22/05/2011 09:55 GMT+7

"Ông Việt Nam" Bernard Kervyn

CÔNG NHẬT - MAI VINH
CÔNG NHẬT - MAI VINH

TT - Những học viên học nghề làm thiệp từ giấy tái chế vẫn gọi ông Bernard Kervyn (người Bỉ) bằng cái tên “ông Việt Nam”. Hơn 20 năm cặm cụi với những dự án tạo việc làm cho người nghèo ở VN, đã khiến mọi người nghĩ rằng ông Tây này thật sự là người VN...

Read this on Tuoitrenews.vn

mmLXMSHj.jpgPhóng to
Ông Bernard đi đến từng hộ gia đình nghèo để trò chuyện, theo dõi, giúp đỡ việc sử dụng vốn vay sao cho hiệu quả - Ảnh: Mai Vinh

Khi bà Võ Thị Sáu còn là cán bộ Ban tuyên giáo Huyện ủy Đức Linh, tỉnh Bình Thuận, bà đã gặp ông Bernard. Bà bảo mười mấy năm trước, đón nhận một ông Tây đến làm từ thiện là điều không phải ai cũng hứng thú. Lúc đó bà nghĩ chẳng có ai mang tiền đi giúp dân nghèo không vụ lợi, đặc biệt lại là một người nước ngoài.

Song, chỉ sau một lần tiếp xúc với Bernard, bà thay đổi cách nhìn. Bà ấn tượng với một ông Tây nói tiếng Việt chuẩn xác đến từng chữ, hiểu cả tiếng lóng và tiếng địa phương. “Tại sao ông đến VN?”, sau câu hỏi đó là lời tâm sự tưởng chừng dốc tận gan ruột.

"Với tôi, đức là mục đích của cuộc đời, còn tiền chỉ là một mục tiêu"

Bernard Kervyn

Quả trứng và đàn gà

Năm 24 tuổi, sau khi tốt nghiệp đại học, Bernard đến Bangladesh làm việc cho một tổ chức phi chính phủ (NGO). Sau chín năm ở đây với những dự án thiện nguyện, cảm giác mình còn mắc nợ những con chữ trong trường đại học nên ông đến Paris làm việc cho Công ty General Electric (GE) với chức danh giám đốc phụ trách kinh doanh. Đây là một công ty đa quốc gia lớn của Mỹ và thu nhập của ông hiển nhiên rất cao. Nhưng ông sớm quyết định từ bỏ vị trí mình đang có tại GE dù đó là ước mơ của rất nhiều thanh niên.

“Ngày còn đi học tôi đã nghĩ đến tiền và đức. Tôi chọn xây dựng chữ đức như mục đích của cuộc đời, còn tiền chỉ là một mục tiêu” - ông tâm sự. Chấp nhận đồng lương chỉ bằng một phần nhỏ so với trước đây, Bernard đến VN bắt tay xây dựng những dự án thiện nguyện với vai trò là người điều hành VN Plus vào năm 1992.

Câu chuyện của ông như đụng đến trái tim bà Sáu cũng như bao người VN trọng đức. Khi biết một dự án của ông tại một tỉnh Đông Nam bộ bị thất bại do không tìm được sự thống nhất với chính quyền trong việc quản lý vốn, bà Sáu gặng hỏi: “Sao ông không về Pháp sau chuyện này?”. Bernard trầm ngâm bảo ông bị níu giữ bởi câu chuyện về gia đình cô gái nghèo tên Thu ở Trị An (Vĩnh Cửu, Đồng Nai).

Gia đình Thu rất nghèo, có thể nghèo nhất trong những hoàn cảnh mà ông từng gặp tại VN. Căn nhà của cô xiêu vẹo đến tội nghiệp. Cô gái ngồi trên giường với một chân bị cụt khiến ông quan tâm. Thu kể cô bị lao xương và mới được cưa chân. Thu vô tư nói: “Hồi xưa mỗi lần bị bệnh hành là đau đớn lắm, nên tôi mang ơn vị bác sĩ đã cắt cụt chân miễn phí cho mình”. Bernard bảo rằng mình đã không ngăn được nước mắt khi nghe câu ấy.

Ông kể: “Tôi nghẹn ngào và hỏi lại: Thật sự em thấy vui chỉ vì được miễn phí tiền cắt chân thôi sao?”. Và cô ấy trả lời bằng đôi mắt đăm chiêu: “Thuốc giảm đau hay đặc trị gì thì cũng mắc quá, em không kham nổi. Nếu còn cái chân thì chỉ thêm gánh nặng cho gia đình em thôi”. Trở lại câu hỏi của bà Sáu dành cho Bernard, ông trả lời với vẻ quyết liệt: “Tôi không về Pháp vì những con người này cần tôi”.

Bà Sáu lại hỏi: “Thế ông định mang đến cho người dân ở đây điều gì?”. “Một ít tiền đủ để mua một quả trứng và cách làm cho quả trứng nở thành con gà và đàn gà”, Bernard trả lời bằng một câu ví von khiến bà Sáu bị thuyết phục. Sau này khi không còn làm ở ban tuyên giáo, bà Sáu vẫn dùng uy tín và sự hiểu biết về hành chính để giúp ông đẩy nhanh các dự án.

Những dự án làm trứng nở đàn gà

Từ nguồn tiền vận động của bạn bè, các công ty trong và ngoài VN, ông cùng các đồng sự tại VN Plus, Mekong Plus, Trung tâm Thiện Chí đã tạo việc làm cho hàng ngàn hộ gia đình nghèo tại Đồng Nai, Bình Thuận, Hậu Giang...

Vào một ngày cuối tháng 4-2011, trên những con đường mịt mù bụi vùng đất Đức Linh, Bình Thuận, ông Bernard Kervyn cặm cụi đi đến từng căn nhà xập xệ thăm hỏi tình hình sử dụng đồng vốn của những người vay tiền từ Trung tâm Thiện Chí. Ông giở từng cuốn sổ theo dõi kinh tế gia đình và tính toán chi li xem thu nhập của mỗi hộ tăng lên bao nhiêu phần trăm.

Giở cuốn sổ của bà Nguyễn Thị Tuyết, ông tỏ vẻ hài lòng khi thu nhập của gia đình này sau hai năm tham gia dự án đã tăng lên gần 1,5 triệu đồng. Một cách trìu mến, ông hỏi bà Tuyết: “Đàn gà mà chị nói là dùng tiền dự án để nuôi đâu?”. Rồi ông theo bà ra tận chuồng xem đàn gà.

Bernard đang thực hiện nhiều dự án hỗ trợ người nghèo, có dự án hỗ trợ vốn, chăn nuôi trồng trọt, tạo việc làm và đầu ra cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Với dự án hỗ trợ vốn, trung tâm phối hợp với hội phụ nữ các xã chọn ra những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn để cho vay không lãi suất 3 triệu đồng/hộ. Anh Phước Trung, cán bộ hỗ trợ kỹ thuật trồng trọt của Trung tâm Thiện Chí, cho biết số vốn trên không quá lớn nhưng là cả gia tài với những gia đình thật sự khó khăn đang cần vốn để mua những con giống đầu tiên.

Người nghèo thường ít học, giao tiền cho vay mà không kèm hướng dẫn dễ khiến họ thành con nợ. Vì thế, vốn thì Bernard hỗ trợ chừng mực nhưng ông luôn cắt cử nhân viên có chuyên môn về thú y và trồng trọt ở địa phương theo dõi sát sao tình hình sử dụng và hỗ trợ kiến thức, giải pháp mỗi khi có dịch bệnh xuất hiện. “Dẫu phải chịu trách nhiệm về những đồng tiền vay nhưng những rủi ro do dịch bệnh đã có các kỹ thuật viên giúp đỡ nên chúng tôi rất an tâm tập trung sản xuất” - bà Trần Thị Thái cho biết.

Trong các cuộc trao đổi, Bernard luôn nhấn mạnh quan điểm những nông dân thiếu kế sinh nhai hơn là thiếu tiền đầu tư. Chỉ cần cho họ một nghề và một số tiền nho nhỏ thì họ tự khắc vươn lên. Nghĩ thế nên ông chú tâm dạy nghề trước khi cho vay vốn. Ngoài việc cử nhân viên đi đào tạo nghề tại địa phương, ông còn đưa nông dân các tỉnh về nhà riêng để tham dự các lớp học làm hàng thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu tái chế.

Căn nhà của Bernard ở quận Bình Thạnh (TP.HCM) thỉnh thoảng trở thành lớp học mà học viên và giáo viên đều là những người nghèo hoặc từng trong cảnh nghèo. Nhiều người trong số họ giờ là thợ lành nghề có của ăn của để, quay lại hỗ trợ những phận đời đang thiếu kế sinh nhai. Những bài giảng từ họ vì thế thấm đẫm sự cảm thông, sẻ chia. Bernard không giấu được nụ cười mãn nguyện.

Khách du lịch phương Tây rất thích các sản phẩm thủ công và hàng lưu niệm tái chế, sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để mua. Ông nhận định Mekong Plus thiếu tiền đầu tư sản xuất công nghiệp, nhưng có thể huy động lượng lớn nhân công là những phụ nữ VN nghèo. khéo léo và nhẫn nại.

Tại Bình Thuận và Hậu Giang, ông đều tổ chức những nhóm phụ nữ sản xuất sản phẩm lưu niệm tái chế từ giấy và vải như bình hoa, thiệp, chăn mền... Các sản phẩm này được ông đưa về Gallery Mekong Plus ở đường Bùi Viện, Ngô Đức Kế (Q.1, TP.HCM) tiếp thị với khách du lịch và thu về mỗi tháng hơn 100 triệu đồng.

Bà Hoàng Thị Vân Lan, trưởng nhóm làm chăn mền thủ công ở Đức Linh, cho biết 50 phụ nữ đang cặm cụi từng đường kim mũi chỉ làm việc tại nhà bà có thu nhập khoảng 2 triệu đồng/tháng, trong khi trước đây họ bươn chải với nghề nông chỉ kiếm được 600.000 đồng/tháng. Mỗi khi ngồi nói chuyện với họ, ông đều cố gắng truyền một thông điệp: thoát nghèo không phải là chuyện cá nhân, họ làm việc với năng suất tốt đồng nghĩa có thể giúp ích cho những người còn nghèo hơn họ trong tương lai.

Cứ sau một ngày lặn lội trên những vùng đất nắng gió, đêm ông lại cặm cụi viết những dòng nhật ký trên website của tổ chức để báo cho những nhà hảo tâm, bạn bè sát cánh cùng ông biết đồng tiền của họ được đưa đến những người nghèo như thế nào. Ngày hôm sau ông lại quảy balô đi vào từng thôn xã khác.

Ông lại tiếp tục cặm cụi, tỉ mỉ, trách nhiệm với những đồng tiền từ bạn bè, nhà hảo tâm và cả chính những người nông dân đang sản xuất để tổ chức có lợi nhuận đầu tư vào những dự án giảm nghèo mới. Có người khen Bernard chịu nắng gió giỏi, ông giơ đôi tay ra, cười nói: “Da tôi có màu vàng nâu rồi đây, tôi đang có màu da của các bạn đây...!”.

Làm từ thiện chuyên nghiệp phải biết tính toán giỏi

Làm từ thiện chuyên nghiệp không đơn giản là nhận tiền từ các tổ chức, cá nhân hảo tâm... mà phải tận dụng từng đồng để làm kinh tế, sinh lợi, phục vụ việc tái đầu tư và phát triển các dự án lớn hơn, đó là tư duy làm việc của ông Bernard. Phía sau thu nhập tương đối tốt của người nông dân là sự nghiêm túc của Bernard. Ông mời Annalyse, một chuyên gia thiết kế mẫu hàng lưu niệm từ Úc, sang cộng tác với mình. Ông bảo: “Không nên và khó có thể ép khách du lịch bỏ tiền mua những món hàng xấu với lý do đó là hàng từ thiện”. Mỗi chuyến đi nước ngoài của ông và các đồng sự đều kiếm những hợp đồng cung cấp hàng thủ công giá trị lớn trong thời gian dài.

CÔNG NHẬT - MAI VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên