17/08/2011 07:15 GMT+7

Thi Lang nằm ở đâu trong thế kỷ 21?

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TT - Trưa 13-8, giữa biển Đông một ngày trời xanh, lặng gió hiếm hoi giữa mùa biển động từ tháng 6, phóng viên AP (Mỹ) hỏi hạm trưởng tàu sân bay USS George Washington về sự xuất hiện trước đó mấy ngày của chiếc Thi Lang.

Hạm trưởng David Lausman bình thản trả lời: “Biển cả là của chung cho mọi người. Chúng tôi muốn cộng tác với họ. Có thiếu gì chuyện để làm chung: hải tặc, sóng thần, thiên tai... Càng cộng tác, đối thoại, càng có cơ hội hiểu nhau hơn, càng bớt hiểu lầm...”.

TDm8Vgh0.jpgPhóng to
Nhà báo Danh Đức trên tàu sân bay USS George Washington

“Chiếc áo không làm nên thầy tu”

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ: “Một nước mới có một tàu sân bay, phải mất bao lâu để rèn luyện?”, hạm trưởng David Lausman bật cười: “Chúng tôi đã mất cả một thế kỷ với tàu sân bay, còn máy bay trên tàu chúng tôi thì mỗi ngày bay lên hạ xuống cả trăm lần!”.

Câu trả lời này khiến tôi nhớ tới tình huống khi chiếc Thi Lang hạ thủy, đề đốc hải quân Trung Quốc Zhang Zhaozhong trả lời Tân Hoa xã: “Thi Lang sẽ không có sứ mạng chiến đấu, mà chỉ được dùng để huấn luyện và thử nghiệm”. Ông tỏ ra biết người, biết ta khi nhắc lại rằng Mỹ từng đóng và làm chủ đến hơn 200 tàu sân bay, Nhật chí ít cũng được 25 tàu và trải qua bao chiến tranh, trong khi Trung Quốc mới chỉ có chút ít kinh nghiệm chiến đấu với vài con tàu mặt nước, chưa hề có kinh nghiệm hạ cánh tàu sân bay nào, lịch sử tàu sân bay của Trung Quốc mới chỉ là một trang giấy trắng”.

Lời tự nhận xét này của đề đốc Zhang Zhaozhong đặt trong cái nhìn lịch sử trăm năm tàu sân bay, càng thấy “chiếc áo không làm nên thầy tu”!

Có nhìn thấy nhân viên tàu sân bay hì hục mỗi người một việc trên boong, dưới hầm tàu, mới hiểu tại sao hạm trưởng David Lausman lại phát biểu: “Có thể quý vị đã nhìn thấy sự to tát của con tàu, song to lớn hơn cả là 5.200 nhân viên trên con tàu này sống, làm việc như một”.

Chỉ sơ sót của một ai đó sẽ là tai nạn cho một chiếc máy bay, thậm chí một thảm họa cho cả con tàu. Có đứng ở tháp sau con tàu hàng giờ xem từng chiếc máy bay hạ cánh, chiếc nào cũng bay qua đầu con tàu một lượt, sau đó đánh một vòng lượn cuối rồi mới hạ cánh, theo đúng giác độ đó, không suy suyển một “giây” (hình học), rồi chạm boong tàu, cái móc ở đuôi bám chặt vào bốn sợi dây cáp để thắng đứng trong tích tắc..., mới hiểu được tính vĩ đại của một tàu sân bay không do nó chở theo được bao nhiêu máy bay, mà là do độ chuẩn xác trong từng động tác của từng nhân viên, đúng như lời hạm trưởng David Lausman:

“Năm ngàn người như một!”. Đem ý đó đi hỏi một thủy thủ người gốc Việt: “Tôi từng thấy một buồng giam trên tàu sân bay USS Midway rồi, thế ở tàu này có không?”, anh ta trả lời: “Cũng có và vô đó thì chỉ có bánh mì không và nước lã. Nhưng chẳng ai vô”.

Có nhìn thấy cô thủy thủ trẻ đẹp, trắng trẻo ngồi dán mắt vào cặp kính quan sát to đùng ở cuối mạn tàu bất kể nắng trưa, mới hiểu thế nào là rèn luyện trên một tàu sân bay sao cho con tàu đó luôn khả dụng: các tháp tàu giăng đầy các giàn rađa đủ loại, đủ tầm đã đành, song vẫn không thể thiếu những cặp mắt tỏ tường của những thủy thủ dán mắt vào thiên lý kính như trong lịch sử hàng hải bao ngàn năm.

Nói cho ngay, làm việc trên tàu sân bay USS George Washington lớp Nimitz này cũng sướng hơn là làm việc trên một chiếc tàu sân bay đời cũ như chiếc USS Midway mà tôi từng có dịp lên thăm. Chỉ riêng hệ thống máy lạnh nội thất của chiếc USS George Washington cũng giúp cuộc sống thủy thủ đỡ vất vả biết bao rồi!

Đáng nể nữa là hai bên hông tàu, chính xác là khu vực các hangar (khoang chứa máy bay), đều mở toang ra ngoài trời để tránh mùi xăng, dầu, nhớt, khói động cơ... biến nó thành địa ngục trần gian.

Mối đe dọa cho ai?

Thông cáo cấm tàu bay, tàu bè léo hánh khu vực rộng 13,25, dài 22 hải lý dọc từ phía bắc Hoàng Hải đến vịnh Liêu Đông từ ngày 10 đến 14-8 để cho chiếc Thi Lang hạ thủy càng gây tò mò, bình phẩm.

Có tác giả như Craig Guthrie chế giễu trong bài báo mang tựa đề “Tự hào và thành kiến về chiếc tàu sân bay của Trung Quốc” (Pride & prejudice over China’s aircraft carrier): ”Một số người, trông mặt bắt hình dong, ngờ rằng con tàu này chính là một mối đe dọa cho thủy thủ của nó hơn là với các nước khác”.

Thật ra không ít người cũng e ngại chiếc Thi Lang sẽ gây nguy hiểm cho thủy thủ của nó. Trefor Moss trong “Giải mã tàu sân bay Trung Quốc” giải thích chi tiết: Đây là chiếc tàu huấn luyện cho một lực lượng hải quân chưa từng sử dụng tàu sân bay bao giờ. Nhất là khi quả quyết sẽ trang bị cho tàu sân bay này chiến đấu cơ hải quân J-15, là những chiếc máy bay còn chưa được kiểm chứng trong thực tế và vẫn trong giai đoạn phát triển (của quá trình nghiên cứu và phát triển).

Sở dĩ Trefor Moss hoài nghi chiếc J-15 là do tương truyền đây là bản sao của một chiếc Su-33 nguyên mẫu chưa hoàn tất mua lại từ Ukraine năm 2001, đem về banh ra, “mổ xẻ” rồi “phát huy sáng kiến làm lợi cho nhà nước hàng tỉ đồng”. Sau vụ “tham

khảo” này, Trung Quốc có đòi mua trở lại chiếc Su-33 song Nga từ chối. Nên sau này chiếc J-15 quay trở lại với hình mẫu là chiếc J-11, vốn là một bản sao “chôm” tác quyền chiếc Su-27 của Nga khiến Nga tức giận “cấm cửa”. Thành ra không chỉ Trefor Moss e dè trước chiếc J-15 này, mà cả Dean Cheng, một nhà nghiên cứu của Heritage Foundation, cũng ớn lạnh tương tự: ”Huấn luyện phi công cất cánh từ tàu sân bay là một công việc tốn thời gian và tốn kém. Sẽ có cả thất bại và mất phi công”.

Có ngồi trên chiếc máy bay cất cánh từ boong tàu bằng lực tống của một dàn phóng, mà sức mạnh có thể ném một chiếc xe hơi bay xa đến 2 dặm, trong tích tắc bay lên độ cao 200m rồi từ đó máy bay vọt lên bằng chính sức máy của nó, sẽ hiểu tại sao hạm trưởng chiếc USS George Washington bảo rằng phi công của ông mỗi ngày cất, hạ cánh cả trăm lượt! Tất nhiên, làm phi công tàu sân bay đâu chỉ có cất, hạ cánh!

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Kinh nghiệm Ấn - Nhật Kỳ 2: Truyền thống hải quân Nhật Kỳ 3: Nhật - Mỹ tử chiến Kỳ 4: Tàu sân bay, ghét bỏ và thèm khát Kỳ 5: Tàu sân bay của thế kỷ 21

-------------------------------------------------

Đón đọc số tới: Cầu Ghềnh dấu tích trăm năm

Cùng với cầu Tràng Tiền (Huế) và cầu Long Biên (Hà Nội), hơn 100 năm trước cầu Ghềnh đã tạo thành dấu ấn đặc biệt cho mảnh đất lịch sử Biên Hòa, Đồng Nai. Sau những biến cố, dư luận xôn xao việc nếu xây một cây cầu mới thì số phận cầu Ghềnh hiện tại sẽ như thế nào? Tuổi Trẻ trở lại với cây cầu của lịch sử trăm năm...

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên