29/07/2011 05:11 GMT+7

Trở về từ biển cả - Kỳ 4: Giữa lòng cát trắng biển xanh

LÊ ĐỨC DỤC
LÊ ĐỨC DỤC

TT - Từ sân bay Cát Bi, Hải Phòng, cả gia đình anh Phương bay vào TP.HCM rồi nối chuyến ra Phú Quốc. Vừa xuống sân bay, gia đình anh đã được xe của hải quân Vùng 5 đón về nghỉ ngơi tại đơn vị.

w4Dq2yey.jpgPhóng to

Chiến sĩ Vùng 5 hải quân tìm kiếm hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Hiệu ở Phú Quốc - Ảnh tư liệu gia đình

Video clip "Từ biển cả trở về đất mẹ" - Nguồn: TVO

Mang tâm nguyện của chuyến đi còn mong manh hơn mò kim đáy bể, gia đình anh đã ra thắp nhang ở nghĩa trang liệt sĩ huyện đảo với niềm tin người bố sống khôn thác thiêng cho con cháu được đưa hài cốt về với quê nhà.

Cuộc tìm kiếm tổng lực

Vị trí có hài cốt của liệt sĩ đã được định vị trên bản đồ, thuộc mũi Con Dương. Điều này cũng phù hợp với nhận định của một sĩ quan tham mưu hải quân Vùng 5 khi nghiên cứu hải đồ. Anh sĩ quan này cho biết nếu tàu 645 nổ ở vị trí tây nam đảo Phú Quốc và nếu còn một phần thân thể trôi dạt thì chắc chắn sẽ tấp vào khu vực này.

Thực tế tại vùng biển này có một xoáy nước thường chạy theo hướng nam rồi cuộn vào phía đông nam đảo. Những ngư dân đánh bắt trên vùng biển khi bị đắm tàu bè cũng thường trôi dạt vào khu vực này.

Sáng hôm sau, với sự hướng dẫn của anh Phong, trưởng phòng chính sách Vùng 5 hải quân, cùng với một trung đội hơn 30 người được Vùng 5 điều động hỗ trợ tìm kiếm, cả gia đình anh Phương ra vị trí đã được đánh dấu trên bản đồ.

Ngày đầu tiên khoanh vùng khu vực tìm kiếm, cả trung đội hơn 30 chiến sĩ dốc sức đào nhưng càng đào cát lại càng sụt xuống, nước biển cứ thế dâng theo hố cát vừa đào, bao nhiêu công sức đổ ra mà cuộc tìm kiếm xem chừng vô vọng. Trước tình hình ấy, bộ chỉ huy Vùng 5 tăng cường nhân lực giúp sức vào cuộc tìm kiếm.

Ngày thứ nhất trôi qua, dưới nắng rát chang chang nhưng chưa có một dấu hiệu nào để nhận biết dấu vết hài cốt. Phạm vi được đào xới tuy có mở rộng nhưng chỉ mới chừng 1/4 diện tích khu vực xác định. Anh Phương quyết định gọi điện nhờ Tư lệnh Vùng 5 hải quân trợ giúp.

Chiều ngày thứ hai của cuộc tìm kiếm đích thân chính ủy Vùng 5 hải quân đến thăm động viên gia đình và liên lạc với lực lượng của Quân khu 9 để nhờ hỗ trợ một máy xúc. Lực lượng tìm kiếm cũng được bổ sung. Hiện trường giờ đây là cả một lòng hồ mênh mông bên một núi cát sừng sững hiện ra sau mấy ngày tìm kiếm.

Nếu cuộc tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ hải quân ở vùng biển Long Châu trong chiếc tàu đắm là mò kim đáy bể thì cuộc tìm kiếm liệt sĩ Nguyễn Văn Hiệu lần này còn gian nan hơn đãi cát tìm vàng. Gần một tiểu đoàn cán bộ chiến sĩ sau khi đào xới lại dùng sàng để sàng khối cát khổng lồ kia mong tìm chút tro xương sót lại của người anh hùng.

LJMWOlgO.jpgPhóng to

Anh Nguyễn Đình Phương bên bàn thờ người cha anh hùng - Ảnh: Ngọc Quang

Cuộc “trở về”

Nắng tháng 4 vẫn trút xuống, cả trăm cán bộ chiến sĩ Vùng 5 hải quân vẫn lặng lẽ cần mẫn với cuộc tìm kiếm trĩu nặng tâm nguyện của gia đình, cho dù tất cả thông tin chỉ mỏng manh như chiếc lá phi lao rơi trong gió biển.

Đã gần bốn ngày trôi qua như thế, hàng trăm người lính suốt từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều tối phơi mình trong nắng rát để hỗ trợ sự tìm kiếm của gia đình. Đã có vài lần được đi cùng những người lính quy tập hài cốt liệt sĩ giữa núi rừng Trường Sơn, nhưng chưa bao giờ tôi được chứng kiến một cuộc tìm kiếm tổng lực như thế.

Chiều ngày thứ tư của cuộc tìm kiếm, một mẩu xương được tìm thấy bám vào rễ một cây phi lao. Anh Phương nói rằng khi cầm được mảnh xương bé nhỏ ấy, anh cảm thấy như có một luồng điện chạy ngang qua người mình.

Ngày thứ năm, từ vị trí sàng được mảnh xương ấy, anh em tỉ mỉ tìm kiếm và phát hiện thêm nhiều mẩu xương khác. Và tròn một tuần kể từ khi đặt chân lên đảo Phú Quốc thực hiện ước nguyện đi tìm hài cốt của người cha, cuối cùng anh Phương và gia đình đã có thể an tâm mang nhúm xương gần 40 năm trời nằm lẫn giữa cát trắng bên bờ đảo trở về.

Có lẽ chúng tôi sẽ không nói thêm nhiều những câu chuyện sau cuộc tìm kiếm kỳ lạ ấy. Anh Phương cho biết bằng những phương pháp tâm linh lẫn khoa học, gia đình đã xác tín những mảnh xương lẫn trong rừng phi lao nơi góc đảo Phú Quốc chính là hài cốt còn lại của người bố sau khi xác thân bị trôi dạt cùng với con tàu.

Hành trình trở về của anh hùng Nguyễn Văn Hiệu trở nên suôn sẻ hơn. Từ Phú Quốc, hài cốt được gia đình đưa về quê nhà, xã Thăng Phương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, để họ tộc và bà con trong làng làm lễ truy điệu, cũng là để ông về với mảnh đất mà tròn 45 năm trước ông đã từ đó lên đường ra Bắc cho đến ngày hi sinh chưa một lần gặp lại.

Sau buổi lễ ở quê nhà Thăng Bình, hài cốt người anh hùng được đưa về Hải Phòng và an vị tại nghĩa trang liệt sĩ thành phố.

Những đồng đội cũ của anh hùng Nguyễn Văn Hiệu trên con tàu 645 nay vẫn còn sống ở nhiều miền đất nước đã không quản đường xa về dự lễ truy điệu, cũng là để tri ân ơn cứu tử của anh hùng Nguyễn Văn Hiệu khi ngày đó anh đã quyết định hi sinh cùng con tàu ở vị trí cách xa nhất đội hình của 16 đồng đội đang bơi để đảm bảo an toàn tính mạng cho mọi người, còn mình chấp nhận cùng con tàu 645 nổ tung giữa biển khơi.

Câu chuyện của anh hùng Nguyễn Văn Hiệu gần 40 năm trước đã trở thành huyền thoại trong tâm khảm những người lính đoàn tàu không số.

Những mảnh hài cốt của người anh hùng trở về với đất mẹ hôm nay không chỉ là niềm an ủi cho gia đình anh Phương mà còn cho cả 96 người lính khác của đoàn tàu không số, khi thân xác tất cả các anh có lẽ đã hòa tan vào sóng nước biển khơi. Như con tàu 235 của anh hùng Nguyễn Phan Vinh, hi sinh 15 người ở Hòn Hèo; tàu 165 của anh hùng Nguyễn Chánh Tâm bị nổ cách Cà Mau 50 hải lý, toàn bộ 18 cán bộ chiến sĩ trên tàu không một ai sống sót...

__________

Nối bước truyền thống, những người lính hải quân tiếp tục với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.Thêm nhiều chiến sĩ đã nằm lại biển khơi và cuộc trở về đất Mẹ của các anh là những câu chuyện đầy xúc cảm.

Kỳ tới: Về từ lòng biển Trường Sa

LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên