16/12/2010 06:01 GMT+7

Đối diện "Họa tham nhũng - Kỳ 3: Con đường minh bạch

(Tiến sĩ IFTEKHAR ZAMAN giám đốc điều hành Tổ chức Minh bạch quốc tế Bangladesh)
(Tiến sĩ IFTEKHAR ZAMAN giám đốc điều hành Tổ chức Minh bạch quốc tế Bangladesh)

TT - Trong gần 20 năm gắn bó với Tổ chức Minh bạch quốc tế (Transparency International), Frank Vogl không ít lần chứng kiến tổ chức này ở vai trò xúc tác để biến những cuộc trò chuyện nảy lửa ban đầu trở thành diễn đàn của sự hợp tác vì công cuộc chống tham nhũng.

Kỳ 1:Lá đơn của GrégoryKỳ 2: Không thể cản trở công lý

EXrm9BH9.jpgPhóng to

Tiến sĩ Iftekhar Zaman - Ảnh: H.G.

"Điều quan trọng nhất với một cá nhân là bạn phải toàn tâm với những gì mình đi giảng giải cho người khác. Mỗi sáng thức dậy, tôi có thể nhìn mình trong gương mà nói: những gì tôi đã làm hôm qua và sẽ làm hôm nay đều là trung thực. Làm được như vậy anh mới có sức mạnh và sự dũng cảm để kêu gọi người khác"

Hãy trò chuyện!

Năm 1994, chưa đầy một năm sau khi Tổ chức Minh bạch quốc tế ra đời, Frank bay sang Tanzania, một trong những nước nghèo nhất thế giới nằm ở bờ biển phía đông châu Phi. Minh bạch quốc tế tổ chức một cuộc hội thảo nhỏ ở đấy. Cả khán phòng có bốn chiếc bàn lớn gồm các hiệu trưởng trường đại học, vị thẩm phán trưởng, một vài nghị sĩ và các quan chức cấp cao khác trong Chính phủ Tanzania. Đó là buổi gặp đầu tiên ở nước này về chủ đề tham nhũng. Mở đầu, từng người lần lượt giới thiệu về bản thân. Không ai nói gì nhiều. Không khí đầy sự thận trọng và nghi hoặc. Ngồi gần Frank là một cảnh sát trưởng. Sau một hồi làm quen và phát biểu, vị cảnh sát trưởng nhìn chéo qua căn phòng, chiếu thẳng vào ngài thẩm phán trưởng và nói: “Ngài thẩm phán, ngành tư pháp có rất nhiều tham nhũng”. Sự im lặng bao trùm căn phòng trong giây lát, rồi vị thẩm phán trả lời: “Nhưng ngành cảnh sát cũng tham nhũng nhiều”. Và thế là cuộc đối thoại được khởi động như thế. Frank nhớ lại: “Cả ngày hôm đó các đại diện của Minh bạch quốc tế chẳng nói gì nữa. Tự họ bắt đầu câu chuyện của mình”.

Năm 1995, Minh bạch quốc tế công bố chỉ số cảm nhận tham nhũng (Corruption Perception Index - CPI). Điểm số của Malaysia không mấy khả quan. Frank được biết một nghị sĩ Malaysia thông báo việc này cho thủ tướng và sau đó Quốc hội Malaysia đã cử một nhóm làm việc sang Berlin, trụ sở của Minh bạch quốc tế, để tìm hiểu về “chỉ số của phương Tây”. “Chúng tôi rất hài lòng” - Frank nói. Đó là lần đầu tiên tham nhũng được thảo luận công khai ở Malaysia và cho đến nay chủ đề này không còn là điều cấm kỵ trong các cuộc tranh luận.

Năm 1996, Tổ chức Minh bạch quốc tế gặp chủ tịch và các vị phó chủ tịch của Ngân hàng Thế giới đặt vấn đề: Ngân hàng Thế giới đã tồn tại nửa thế kỷ nhưng chưa bao giờ đề cập tham nhũng trong phát triển. Điều đó phải thay đổi. Sáu tháng sau, chủ tịch Ngân hàng Thế giới có một bài phát biểu quan trọng và tuyên bố ngân hàng coi cuộc chiến chống tham nhũng là một ưu tiên trong phát triển. Tại Hội nghị chống tham nhũng quốc tế lần 14 (tháng 11-2010), giám đốc điều hành của ngân hàng, bà Sri Mulyani Indrawati, đã bay tới Bangkok (Thái Lan) để trực tiếp nói lên thông điệp của ngân hàng về chống tham nhũng.

Toàn cầu chống tham nhũng

Minh bạch quốc tế có khoảng 90 tổ chức “con” ở các quốc gia thuộc đủ châu lục. Tuy là “mẹ” nhưng Minh bạch quốc tế có trụ sở tại Berlin (Đức) lại không trực tiếp “đẻ” ra các tổ chức “con”. Thông thường, các tổ chức “con” phải trải qua giai đoạn tạm gọi là tập sự để được kết nạp vào gia đình Minh bạch quốc tế. Sau khi được kết nạp, cũng có những người thuộc tổ chức minh bạch ở một quốc gia bị khai trừ khỏi đại gia đình Minh bạch quốc tế vì không tuân thủ những quy định và tôn chỉ, mục đích của tổ chức này.

"Một người không sống ở VN và không nghiên cứu về VN mà lại nói về tình hình ở đó thì quả là rất kiêu ngạo. Nếu có nói, tôi sẽ chỉ có thể đưa ra một câu trả lời ngớ ngẩn, giản đơn, không tôn trọng văn hóa, truyền thống của các bạn, cũng như không tôn trọng những người làm việc trực tiếp về vấn đề này. Bởi muốn chống tham nhũng, các bạn phải bắt đầu từ trong chứ không phải từ cách xa hàng ngàn dặm"

Một trong những quy định đó, theo Frank Vogl, là “chúng tôi không bình luận về hoạt động ở một quốc gia khác trừ khi chính chúng tôi tham gia công việc trực tiếp tại đó”. Frank lý giải khi được hỏi đánh giá của ông về công cuộc phòng chống tham nhũng ở VN: “Một người không sống ở VN và không nghiên cứu về VN mà lại nói về tình hình ở đó thì quả là rất kiêu ngạo. Nếu có nói, tôi sẽ chỉ có thể đưa ra một câu trả lời ngớ ngẩn, giản đơn, không tôn trọng văn hóa, truyền thống của các bạn, cũng như không tôn trọng những người làm việc trực tiếp về vấn đề này. Bởi muốn chống tham nhũng, các bạn phải bắt đầu từ trong chứ không phải từ cách xa hàng ngàn dặm”.

Frank Vogl từng là nhà báo và sau đó làm việc nhiều năm trong Ngân hàng Thế giới với tư cách cố vấn cho các thể chế tài chính lớn. Ông là người đồng sáng lập Tổ chức Minh bạch quốc tế và là ủy viên của Ủy ban Phát triển kinh tế gồm các bộ não hàng đầu của trên 200 lãnh đạo doanh nghiệp của Mỹ. Nhìn lại quãng đời cống hiến cho sự nghiệp của Minh bạch quốc tế, ông hóm hỉnh: “Chúng ta đang có những con người tuyệt vời từ hơn 100 nước có cùng chí hướng, lại không chỉ là những ông già không có tóc như tôi mà là những con người năng động. Họ hiểu rằng tham nhũng là tội ác chống lại loài người”.

Iftekhar Zaman là một trong những con người năng động ấy. Từ chỗ cả xã hội Bangladesh ai cũng chịu đựng các hành vi tham nhũng từ lớn tới lặt vặt, giờ đây Bangladesh là nơi có mạng lưới tình nguyện viên lớn nhất thế giới tham gia công tác chống tham nhũng. Hơn 5.000 người, trong đó phần lớn là sinh viên, có mặt ở mọi miền đất nước để giúp sức cùng Tổ chức Minh bạch quốc tế ở Bangladesh.

“Công việc của chúng tôi là hỗ trợ chính phủ vì chính phủ nói rằng họ muốn chống tham nhũng” - tiến sĩ Zaman nói. Trong quá trình đó, Minh bạch quốc tế Bangladesh đã góp phần đưa Bangladesh tham gia công ước của Liên Hiệp Quốc về phòng chống tham nhũng, thiết lập một ủy ban chống tham nhũng độc lập của Bangladesh và soạn thảo Luật bảo vệ người tố cáo.

Ở một lục địa khác, Sanyi Emmanuel Sanyi, 30 tuổi, cũng đang hằng ngày thực hiện các chương trình nâng cao nhận thức cho giới trẻ Cameroon. Sanyi dùng âm nhạc, tranh vẽ, hoạt hình... để đưa vấn đề minh bạch và liêm chính đến gần hơn với thanh niên. Anh tự hào nói về công việc của mình: “Tôi có kinh nghiệm và có thể tìm việc có thu nhập cao hơn, nhẹ nhàng hơn nhưng tôi tin vào việc mình đang làm. Vợ tôi cũng ủng hộ điều đó”.

___________________

Vị cựu thẩm phán già Barry O’Keefe dành riêng cho Tuổi Trẻ cuộc trao đổi về cách thức chuẩn bị bộ giá trị chống tham nhũng cho giới trẻ và câu chuyện niềm tin để kiên nhẫn đi con đường dài...

Kỳ tới: Không ai chống tham nhũng trong một đêm

(Tiến sĩ IFTEKHAR ZAMAN giám đốc điều hành Tổ chức Minh bạch quốc tế Bangladesh)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên