Phóng to |
Thủ lĩnh cộng đồng Jintana (bìa phải) nói chuyện với báo giới và những nhóm nghiên cứu môi trường - Ảnh: Hồng Vân |
Những thủ lĩnh môi trường xuất thân từ cộng đồng dần xuất hiện. Họ đòi hỏi các tập đoàn phải có trách nhiệm xã hội, có lương tâm với môi trường chứ không chỉ nhắm mắt kiếm tiền. Hoàn cảnh và lịch sử đã chọn những tiểu thương, nông dân, thầy cô giáo làm người anh hùng của đời thường.
Giá của một thủ lĩnh
Ông Narong Klomglom, chủ tịch thị xã Klong Dan, một trong số ít thủ lĩnh làm cho chính quyền, đã đứng về phía người dân phản đối sự có mặt của nhà máy xử lý nước thải ở Klong Dan cho biết: “Trong giai đoạn căng thẳng, chúng tôi phải mặc áo chống đạn và luôn cảnh giác sự an toàn của mình”.
Ở tỉnh Prachuap Khiri Khan, một dự án điện than được dự kiến xây ở Bo Nok. Anh Charoen Wat-Aksorn, một thủ lĩnh cộng đồng, đã bị bắn chết vào ngày 22-6-2004. Sự việc xảy ra sau khi anh trở về nhà từ cuộc gặp với Ủy ban quốc gia điều tra về chống tham nhũng đề nghị họ điều tra các viên chức địa phương. Từ năm 2001 đến thời điểm Charoen bị ám sát, có 16 nhà hoạt động vì môi trường và nhân quyền ở Thái Lan bị ám sát hoặc mất tích. Vợ góa của Charoen, chị Korn-uma Pongnoi đã tiếp tục vai trò thủ lĩnh của chồng. |
Đang nói chuyện với chúng tôi, chị Dawan - nữ thủ lĩnh cộng đồng ở Klong Dan - nhận được điện thoại từ một cơ quan chống tham nhũng thuộc nhà nước ở Chiang Mai mời đến chia sẻ kinh nghiệm.
Dawan cho biết chị sẵn sàng tham gia nếu ban tổ chức mua thêm một vé máy bay cho người bảo vệ chị. “Tôi không thể đi đâu một mình. Hãy dùng tiền các vị định trả thù lao cho tôi để mua vé máy bay cho người đó”.
Từ sau năm 2003, khi nhà máy xử lý nước thải ở Klong Dan bị đình chỉ, các hoạt động phản đối của người dân lắng xuống, nhưng sự an toàn của những thủ lĩnh môi trường vẫn là một dấu hỏi.
Nhiều lần chị Dawan nhận được những cuộc điện thoại gợi ý những điều tốt đẹp từ phía dự án. “Tôi ghi âm mọi cuộc điện thoại và phát lại cho anh chị em trong cộng đồng được biết”.
Trong khi đó, Jintana Kaewkao, người mạnh mẽ chỉ trích dự án xây dựng nhà máy điện than công suất 1.400 MW ở Ban Krut, tỉnh Prachuap Khiri Khan, thuộc miền Nam Thái Lan, được hỏi “mua” với giá 15 triệu rồi tăng lên 30 triệu baht Thái.
“30 triệu baht không đủ để tôi mua bạn bè và một cộng đồng mới”, Jintana đã từ chối như vậy. Không mua chị được bằng tiền, người ta gửi đến nhiều thư hăm dọa viết bằng máu, chửi bảy đời dòng họ nhà chị rồi dọa giết.
Sáng 14-1-2001, một tay súng bí ẩn đã đến xả súng vào cửa hàng tạp hóa của Jintana, đạn xuyên thủng cửa tiệm và làm đổ vỡ nhiều đồ đạc. Rất may Jintana và chồng thoát nạn.
Người dân Ban Krut ngay sau đó đã thay phiên nhau ở bên cạnh bảo vệ Jintana. Đến hôm chị gặp chúng tôi vẫn có một cảnh sát viên bảo vệ chị 24/7 dù dự án này đã chấm dứt. “Các nhà đầu tư đâu để yên khi tôi đã làm họ đánh mất hàng triệu baht”, chị Jintana nói.
Trong thời gian thương lượng với chính quyền, phản đối sự có mặt của nhà máy điện than ở Ban Krut, Pi Jintana và người dân đã có thể chỉ ra những “lời nói dối trắng trợn” trong bản đánh giá tác động môi trường (EIA) của dự án. Theo đó, khoảng 500 ngư dân sẽ bị mất sinh kế chứ không phải chỉ có chín người, giá các loài hải sản trên thực tế cao hơn nhiều so với giá trong báo cáo, rạn san hô biển nơi đàn cá sinh sôi sẽ bị ảnh hưởng và suy thoái.
Chị kể với sự chua chát và châm biếm: “Lúc đó vào năm 2000 dự án được công khai để lấy ý kiến công chúng, nhưng khi chúng tôi yêu cầu được đọc đánh giá tác động môi trường, nhà chức trách nói rằng báo cáo đó được viết bằng tiếng Anh, chúng tôi không thể đọc và hiểu được”.
Chướng ngại ngôn ngữ đã không cản được cộng đồng người dân ở Ban Krut chỉ rõ các ẩn họa mà dự án mang lại. Họ được báo chí và nhiều cộng đồng ở Thái Lan đồng cảm và cuối cùng công lý đã chiến thắng.
Những hi sinh của Jintana để bảo vệ cuộc sống bình yên của cá, tôm, mực, san hô và con người ở Prachuap Khiri Khan chỉ các con chị thấm thía hơn ai hết. Ba người con chị không được sống gần mẹ (vì lý do an toàn) vẫn thường hỏi: “Chừng nào con được về với mẹ, mẹ ơi”.
Còn chị, giải thích về con đường đi của mình: “Tôi đã đến Mae Moh, nhìn thấy bằng mắt của mình người dân ở đó đã sống với ô nhiễm và chết vì bệnh tật do ảnh hưởng của khí SO2 từ nhà máy điện than Mae Moh. Tôi không thể để hiểm họa tương tự tái diễn ở làng xóm mình”.
Phát triển phải “có hậu”
Người dân Thái Lan giờ đây đã nhận ra một chính sách không chỉ ảnh hưởng đến riêng một làng xóm, riêng một tỉnh mà là một vùng. Một nhà máy điện than mọc lên là để theo sau một khu công nghiệp lớn xuất hiện. Bộ mặt xã hội sẽ đổi thay. Nông nghiệp, ngư nghiệp và du lịch bị xóa sổ. Làng xóm bị xé nát và chia rẽ sâu sắc. Những giá trị văn hóa, nền tảng gia đình bị lu mờ. Rất nhiều hệ lụy về xã hội xuất hiện.
GDP cho cả nước nhưng dân địa phương lãnh đủ tai họa ô nhiễm trước hết. Lợi ích từ nhà máy, xí nghiệp không đến với họ, tài nguyên không được chia sẻ công bằng. Hứa hẹn về công việc ở các nhà máy không hấp dẫn bà con. Phải phụ thuộc vào công việc hối hả ở nhà máy để có lương tháng thay vì được tự trồng lúa gạo, nuôi heo gà, không cần quá nhiều tiền là một sự mất tự do. Đâu là mục tiêu của phát triển? Để con người hạnh phúc hơn hay để họ bị lệ thuộc nhiều hơn?
Người dân ở Thái Lan muốn được quyền tham gia soạn thảo quy hoạch phát triển vùng cùng với chính phủ. Họ muốn có quyền nói không với những dự án có nguy cơ cao với môi trường.
Thứ công nghiệp người dân Thái Lan mong muốn phải ôn hòa với thiên nhiên và ưu tiên lợi ích của dân địa phương, chứ không phải là bắt người dân phải hi sinh cho GDP cả nước. Vì nếu chỉ chạy theo lợi ích kinh tế bằng con số, lâu nay người ta đã quên, không trừ từ GDP những thiệt hại đối với nông nghiệp, ngư nghiệp, môi trường và cả số tiền người dân phải chi trả cho bệnh viện để chăm sóc các vấn đề sức khỏe nảy sinh.
Đặc biệt, người ta bỏ quên những mất mát không tính được bằng tiền từ “việc bóc lột đến tận cùng khả năng chịu đựng của không khí, nước và môi trường” - theo ý kiến của tiến sĩ Penchom Saetang, Tổ chức Cảnh báo và tái tạo sinh thái Thái Lan.
Ở bất kỳ đâu khi thực hiện loạt bài này, người dân Thái luôn nhắc đi nhắc lại: “Hãy kể câu chuyện của chúng tôi với người Việt Nam. Các bạn hãy thận trọng với công nghiệp hóa”.
Kỳ 1: Hồ sơ của 300 cái chết Kỳ 2: Cái giá của “GDP cao nhất” Kỳ 3: Nước mắt trên đập thủy điện Kỳ 4: Quyền lực nhân dân
________________
Đón đọc số tới:
Thâm sơn kỳ cục án
Nhà báo Vũ Đức Sao Biển sẽ trở lại với bạn đọc qua những “kỳ án” cười ra nước mắt ở vùng núi thẳm rừng sâu, nơi mà nhiều quan niệm giản đơn còn chi phối con người...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận