02/01/2011 06:42 GMT+7

Người không đợi sự hoàn hảo

LAN ANH
LAN ANH

TT - Ông chẳng phải là một người lạ. Thậm chí quá quen là đằng khác, khi gõ tên ông trên Google thì có ngay trên 1,3 triệu kết quả! Nhưng Nhân vật hằng tuần của đầu năm 2011 vẫn chọn ông - bác sĩ Bùi Đức Phú vì những việc ông làm được rất có ích cho bệnh nhân nghèo...

ZkHdGiZ9.jpgPhóng to
Ông Bùi Đức Phú - Ảnh: Lan Anh

Đứng đầu Bệnh viện T.Ư Huế, bệnh viện thứ hai được công nhận là bệnh viện hạng đặc biệt ở VN, lại là một trong những chuyên gia đầu ngành về phẫu thuật tim - lồng ngực nhưng GS.TS Bùi Đức Phú rất dễ gần. Điều người ta hay băn khoăn khi đến bệnh viện như quá tải, chật chội, ồn ào... khoảng ba năm gần đây không thấy ở Bệnh viện T.Ư Huế.

Ân nhân của nhiều bệnh nhân tim mạch

Đơn thuốc không quá 300.000 đồng!

Thật bất ngờ trong điều kiện giá thuốc hiện nay, giá trị đơn thuốc tối đa ở Bệnh viện T.Ư Huế chỉ có 300.000 đồng! Đó là mới tăng lên, chứ trước đây chỉ 180.000 đồng/đơn. “Tất nhiên có những đơn thuốc cao hơn, nhưng bác sĩ kê đơn phải chỉ ra lý do sử dụng thuốc” - ông Phú nhấn mạnh. Cơ chế kiểm soát là hệ thống máy tính nối mạng toàn bệnh viện, và phần mềm kê đơn nếu đơn vượt quá 300.000 đồng sẽ không kê tiếp được nữa. Với cơ chế này, mỗi năm bệnh viện chỉ cần kiểm soát hai lần sẽ phát hiện được những đơn thuốc giá cao, bác sĩ kê đơn và xác định ngay được đơn thuốc có hợp lý hay không.

Ở cách xa hai trung tâm y khoa lớn của đất nước là Hà Nội và TP.HCM, nhưng năm 1999, với máy tim phổi và theo dõi chức năng đi mượn, máy thở cũ sửa lại, Bệnh viện T.Ư Huế đã tiến hành mổ tim hở trong sự kinh ngạc của chính các chuyên gia trong nước lẫn quốc tế. Ít ai biết thành công ấy được bắt đầu từ “tự ái” nghề nghiệp.

“Năm 1997, tôi đi tu nghiệp ở Pháp, khi ấy miền Trung với 16 tỉnh thành, ít nhất một năm cần phẫu thuật tim cho 3.000 người lớn và trẻ em nhưng chưa có trung tâm tim mạch nào. Khi đặt vấn đề với các giáo sư Pháp mong muốn học phẫu thuật tim hở, các thầy đã nói VN còn khó khăn, không nên học để biết mà học những kỹ thuật có thể áp dụng. Tôi nói với các giáo sư khi có bệnh nhân đến, phẫu thuật viên không thể từ chối bệnh nhân vì lý do chưa đủ thiết bị. Ta không khoanh tay ngồi chờ đợi sự hoàn hảo, bởi đôi khi hoàn hảo cản trở sự phát triển” - GS.TS Bùi Đức Phú nhớ lại.

Từ những ca mổ tim đầu tiên, dần dần Bệnh viện T.Ư Huế mổ đến 100 ca tim hở/năm và từ năm 2007, khi trung tâm tim mạch mới đi vào hoạt động, bệnh viện mổ gần 1.000 ca tim hở, mạch máu và phổi/năm, trở thành một trong những trung tâm mổ tim hàng đầu VN. Đóng góp hàng đầu, bên cạnh nỗ lực của các phẫu thuật viên là món tiền tài trợ gần 10 triệu USD để xây dựng trung tâm tim mạch.

Khi ấy với cương vị phó giám đốc bệnh viện, có lần ông Phú và người giám đốc tiền nhiệm ông rất kính trọng đã tranh luận với nhau dữ dội. Vị giám đốc cho rằng không nên mơ tưởng, vì nước ngoài làm sao người ta lại bỏ ra 5-10 triệu USD cho mình đi xây trung tâm tim mạch!

Nhưng ông Phú lại nghĩ khác: miền Trung dù còn nghèo nhưng nếu mình có nỗ lực, có đề án rõ ràng thì sẽ có cơ hội phát triển. Các nhà đầu tư khi ấy cũng rất ngạc nhiên bởi đề nghị tài trợ quá lớn, nhưng họ đã chấp nhận khi Bệnh viện T.Ư Huế thuyết phục bằng hiệu quả cứu sống người bệnh trong điều kiện khó khăn.

Điều đó đã khiến các nhà tài trợ tin rằng nếu có trung tâm phẫu thuật liên hoàn, khép kín, đủ điều kiện chuyên môn thì mọi chuyện sẽ tốt hơn rất nhiều.

Kết quả là trong năm năm gần đây đã có gần 1.000 tỉ đồng đầu tư cho Bệnh viện T.Ư Huế, trong đó có 3/4 tài trợ từ nước ngoài. Giám đốc Bùi Đức Phú rất tự hào vì khi các nhà tài trợ quay lại, họ rất hài lòng vì không chỉ khám chữa bệnh hiệu quả hơn, mà vì Bệnh viện T.Ư Huế đã có riêng đội ngũ cán bộ, kỹ sư bảo trì các tòa nhà.

iM0cv3ka.jpgPhóng to
Bác sĩ Phú (bìa phải) trực tiếp thực hiện một ca mổ tim - Ảnh: CTV

“Chiếc kéo vàng”

GS.TS, thầy thuốc nhân dân Bùi Đức Phú sinh năm 1956 tại Hà Tĩnh. Tốt nghiệp ĐH Y khoa Hà Nội và đã hai lần tu nghiệp tại Pháp các năm 1988-1990, 1997-1998. Từ 2007 đến nay, ông đảm nhận cương vị giám đốc Bệnh viện T.Ư Huế.

Từ năm 2010, ông là chủ tịch Hội Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực VN. Ông Phú cũng đã giành giải thưởng “Chiếc kéo vàng” của Hội Ngoại khoa VN.

Tình yêu thương với con người

“Có những thứ hôm nay là tiên phong, ngày mai đã là cũ và nếu dừng lại, thỏa mãn với cái đã đạt được, chắc chắn sẽ tụt hậu” - ông Phú và các đồng sự luôn tâm niệm như vậy. Tuy nhiên để thắng mà không “kiêu”, tất cả các bác sĩ đều được “rèn”, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất để tự hào nghề nghiệp, nhưng lại biết mình biết người.

Theo giáo sư Phú, thành công của Bệnh viện T.Ư Huế chính là chỗ các chuyên ngành cùng tìm mũi nhọn và đề xuất lãnh đạo bệnh viện thực hiện. “Từ khi bắt đầu thực hiện tự chủ bệnh viện, đã có đề xuất Bệnh viện T.Ư Huế thực hiện khoán đến từng khoa, nhưng chúng tôi nhìn thấy cơ chế khoán sẽ dẫn đến tìm cách tăng thu, sẽ có khoa “nóng”, khoa không. Nếu không công bằng, sẽ khó phát triển” - giáo sư Phú tâm sự.

Khi đến thăm khoa mắt Bệnh viện T.Ư Huế, một chuyên gia của tổ chức nhân đạo về nhãn khoa Orbis đã trầm trồ khen đây là bệnh viện nhân văn, vì thiết kế bệnh viện kín đáo, phù hợp với mong muốn của bệnh nhân.

Ông Phú nói từ năm 1986, khi được đến Pháp tu nghiệp lần đầu, ông đã trăn trở với suy nghĩ vì sao bệnh viện ở Pháp rất vắng vẻ nhưng công suất lại cao. Lặn lội đi chụp ảnh, tìm hiểu thiết kế, ông mới vỡ lẽ rằng đó là nhờ thiết kế thân thiện của bệnh viện. Khi có điều kiện được quyết định về kiến trúc và quy hoạch bệnh viện mình lãnh đạo, ông đã áp dụng những kinh nghiệm này.

“Tôi cũng như các bác sĩ khác có được chút thành công là nhờ các thầy, nhờ nhiều người hỗ trợ và có được cơ hội” - ông Phú thường tâm sự như thế với các đồng nghiệp. Điều ông mong muốn nhất hiện giờ không phải là tăng thu, tức thu tiền từ túi bệnh nhân, mà chỉ mong chênh lệch thu chi lớn hơn từ việc giảm chi phí để có thêm tiền tăng thu nhập cho cán bộ.

Với một bệnh viện 75.000 bệnh nhân nội trú, 350.000 bệnh nhân ngoại trú mỗi năm, thu nhập bình quân ngoài lương của cán bộ Bệnh viện T.Ư Huế chỉ 1,5 triệu đồng/người/tháng, khoản tiền gây bất ngờ cho nhiều người, trong khi điều tra của Bộ Y tế với 100 người nhà bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện T.Ư Huế gần đây, câu trả lời về thái độ phục vụ của bệnh viện là tốt và rất tốt!

Tại đại hội Hội Phẫu thuật tim và lồng ngực mới đây, khi phát biểu mong muốn chuyển giao vị trí chủ tịch hội cho GS.TS Bùi Đức Phú, GS Đặng Hanh Đệ - nguyên chủ tịch Hội Phẫu thuật tim và lồng ngực - vẫn nhắc nhớ lúc ông Phú là bác sĩ nội trú ở Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) và có một bài thi xuất sắc đạt điểm 10, điểm thi rất hiếm có với chuyên ngành ngoại khoa.

Ông Phú có hai con trai, một đang học năm 2 đại học y để theo nghiệp bố. Ông thường dặn con trai rằng nghề y là một nghề nhiều vinh quang nhưng rất cần lòng say mê, sự kiên nhẫn, sẵn sàng vượt qua những trở ngại, và hơn tất cả là tình yêu thương với con người

Trong mắt đồng nghiệp và bệnh nhân

* GS.TS HUỲNH VĂN MINH (phó giám đốc Bệnh viện Trường ĐH Y dược Huế):

Chân truyền của giáo sư Tôn Thất Tùng

Giáo sư Phú là nhà phẫu thuật tim mạch, người học trò chân truyền của cố giáo sư Tôn Thất Tùng, đã chứng tỏ khả năng và trình độ về mổ tim khi còn rất trẻ. Bằng sự quyết tâm rèn luyện kết hợp với kỹ năng thiên phú, giáo sư Phú đã cho thấy triển vọng của một nhà phẫu thuật tim mạch tài ba.

Việc thực hiện các kỹ thuật cao về phẫu thuật tim mạch như mổ van tim hở, mổ tim bẩm sinh ở trẻ em... đã đưa giáo sư Phú vào danh sách những phẫu thuật viên tim mạch xuất sắc, “bàn tay vàng” hiếm hoi của nước ta.

Bước vào thế kỷ 21, khi căn bệnh thế kỷ là xơ vữa mạch vành với biến chứng nhồi máu cơ tim có tỉ lệ tử vong rất cao đang phát triển mạnh, một lần nữa lại thách thức ngành tim mạch nước ta và Huế không thoát khỏi quy luật.

Sự ra đời của Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện T.Ư Huế) như chắp cánh cho giáo sư Phú một lần nữa giải quyết xuất sắc vấn đề với kỹ thuật phẫu thuật cầu nối mạch vành, từ một cầu nối đến hai cầu nối và đến ba cầu nối; từ mổ tim với tuần hoàn ngoài cơ thể đến cả khi tim còn đập.

Đây là những kỹ thuật đỉnh cao của mổ tim mà hồi chúng tôi lúc đi thực tập nước ngoài luôn mơ ước!

* Họa sĩ TRẦN THANH BÌNH (Trường ĐH Nghệ thuật Huế):

Vị bác sĩ dễ gần, tình cảm...

Tháng 7-2008, bệnh tim của tôi tái phát sau mấy chục năm “im lặng”. Ca mổ thay van tim hai lá của tôi kéo dài khoảng ba giờ. Tỉnh dậy, tôi mới biết mình được đích thân bác sĩ Phú mổ. Với tôi, đó là điều quá may mắn. Bởi ai cũng biết được đích thân bác sĩ Phú mổ tim thì không còn gì bằng. Khi tôi chuyển lên phòng hồi sức sau mổ, thi thoảng đi kiểm tra gì đó anh ấy cũng ghé vào thăm hỏi.

Anh ấy dễ gần, mà nói thiệt là có khi dễ gần, cởi mở hơn cả một trưởng khoa.

Đặc biệt, ở trung tâm tim mạch hàng đầu của miền Trung này, ngoài trang thiết bị y tế tiên tiến còn có một đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng trẻ rất giỏi, đạo đức. Khoảng một tháng nằm điều trị tại đây, tôi đã gặp rất nhiều người trong đội ngũ ấy. Và tôi được biết chính bác sĩ Phú là người đã góp công lớn để xây dựng đội ngũ này.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên