Phóng to |
Phía sau những tấm lòng mong ngóng tìm mộ liệt sĩ của người dân là bao câu chuyện chưa rõ thực hư, thậm chí mang màu sắc kinh doanh thu lợi.
Rộ “trung tâm”
Tỉnh đang chờ chỉ đạo Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An Nguyễn Thanh Phùng cho biết: "Các trung tâm bắt đầu rộ lên từ tháng 2-2011. Khi dư luận xôn xao Sở LĐ-TB&XH đã cử đoàn công tác và mời một số nhà ngoại cảm có uy tín về cùng đi tìm hiểu tại các “trung tâm”, sau đó tổ chức hai cuộc họp bàn về chuyện nhạy cảm này. Hầu hết ý kiến cho thấy nhiều huyện chưa rõ thực hư về các “trung tâm”. Vấn đề nổi cộm sau việc đi tìm mộ liệt sĩ là có nhiều dịch vụ ăn theo làm ảnh hưởng đến môi trường, kinh tế. Mới đây Bộ LĐ-TB&XH làm việc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An. Bộ hẹn sẽ có công văn chỉ đạo nhưng đến nay chưa thấy". |
Chị Hạnh cho biết: "Tháng 9-2010, tôi ra nhà ông Tuấn ở thị trấn Duy Tiên, huyện Duy Tiên (Hà Nam) nhờ tìm mộ liệt sĩ là chú ruột tên Phan Văn Dũng bằng phương pháp ngoại cảm. Cất bốc được mộ, “vong” của chú lại áp vào, nhờ tôi đi tìm đồng đội của chú đưa về quê an táng. Theo điều hành của “vong”, tháng 12-2010 tôi lập bàn thờ và mở “trung tâm tìm kiếm mộ liệt sĩ” tại nhà riêng".
“Trung tâm” của bà Phan Thị Hạnh có 7.000 người đăng ký, đã quy tập 272 hài cốt. Có người tìm được hài cốt liệt sĩ thì “vong” tiếp tục "đề nghị" mở thêm trung tâm mới để tìm kiếm, đưa đồng đội khác về quê. Vậy là các “trung tâm” xuất hiện ngày càng nhiều. Nghệ An hiện có 15 “trung tâm” tại các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu và TP Vinh. Danh sách đăng ký tìm mộ liệt sĩ tại 15 “trung tâm” này lên tới 15.000 người. Kết quả, cất bốc được 810 hài cốt nhưng tất cả đều chưa xét nghiệm ADN nên vẫn có nhiều gia đình băn khoăn, chưa thể biết chắc chắn ngôi mộ mình kỳ công tìm được có phải mộ thân nhân hay không.
Ông Châu Thái (trú tại xóm 1B, xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn) kể: "Tôi được “trung tâm Phan Thị Hạnh” chỉ dẫn bốc mộ liệt sĩ tại nghĩa trang xã Bình Tú, huyện Thăng Bình, Quảng Nam. Trước khi bốc mộ, “vong” liệt sĩ áp vào cháu tôi nói dưới mộ có di vật là chiếc đồng hồ đeo tay. Khai quật mộ, chúng tôi phát hiện một chiếc đồng hồ đúng như “vong” liệt sĩ báo". Anh Trần Văn Hùng, công tác ở Bộ chỉ huy quân sự Nghệ An, trước khi bốc mộ cho anh trai ở nghĩa trang huyện Gio Linh (Quảng Trị) được “vong” báo có chiếc võng dù nằm dưới mộ. Khi khai quật, đúng là có một chiếc võng dù nằm khuất dưới lớp xương cuối cùng. Cũng từ “trung tâm Phan Thị Hạnh”, ông Dương Tuấn - phó phòng tổ chức cán bộ Ban Tổ chức tỉnh ủy Nghệ An) - vừa tìm thấy hai mộ liệt sĩ của anh ruột và chú ruột. Ông Tuấn nói: "Đủ độ tin cậy để yên tâm đây là hài cốt của chú và anh ruột tôi".
Ngược lại, gia đình ông Đinh Xuân Thường (trú tại xóm 5, xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn) hoàn toàn thất vọng khi “trung tâm Lê Thị Hòa” (ở xóm 4, xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn) chỉ dẫn tìm mộ anh trai là liệt sĩ Đinh Xuân Cầu. Theo đó, “vong” chỉ mộ đang nằm ở vùng rừng tỉnh Bình Dương nhưng hai cựu chiến binh Nguyễn Công Thành và Trần Văn Thường (bạn chiến đấu với liệt sĩ Đinh Xuân Cầu) khẳng định: “Liệt sĩ Cầu hi sinh khi đang vượt sông Se Măng Hiêng ở Hạ Lào. Chính hai anh em chúng tôi đã an táng liệt sĩ Cầu tại vùng rừng Hạ Lào". Nghe vậy, gia đình ông Thường đắn đo rồi dừng chuyến đi. Gia đình anh Hoàng Văn Tùng (trú ở xã Tân An, huyện Tân Kỳ, Nghệ An) đến tìm mộ liệt sĩ ở “trung tâm Sa Nam” (thị trấn Nam Đàn), được “vong” chỉ mộ nhưng kết quả là bốc nhầm mộ một liệt sĩ khác ở nghĩa địa Võ Xá, xã Trung Sơn, huyện Gio Linh, Quảng Trị.
Quảng cáo và cạnh tranh
Hồi tháng 5, “trung tâm Nguyễn Thị Phương Mai” cho hay vừa di chuyển 121 hài cốt liệt sĩ quy tập từ lâu trong nghĩa địa Rú Nẩy thuộc huyện Nam Đàn về chung một ngôi mộ do trung tâm này tự xây. Mộ dài 1,5m, rộng 1m, bia cao 1,8m, mặt trong đề: “Tổ quốc ghi công. Ngôi nhà chung 121 anh hùng liệt sĩ. Trung tâm 3 Sa Nam, thị trấn Nam Đàn quy tập". Mặt ngoài bia ghi: "Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ thời đại Hồ Chí Minh". “Trung tâm” không biết 121 liệt sĩ đó là ai, ở đâu nên dùng cành lau làm xương, vỏ quả dừa làm sọ người xếp vào trong mộ. Khi được các cơ quan chức năng hỏi, “trung tâm” này cho rằng do “vong” của liệt sĩ Nguyễn Cảnh Tuệ bảo xây nên phải xây.
Giữa các “trung tâm” cũng có chuyện quảng cáo hoặc cạnh tranh quyết liệt. Sau khi “trung tâm Lê Thị Hòa” xuất hiện, người của “trung tâm Phan Thị Hạnh” cho rằng "chỉ có trung tâm cô Hạnh ở Nam Cát mới điều hành được vong". “Trung tâm” này còn treo biển: "Thông báo trung tâm tìm kiếm hài cốt liệt sĩ tại Nam Cát, Nam Đàn là trung tâm duy nhất. Bà con lưu ý không có cơ sở nào khác, ai đi cơ sở khác “trung tâm” không chịu trách nhiệm". Ngay sau đó, “trung tâm Nguyễn Thị Phương Mai” ở thị trấn Nam Đàn tự nhận "trung tâm chỉ huy cao nhất". Các trung tâm còn tổ chức quay camera, dựng đĩa CD để tuyên truyền về cơ sở của mình.
Tại các “trung tâm”, người đi tìm mộ liệt sĩ phải thuê chiếu ngồi với giá 20.000 đồng/chiếc/ngày; đặt đồ lễ cúng từ 300.000-500.000 đồng/lễ. Gia đình nào có người “áp vong” liền được “trung tâm” gợi ý thuê xe giá 2,8-3,2 triệu đồng/ngày (tiền xăng gia đình lo). “Trung tâm Phan Thị Hạnh” đã mua bốn ôtô và thuê thêm tám ôtô để phục vụ người đi tìm mộ liệt sĩ. Trung bình mỗi gia đình đi tìm mộ tốn 50-80 triệu đồng. Không ít người phải vay mượn tiền bạc hoặc cầm cố tài sản để theo đuổi việc tìm mộ tại các “trung tâm”.
Nói về các “trung tâm” tìm kiếm mộ liệt sĩ đang đua nhau mọc lên, trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Nam Đàn Phạm Hữu Tùng nói: "Chúng tôi rất lo ngại khi xuất hiện “vong” giả và loạn “vong”. Tại “trung tâm” Nguyễn Thị Phương Mai” ở Sa Nam, thị trấn Nam Đàn (tự phong anh rể làm giám đốc, em rể làm phó giám đốc, còn mình làm người phiên dịch cho bố là liệt sĩ Nguyễn Cảnh Tuệ để chỉ đạo việc tìm kiếm liệt sĩ) đã có chuyện “vong” nhập vào người đi tìm mộ nhưng toàn nói xấu cán bộ địa phương. Chị N. (20 tuổi) bị “vong áp” hơn một tháng nhưng không thành, chị Mai dùng roi dâu đánh để giải tà ma khiến chị này hoảng hốt hét lên. “Trung tâm” này còn có nhiều người “vong” không thoát nên bị nhốt trong một phòng thờ riêng, chờ giải tà ma xong mới cho về”.
Cần chấn chỉnh Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người - GS Phan Anh đã có công văn gửi UBND tỉnh Nghệ An, nêu: "Nghệ An cần có đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra tính pháp lý của các “trung tâm tìm mộ liệt sĩ”. Qua đó kiến nghị những “trung tâm” nào cần giải tán ngay do không đạt tiêu chuẩn tối thiểu hoặc vi phạm pháp luật. Những “trung tâm” có thể tồn tại cần làm những thủ tục xin phép và chịu sự quản lý của chính quyền địa phương về trật tự xã hội, an toàn vệ sinh thực phẩm, không trục lợi. Các “trung tâm” này cũng phải được sự kiểm tra của Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người về chuyên môn". Trong khi đó, bác sĩ Phạm Ngọc Ngô - phó giám đốc Bệnh viện tâm thần Nghệ An - tỏ ra lo ngại khi 20 bệnh nhân là những người “áp vong” phải nhập viện tâm thần, đó là chưa kể nhiều bệnh nhân khác ngại mang tiếng nên điều trị riêng. Theo BS Ngô, những bệnh nhân này thuộc nhóm rối loạn tâm thần có căn nguyên sang chấn tâm lý. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận