Phóng to |
Xóm làng thưa thớt dần, những thửa ruộng vừa gặt chỉ còn trơ cuống rạ im vắng, những ruộng đậu phộng vừa thu hoạch tĩnh lặng. Đến chân núi cứ ngỡ chỉ còn gió, còn nắng, còn những dải mây thì thấy thấp thoáng một mái nhà lẻ loi...
Trước sân, một bà cụ đang ngồi phơi mấy trái me. Thấy bóng người, bà quơ vội nắm me vào rổ, cặp mắt đục lờ nhìn ra, vẻ hốt hoảng. Nhận ra người lạ, bà buông tay thở phào: “Tui nhặt mấy trái me rụng, còn trái trên cây chủ bán cho nẫu (họ, người ta) rồi. Tưởng nẫu tới hái me, tính cất đi kẻo nẫu thấy nẫu buồn...”.
Phía trong sân, dưới bóng cây me cổ thụ, một ông lão gầy nhỏ ngồi lặt đậu trong bàn tay co quắp. Chúng tôi biết mình đã tìm được đúng người: bà Nguyễn Thị Diệu (71 tuổi) và ông Trần Văn Cầu (97 tuổi), hai người già cô đơn, “hai anh em kết nghĩa” đang nương bóng nhau ở xóm núi Đập Lồi (xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) này.
Đời im vắng
“Chắc cũng 34-35 năm rồi, hồi đó...” - bà Hai (tên thường gọi của bà Diệu - NV) kể, mắt nhìn mông lung lên phía núi. Ấy là những năm nửa cuối thập niên 1970, khi đất nước vừa thống nhất, hồ chứa nước Đập Lồi, một công trình thủy điện xung yếu của tỉnh Bình Định, bắt đầu thi công. Ngày ấy bà Diệu là một phụ nữ ngót 40 tuổi, khỏe mạnh, “mỗi tay tui kẹp một bao ximăng đi băng băng giữa công trường”.
Ông Cầu ngoài 60 tuổi, một tay bị tật nhưng cũng là công nhân xốc vác. Những ngày nghỉ, công nhân phần lớn là người địa phương về nhà hết, chỉ còn bà Diệu và ông Cầu ở lại, lân la xuống mấy căn nhà dưới chân núi nấu bữa cơm ăn cho vơi nỗi cô quạnh. “Rồi bà chủ đất ở đây thương, bảo không có chỗ nào đi, không còn chỗ nào về thì bà cho đất cất nhà mà ở, vỡ rẫy làm ruộng mà sống. Tui đồng ý, rồi ông Mười (tên thường gọi của ông Cầu - NV) cũng ở lại. Chúng tôi cất cái nhà lá, mỗi người mỗi gian. Tui làm ruộng, rau cháo nuôi ông ấy như anh em, như bạn bè...” - bà Hai kể. Từ đấy, bà trở thành dân “xứ nẫu”.
Cứ thế mà thấm thoắt mấy mươi năm. Hôm nay, căn nhà lá ấy đã sập đến mấy lần do mưa lũ, bà chủ đất cũ đã mất, con của bà đồng ý cho hai người lưu lại. Xã cấp 3 triệu đồng trong chương trình xóa nhà tạm, ông bà góp thêm chút tiền dành dụm xây một căn nhà, chia ba gian theo chiều ngang: ngoài cùng là bếp, ông ở gian giữa, bà ở trong cùng. Căn nhà lặng lẽ và lạnh lẽo với hai chiếc giường đơn nằm ở hai phòng trơ trọi, mấy bộ quần áo cũ nát treo trên tường, một bàn thờ Phật bên gian của bà Hai. Và hết. Thứ duy nhất mang đến thế giới bên ngoài là chiếc đài nhỏ xíu bằng bàn tay chạy bằng một cục pin của ông Mười. Đêm đêm, ông mở đài nghe những câu chuyện từ phía xa lắm của cuộc đời.
Hôm nay, những bắp thịt của bà Hai đã teo ngắt, để lại mớ da lõng thõng, các khớp xương luôn đau nhức, tê bại. Ông Mười thì hai cẳng tay khẳng khiu đã run, hai ống chân đã chậm, mắt đã mờ đục không còn thấy rõ rặng núi trước mặt. Không còn đủ sức làm ruộng, từ mấy năm nay bà Hai cho người mượn lại 3 sào ruộng ngày đó bà đã vỡ đất tận trên núi, mỗi năm được trả 150kg lúa.
Bà quanh quẩn làng trên xóm dưới làm thuê, lúc phơi lúa, lúc nhổ đậu “kiếm chút tiền xuống chợ mua mắm, mua rau về nấu cơm cho ông Mười”. Ông Mười cũng không chịu kém. Từ ngày qua tuổi 90, ông được trợ cấp tiền người già 120.000 đồng/tháng “phụ giúp bà Hai”, ông còn trồng mấy cây chuối, đám đậu, đám ớt bên thềm, “nhúc nhắc chân tay cho đỡ tủi với bà ấy”.
Nắng soi đỉnh đầu, bà Hai rời mớ đậu, me đang phơi, nặng nhọc đứng lên đi về gian bếp. Bà đong 3 bơ gạo vào nồi, kéo gáo nước dưới giếng lên vo và lui cui nhóm bếp. Vừa phồng má thổi lửa bà vừa gật đầu vẻ hài lòng: “Ông Mười ăn khỏe, chút rau chút mắm là ông ăn hết cả tô cơm, nhờ vậy mà không bệnh tật gì, lại tự chăm sóc bản thân sạch sẽ lắm. Tui chỉ phải nấu cơm và giặt quần áo cho ông thôi. Nồi cơm này ăn ba bữa: trưa, chiều nay và sáng mai nữa. Giờ kiếm củi cũng khó...”.
Bữa trưa nay bà có hai trái cà chua, hai trái dưa leo đã teo quắt một đầu và chảo cá vụn kho mặn mà bà đếm trong tiếng thở dài: “Ăn đến ngày thứ mười hai rồi đó cô ạ. Ông Mười nói thèm mắm ruốc nhưng mùa này mắm đắt, chưa có tiền mua...”.
Ngoài sân, ông Mười đứng lên, loạng choạng đi về phía nhà, tránh nắng. Nắng lóa, mắt lòa, ông đi nhầm vào mớ xác cây đậu lùng nhùng. Bà Hai vội đi đến đưa tay dắt ông. Bà nắm vào cổ tay áo, dẫn ông ra khỏi mớ chướng ngại vật, bàn tay quặt quẹo của ông lão lại cứ vùng vằng, đẩy ra. Trước sự ngạc nhiên của khách lạ, bà cười: “Ông Mười 97 tuổi rồi mà vẫn còn trinh đấy, không cho ai đụng vào người đâu, kể cả tui...”.
Câu nói lạ tai ấy mở ra một trời tâm sự.
Phóng to |
Năm ngắn, ngày dài Ba mươi mấy năm đã trôi qua như thế trên xóm núi này. Năm thì ngắn mà ngày thì dài. Trên đầu giường bà Hai có tấm ảnh một em bé bụ bẫm, xinh xắn. Thấy khách tần ngần xem, bà giải thích: “Hình con của mấy đứa nhỏ xóm dưới nó cho, để đây nhìn đỡ buồn”. Sẩm tối, bà thắp ngọn đèn hột vịt trên bàn thờ Phật, ngó xuống đường điện đã kéo tới xóm dưới sát nhà mà ước ao một cái bóng đèn. Một lát, bà thổi tắt ngọn lửa “kẻo hết dầu”, nằm thao thức trong bóng tối. Giấc ngủ tuổi già đến chập chờn trong gió núi, trong nỗi lo hết gạo, lo trái gió trở trời... |
Ngày ấy ông Mười còn là chàng thanh niên Trần Văn Cầu ở thôn Kim Sơn, xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân, Bình Định. Anh Cầu yêu một cô gái, đã hứa hôn, đã củ mỉ chuẩn bị cho ngày thành gia thất thì bỗng bị tai nạn. Một tay gãy quặt, chân tập tễnh, anh sang nhà vợ chưa cưới thì nghe tiếng bà mẹ: “Có lẽ thôi đi, chứ nó thành tật rồi, lấy về nuôi tốn cơm”. Anh lặng thinh quay về, lấy dao chặt đứt ngón tay út của mình, thề không bao giờ lấy vợ nữa.
Tôi nhìn ông lão nhỏ thó trước mặt, vết thương lòng trong ông lẽ nào vẫn còn đó sau bao năm tháng dâu bể cuộc đời. Ông cặm cụi với những quả đậu phộng, xua tay trước mọi câu hỏi, chỉ trả lời đúng một câu: Ông thương bà Hai không? - “Thương chứ, bả rủ ren ở cùng nhà cho có bạn mà”.
Bà Hai cười héo hắt, tiếp lời kể câu chuyện của mình: quê ở Thuận An, Huế, 17 tuổi bà lấy chồng, theo chồng vào Sài Gòn. 25 tuổi, chồng chết trong chiến tranh, bà long đong làm thuê nuôi hai con nhỏ. “Rồi con lớn. Con gái lấy chồng, con trai theo chị và anh rể làm cho hãng xe đò. Tui tiếp tục lênh đênh tìm việc làm nuôi thân...”.
Thế bây giờ con của bà đâu? Câu hỏi bật ra từ những người lạ làm nước dâng lên trong mắt, nỗi đau hằn lên trong những nếp nhăn, bà gượng nhẹ kể về một ngày từ công trường Đập Lồi lặn lội về Long An thăm con gái. Cô con gái nhìn chiếc áo công nhân sờn rách của mẹ, cau mày: “Má đến đây thì kiếm bộ đồ đàng hoàng một chút, kẻo nhà chồng con họ khinh”. Bà lặng lẽ quay ra, từ đó không liên lạc gì với con gái và cả con trai nữa.
Nghèo khó mà ân tình
Hai người, hai nỗi đau tủi giận những người thương yêu, xiêu dạt gặp gỡ ở đây như “sỏi đá vẫn cần có nhau”. Quyết tâm xa lánh cuộc đời nhưng tình người vẫn là không thể xa rời. Bao năm nuôi ông Mười như một người ruột thịt, bà Hai kể về “xứ nẫu” nghèo khó mà ân tình: có nẫu đến mùa gặt đã đủ người làm, thấy bà quanh quẩn lại gọi thêm để bà có chút tiền công. Có nẫu mang bánh tét lên cho ngày tết. Có nẫu cho bộ quần áo, có nẫu dúi vào tay con cá lúc dọn hàng, có nẫu cho năm, mười ngàn khi tan chợ...
Bà kể một chiều đi làm về, quanh quất không thấy bóng ông Mười, bà bươn bả tìm, gọi mãi về phía núi. Sau rốt thì thấy ông thu lu, co quắp dưới cái giếng cạn. Thì ra bờ giếng lâu ngày bị sụp, ông lúi húi, run rẩy kéo gàu nước, không may trượt chân. “Tui kêu cứu, nẫu ở phía dưới chạy lên vớt ông. Rồi mấy tháng sau, có nẫu dưới phố nghe chuyện, lên cho 1 triệu đồng để xây lại thành giếng...”.
Tôi gặp những “nẫu” mà bà kể. Chị Dung kể chuyện sau mấy lần cho bà năm, mười ngàn khi gặp trong buổi chợ, ngày nọ một bà bán mắm gọi chị lại đưa nải chuối: “Bà Hai trên núi gửi biếu cô”. Chị Đào đang nhổ đậu ở thửa ruộng gần đó cười mãi khi nhắc chuyện đám thợ xúm vào trêu ông bà: xin cơm, bà vội lấy tô xúc, lấn tới xin con gà, bà vội đi bắt và dặn: “Nhớ nuôi nó cẩn thận, sai trứng lắm”. Đàn gà ấy khi nãy bà vừa kể: “Trứng so thì mang bán, trứng rạ để ấp. Tui không dám ăn trứng, ăn quen miệng thì lấy đâu, biết đời nào mới được ăn con gà...”.
Từ giã bà Hai, ông Mười ở xóm núi Đập Lồi, chúng tôi về và thấy lời người chỉ lối cho mình quả đúng. Không phải “chưa nằm đã sáng” như tục ngữ, đêm tháng 5 này bỗng dài, thật dài...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận