28/05/2011 04:14 GMT+7

Đế chế FIFA - Kỳ 3: Vụ phá sản chấn động

VŨ CÔNG LẬP
VŨ CÔNG LẬP

TT - Thật ra đây là câu chuyện về bản quyền truyền hình. Giá tăng với tốc độ phi mã. Khán giả thiệt. Các nhà đài bị lỗ. Chỉ có FIFA là hưởng lợi trong tư cách một tổ chức và trong vai trò của các cá nhân. Ai cũng biết nhưng khó tranh cãi. Theo nguyên lý: muốn cho guồng máy chạy thường cứ phải bôi trơn.

Kỳ 1: Những ngày nóng bỏng Kỳ 2: Hai mặt của đồng tiền

FWY7QjUP.jpgPhóng to

Ông Jean - Marie Weber (trái) và Sepp Blatter - Ảnh tư liệu

Câu hỏi lớn trong vụ phá sản

Lẽ ra đối với ông Sepp Blatter, mùa xuân 2007 phải đẹp tuyệt vời. Tháng tới, ông sẽ là ứng cử viên duy nhất cho chức vị chủ tịch FIFA. Bầu mà như không bầu, chỉ giơ tay là xong. Không vận động mà cũng chẳng cần đấu tranh. Thắng lợi là tuyệt đối chắc chắn. Thế mà Blatter lại cứ phải vật vã trong những đêm mất ngủ vì ông lo trong phiên xử sắp tới của tòa án Thụy Sĩ, FIFA có thể gánh chịu những tổn thất nặng nề. Đây là hậu quả tất yếu của một vụ bê bối đã kéo dài hơn 10 năm.

Nhiều người gọi đây là vụ ISMM/ISL. Ngay tên gọi cũng đã phức tạp dù đơn giản hơn rất nhiều so với bản chất sự việc.

Năm 1982, do mối quan hệ rộng, tầm nhìn xa, biết rõ tiềm năng Tập đoàn Adidas của mình nằm ở đâu, Adolf Dassler đứng ra thành lập Công ty ISL chuyên bán bản quyền truyền hình cho World Cup. Ngay sau đó, ISL đứng ra đảm nhận công tác tiếp thị cho cả World Cup lẫn thế vận hội.

Trong giai đoạn đầu tiên, ISL là nơi học việc của Jean - Marie Weber, một người rất gắn bó với Blatter, người chúng ta đã nêu tên ở bài báo trước. ISL phát triển như tên bắn nhưng 20 năm sau, trong quy trình xử lý phá sản, đó lại là một công ty con của... Tập đoàn tiếp thị thể thao ISMM (được thành lập sau đó). Cái chết của những cái tên vang bóng một thời đều do cùng một căn bệnh: rửa tiền phi pháp trong những phi vụ bôi trơn. Phải bôi trơn mới được việc, vì khi đó ISL là công ty chuyên bán bản quyền truyền hình cho World Cup và tất nhiên họ độc quyền.

Bên phía doanh nghiệp, Adolf Dassler mất sớm và người thay ông chính là Weber. Còn về phía FIFA, ông Blatter cũng dần dần leo cao và cuối cùng thay thế ông Havelange. Khi vụ phá sản (mà theo các số liệu điều tra sau này được đánh giá là “lớn thứ hai trong lịch sử kinh tế Thụy Sĩ”) diễn ra, chủ tịch FIFA Blatter, 65 tuổi và phó chủ tịch hội đồng điều hành ISMM Weber, 58 tuổi, là hai nhân vật chính.

FIFA rất bất ngờ khi Tập đoàn ISMM vốn chịu trách nhiệm về bản quyền truyền hình FIFA làm thủ tục phá sản do mất khả năng thanh toán. Tập đoàn ISMM/ISL đang mang trên mình món nợ 130 triệu euro và sắp tới sẽ tăng thêm 30 triệu euro nữa. Chỉ riêng Hãng truyền hình Globo của Brazil cũng đã có món nợ 60 triệu euro không thể chi trả. FIFA mất khoản tiền lớn. Công việc bán bản quyền truyền hình vốn đang diễn ra thông suốt và hiệu quả bỗng nhiên trở thành câu hỏi lớn.

Dấu vết đồng tiền

Báo cáo chính thức đầu tiên của FIFA được công bố bởi tổng thư ký Michel Zen - Ruffinen vào tháng 5-2002. Trong bản báo cáo dày 21 trang, sau khi công bố các số liệu cụ thể về nợ nần, ông kết luận về nguyên nhân: “FIFA được lãnh đạo và điều hành theo kiểu độc tài”. Sau đó, Ruffinen và những người có cùng suy nghĩ với ông bị Blatter thẳng tay sa thải. Cần nói thêm, Blatter đã dùng quyền phủ quyết bác bỏ việc tiến hành một vụ điều tra nội bộ.

Cuộc điều tra về phía các cơ quan pháp luật diễn ra khá lâu dài. Nhà điều tra đặc quyền Thomas Hildebrand tiến hành thu thập chứng cứ, dữ liệu suốt ba năm trời. Để lấy đủ khẩu cung, ông đã bay sang tận Brazil và Nhật Bản. Công việc điều tra cũng dẫn ông đến Liechtenstein, một đất nước tạo cho khách hàng nhiều đặc quyền trong dịch vụ ngân hàng. Chính ở đây ông phát hiện những dòng chảy của tiền bạc mà ISMM đã sử dụng, chủ yếu để chuyển tiền cho các quan chức FIFA.

Cũng như nhiều phi vụ khác, ISMM đã tạo ra nhiều quỹ khác nhau, phối hợp với nhau hết sức rối rắm theo kiểu lúc tan lúc hợp, như Quỹ Nunca thành lập ngày 17-12-1998, hay Quỹ Sunbow, thành lập ở Islands một năm trước đó, nhưng rồi lại sáp nhập với Nunca ngày 8-2-1999.

Các loại công ty bình phong làm nhiệm vụ ngụy trang cũng xuất hiện rất nhiều, trong đó thường có mặt hơn cả là Sicuretta. Tất cả đều là “những đơn vị tác nghiệp kinh doanh” của ISMM và thường là khách hàng của LGT, một ngân hàng Liechtenstein. Tiền bôi trơn chuyển qua con đường này. Chẳng hạn đã tìm thấy 18.198.310 franc Thụy Sĩ được chuyển cho “những người có quan hệ trực tiếp hay không trực tiếp với những nơi mà Tập đoàn ISMM đã ký kết hợp đồng. Đó là tiền có mục tiêu vụ lợi hay bôi trơn”.

Không dễ chỉ ra danh tính từng người cụ thể. Nhưng các nhà điều tra tin rằng đã định danh được hai vụ. Một, là chuyển qua Quỹ Sunbow cho ông Nicolas Leoz, chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Nam Mỹ, từ năm 1998 là ủy viên thường vụ FIFA. Hai, là 15.975 franc Thụy Sĩ chuyển cho ông Muhidin Ndolanga trước lễ Noel 1999, khi đó là chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Tanzania. Những số tiền lớn hơn hàng chục triệu được giữ tạm ở Sicuretta rồi chuyển tiếp theo những con đường phức tạp. Nhà điều tra đã mất dấu trong nhiều trường hợp. Đấy là những trường hợp mà “sự chuyển tiền có thể gây nên nguy hiểm về mặt thuế má”. Cái tìm ra quả là quá ít so với cái cần tìm.

“Hoa hồng” và “nguyên tắc tin cậy”

FIFA có vẻ như chẳng quan tâm, lo lắng gì đến khoản nợ 60 triệu euro mà Hãng truyền hình Brazil Globo đang còn thiếu. Nhưng họ chú ý đến quá trình xét xử ở Thụy Sĩ. Nhân vật trung tâm là Weber. Nhưng thật bất ngờ khi trả lời thẩm vấn, Weber lại xin được dùng quyền im lặng để giữ bí mật cho riêng mình. Ông đề nghị ghi vào biên bản là ông “tôn trọng nguyên tắc tin cậy” và tất cả những vụ chi trả đều thực hiện theo nguyên tắc giữ bí mật này. Weber nói đến “những khoản hoa hồng”, “những khoản tiền thưởng” xuất hiện “song song một cách tự nhiên với việc mua bán bản quyền” và đương nhiên là phải thanh toán.

Phía công tố không hài lòng với tình trạng này. Họ tập trung vào các loại quỹ của ISMM. Bởi vì có tới hơn 36 triệu franc Thụy Sĩ đã chuyển từ ISMM sang Sunbow nhưng lại biến mất trong số liệu quyết toán ở công ty. FIFA vẫn còn hoảng sợ nếu Weber công bố danh sách bí mật những người đã nhận tiền. Trong một cuộc điện thoại bị ghi lại, Weber đã nói:”Những người nhận số tiền này có thể rơi vào một trạng thái bi đát”.

Blatter không bình luận gì về phiên tòa. Ông chỉ khẳng định: ”Cả trong khuôn khổ mua bán bản quyền lẫn trong những khung cảnh khác, tôi chưa bao giờ nhận tiền cho riêng mình”.

------------------------------------

Có nhiều nghi vấn, có cả bằng chứng dạng “chuẩn bị công bố”, đưa đến những nghi ngờ rất lớn trong việc công bố “quyền đăng cai World Cup”. Người ta bảo nó đã trở thành một thứ “bom đạn” trong bóng đá.

Kỳ tới: Quyền đăng cai World Cup: có bán có mua?

VŨ CÔNG LẬP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên