23/02/2011 05:27 GMT+7

"Yêu thương hơn mình có thể..."

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Một người bạn gửi cho tôi một trang nhật ký điện tử (blog) mà theo anh “dung chứa câu chuyện về một gia đình rất nghèo và rất giàu”. Tôi xem và bất ngờ nhận ra một nhân vật cũ của báo Tuổi Trẻ, cô bé “rất nghèo và rất giàu” hơn 13 năm về trước.

0jzQtqc4.jpgPhóng to

Tổ ấm rất giàu yêu thương của Huỳnh Anh - Lưu Phục Mậu - Ảnh: Gia Tiến

Năm 1997, Huỳnh Anh đạt thành tích đầu đời: đậu một lúc ba trường đại học. Thành tích ấy còn được cộng thêm nhiều điểm nhấn để hình ảnh Huỳnh Anh có thể đọng lại trong tâm trí những người từng biết cô sau nhiều năm: chiếc xe lăn lắc tay đồng hành cùng cô học trò bại liệt suốt ba năm từ quận 8 sang Trường THPT Lê Quý Đôn ở quận 3, TP.HCM; cặp nạng gỗ rong ruổi khắp các ngả đường cùng Huỳnh Anh với xấp vé số và quyển vở trên tay, vừa phụ mẹ lo chuyện cơm gạo, vừa học bài để vẽ tương lai; những câu danh ngôn mà Huỳnh Anh học thuộc để tự động viên mình trong lúc đếm những bước chân nhọc nhằn, giấc mơ tươi hồng không chỉ nằm yên trên trang nhật ký mà long lanh trên đôi mắt. Trả lời phóng viên Tuổi Trẻ khi ấy, cô bé tự tin quả quyết: “Chặng đường sắp tới em chỉ cần nghị lực”. Nghèo tiền bạc - giàu hi vọng, nghèo sức khỏe - giàu nghị lực là chân dung Huỳnh Anh khi ấy.

Rất nghèo và rất giàu

Năm 2011, Huỳnh Anh đã có một gia đình mà cô gọi là AMF (Anh - Mậu Family) với người chồng cùng cảnh khuyết tật Lưu Phục Mậu và hai cô công chúa nhỏ Thanh Hương - Thanh Mai. AMF vẫn rất nghèo. Một căn phòng chung cư chỉ 14m2, thuê với giá 700.000 đồng/tháng. Một công việc thiết kế web thu nhập theo dự án mà cứ lãnh tiền về là hai vợ chồng lật đật đi mua ngay mấy lon sữa để dành cho con. Một chiếc xe Chaly ba bánh cũ kỹ là phương tiện để Huỳnh Anh làm tài xế đưa cả nhà đi chơi công viên những buổi sáng hiếm hoi. Một hàng tạp hóa nghèo ngay trong nhà chỉ gồm mấy gói mì, chai nước mắm mang hi vọng tăng thu nhập và kiêm cả việc cứu đói ngày chưa... mua gạo. Một “đôi giày” đã rách bươm đi kèm với cái khung sắt cứng quèo bó lấy đôi chân bại liệt mà mỗi lần “đeo giày” vào Huỳnh Anh phải mất 15-30 phút, kèm cả việc thay những dây da đã bị đứt bằng dây nilông...

Thế nhưng AMF cũng rất giàu. Không gian chật hẹp bừa bộn như được giãn rộng ra bởi giọng ríu rít nắc nẻ của bé Hương và bé Mai, tiếng cười vui sướng mãn nguyện của cặp cha mẹ trẻ. Hạnh phúc nhân lên từng ngày qua từng bữa cơm giản dị được Mậu chăm chút bằng đôi tay khòng khoèo, yếu ớt vì di chứng bại liệt. Hai cái nickname gần như luôn sáng đèn để thế giới của Anh và Mậu rộng mở đến vô tận trên Internet, với những website và dự án vì cộng đồng người khuyết tật mà họ là người đưa ý tưởng và trực tiếp thực hiện. Hàng ngàn đêm trắng như Huỳnh Anh viết: “Đêm trắng là đêm ngắn/Đêm của bàn tay trắng/Loay hoay gõ phím đen/Kịp ngày mai giao hàng/Mua sữa cho con bú...”. Và hàng ngàn những san sẻ yêu thương, ủng hộ trên các web, các blog của AMF.

Tài sản của họ là ở đây.

Ss3BMFpR.jpgPhóng to
Huỳnh Anh rất vui khi được xem lại bài báo “Mong có đủ nghị lực để vượt qua tất cả” viết về mình trên báo Tuổi Trẻ ngày 23-8-1997. Ngày ấy, cô đã không thể trích 1.200 đồng tiền bán vé số để mua báo mà chỉ đọc ké của một người bán dạo... - Ảnh: Gia Tiến

Ngọn nến niềm tin

Trang web sanphamcuanguoikhuyettat.com thiết kế như một gian hàng trưng bày, góp phần trong việc tìm kiếm đầu ra cho những sản phẩm thủ công đã được thực hiện bằng ý chí, nghị lực và lòng kiên nhẫn của người khuyết tật. Đây là sản phẩm đầu tay mà Mậu đã đưa ra ý tưởng để Huỳnh Anh thực hiện khi gia đình nhỏ vừa thành hình và cô con gái đầu lòng Thanh Hương vừa được hoài thai. Niềm vui lớn của họ được chia sẻ với cộng đồng người khuyết tật như thế. Duy trì được hơn ba năm, đến nay đã có 17 cơ sở sản xuất của người khuyết tật giới thiệu hàng trăm sản phẩm trên website. Số thu nhập ít ỏi của hai vợ chồng phải nhín nhút ra để duy trì và điều hành web nhưng Mậu vẫn chưa hài lòng. Một dự án bán hàng qua mạng do người khuyết tật đảm trách đang được Mậu xây dựng và “tràn trề hi vọng là nó sẽ phát triển”.

Dự án thứ hai là học bổng “Ngọn nến niềm tin” dành cho học sinh khuyết tật ra đời cùng với cô gái nhỏ Thanh Mai. Câu chuyện về bốn ngọn nến bị gió thổi tắt và ngọn nến mang tên Niềm tin và hi vọng đã vụt sáng lại đầu tiên để thắp lên các ngọn lửa khác được chuyển tải ngay ở trang chủ của website hocbong.sanphamcuanguoikhuyettat.com như là thông điệp của Huỳnh Anh. Cô chia sẻ bằng câu chuyện của chính mình: “Những năm tháng đi học, tôi đã nhận được nhiều sự giúp đỡ của nhiều người, từ chiếc xe lăn, từ học phí, cuốn sách, tấm áo. Không có sự giúp đỡ ấy, có thể một ngày nào đó tôi đã dừng bước đến trường trong nỗi lo nhà thiếu gạo. Tôi hiểu rõ hơn hết giá trị của hi vọng, động lực của niềm tin nên muốn chia sẻ với các em hơi ấm ấy, như những món quà của cuộc sống mà mình đã được nhận”.

Chưa có tài trợ, chương trình vẫn đường hoàng bắt đầu. Khác với các học bổng thường thấy luôn dành cho những tấm gương học giỏi và vượt khó, Huỳnh Anh không đặt điều kiện về kết quả học tập với đối tượng của mình. Cô nói: “Với các em khuyết tật, nhà nghèo, đến trường đã là cả một nỗ lực lớn. Ngày xưa, tôi cũng không thể có kết quả xuất sắc như mong muốn nhưng chỉ sự cố gắng vượt bậc trong học kỳ 2 của năm lớp 12 đã cho tôi đậu ba trường đại học. Khi vào ĐH dân lập Ngoại ngữ - tin học, thầy hiệu trưởng Huỳnh Thế Cuộc đã kiên nhẫn cho tôi được hưởng học bổng cả bốn năm cho dù giai đoạn đầu kết quả học tập không tốt lắm. Cuối cùng đề án tốt nghiệp của tôi đã đạt điểm 9. Tôi không muốn áp lực phải có kết quả cao để được giúp đỡ sẽ làm nản lòng một em nào, dẫn em ấy đến quyết định bỏ học”.

Thông báo về học bổng được đưa lên mạng, các hồ sơ xin nhận học bổng bắt đầu được gửi tới. Mậu cùng các bạn tình nguyện viên khác trong hội thanh niên khuyết tật thay nhau đi xác minh với kinh phí được xác định tối đa là 50.000 đồng/trường hợp. Huỳnh Anh ráo riết lướt trên thế giới mạng của cô để tìm tài trợ. Hai bác Việt kiều, một chị nhà báo, một luật sư... đã chung tay với Huỳnh Anh. Mỗi suất học bổng khiêm tốn chỉ đúng nghĩa làm một ngọn nến: 500.000 đồng/suất cho học sinh tiểu học, 1 triệu đồng/suất cho học sinh trung học cơ sở, và 1,5 triệu đồng/suất cho học sinh THPT cũng đủ để tốn nhiều mồ hôi. Gần hai năm, ngọn nến niềm tin đã đến với những em học sinh nghèo mang khuyết tật nặng như Nguyễn Hữu Toàn, Lê Thị Liễu ở quận 8, Thảo Nguyên ở quận 6, Đường Thượng Nhân ở quận 9, rồi Nguyễn Trọng ở Nha Trang, Lý Diệp Lan, Cù Thế Lãnh, Nhân Phong Độ, Nhân Quốc Việt ở Cà Mau...

Lật qua tập hồ sơ học bổng mà Mậu lưu giữ cẩn thận trong chiếc cặp cũ, như gặp lại hình ảnh Huỳnh Anh, Lưu Phục Mậu năm nào. Những hình ảnh, những lá thư như đang kể về những bước chân nhọc nhằn, những giọt mồ hôi của nỗ lực, nước mắt của buồn tủi và cũng như cảnh báo rằng những bước chân đến trường ấy có thể dừng lại bất cứ lúc nào. Một ngọn nến trong đêm, một cái siết tay giữa đường đúng lúc sẽ cần thiết biết bao. Huỳnh Anh bảo cô hiểu điều đó hơn ai hết bằng một nụ cười tinh nghịch: “Cảm ơn đời vì hôm nay em vẫn nghèo đủ để không quên người đói”.

Và những dự án bán hàng qua mạng, website việc làm cho người khuyết tật, câu lạc bộ Trái tim sáng... đang được tiếp tục thành hình từ AMF. Vẫn như ngày mà tôi gặp hơn 13 năm về trước, Huỳnh Anh vẫn thích những câu danh ngôn. Và hôm nay cô đã tự viết ra châm ngôn cho mình: “Hành trang để tôi đi tiếp vạn nẻo đường đời chỉ duy nhất hai chữ: Bỏ lại”. Hỏi, Huỳnh Anh cười hồn nhiên: “Mang theo hết thì nặng lắm, làm sao đi nổi nữa”. Nói vậy, và Huỳnh Anh đã từng dốc túi lấy 50.000 đồng cuối cùng tặng một bà lão bán vé số, rồi lên xe trong nỗi lo sữa của con đã hết, xăng trong bình đã cạn. Huỳnh Anh viết: “Hãy yêu thương hơn ta có thể/ Bởi vì xuân ở chính trong ta...”, và cô đã sống đúng như thế.

“Người đi trước rước người đi sau”

Dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, AMF của Huỳnh Anh có một niềm vui mà đến hôm nay cả khu tập thể nhỏ 854 Nguyễn Trãi, Q.5, TP.HCM vẫn nhắc: các thầy cô giáo ở Hội cựu giáo chức và cựu học sinh Lê Quý Đôn đã đến tận phòng trọ. Vẫn dõi theo cô học trò ấn tượng năm nào, cô Hà Thị Phương Thịnh, nguyên hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn xúc động nhắc: “Theo dõi và biết hoàn cảnh Huỳnh Anh rất khó khăn, chúng tôi đến thăm em và mang theo một món quà nhỏ. Căn phòng nhỏ xíu mà Huỳnh Anh rạng rỡ khoe may mắn lắm mới thuê được làm các thầy cô rất xúc động, và còn xúc động hơn khi được biết trong hoàn cảnh như vậy mà vợ chồng em vẫn dành tâm sức để thực hiện câu chúng tôi vẫn dạy học trò “người đi trước rước người đi sau”. Những học trò như Huỳnh Anh là niềm tự hào của Trường Lê Quý Đôn”.

Thầy Huỳnh Thế Cuộc, hiệu trưởng Trường ĐH dân lập Ngoại ngữ - tin học, cũng tấm tắc khi nghe nhắc đến Huỳnh Anh: “Lần đầu đến thăm nhà Huỳnh Anh, tôi đã cảm nhận rõ cô bé rất nghị lực và trường chúng tôi quyết tâm sẽ giúp em học đến cùng, để có một chỗ đứng xứng đáng trong xã hội. Quá trình học ở trường, Huỳnh Anh đã rất cố gắng dù em vẫn dành nhiều thời gian đi bán vé số. Sau khi ra trường, biết em đã tự tạo được công ăn việc làm, tự xây dựng được hạnh phúc, lại sẵn lòng chia sẻ với người khác, tôi rất mừng. Những tấm gương như Huỳnh Anh cần được nhân rộng”.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên