10/01/2011 01:14 GMT+7

Vì chúng tôi là lính Trường Sa

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Khi những chuyến tàu của Vùng 4 hải quân vẫn đang vật lộn với biển động để chuyển hàng tết và chở lính đến các đảo nổi, đảo chìm của quần đảo Trường Sa thì chúng tôi nhận được tin các bạn trẻ TP. HCM đang tổ chức “Ngày hội thanh niên với biên cương Tổ quốc”.

ULJC8fvf.jpgPhóng to

Thiếu tá Lê Xuân Thủy bên vườn rau của người lính đảo - Ảnh: Lê Kiên

Đọc những dòng tâm sự của các bạn sinh viên, học sinh ở TP mang tên Bác qua Tuoitremobile trên điện thoại di động (vì ngoài Trường Sa rất thiếu báo, máy tính và không phải lúc nào cũng được xem tivi), không ít lính đảo đã rơi nước mắt.

Dặm trường biên ải

Tôi đưa chiếc điện thoại di động cho trung tá Trần Văn Nhật - đảo trưởng đảo Phan Vinh - đọc bài Tổ quốc trong tim trên Tuổi Trẻ. “Với người lính đảo, lính miền biên ải thì quý nhất là những tình cảm thế này. Gian truân chúng tôi không sợ, thiếu thốn chúng tôi có thể vượt qua vì đó là nhiệm vụ, nhưng điều làm chúng tôi luôn hạnh phúc và ấm lòng là những tình cảm rất thật của đất liền” - anh Nhật dừng lại chia sẻ với tôi khi đọc đến dòng tâm sự của một bạn học sinh: “Em muốn được một lần ra thăm để tận mắt nhìn thấy cuộc sống các chú, các anh đang ngày đêm canh giữ đảo”.

Trung tá Nhật sinh năm 1968, quê ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Nếu không hỏi tuổi thì không ai đoán anh dưới 50, vì tóc anh đã muối tiêu và khuôn mặt đen sạm vì nắng gió. “Từ khi vào quân ngũ đến giờ, tôi luôn là người lính của biên cương. Trước khi nhận công tác ở Trường Sa, tôi từng nhiều năm công tác ở Phong Thổ, Lai Châu và mấy năm làm đảo phó đảo Bạch Long Vĩ, Hải Phòng. Nếu anh còn nhớ cô bé trong truyện ngắn Chiếc lược ngà mà các anh đã học thời phổ thông, thì con gái tôi cũng là nhân vật trong đó, vì có lần từ đảo trở về nhà, tôi mở cửa bước vào thì con gái hơn 3 tuổi của tôi đã chạy đi và gọi: “Mẹ ơi có chú gì vào nhà mình kìa”. Đây mới chính là giây phút mềm lòng nhất của người lính, dù ở biên cương có khắc khổ đến bao nhiêu. Bữa trước ở đảo Đá Lớn B, tôi cũng mềm lòng trước một câu chuyện tương tự của thượng úy Nguyễn Ngọc Chinh: “Thứ bảy vừa rồi tôi gọi điện về nhà, thằng con trai học lớp 1 nhắc nhở: bố ơi, bố bảo bao giờ con được 100 điểm 10 thì bố về thăm con, con gần được 100 điểm 10 rồi, tết bố về nhé bố”. Thượng úy Chinh đã ở Trường Sa tổng cộng hơn 100 tháng. Hơn 100 tháng, nghĩa là gần mười năm, chẳng mấy khi được về quê ở Quảng Xương, Thanh Hóa xa xôi.

Chia tay Phan Vinh và thêm một đêm vật lộn với sóng dữ, tàu Trường Sa 20 của chúng tôi đã tìm đúng luồng để neo đậu vào lòng hồ Tốc Tan yên ả. Đảo chìm Tốc Tan giống như cánh hải âu khổng lồ dang rộng ôm ấp những con thuyền mong manh giữa lốc tố biển khơi. Mấy anh lính Tốc Tan cho biết cứ mỗi khi có bão tố là hàng chục tàu thuyền đánh cá vào neo đậu trong lòng hồ. Cũng như Đá Lớn A, Tốc Tan A đã xây được căn nhà tiếp dân rộng rãi khang trang để đón ngư dân ta mỗi mùa biển động.

Trò chuyện với đảo trưởng Tốc Tan, thiếu tá Lê Xuân Thủy trong phòng của anh, tôi ngước lên nóc tủ và thấy một bát nhang cùng với linh bài (được làm bằng bìa thùng đựng mì gói) người cha ruột của anh. Ông cụ mất cách đây bốn tháng. Hỏi ra mới biết ngày ông mất thì anh Thủy vừa trả phép và bước chân lên tàu được ba ngày. Trường hợp anh Thủy không phải là duy nhất ở Trường Sa, vì người lính đảo đã bước chân lên tàu, bước chân lên đảo làm nhiệm vụ thì mọi việc ở nhà đều phó thác hết vào tay người vợ. Những lúc gia đình, dòng tộc có tang ma, hiếu hỉ thì cũng đành kìm nén cảm xúc ở khơi xa.

“Hãy tặng chúng tôi phân và đất”

“Sao các anh chịu đựng được quá nhiều những khó khăn, thử thách như vậy?”, tôi hỏi và bỗng dưng thấy câu hỏi của mình vô duyên khi trung tá Nhật trả lời: “Vì chúng tôi là lính Trường Sa”. Khi biết chúng tôi - mười phóng viên đi theo tàu Trường Sa 20 - đem theo một ít bánh kẹo và chè làm quà cho lính đảo, anh Nhật cho biết: “Vài năm gần đây các đảo nhận được nhiều chè, thuốc, bánh kẹo nên chúng tôi không thiếu. Các anh biết chúng tôi thiếu nhất và muốn được tặng nhất cái gì không? Quà chúng tôi muốn được tặng nhất là phân và đất. Nếu các anh có viết bài thì nhờ các anh thông tin rằng nếu mọi người muốn gửi quà ra đảo thì hãy cho chúng tôi phân và đất để chúng tôi trồng rau xanh”.

Đúng là có tận mắt chứng kiến cuộc sống trên đảo chìm mới thấy được sự quý hiếm của rau xanh đến mức nào. Các anh quý rau xanh, chăm chút rau xanh như chăm chút con thơ trong những lần về phép. Chỉ lơ là một chút là một con sóng đánh bất ngờ, một trận lốc tố ập đến hất nước biển mặn mòi cướp sạch cả vườn rau. Vì vậy, vườn rau ngoài này là vườn rau di động bằng những khay đựng đất, mỗi lúc nắng to gió lớn, sóng dữ thì các chiến sĩ đều phải đem cất các khay đựng rau vào nhà.

Để chống chọi với sóng gió khắc nghiệt và đảm bảo rau xanh cho bữa cơm chiến sĩ, các anh phải nghiên cứu đủ mọi cách như nâng độ cao các vườn rau, làm các tấm phên che gió xung quanh và thiết kế cả các mái che di động... Để có diện tích vườn rau lên đến vài chục mét vuông, các chiến sĩ đảo Tốc Tan đã tích cóp theo phương châm “kiến tha lâu đầy tổ”, nghĩa là ngoài sự hỗ trợ, cấp phát của đơn vị thì mỗi lần trả phép, anh em lại mang ra một ít hạt giống, một ít phân bón và đất.

Thượng tá Nguyễn Văn Thư - phó chính ủy Đoàn Trường Sa, trưởng đoàn công tác - nói: “Để có được những lá rau xanh giữa mùa biển động thế này, anh em đã rất khổ sở để giữ gìn. Và ước ao có nhiều đất, nhiều phân hơn là điều có thật. Chúng tôi sẽ cố gắng để nhiều bạn trẻ TP. HCM cũng như nhiều bạn trẻ trong đất liền có cơ hội được thăm và chứng kiến cuộc sống lính đảo Trường Sa, để Trường Sa gần lại hơn nữa với đất liền”.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên