu lâu sập hầm chết một vài người là chuyện bình thường. Đau xót hơn, nhiều vụ sập hầm chết người chủ cai không thèm đưa thi thể lên mà để nằm dưới hầm sâu lạnh lẽo, nhiều người chết chẳng biết gốc gác quê hương. Có người chết vì sập hầm thì chủ cai đổ thừa chết do hút chích xì ke. Phận phu vàng sống đã khổ, chết còn khổ hơn”.

Không khí như u uất, lạnh lẽo hơn khi Đông kể tôi nghe về một phu vàng người Nghệ An chết cách đây không lâu: “Nó chết vì dính ma túy. Bao nhiêu tiền của làm ra đều đổ vào ma túy, khi sức làm không đủ tiền hút nó trở thành nô lệ làm suốt ngày đêm. Một thời gian sau nó thân tàn ma dại, lở loét đầy mình, mọi người thấy tội quá đưa ra bệnh viện thị trấn thì nó chết ngay trên đường đi. Thi thể được mọi người chôn ở nghĩa địa phu vàng tại thị trấn Khâm Đức!”.

Đường vào khu mộ heo hút. Có chỗ dốc đứng, chỗ phải len lỏi dưới những khe suối có tán rừng rậm. Trên đường vào khe suối 45 (xã Phước Xuân), mộ phu vàng tôi ghé đến đầu tiên là ngôi mộ đá.

Ngôi mộ nhỏ bé, nằm nép mình sát lối đi, bên kia là khe suối nước chảy róc rách. Đúng như tên gọi, ngôi mộ được phủ quanh bằng một lớp đá dày, hòn lớn bằng bắp chân, nhỏ bằng bắp tay. Những viên đá trải qua mưa nắng lâu ngày ngả màu rong rêu, cũ kỹ. Trên ngôi mộ có một chân nhang với vô số gốc nhang lạnh ngắt, lá khô rụng phủ gần kín. Cạnh ngôi mộ là một cây cổ thụ, trên thân cây có một bàn thờ và một lư hương lớn. Trên lư hương có một số nhang được thắp lâu ngày chỉ còn trơ lại chân hương, nhưng cũng có nhiều gốc hương còn mới vừa được thắp lên thoang thoảng mùi thơm.

Lâu lâu có người đi ngang ghé vào một lúc thắp nén nhang, đắp vài viên đá rồi tiếp tục lặng lẽ lên đường. “Mỗi khi có việc qua đây mọi người đều dừng lại ít phút thắp nhang trên phần mộ của phu vàng xấu số để mộ phần bớt lạnh lẽo” - Đông nói.

Câu chuyện về cái chết của phu vàng nằm dưới nấm mồ kia chỉ là những câu chuyện lắp ghép được kể lại. Không tên, không tuổi, chẳng ai biết chính xác người nằm dưới ngôi mộ kia tên gì, ở đâu, mất vào thời gian nào, chỉ biết “Nhiều phu vàng vẫn truyền tai nhau về người nằm dưới ngôi mộ đá này là một phu vàng đứng tuổi chết vì bị bệnh sốt rét. Nghe bảo rằng người này bị sốt rét rất nặng, giữa rừng sâu không có thuốc men gì nên đi bộ ra thị trấn Khâm Đức mua thuốc điều trị. Chưa kịp ra đến thị trấn tìm thuốc thì chết khi đang ngồi tựa vào gốc cây bên đường để nghỉ. Sau khi được phát hiện, người đi đường đã đào hố chôn cất sát ngay gốc cây, cạnh khe suối nơi người đàn ông xấu số gục chết và đắp đá tránh nước chảy xói mòn mất thi thể” - Đông lấy từ trong túi ra một bó nhang thắp và kể. Giữa núi rừng thâm u, mùi hương nghe rờn rợn.

Mộ Ba Mũ

Tôi tiếp tục xách balô vào mộ Ba Mũ nằm sâu tận cùng trong khe suối 45. Mưa rừng nhỏ lộp bộp trên những tán cây càng làm tăng vẻ u tịch. Suốt chặng đường hơn ba giờ băng rừng vượt suối vào khu mộ, tôi bắt gặp từng “đội quân” phu vàng gồng trên lưng balô hàng nặng trĩu tiếp tục vào rừng sâu.

Rải rác trên đường đi, một số hầm vàng đã ngừng hoạt động, cạnh đó là những bàn thờ nhỏ lạnh tanh. Hỏi chuyện mồ Ba Mũ, người đi rừng ai cũng biết và trong câu chuyện họ kể vẫn còn vương vẻ sợ hãi, kinh hoàng về cái chết của ba phu vàng xấu số cách đây tròn một năm.

Điều khiến ngôi mộ này đặc biệt hơn cả so với những ngôi mộ phu vàng khác tôi từng gặp: ngôi mộ chỉ là căn chòi nhỏ phủ bạt, bên trong có một bàn thờ lớn đặt sát vách núi nằm cạnh miệng hầm vàng ngừng khai thác lâu ngày. Trên bàn thờ có ba lư hương, ba mũ bảo hộ màu vàng treo đối xứng với ba lư hương cắm đầy gốc nhang lạnh ngắt. Tên tuổi, quê quán, ngày mất... không hề có. “Gọi là mồ Ba Mũ vì chỉ có ba chiếc mũ làm tên tuổi thôi” - ông Mỹ, chủ bãi vàng cạnh đó, lý giải.

Bên chén trà, ông Mỹ nhớ lại câu chuyện đau lòng một năm về trước: “Đó là một chiều mưa tầm tã. Vừa nổ mìn xong, ba phu vàng lao lên khỏi miệng hầm đợi khói mìn bay hết mới vào khuân đá, gặp lúc chủ cai đi nhậu đâu về say khướt thấy ba phu vàng đang ngồi đánh bài nên quát tháo, bắt xuống hầm khuân đá. Lao xuống không thấy động tĩnh gì nên chủ cai gọi người kiểm tra, ai dè cả ba đã chết dưới hầm vì ngạt khí mìn”.

Nhấp ngụm trà, ông Mỹ tiếp tục kể: “Cả lán huy động gần chục chiếc máy nổ để kéo người lên với hi vọng có người còn sống nhưng chẳng chiếc máy nào chịu nổ, khi kéo được người lên thì đã cứng hết cả rồi”.

Thi thể phu vàng ngay sau đó được chủ cai đưa lên chôn ngay cạnh hầm vàng. Nghe đâu họ đều quê ở miền Bắc. Mới đây người nhà của ba phu vàng xấu số tìm đến bốc mộ mang về, chẳng ai biết tên tuổi họ là ai.

“Mấy ảnh thiêng lắm, hôm trước mấy phu vàng mới vào nghịch ngợm lấy mũ ra đội, tối ngủ mấy anh về nhắc nhở đừng lấy mũ, hãy trả mũ cho các anh” - tôi lạnh người khi nghe ông Mỹ kể.

Ông bảo họ chết giữa rừng nhưng còn may mắn được chôn cất, thờ phụng. Nhiều phu vàng khác chết không ai chôn cất, thi thể cứ trôi dạt khe suối này qua khe khác đến lúc chỉ còn trơ mỗi bộ xương.

Chiếc bàn thờ trên đó có ba chiếc mũ ngả màu và ba lư hương là do chính tay ông Mỹ lập ra để thắp nhang cho những phu vàng xấu số bớt lạnh ở giữa rừng sâu. Vợ ông Mỹ ngồi cạnh bên góp thêm vào câu chuyện: “Mồng một, rằm hay ngày lễ vợ chồng tui lại ra thắp nén nhang cho các anh được ấm lòng. Nhiều phu vàng đi làm dù không quen mặt, biết tên cũng ghé qua thắp nhang phần vì cảm thương cho phận người ngắn ngủi, phần cầu mong các anh phù hộ cho mình”.

Câu chuyện của vợ chồng ông Mỹ kết thúc, cơn mưa chiều cũng vừa dứt. Tôi thắp lên bàn thờ phu vàng ba nén nhang mà lòng xót xa khi nghĩ về chuyện những thân phận con người...

Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Vào hầmKỳ 2: Vắt sức giữa rừngKỳ 3: Phận phu nữ Kỳ 4:Trăm nẻo đường phu

Đón đọc số tới:

Người anh hùng dân chài

Trước khi đối diện kẻ thù to lớn, tại xóm chài nghèo anh hùng Nguyễn Trung Trực đã tuyên bố: “Tôi ra đi đánh Sài Lang cứu quốc, bao giờ thành công mới trở về. Anh em ai có lòng thì theo tôi. Nếu việc lớn không thành, hằng năm gia đình cứ lấy ngày này làm mâm cơm để anh em sum họp...”. Hơn 150 năm trước, ông đã nêu khí phách can trường của người Việt trước hiểm họa ngoại xâm.

HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên