04/05/2011 16:45 GMT+7

Một lần nữa gọi tên Quảng Trị

BRUCE WEIGL - Lời Việt: NGUYỄN PHAN QUẾ MAI
BRUCE WEIGL - Lời Việt: NGUYỄN PHAN QUẾ MAI

TTO - Chiếc xe buýt cồng kềnh lao đi trong màn đêm, bỏ lại sau lưng tôi Hà Nội và những ngôi nhà sáng choang ánh đèn, những dòng người hối hả.

Màn đêm xung quanh dần tối thẫm, chỉ trừ ánh đèn mờ trên xe, đủ cho tôi thấy những khuôn mặt bình thản ngái ngủ của những người Việt Nam. Lòng tôi bồn chồn lo lắng. Tôi sắp phải đối diện với quá khứ đau đớn nhất của mình: Quảng Trị.

Bruce Weigl: Tôi không muốn nhớ Việt Nam nhiều đến thế

NunuOGLv.jpgPhóng to
Giáo sư Bruce Weigl dưới lòng địa đạo Vịnh Mốc

Gần bốn mươi bốn năm trước, vào năm 1967, tôi đã đặt chân đến Quảng Trị cùng với những người lính Mỹ trong Lữ đoàn kỵ binh bay số 1. Là một chàng trai 18 tuổi, tôi không nghĩ nhiều đến chiến tranh và cái chết. Tôi đến Việt Nam với một ý nghĩ giản đơn rằng sẽ sớm trở về nhà nếu tôi cẩn trọng và khi tôi trở về, quân đội sẽ trả tiền cho tôi học tiếp.

Năm 1968, nửa triệu lính Mỹ được cử sang Việt Nam trong những nỗ lực cuối cùng của Johnson và McNamara để giành chiến thắng trong một cuộc chiến không thể thắng. Cũng trong năm đó, số lính Mỹ ở Việt Nam đã lên đến mức cao nhất. Những người lính được cử sang Việt Nam thường rất trẻ, độ tuổi trung bình là 19 và tất cả chúng tôi đều tưởng rằng chúng tôi sẽ thi hành nhiệm vụ nhanh chóng, rồi được về nước.

Trước khi đến Việt Nam, tôi chưa từng bước chân ra khỏi đất nước mình. Tôi không biết nhiều về Việt Nam và cũng không cảm thấy có sự thù hận đặc biệt nào với người Việt bởi vì đơn giản tôi chưa từng gặp họ trước đó. Tôi không biết gì về chính trị, nhưng càng bước sâu vào trong cuộc chiến, tôi càng nhận thấy có điều gì đó sai trái, rằng chúng tôi không có vai trò chính đáng gì ở Việt Nam.

Nhưng chẳng điều gì có thể biện minh cho sự hiện diện của tôi ở đất nước này vào thời điểm đó. Mặc dù đã viết rất nhiều về những trải nghiệm khủng khiếp vào năm 1967 - 1968 ở Quảng Trị, tôi không thể nào viết hết. Cuộc chiến đã thay đổi cuộc đời tôi vĩnh viễn, và tôi không bao giờ trở về nguyên vẹn chính tôi. Hai mươi năm sau ngày xuất ngũ là những năm tháng ngập tràn ác mộng, của những cảm giác tội lỗi và tuyệt vọng không thể giải thích được.

Tôi đã trải qua rất nhiều thay đổi trong 43 năm qua, nhưng một trong những thay đổi mạnh mẽ nhất chính là chuyến đi trở về Quảng Trị lần này. Mười hai lần trở lại Việt Nam, có lần tôi chỉ cách Quảng Trị 30 cây số, nhưng tôi chưa đủ can đảm đối diện với Quảng Trị. Tôi sợ cảm giác phải sống lại trong ký ức về cái chết của những người bạn đã bỏ mạng ở vùng đất đó, ký ức về máu và sự đau đớn của những người dân vô tội, ký ức về tiếng pháo cối và tiếng bom đạn gầm rú bên tai.

Màn đêm lướt qua tôi ngoài cửa sổ. Đêm thật yên bình, nhưng có sự lo sự khủng khiếp xuyên về từ quá khứ là tôi sẽ bị tấn công bất cứ lúc nào từ bóng tối. Tôi đã bò toài trong đêm đen đặc quánh nơi đây ngày đó, quần áo lúc nào cũng ướt nhòe nhoẹt nước mưa, mồ hôi, bùn và đôi khi cả nước mắt. Trên người tôi vẫn còn nhiều thương tích, tuy nhiên vết thương sâu thẳm nhất là vết thương của tâm hồn - một loại vết thương không dễ dàng hàn gắn.

Từ ngày 7 đến 29-5-2011, nhà thơ, giáo sư Bruce Weigl (tác giả Sau mưa thôi nã đạn, Nguyễn Phan Quế Mai biên soạn và chuyển ngữ, NXB Trẻ 2010) sẽ trở về Việt Nam để giao lưu và nói chuyện về văn chương đương đại Mỹ ở một số trường đại học.

Ông cũng sẽ có mặt ở Phú Quốc để tìm hiểu về nước mắm truyền thống Phú Quốc, theo lời mời của Công ty nước mắm Thanh Hà (người đã liên lạc với báo Tuổi Trẻ sau bài viết độc đáo “Nước mắm của riêng tôi”, Bruce Weigl, Tuổi Trẻ Cuối Tuần ngày 5-12-2010).

Dự định giáo sư Bruce Weigl sẽ tiếp tục có nhiều hoạt động để quảng bá văn hóa, văn học và ẩm thực Việt Nam. Trong hơn 20 năm qua, giáo sư Bruce Weigl đã giới thiệu cho hàng ngàn sinh viên và công chúng Mỹ về văn hóa, lịch sử và văn học Việt Nam với mong muốn mở rộng góc nhìn của họ về đất nước Việt Nam giàu bản sắc văn hóa.

Giáo sư Bruce Weigl đã được Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp văn học nghệ thuật” (2010).

Tôi thiếp đi trong lo lắng vì không biết điều gì đang đợi mình ở Quảng Trị.

Chiếc xe xịch đỗ, cắt ngang cơn ác mộng lộn xộn của tôi. Ngoài kia bình minh vừa lên, con đường lát nhựa thênh thang trải ra đón tôi. Từ xa, tôi đã thấy nhà thơ, nhà văn Cao Hạnh, phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Trị, đang đợi tôi cùng nụ cười hồn hậu và vòng tay rộng mở. Thật xúc động và bất ngờ khi nhiều văn nghệ sĩ đã chờ tôi từ sáng sớm tại trụ sở Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Trị. Những nụ cười và tình cảm của họ trấn an mọi bồn chồn lo lắng.

Với sự giúp đỡ của nhà văn Cao Hạnh, tôi đã được đến thăm Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn ngay sáng hôm đó. Khi bước chân lên xe, lập tức cảm giác bồn chồn và lo sợ lại xâm chiếm tôi. Tôi biết rằng nghĩa trang Trường Sơn là nơi an nghỉ của hơn 10 nghìn người lính Việt Nam và mặc dù tôi đã chọn nơi đây là điểm đến đầu tiên trong hành trình trở lại Quảng Trị, tôi đang tự hỏi mình có quyền gì mà đến đó, và tôi sẽ nói gì với những linh hồn của những con người dũng cảm ấy?

Xe của nhà văn Cao Hạnh chở tôi qua những ngôi nhà mới đang thi nhau mọc lên, và tôi có thể nghe văng vẳng tiếng trẻ con cười từ cánh cửa sổ đang mở. Mọi thứ như đang chuyển động về phía trước, bỏ lại quá khứ đau thương ngày ấy. Những ngôi nhà, hàng cây, quả đồi, dòng sông vút qua cửa sổ xe. Một màu xanh bạt ngàn trùm lấy tầm mắt của tôi, khác hẳn với mảnh đất chốc lở hố bom, ngắc ngoải màu xanh mà tôi nhớ khi rời Quảng Trị.

Khi bước ra khỏi xe, một lực kéo vô hình nào đó đã thúc giục tôi bước nhanh qua cổng nghĩa trang để đến gần hàng hàng những ngôi mộ trắng đang nằm im lặng trong nắng. Màu trắng im lặng và trang nghiêm đó làm trái tim tôi nghẹn thở, nhưng rồi tôi chợt nghe trên đầu tiếng rì rào của vòm lá xanh, như thể đang nói với tôi rằng tôi thuộc về nơi này và những con người nằm đây đang chấp nhận sự trở về của tôi.

Cũng có thể làn khói của bó nhang trên tay làm tôi cay mắt, có thể làn gió của Quảng Trị làm nước mắt tôi rơi, nhưng ngày hôm đó tôi đã không ngại ngần và xấu hổ khi khóc ở nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, trước những con người từng đối đầu với tôi ở bên kia chiến tuyến. Dưới từng nấm mộ này là thân thể của mỗi con người đang ở tuổi thanh xuân, phải ngã xuống với vẹn nguyên hoài bão, ước mơ, với bao nhiêu mong mỏi cho hòa bình và độc lập.

Tôi ước thời gian dừng lại để tôi có thể thắp nhang cho từng ngôi mộ trong hơn 10.000 ngôi mộ ở đây. Có quá nhiều ngôi mộ, và cả những ngôi mộ vô danh. Chẳng có con số nào đo đếm được sự thẳm sâu của nỗi mất mát gây ra do cái chết và sự chia cắt với gia đình. Chạm tay lên từng tấm bia mộ, tôi tưởng tượng mình đang chạm tay lên bàn tay gầy gò của những ông bố bà mẹ từ những nơi xa như Hà Nội, Thái Bình, Nghệ Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Vĩnh Phú, Cao Bằng… đã lặn lội đến đây để ôm lấy nấm mộ của con mình. Tôi khóc cùng với họ và cùng với nỗi đau của họ.

Dưới bóng mát ấy của cây bồ đề, tôi đã kể cho những người bạn đồng hành của tôi câu chuyện mà tôi không thể quên về một người lính Việt Nam trong chiến tranh.

Một ngày, khi tiểu đội của chúng tôi vừa tới bãi đậu trực thăng để được chở đến một nơi khác, từ trên cây cối xung quanh có những phát súng lẻ tẻ bắn xuống. Chúng tôi liên lạc với căn cứ và chỉ huy lập tức điều động trực thăng đến, bắn xối xả vào ngọn cây nơi phát ra tiếng súng.

Sau khi trực thăng rút đi, chúng tôi tiếp tục tiến lên. Nhưng vừa tiến được một vài bước, những phát súng trên ngọn cây lại tiếp tục bắn. Chúng tôi lại liên lạc với căn cứ và chỉ huy đã cử máy bay phản lực đến bỏ bom, san bằng tất cả cây cối. Sau đó chúng tôi đã tìm thấy anh, một người lính Việt Cộng dũng cảm. Anh đã buộc chặt thân mình vào thân cây, trên người anh còn có một túi gạo nhỏ và chỉ còn 5 viên đạn. Chỉ một mình anh đã chiến đấu chống lại cả một tiểu đội lính Mỹ.

Buổi trưa tháng 12 quá nóng bức đối với tôi, một người vừa đến từ bang Ohio, từ mùa đông giá lạnh. Bóng râm của cây bồ đề sum suê cạnh đài tưởng niệm xòe ra che mát cho tôi.

Ngước nhìn lên cây, tôi linh cảm ở đây có rất nhiều hương hồn của các anh chị liệt sĩ ở trên và xung quanh cây. Tôi cũng linh cảm rằng họ đang bình an, vì họ đang được yên nghỉ cùng đồng đội của mình.

Tôi nói với những người bạn đồng hành của tôi rằng tôi sẽ không bao giờ quên được ngày hôm đó, sự dũng cảm của người lính Việt cộng đó và sự hi sinh quên mình vì Tổ quốc của anh. Vì thế ngày hôm nay, tôi thật vinh dự khi được thắp hương để tưởng nhớ họ ở đây, ở Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn thiêng liêng này.

Nhà văn Cao Hạnh chia sẻ với tôi rằng anh trai của anh từng chiến đấu chống lại Lữ đoàn kỵ binh bay số 1. “Chắc anh và anh trai tôi đã từng đối đầu ở khu vực này đấy!”. Chúng tôi cùng cười về sự ngẫu nhiên đó, về sự nhỏ bé của trái đất. Không biết tự lúc nào, tôi cũng ngồi bệt dưới đất như những người bạn Việt Nam của tôi, chuyện trò với họ như thể tôi đã sinh ra ở mảnh đất này, thuộc về mảnh đất này.

Từng kỷ vật, từng bức thư mà những người bộ đội gửi vĩnh biệt gia đình dâng lên trong tôi rất nhiều cảm xúc. Rảo bước quanh thành cổ Quảng Trị, tôi tự nhủ mình hãy đặt chân thật kẽ lên từng tất đất, vì dưới lòng đất thành cổ có biết bao thân thể những con người, mà danh tính của họ chưa được xác định, và có lẽ không bao giờ có thể xác định được.

Đến địa đạo Vịnh Mốc (thôn Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) ngày hôm sau, tôi thật bất ngờ khi nhìn thấy địa đạo và đặt chân vào lòng đất sâu, nơi hàng trăm con người, gồm nhiều hộ gia đình đã trú ẩn trong nhiều năm tháng chiến tranh. Thật ngạc nhiên khi ngay trong bom đạn chiến tranh, người Việt Nam đã có thể xây dựng được một mạng lưới địa đạo vững chắc và khoa học đến thế: căn hộ cho những gia đình, bệnh xá, nhà hộ sinh, nhà trẻ, trạm phẫu thuật, bếp Hoàng Cầm kỳ diệu, kho gạo, trạm đặt máy điện thoại...

Và ngạc nhiên hơn nữa khi chỉ với công cụ thô sơ, những con người nhỏ bé ấy đã kiến trúc được 3 tầng địa đạo: tầng thứ nhất sâu 12m dùng để sinh sống, tầng thứ hai sâu 15m, để cất lương thực, vũ khí và tầng thứ ba sâu 23m để tránh hàng trăm, hàng ngàn quả bom quân Mỹ đã dội xuống.

o2A4tsoz.jpgPhóng to
Giáo sư Bruce Weigl ở Trường tiểu học Thuận Thanh

Tôi đã gặp một thanh niên trẻ, một trong 17 đứa trẻ đã được sinh ra và lớn lên trong lòng địa đạo, người đã kể cho tôi nghe về cuộc sống thời thơ bé dưới địa đạo của anh và gia đình: chật chội, không chỗ vui chơi, thiếu ánh sáng, nóng nực vào mùa hạ, ẩm ướt vào mùa đông. Anh kể cho tôi nghe rằng những lúc đông nhất có tới 1.200 người sinh sống. Họ đã chen chúc, hít thở, tồn tại giữa lòng địa đạo chật hẹp này gần 2.000 ngày đêm, khi hơn nửa triệu tấn bom đạn trút xuống Vĩnh Linh. Lúc đó, tôi chỉ ước rằng có thể bắt tổng thống Mỹ Johnson và Nixon đến địa đạo này và sống chỉ một ngày trong địa đạo này để nếm trải sự khổ cực, vất vả và chết chóc mà chiến tranh gây ra cho những người Việt Nam bình thường và vô tội.

Trái với mọi lo lắng và bồn chồn của tôi, tôi được đón tiếp thật nồng hậu và chân tình ở Quảng Trị. Nhà văn Cao Hạnh đã bỏ ra nhiều buổi để đi cùng và giải thích cho tôi về lịch sử, văn hóa Quảng Trị. Nhà thơ, nhà thư pháp Hoàng Tấn Trung đã viết tặng tôi một bài thơ tuyệt đẹp bằng thư pháp Việt Nam, về những người chiến sĩ Việt Nam vượt qua sông Thạch Hãn, nhà báo Lê Đức Dục tỉ mỉ hướng dẫn cho tôi về những di tích. Khi tôi ra phố, không ai nhìn tôi như một cựu binh, mà vui vẻ trò chuyện với tôi như với người bạn. Một lần nữa, tôi cảm thấy vô cùng biết ơn về sự cởi mở và rộng lượng của những con người Quảng Trị.

Trời đã sẩm tối khi xe của chúng tôi rời Quảng Trị để vào Huế. Dọc đường quốc lộ, chúng tôi hỏi thăm đường vào căn cứ trại Evans - nơi tôi đã từng đóng quân. Tôi muốn lên một ngọn đồi gần căn cứ trại, thắp nhang tưởng nhớ người bạn của tôi, người đã chết ngay bên cạnh tôi vì tên lửa, vào năm 1968. Hỏi thăm rất nhiều người dân dọc trên quốc lộ, rất ít ai còn nhớ về Lữ đoàn kỵ binh bay, ít ai còn nhớ về những căn cứ trại của Mỹ đã rải rác khu vực này hơn 40 năm trước.

Dù biết rằng tôi là một cựu binh, nhưng những người dân ven đường vẫn nồng hậu nói chuyện với tôi, mời tôi uống nước, hỏi han ân cần. Tiếc rằng khi tìm được đường đến căn cứ trại Evans, trời đã quá tối và đường khó đi, vì thế tôi hẹn với bạn mình một ngày nào đó sẽ lại về Quảng Trị, vì Quảng Trị không còn là nỗi ám ảnh, sự sợ hãi nữa, mà tôi lại được nghe tên Quảng Trị trở lại một cách tự nhiên trên môi mình: tôi lại có thể gọi tên Quảng Trị.

Gần đây, trong đêm ra mắt tập thơ Khúc hát thành Cổ Loa tại Hà Nội, đồng nghiệp của tôi tại Trung tâm William Joiner - nhà thơ, cựu binh Mỹ Kevin Bowen đã nói: “Chúng tôi đánh mất tuổi thanh xuân của mình ở Việt Nam. Và khi trở lại Việt Nam sau chiến tranh, chúng tôi tìm được tuổi thanh xuân đã mất”. Điều đó cũng thật đúng với riêng tôi, khi mỗi lần trở lại Việt Nam tôi lại cảm thấy khỏe hơn, hào hứng hơn với công việc, vì tôi biết còn có rất nhiều việc phải làm để xóa đi nỗi đau chiến tranh còn hằn in trên nhiều phận người và mảnh đất Việt Nam.

BRUCE WEIGL - Lời Việt: NGUYỄN PHAN QUẾ MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên