02/04/2011 04:36 GMT+7

Sống cùng nỗi lo phóng xạ

LAN PHƯƠNG
LAN PHƯƠNG

TT - Từ ngày xảy ra thảm họa động đất, sóng thần, nước Nhật luôn sống trong nỗi lo đối mặt với một thảm họa hạt nhân mới, có thể xảy ra bất cứ lúc nào tại khu vực Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi.

dfEGl4OV.jpgPhóng to
Phố xá tại Fukushima vẫn đông đúc, trẻ con vẫn được phép ra ngoài và đi cùng gia đình trên những con đường lớn - Ảnh: Lan Phương

Nhưng khi cả thế giới đang sốt lên với những đồn thổi và lo lắng về phóng xạ, cuộc sống của người dân gần nhà máy điện nguyên tử lại không hề vội vã như thế. Hình ảnh người lính mặc đồ chống phóng xạ với thiết bị đo lăm lăm chĩa về phía cậu bé nhỏ xíu đang giơ cả hai tay ra chờ đã xuất hiện trên hầu hết trang tin lớn của báo chí thế giới. Khắp nơi rúng động. Người ta quên mất có một thảm họa sóng thần tàn khốc vừa xảy ra và ngay lập tức khắc khoải trước nỗi lo phóng xạ.

Thông tin đầy đủ cho người dân

Ở các trại lánh nạn tại TP Kita Ibaraki, một số người dân trong bán kính 20km của nhà máy đã được sơ tán khỏi nơi ở về đây ngay từ những ngày đầu tiên khi nồng độ phóng xạ khác thường được phát hiện. Những hôm đầu tiên, số lượng người tị nạn tại Kita Ibaraki lên đến 5.000 người. Tuy nhiên, chỉ sau tám ngày số lượng này đã giảm chỉ còn 415 người.

Bà phó thị trưởng TP kể lại: “Có đến 300 người từ tỉnh Fukushima về đây theo lệnh di tản của chính phủ. Nhiều người vì quá lo lắng nên chỉ chạy về phía nam, không có xăng, họ phải đi bộ hàng chục kilômet”. 415 người vẫn còn ở lại trại chưa về nhà hoặc chưa di chuyển tiếp về phía nam ở tỉnh này hầu hết là các gia đình sống gần biển mất nhà cửa hoàn toàn hoặc trong diện phải rời xa khu vực bán kính 20-30km gần nhà máy.

Sự lo lắng của họ với thảm họa hạt nhân là có thật, nhất là khi Kita Ibaraki chỉ cách Fukushima 80km. Nhiều người tập trung ngồi trước tivi trong trại xem những dòng tít phụ hoặc những bản tin chen ngang thông báo về tình hình tại nhà máy điện.

Ở các trại tị nạn hàng trăm người, chính phủ chủ động cung cấp đầy đủ các kênh thông tin như radio, tivi, báo giấy. Ngay khi có bản tin về rau và sữa nhiễm phóng xạ là buổi nói chuyện khoa học của một giáo sư về tầm mức ảnh hưởng. Ngay sau bản tin trên truyền hình về những nghi ngờ rò rỉ phóng xạ trong nước là các bài báo giấy viết rõ tình hình, nồng độ phóng xạ, ảnh hưởng của loại phóng xạ đến cơ thể người...

Tại Trường THPT Ishinomaki, nơi đang có 360 người lưu trú trong hai khu nhà của trường, anh Endo Hiroshi, nhân viên của tòa thị chính - phụ trách quản lý khu vực này, cho biết: “Các thông tin mới về nhà máy điện hạt nhân được dán lên ngay trong văn phòng. Ở trong trại cũng vậy, sáng nào cũng có báo giấy, chúng tôi theo dõi rồi viết lên bản tin chung cho mọi người cùng xem”.

Ở những nơi này, mọi người được phát khẩu trang miễn phí và được khuyến cáo thường xuyên đeo khẩu trang để tránh những nguy cơ có thể xảy ra nếu trong không khí hay hướng gió xuất hiện phóng xạ. Tuy vậy, mọi người vẫn đều đặn ra bến cảng làm việc, tập trung ở các khu nấu ăn dọn dẹp và chuẩn bị mỗi ngày ba bữa ăn cho mọi người ở trại.

“Đây là quê hương của chúng tôi”

Đến TP Fukushima trong một ngày tình hình Nhà máy Fukushima Daiichi đang ở cao điểm về những lo ngại rò rỉ phóng xạ qua nước biển, chúng tôi bắt gặp một cuộc sống khác hẳn những gì người ta tưởng tượng về nơi này. Trên một con phố đi bộ buổi trưa, nhiều công chức cùng nhau đổ vào các tiệm ăn.

Trong cửa hàng cơm Sagami, bà Iwayaki Kasuko, chủ cửa hàng, vẫn tất bật đi thật nhanh giữa các bàn ăn của khách với những món ăn do chồng bà nấu bên trong. Mùi thức ăn tỏa ra ấm cả ngôi nhà. Mọi người ở đây không có vẻ gì là sắp đi tị nạn phóng xạ cả.

Bà Iwayaki lắc đầu cho biết: “Nếu chúng tôi có lo lắng cũng không được gì, nên tốt nhất là cứ tập trung vào việc của mình. Tôi vẫn nghe tin tức thường xuyên. Chính phủ mà có lệnh di tản tôi cũng sẵn sàng, nhưng không có lệnh gì nên nhà tôi vẫn làm việc bình thường”.

Từ ngày thông tin trên báo đài về hàm lượng phóng xạ trên rau và sữa ở các khu vực gần Fukushima tăng bất thường, vợ chồng bà đã thay đổi một chút việc đi mua thực phẩm hằng ngày để nấu cho khách ăn. Bà Iwayaki đã không sử dụng một loại rau liên tục nhiều lần trong tuần, vì nghe các nhà khoa học tư vấn nếu sử dụng liên tiếp một loại rau nhiễm phóng xạ trong suốt một năm mới bị ảnh hưởng. Chồng bà rửa rau kỹ hơn nhiều lần trước khi đem chế biến.

Ngay cả trong những ngày rối ren về thông tin phóng xạ, khu phố ăn trưa gần nhà bà vẫn tấp nập, quán của bà vẫn đầy kín khách. Vợ chồng bà nhún vai cười: “Đây là quê hương của chúng tôi, không có chuyện gì thì chúng tôi không đi đâu cả. Chỉ có người nước ngoài ở đây lo lắng hơn thôi”.

TP Fukushima bắt đầu có những đợt mưa nhỏ và tuyết rơi ngay giữa buổi trưa. Người dân lặng lẽ di chuyển trên những con phố lạnh ngắt với áo măngtô, khăn quàng và những cây dù kín đáo. Không ai bỏ chạy vì sợ những cơn mưa phóng xạ.

Bà Simuzuga Seika, chủ một cửa hàng bán rau và trái cây ở trung tâm TP, cho biết: “Gần đây vì có chuyện rau nhiễm phóng xạ nên rau của tỉnh Fukushima trồng không được đem đến chỗ tôi bán nữa”. Trên quầy hàng của bà, các loại rau quả đều ghi rõ nguồn gốc tỉnh, thành trồng và khối lượng từng gói.

Các loại rau của cửa hàng được chuyển đến từ một nơi hoàn toàn khác. Tuy nhiên, bà Simuzuga cho biết các loại rau vẫn đủ bán cho mọi người và giá cả giữa các loại rau mới với rau ở Fukushima cũng chênh lệch rất ít. Người đến mua rau xem rất kỹ các thông tin về xuất xứ và thời gian sản xuất của loại rau họ chọn trong cửa hàng.

Tại khu vực cách nhà máy điện hạt nhân khoảng 65km, cuộc sống gần như đã trở lại bình thường sau quá nhiều ngày người dân lo lắng và theo dõi tình trạng của nhà máy. Những cuộc chiến bên trong lò vẫn tiếp tục giằng co với trách nhiệm của Công ty Điện lực Tokyo.

Và trong TP, những bản tin thường xuyên xuất hiện trên điện thoại, radio, thông báo tại ga tàu... về vấn đề hạt nhân, đã giúp người dân kịp thích nghi với cả những lo ngại và sự không quá nghiêm trọng của vấn đề phóng xạ ảnh hưởng đến đời sống tại đây.

Usfulij9.jpgPhóng to

Tiệm cơm của bà Iwayaki Kasuko ở TP Fukushima vẫn rất đông khách và bà luôn bận rộn trong nhà bếp của mình - Ảnh: L.Phương

Không thấy cấm bán rau horenso

Ngày đầu tiên đến TP Mito thuộc tỉnh Ibaraki, chúng tôi đã nhận được những thông tin về việc rau horenso (một loại rau chân vịt) bị cảnh báo nhiễm xạ ở phía bắc Ibaraki cao gấp 7,5 lần bình thường. Đồng thời trong tỉnh Fukushima cũng có thông tin sữa bị nhiễm phóng xạ. Ngay trong buổi trưa có thông tin, chúng tôi đã cùng phóng viên báo Mainichi (nhật báo lớn thứ ba ở Nhật, với hơn 4 triệu bản/ngày) đi đến nhà người dân có trồng rau để tìm hiểu về rau horenso và phản ứng của người dân trước tình hình trên.

Tuy nhiên, hầu hết hộ dân trồng rau đều không thật sự bất an với thông tin này. Ở một vài cửa hàng còn mở, không có thông báo nào về việc loại rau sẽ bị cấm hay có thông tin nghiêm trọng nào về vấn đề phóng xạ.

Suốt buổi chiều, các kênh truyền hình của Nhật liên tục thông tin về mức độ nhiễm xạ này ra sao, ảnh hưởng thế nào đến đời sống, mọi người cần cảnh giác như thế nào. Đài truyền hình cũng cho biết các thông tin này chỉ mang tính cảnh báo chứ chưa thật sự có ảnh hưởng nghiêm trọng gì đến sức khỏe người dân, vì mức độ phóng xạ đo được vẫn còn cách xa mức ảnh hưởng đến sức khỏe rất nhiều lần.

Cùng đi với chúng tôi, phóng viên báo Mainichi đeo ở túi quần một thiết bị đo phóng xạ mà họ vừa được phát khi tường thuật thảm họa tại đây. Nếu thiết bị đo được mức 20μSv/giờ cũng là lúc phóng viên buộc phải rời khỏi vùng tác nghiệp ngay lập tức. Nhưng chính trong những ngày đi cùng chúng tôi, phóng viên Somatani của tờ báo đều đưa thiết bị lên nhìn và cười.

Chưa bao giờ chiếc máy đo rời khỏi số 1 (mức thấp nhất) trên màn hình, mặc dù Somatani đang cùng chúng tôi đứng ngay ở Kita Ibaraki, khu vực bờ biển chỉ cách nhà máy điện hạt nhân 80km và ở trong vùng đo kết quả phóng xạ trên rau chân vịt cao đến hơn 7,5 lần bình thường.

Bà Asano Kasumi, một người dân ở trung tâm sóng thần tại TP Ishinomaki, đùa: “Chúng tôi không lo đâu. Giờ chỉ lo sao mọi người có lại nhà cửa. Những người bị bom nguyên tử ở Hiroshima còn sống đến tận 80 tuổi mà có việc gì đâu”.

Dẫu biết là nói đùa nhưng người dân ở nhiều tỉnh rất gần Nhà máy điện Fukushima vẫn đang miệt mài với việc phải tái thiết cuộc sống bị phá hủy hơn là lo lắng đến một nhà máy điện có phóng xạ luôn có thông tin cập nhật từng giờ trên đài...

LAN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên