18/12/2010 08:11 GMT+7

Gíáo sư Trần Văn Giàu: Tận hiến cho đời

Vét cạn sức cho sử học
Vét cạn sức cho sử học

TT - Sáng 17-12, ngôi biệt thự của giáo sư Trần Văn Giàu đông người hơn, lao xao hơn nhưng hình như lặng lẽ hơn, trống trải hơn. Mỗi căn phòng, mỗi cuốn sách, mỗi bức ảnh, tranh, tượng như đang nghẹn lại, như đang kìm nén. Một tiếng khóc nuốt vào lòng ở đâu đây.

Vĩnh biệt Giáo sư Trần Văn Giàu!

Căn nhà này đã vắng bóng giáo sư lâu rồi, từ ngày ông phải vào dưỡng bệnh ở Bệnh viện Thống Nhất, nhưng sự hi vọng, chờ đợi vẫn còn đó. Thi thoảng, ông lại yêu cầu bác sĩ cho về nhà và mỗi lần ấy, những cuốn sách yên lặng cũng như rộn ràng hơn, những nụ cười trên các tấm ảnh như ấm áp hơn. Thế mà chiều 16-12 lại đã là lần cuối ông về...

rdYglRvA.jpgPhóng to

Cố giáo sư Trần Văn Giàu bên bức tượng chân dung thời trẻ tại nhà riêng trên phố Phạm Ngọc Thạch, Q.3, TP.HCM, trước khi ông bán ngôi nhà này lấy 1.000 lượng vàng lập Giải thưởng Trần Văn Giàu - Ảnh: Giản Thanh Sơn

“Ông đã đến tuổi trời, không cần phải xem ngày giờ nữa, sách vở chỉ định đến 96 tuổi thôi” - hòa thượng Thích Như Niệm nói khi cô Đinh Thu Xuân, một trong những học trò của giáo sư, đến xin hỏi theo phong tục. “Tuổi trời” đại thọ 100 của ông đã khiến bao người xuýt xoa nhưng tối 16-12 vẫn bao người bàng hoàng bật thốt lên sự chơi vơi, hụt hẫng khi nghe tin giáo sư Trần Văn Giàu qua đời.

Từ lâu, ông đã trở thành điểm tựa của nhiều người, dù chỉ là nghe tên, không chỉ vì ông có một quá khứ cách mạng lỗi lạc, không chỉ vì những bộ sử đồ sộ ngồn ngộn tư liệu sống, không chỉ vì những buổi hùng biện truyền lửa đam mê, mà trước hết, vì chính cách sống tận tụy, tận hiến của ông với cuộc đời.

Những ngày cuối ở Bệnh viện Thống Nhất ông đã khiến bao nhiêu y bác sĩ phải rơi nước mắt. Như khi ông gọi cô Tiếm (người cháu họ đã chăm sóc ông từ hơn mười năm nay) đến bên: “Ông nằm bệnh viện lâu, tốn kém của Nhà nước nhiều. Con lĩnh lương của ông trích ra một nửa để phụ với bệnh viện”. Ông không chỉ đòi phụ với bệnh viện, đợt lũ lụt vừa rồi ở Hà Tĩnh, ông cũng bảo trích một phần lương đến đóng góp ở P.15, Q.11 nơi ông sống và sinh hoạt Đảng.

OFMYlzLZ.jpgPhóng to
Với giáo sư Trần Văn Giàu, cả đời ông suy nghĩ về việc làm sao có ích cho đất nước, cho dân tộc - Ảnh: G.T.Sơn

Nằm viện, ông luôn áy náy, không yên vì không được làm việc. Thỉnh thoảng ông lại gọi cô Xuân đến, cố gắng nói một ý tưởng để hệ thống lại các chủ đề sách, một đề tài mới để viết. Tôi nhớ cách nay vài năm, khi đến thăm ông, tôi tỏ ý ái ngại khi thấy ông run run nắn nót từng chữ trên tập giấy carô, thắc mắc hỏi sao ông không để thư ký viết, ông giận: “Ý của mình thì mình phải viết ra”.

Cứ vậy mà dịp 1.000 năm Thăng Long, ông cũng đóng góp trên tạp chí Phật Giáo bài Chùa Diên Hựu, Liên Hoa đài, chùa Một Cột ra đời từ giấc mơ thấy Phật; tạp chí Văn Hiến VN, chuyên san Phương Nam số tháng 9-2010 cũng có bài của giáo sư Trần Văn Giàu Những chặng đường phương Nam của Hồ Chí Minh; cuốn sách Hồ Chí Minh - Vĩ đại một con người vừa in xong; bản thảo “Giá trị truyền thống dân tộc VN” hơn 400 trang vừa hoàn thành và đưa sang nhà xuất bản...

Mỗi lần có sách, có bài đăng báo, những học trò lại mang ngay đến bệnh viện, giáo sư Trần Văn Giàu vui lắm. Ông cố gắng nở nụ cười móm mém: “Tôi nằm đây mà vẫn có ích nhỉ”.

Cả đời ông cứ suy nghĩ về việc làm sao để có ích, và cả đời ông đã sống cho tâm nguyện ấy. Tài sản cả đời ông, ông cũng đã chu đáo tính toán hết rồi. Phần lớn tài sản đã dành để lập quỹ giải thưởng Trần Văn Giàu. Căn nhà ấm áp duy nhất thuộc sở hữu của ông bà và hơn 10.000 đầu sách đã được phân loại, lập danh mục cẩn thận được di chúc để dành làm nhà lưu niệm và phục vụ người đến đọc sách, tìm sử. Những khoản nhuận bút dành để đóng góp cho đồng bào nghèo. Và một cuốn sổ tiết kiệm nho nhỏ ông dặn cháu “dành để làm lễ mai táng cho ông”.

Chỉ còn một cái tên Trần Văn Giàu là của riêng ông mà thôi.

WjOwyPbl.jpgPhóng to
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và giáo sư Trần Văn Giàu - Ảnh tư liệu

Sau những ngày lễ lớn năm 2010, theo dõi qua báo chí, không thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuất hiện, giáo sư Trần Văn Giàu lo lắng. Ông ngồi dậy khỏi giường bệnh, thay bộ quần áo mới, vuốt thẳng để che đi cặp chân khẳng khiu, cầm cuốn sách mới xuất bản đọc và bảo người cháu chụp một tấm ảnh để "gửi ra Hà Nội tặng bác Văn, nói là bác Sáu vẫn khỏe”.

Cũng trên giường bệnh, nhận được sách và ảnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng sửa soạn để chụp một tấm ảnh đẹp “gửi về cho bác Sáu”. Tình bạn của hai ông đã ấm áp và thắm thiết như thế từ nhiều thập niên...

Vét cạn sức cho sử học

Khi bước vào tuổi 85, giáo sư Trần Văn Giàu đã tâm sự với học trò - đồng nghiệp của mình rằng ông khao khát hoàn thành một công trình có thể là một công trình cuối cùng của mình với chủ đề: “VN thế kỷ 20, suy vong và quật khởi của một dân tộc”.

Ông đặt ra những câu hỏi: “Vì sao một đế quốc La Mã đã từng phát triển rạng rỡ như một đỉnh cao văn minh lại có thể tàn lụi đến mức không thể nào gượng nổi? Tại sao dân tộc ta từng làm nên rất nhiều giá trị vẻ vang trong lịch sử, đến giữa thế kỷ 19 chúng ta lại mất nước vào tay thực dân Pháp và chịu ách đô hộ suốt 80 năm như vậy? Và cũng vì sao dân tộc ấy lại có thể quật khởi giành được độc lập và bảo vệ nền độc lập bằng những cuộc chiến tranh giải phóng đánh bại những đế quốc lớn và mạnh như thế? Những câu hỏi ấy đòi hỏi giới sử học phải đào sâu hơn nữa và nó chính là một di sản vô cùng quý giá cho tương lai của dân tộc...”.

Và hơn một thập niên cho đến những ngày cuối cùng còn sức nghĩ và viết, giáo sư Trần Văn Giàu vẫn không ngưng nghỉ tư duy về đề tài đó. Ông vẫn vét cạn sức mình tham gia nhiều hoạt động sử học, viết nhiều tham luận, đóng góp nhiều ý kiến chỉ bảo các học trò hay đồng nghiệp của mình...

Vét cạn sức cho sử học
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên