30/07/2004 05:48 GMT+7

Công trình trên 4 mũi khoan

UYÊN LY - N.V.HẢI
UYÊN LY - N.V.HẢI

TT - Trong bài 1, chúng tôi đã đề cập các sự cố ở quần thể tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ (ĐBP). Trong khi các hạng mục xây dựng, đặc biệt là phần sân, kè, tường đang tiếp tục lún, nứt hằng ngày, đe dọa sự an toàn của tượng đài, thì các cơ quan hữu quan của tỉnh vẫn đang loay hoay tìm chưa ra một giải pháp nào tháo gỡ...

KYqyp3vK.jpgPhóng to
Nhiều người dân Điện Biên lo cho số phận của bức tượng đồng nặng hơn 200 tấn khi hàng kè bảo vệ xung quanh chân bệ tượng lần lượt sụp xuống - Ảnh: N.V.HẢI
TT - Trong bài 1, chúng tôi đã đề cập các sự cố ở quần thể tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ (ĐBP). Trong khi các hạng mục xây dựng, đặc biệt là phần sân, kè, tường đang tiếp tục lún, nứt hằng ngày, đe dọa sự an toàn của tượng đài, thì các cơ quan hữu quan của tỉnh vẫn đang loay hoay tìm chưa ra một giải pháp nào tháo gỡ...

Làm tạm trên công trình thật?

Ngày 27-7, giám đốc Ban quản lý dự án di tích ĐBP - Lương Phượng Các trong cuộc làm việc với phóng viên Tuổi Trẻ đã cho biết sau sự cố, hội đồng kiểm tra (gồm đại diện các bên chủ đầu tư, giám sát, thiết kế và thi công) đã xác định nguyên nhân là vì thời gian quá gấp.

Để kịp khánh thành công trình vào đúng dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng ĐBP, các đơn vị liên quan đã phải xin ý kiến đoàn kiểm tra của Chính phủ cho làm tạm một số hạng mục. Cụ thể, ngày 14-11-2003 bắt đầu khởi công phần xây lắp bệ tượng và dự tính phải hoàn thành việc dựng tượng trong 40-50 ngày.

Nhận thấy với tiến độ này “khó có khả năng hoàn thành toàn bộ giai đoạn 1 công trình (gồm tượng, sân vườn và hàng rào)” trước 7-5, tại văn bản 565 gửi Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm, đoàn kiểm tra đã kiến nghị nên “tập trung thi công hoàn thành phần tượng đài và sân vườn tạm thời dưới chân tượng trước 7-5, còn các hạng mục hàng rào, sân bãi có thể hoãn tiến độ sau 7-5”.

Bám vào văn bản này, tỉnh Điện Biên đã cho phép đơn vị thi công làm... tạm trên một công trình thật. Hầu như toàn bộ mặt sân chỉ là những phiến granite vuông xếp cạnh nhau và phía dưới là cát và bọt xốp (!?).

Vì vậy chỉ sau những trận mưa to, mặt sân rộng hàng ngàn mét vuông đã nứt, gãy nham nhở như vừa trải qua trận động đất. Những ngày này, trước phản ánh của dư luận và báo chí, đơn vị thi công đã cho dựng lên tấm biển ghi rõ “để kịp lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử ĐBP, được sự đồng ý của cấp trên, một số hạng mục của công trình, đặc biệt là sân hành lễ, đã được thi công chỉ là giải pháp tạm thời. Hiện nay công trình đang trong quá trình xử lý kỹ thuật để đảm bảo độ bền vững và chỉ được bàn giao khi đã thẩm định kỹ thuật. Vì vậy hiện tại công trình đang thuộc sự quản lý của đơn vị thi công...”.

Nhưng nghiêm trọng nhất, ấn tượng nhất vẫn là những đoạn kè dài hàng chục mét bị sạt lở những ngày gần đây. Phải chăng đây cũng là hậu quả của việc làm tạm cho kịp tiến độ? Ông Các khẳng định phần này không hề tạm mà ban yêu cầu làm thật, có điều sự cố đã xảy ra ngoài ý muốn. Theo lý giải của các bên, sở dĩ nhiều đoạn kè, sân gặp sự cố là do người ta đã bỏ qua việc khảo sát địa chất ở đây. Toàn bộ khu tượng đài rộng mênh mông trên đỉnh đồi D1 chỉ được khoan có bốn mũi khảo sát.

Chỉ khoan khảo sát bốn mũi cho một công trình để đời đã là điều khó tin, nhưng còn khó tin hơn lại là chuyện ai đã thực hiện những mũi khoan khảo sát ấy. Trong cuộc trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ ngày 26-7, giám đốc Công ty Mỹ thuật trung ương (đơn vị thi công) Võ Thị Hồng tiết lộ đó là một đơn vị khảo sát tại địa phương. Chúng tôi đã thẩm tra thông tin này tại các bên liên quan và thật bất ngờ: không ai biết. Lãnh đạo ban quản lý dự án nói không biết bên thiết kế (Viện Bảo tồn di tích) thuê ai làm. Phía tư vấn giám sát “có nghe nói” đó là một đơn vị địa phương nhưng người lãnh đạo thời đó nay đã chuyển đi tỉnh mới...

Thiết kế: sai một li, đi không chỉ một dặm

mqZLjUWT.jpgPhóng to
Vì thiết kế không phù hợp với địa hình, địa chất, cả đoạn kè dài gần 10m này đã sụp xuống sau một trận mưa, đe dọa sự ổn định của bệ tượng đài Chiến thắng - Ảnh: UYÊN LY
Như đã đề cập, quá trình xây lắp phần kè, tường rào đã có những sai lầm về mặt thiết kế. Theo ý kiến của một số chuyên gia xây dựng, tường kè ở những tình huống như đồi D1 phải giật cấp (dạng bậc thang) ra ngoài để chịu lực tốt, hoặc nếu không cũng phải có hệ thống neo giằng từ thân kè vào một khối bêtông trong lòng đồi để đất đá không phá kè ra phía ngoài.

Thế nhưng đơn vị thiết kế đã làm theo một qui trình ngược lại, theo họ lý giải là để... đảm bảo yếu tố thẩm mỹ và vì yêu cầu kiến trúc. Mặt khác, phần tường kè cao 7,4m, chỗ to nhất là 3m lại đặt móng nằm chênh vênh trên nền đất lớp hai (đất xúc ra từ phần đào móng tượng). Theo các chuyên gia xây dựng, đây là lớp đất sét tơi xốp, thoát nước chậm, nhưng khi ngậm nước nhiều sẽ trở thành dạng bùn, dễ gây sụt lún công trình. Hơn nữa, phần kè, tường chắn theo thiết kế không đủ lỗ thoát nước...

Vì sao một thiết kế sai lầm và bất hợp lý như vậy lại có thể lọt qua nhiều cửa phê duyệt? Trao đổi với chúng tôi, cả ông Lương Phượng Các lẫn ông Nguyễn Đức Trung (giám đốc Ban quản lý dự án chuyên ngành xây dựng, đơn vị được thuê làm tư vấn giám sát) đều khẳng định “đã phát hiện có vấn đề” từ đầu và đã trình bày miệng tại cuộc họp giao ban giữa các bên, nhưng rồi việc “trình bày miệng” ấy đã bị chìm giữa bộn bề công việc chuẩn bị lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng ĐBP. Trong khi đó, đại diện bên thiết kế luôn đảm bảo sẽ không có bất cứ sự cố nào xảy ra...

Còn nữa: thi công. Mặc dù phía tư vấn giám sát khẳng định chất lượng thi công đảm bảo, nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi cũng còn nhiều vấn đề phải xem xét. Ngay trong quá trình thi công, cán bộ tư vấn giám sát tại công trường - ông Nguyễn Trung Kiên - cũng từng phải yêu cầu bên thi công dỡ ra làm lại một khối lượng công việc vì làm không đạt. Ngoài ra, lực lượng thi công chưa hẳn đã chuyên nghiệp, bởi theo người dân địa phương, có nhiều nhóm thợ tự do đã tham gia xây dựng tại công trình này dưới danh nghĩa người của Công ty Mỹ thuật trung ương.

Trung tuần tháng 7-2004, Phòng cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Điện Biên đã có cuộc làm việc với Ban quản lý dự án di tích ĐBP xung quanh những sự cố của khu tượng đài vừa khánh thành. Thiếu tá Lương Thanh Lưu, trưởng phòng cảnh sát kinh tế, đã yêu cầu ban dự án cung cấp đầy đủ số liệu về giá trị nghiệm thu, cấp phát phần xây lắp, phần tượng của dự án tượng đài Chiến thắng. Theo đó, riêng phần xây lắp trị giá 13,81 tỉ đồng; đến nay đã nghiệm thu một số hạng mục như nhà đón tiếp, nhà bảo vệ, phần đổ đá mặt sân và 2.000m3 kè đá (gần 70% khối lượng). Giá trị đã nghiệm thu là 9,6 tỉ đồng, trong đó đã cấp phát gần 7,6 tỉ. Theo ban quản lý dự án và tư vấn giám sát, phần thiệt hại và chi phí phát sinh để khắc phục sự cố khoảng 200-300 triệu đồng, tuy nhiên theo cảnh sát kinh tế, “chưa thể xác định rõ bởi còn phụ thuộc phương án khắc phục sự cố là gia cố hay dỡ ra làm lại toàn bộ...”.

UYÊN LY - N.V.HẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên