19/12/2010 07:30 GMT+7

Trăm năm trọn một con đường

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Những ngày cuối cùng còn ở lại với con cháu này, những câu chuyện nhắc nhớ về giáo sư (GS) Trần Văn Giàu lại là những câu chuyện mà khi ông còn tại thế ít người được nghe ông kể.

fMolLuVo.jpgPhóng to
Tổng thống Pháp F.Mitterrand bắt tay GS Trần Văn Giàu tại trụ sở UBND TP.HCM, tháng 2-1993 - Ảnh: N.C.T.

Vĩnh biệt Giáo sư Trần Văn Giàu!Gíáo sư Trần Văn Giàu: Tận hiến cho đời

Ấy là những câu chuyện về cái tình của ông với gia đình, với người vợ yêu dấu, những câu chuyện mà ông đã chôn chặt trong lòng kể từ khi chọn con đường trở thành một nhà cách mạng chuyên nghiệp.

Ký ơi! Con ở đâu?

Trong hồi ức của mình, GS Trần Văn Giàu có ghi lại một vài ký ức mà ông coi là “đoạn trường tân thanh”, khúc ca đứt ruột. Và ông ghi chú như một lời tự động viên mình: “Can đảm mấy cũng đứt ruột. Đứt ruột mà vẫn phải can đảm”.

Ấy là những vò xé khi cậu du học sinh trường luật ở Toulouse (Pháp) được học sinh, thanh niên, thợ thuyền người Việt ở đây cử lên Paris để tham gia cuộc biểu tình phản đối thực dân Pháp đàn áp khởi nghĩa Yên Bái. Trần Văn Giàu nghĩ đến công cha áo mẹ đã chắt chiu dành dụm đưa con sang Pháp đợi ngày thành tài, nghĩ đến cô vợ vừa đính hôn đang mong chờ ngày trở thành bà luật sư, đến lời hứa của mình về hai tấm bằng tiến sĩ. Tham gia đấu tranh là cầm chắc bị đuổi học.

Nhưng rồi lòng tự tôn của người Việt Nam, ý thức trách nhiệm của một đảng viên cộng sản đã thắng. Trần Văn Giàu tham gia cuộc biểu tình, rồi bị đuổi học, trục xuất về nước. Cánh cửa đầu tiên mở ra đón cậu là Khám lớn Sài Gòn.

Thế mà Trần Văn Giàu đã có được một người cha, bà má và cô vợ trẻ tuyệt vời. Cha mẹ không hề la rầy vì chuyện bị đuổi học, gia đình vợ không thất vọng vì chàng rể sẽ không bao giờ còn có thể trở thành luật sư. Tất cả đều thấm nỗi đau mất nước và hiểu con đường mà Trần Văn Giàu chọn. Ông thơ thới bước hẳn vào con đường làm cách mạng.

Trần Văn Giàu tìm đường quay lại Pháp, sang Liên Xô, rồi về nước. Và bị bắt, bị đày từ Khám lớn ra Côn Lôn (Côn Đảo), rồi lại quay về Khám lớn. Đã quyết chí hi sinh tất cả cho lý tưởng, Tổ quốc, đồng bào, ông ung dung vào tù ra khám, danh tiếng “giáo sư đỏ” Trần Văn Giàu vang khắp các nhà ngục. Ấy thế rồi vẫn có những đêm mất ngủ, chính là những ngày cuối cùng của bản án tù 5 năm.

Sau này ông kể lại: “Càng gần mãn án, ngày bỗng dài ra như vô tận. Tôi đột nhiên nổi lên cái ý thức về nợ gia đình không làm sao trả nổi. Tôi nhớ mẹ, nhớ vợ, nhớ phần mộ cha tôi trên đám ruộng trước nhà, nhớ ngôi nhà cũ kỹ nơi tôi sinh ra và lớn lên. Cha tôi chết khi tôi còn ở đảo Côn Lôn. Trước khi tắt thở, ông vịn cột đứng dậy, lần theo vách, vừa đi vừa kêu: “Ký ơi! Con đi đâu không về với tía?” (Ký là tên thường gọi ở nhà của GS Trần Văn Giàu khi còn nhỏ - NV)...”. Cuối cùng, Trần Văn Giàu đành tự trấn an mình bằng lý trí “lấy trung làm hiếu chứ làm sao khác được”.

Lần thứ ba thì đúng là đứt ruột. Mãn hạn tù, ra khỏi Khám lớn, Trần Văn Giàu đã thấy cô vợ trẻ đứng chờ bên kia đường. Lần đầu tiên hai vợ chồng được nắm tay nhau đi dạo trên phố Sài Gòn là như thế. Về nhà, bà mẹ chỉ bầy gà giò nuôi sẵn chờ con trai về tẩm bổ. Niềm vui sum họp rộn rã được vỏn vẹn bảy ngày, lính lại đến. Lệnh của thống đốc Nam kỳ bắt tập trung những phần tử thuộc diện có vấn đề trong lúc Xứ ủy Nam kỳ đang chuẩn bị khởi nghĩa. Bà má té xỉu. Người vợ trẻ té xỉu. Trần Văn Giàu bước đi, bụng bảo dạ “càng đứt ruột thì càng phải can đảm”.

Sau này, khi trở về hoạt động bí mật ở các tỉnh miền Tây, Trần Văn Giàu cũng chỉ có thêm một lần nữa thăm nhà, thăm má trong chốc lát vào một đêm không trăng. Con đường cách mạng mà ông chọn gian truân như vậy, nhưng ông đã đi trọn cả trăm năm.

Kiều Nguyệt Nga của thế kỷ 20

Đó là danh xưng mà ông thường âu yếm giới thiệu bà Đỗ Thị Đạo, vợ mình. Vốn mê truyện Lục Vân Tiên từ nhỏ, trước lúc lên đường sang Pháp du học, Trần Văn Giàu trao cho vợ chưa cưới một bản Lục Vân Tiên. Ông cũng cất một bản vào vali như một lời ước hẹn. Và bà Đỗ Thị Đạo đã là một Nguyệt Nga thật.

Xinh đẹp, giàu có, chồng đi biền biệt, bao nhiêu người ngấp nghé ở cửa nhà bà. Tránh né mãi không được, bà vào chùa học dệt vải, làm tương chờ chồng. Cứ như thế bao nhiêu năm. Đến khi ông ra Việt Bắc, tổ chức đưa bà ra cùng, hai vợ chồng mới được sum họp và cùng nhau vượt qua bao nhiêu khó khăn của thời cuộc, dông bão của cuộc đời. Rất nhiều tác phẩm của GS Trần Văn Giàu về đạo đức truyền thống VN, miền Nam được ông đề tặng vợ. Khi bán căn nhà được Nhà nước cấp, ông chia tiền ra làm ba phần: một để mua căn nhà nhỏ hơn, một để lập Giải thưởng sử học Trần Văn Giàu, và một để xây dựng một trường mẫu giáo mang tên Đỗ Thị Đạo ở Tầm Vu (Châu Thành, Long An) quê bà.

“Ông thương vợ lắm, không muốn rời bà nửa bước. Ông bảo cả một thời tuổi trẻ ông đã bỏ bà để làm cách mạng thì sau này phải bù đắp lại cho bà”, mấy người cháu gạt nước mắt nhắc. Chẳng vậy mà khi bà mất, ông đã theo nguyện vọng của bà đưa đi hỏa thiêu rồi mang bình tro cốt về nhà thờ, để “Nguyệt Nga” luôn luôn hiện diện trong nhà, luôn luôn bên ông.

Hôm nay, bàn thờ mới lập của ông nghi ngút nhang khói sát bên bàn thờ của bà. Ông bà lại một lần nữa sắp được sum họp, lần này là mãi mãi...

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên