Phóng to |
Một chuyến xe đi tìm hài cốt liệt sĩ do gia đình tự tổ chức theo chỉ dẫn của “vong” - Ảnh: H.K. |
Kỳ 1: Nhập “vong”Kỳ 2: Thực hư không rõ
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Hồng Sơn - phó cục trưởng Cục Người có công, đơn vị chủ trì xây dựng đề án này - nói:
- Chúng tôi rất lo ngại về việc gần đây xuất hiện hàng loạt “trung tâm”, cá nhân tự nhận có khả năng tìm mộ liệt sĩ bằng ngoại cảm. Chưa biết đúng - sai thế nào, thực tế đã có rất nhiều trường hợp “tiền mất, tật mang” vì ngoại cảm. Thậm chí có thân nhân liệt sĩ nghe lời nhà ngoại cảm bốc nhầm mộ người khác... Đây cũng là một trong những lý do để Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo Cục Người có công gấp rút xây dựng đề án “Xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin” để trình Chính phủ.
* Tại các cuộc họp lấy ý kiến xây dựng đề án, có không những ý kiến ủng hộ phương pháp ngoại cảm?
- Có rất nhiều hội nghị, hội thảo bàn về đề án này. Tại các hội nghị, hầu hết ý kiến đều ủng hộ việc tìm mộ liệt sĩ, trả lại tên cho liệt sĩ bằng phương pháp giám định gen. Tuy nhiên cũng còn một số ít ý kiến ủng hộ phương pháp tìm mộ bằng ngoại cảm. Chúng tôi không phủ nhận khả năng đặc biệt của một số người, nhưng số này rất ít.
* Tìm mộ liệt sĩ bằng phương pháp ngoại cảm đang nở rộ ở một số tỉnh miền Trung. Thân nhân liệt sĩ đã thiệt thòi nhiều, nay lại thêm rất nhiều người bị lợi dụng. Cục có biết việc này không?
"Đối với mộ liệt sĩ đang được quản lý trong nghĩa trang hoặc hài cốt nằm ngoài nghĩa trang do thân nhân tự tìm bằng ngoại cảm, nếu có nguyện vọng di chuyển, quy tập thì thân nhân liệt sĩ phải báo sở LĐ-TB&XH, sở báo cáo bộ để được hướng dẫn xác định danh tính hài cốt qua công nghệ gen - ADN. Kết quả giám định là cơ sở để quyết định cho phép di dời, quy tập hài cốt" Ông Lê Hồng Sơn (phó cục trưởng Cục Người có công - Bộ LĐ-TB&XH) |
* Có phải vì vấn đề tâm linh nên từ trước đến nay mình không cấm đoán mà tạm chấp nhận?
- Cái này thuộc quản lý hành chính nhà nước, các địa phương. Chúng tôi mong chính quyền các cấp quản lý thật chặt, phải dẹp cái này đi, không nên để “trung tâm” hay “nhà ngoại cảm” xuất hiện tràn lan. Thân nhân liệt sĩ đã thiệt thòi, day dứt vì chưa tìm được hài cốt người thân, nay vì “ngoại cảm” họ lại tốn tiền, mất thời gian, thậm chí nhiều người phải ngồi “áp vong” cả mấy ngày, có khi hóa điên mà kết quả chưa biết đến đâu. Tôi chỉ muốn nói lại thế này: tìm mộ liệt sĩ, trả lại tên cho liệt sĩ là trách nhiệm của Nhà nước. Chúng tôi cũng hiểu tâm lý của các thân nhân, nhưng mong các thân nhân khi hay tin tức về liệt sĩ nên báo với chính quyền, cơ quan quân sự hoặc ngành lao động địa phương để được hướng dẫn, tránh “tiền mất, tật mang”.
* Thưa ông, đã có cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ nào mà cơ quan nhà nước nhờ đến các nhà ngoại cảm?
- Cái này thì tôi chưa từng nghe đến. Tôi mới từ địa phương lên Cục Người có công. Ít nhất trong thời gian một năm trở lại đây, tôi khẳng định chưa có vụ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ nào Nhà nước cần nhờ đến các nhà ngoại cảm. Còn lâu hơn nữa thì tôi không chắc chắn.
* Nghe nói có nhà ngoại cảm đã được khen thưởng?
- Tôi không nhớ chắc chắn thời điểm nào, nhưng được biết bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH từng khen thưởng một số nhà ngoại cảm vì tích cực, có công trong tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.
* Vậy quan điểm của cục như thế nào về việc này. Cấm hay không cấm?
- Tôi thấy từ trước đến nay hoạt động này vẫn diễn ra, người ta vẫn làm. Đây là tâm linh, là khả năng của mỗi người và chúng tôi thừa nhận chỉ rất ít người có khả năng đặc biệt này. Thực tế cũng có người tìm được mộ liệt sĩ và chúng tôi không biết họ tìm bằng cách nào, có dựa vào thực chứng cụ thể không. Nhưng chúng tôi quan niệm đây chỉ là hoạt động mang tính tâm linh, chứ không thể coi đây là phương pháp, giải pháp để đưa vào pháp luật hay quy định để tìm kiếm hài cốt.
* Vậy có những phương pháp nào để tìm kiếm, xác định hài cốt liệt sĩ được đưa vào đề án?
- Có hai phương pháp chính. Một là, tìm kiếm hài cốt thông qua những tư liệu, tài liệu ta lưu giữ được. Giải mã các hồ sơ ta lưu giữ từ trước đến nay. Đây là phương pháp thực chứng vẫn làm từ trước đến nay. Còn phương pháp thứ hai là tập trung làm giám định ADN. Đây mới là nội dung chính của đề án. Chúng ta vẫn phát huy phương pháp 1, phát động, vận động mọi tầng lớp nhân dân làm theo phương pháp này. Ngoài ra, chúng ta còn phải dùng cả phương pháp tổng hợp.
* Số liệt sĩ còn mất tích chưa quy tập được, liệt sĩ chưa biết tên còn đến hơn nửa triệu...
- Sẽ cực kỳ khó khăn, nhưng khó mấy chúng ta cũng phải làm. Hiện có khoảng 240.000 hài cốt chưa quy tập, khoảng 320.000 hài cốt có mộ ở các nghĩa trang chưa biết tên. Tức là nó liên quan đến rất nhiều thân nhân liệt sĩ, nhưng việc tiến hành lấy mẫu gen, ADN của những thân nhân này cũng là việc khó, dù khó vẫn phải làm để lập ngân hàng gen. Có ngân hàng gen, khi tìm thấy hài cốt liệt sĩ nào sẽ lấy mẫu ADN tra thì có thể tìm ra chính xác tên tuổi liệt sĩ.
* Phương pháp giám định gen cần phải có máy móc, cơ sở để phân tích. Hiện ta có bao nhiêu cơ sở có thể làm được việc này?
- Rất nhiều, của Nhà nước cũng có, giờ thêm cả các doanh nghiệp. Lúc đầu bộ cũng có ý tưởng sẽ thành lập một số trung tâm giám định gen nhưng thấy tốn kém cả trăm tỉ đồng. Qua nhiều hội thảo, chúng tôi thống nhất ở bộ chỉ lập một trung tâm điều hành và trung tâm này phối hợp với các trung tâm của các bộ, ngành, xã hội để làm. Cách này vừa đỡ tốn kém, lại nhanh tiếp cận được.
* Chi phí một mẫu giám định gen là bao nhiêu?
- Mất gần 10 triệu đồng, toàn bộ chi phí này Nhà nước sẽ hỗ trợ vì đây là liệt sĩ, Nhà nước sẽ có trách nhiệm.
* Chúng ta có phấn đấu đến thời điểm nào sẽ hoàn tất để “trả lại tên” cho hơn 500.000 liệt sĩ?
- Chúng tôi không đặt ra cụ thể mỗi năm sẽ làm thế nào, bao nhiêu, bởi đây là việc rất khó. Chúng tôi đã bàn và tạm đưa ra mục tiêu phấn đấu là làm quyết liệt, giai đoạn từ nay đến 2020 sẽ giải quyết cơ bản trên tinh thần cố gắng hết mức. Hiện cục đã phối hợp với Viện Sinh học (Bộ KH-CN) để thí điểm giám định ADN. Trước mắt, chúng tôi ưu tiên xem xét những mộ hài cốt mới được quy tập từ các đơn vị quy tập hài cốt liệt sĩ trên toàn quốc. Trong quá trình quy tập, những hài cốt chưa có danh tính sẽ lấy mẫu ADN. Những gia đình đi tìm mộ liệt sĩ, nếu có yêu cầu, chúng tôi cũng sẽ tiến hành lấy mẫu để phân tích ADN. Các mộ liệt sĩ hay hài cốt có sự tranh chấp, chúng tôi cũng ưu tiên lấy mẫu.
* Trong khi chờ đề án được thông qua, rất đông thân nhân liệt sĩ vẫn trông cậy vào phương pháp tâm linh - ngoại cảm để tìm hài cốt...
- Trước hiện tượng bùng phát tìm mộ liệt sĩ bằng ngoại cảm, mới đây lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND, Sở LĐ-TB&XH Nghệ An, Hà Tĩnh và Hà Nam về việc này. Sau khi làm việc, bộ đã có thông báo rộng rãi tới các tỉnh đề nghị các địa phương chỉ đạo, giải thích để người dân hiểu việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp ngoại cảm cần phải được kiểm chứng đồng thời với các phương pháp khoa học (giám định ADN). Các địa phương cần tăng cường quản lý và xử lý nghiêm theo quy định những trường hợp giả danh ngoại cảm để thu lợi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận