14/12/2010 07:44 GMT+7

Đối diện "Họa tham nhũng"

HƯƠNG GIANG
HƯƠNG GIANG

TT - Tham nhũng đang “vấy bẩn” thế giới. Các công dân và những tổ chức chống tham nhũng ở nhiều quốc gia đã vạch trần “họa tham nhũng” tại đất nước mình ra sao? Những câu chuyện phóng viên Tuổi Trẻ ghi từ hội nghị quốc tế lớn nhất thế giới về phòng chống tham nhũng diễn ra ở Bangkok (Thái Lan) giữa tháng 11-2010.

Kỳ 1: Lá đơn của Grégory

Buổi phỏng vấn với người nhận giải Liêm chính năm 2010 bị gián đoạn nhiều lần bởi người qua lại liên tục nhận ra anh và xin chụp ảnh chung. Tự gọi mình là một người cô độc, Grégory Ngbwa Mintsa là người đã góp phần quan trọng trong vụ kiện ba nhà lãnh đạo châu Phi vì tội biển thủ công quỹ.

Vụ việc càng thu hút sự chú ý rộng rãi của dư luận quốc tế sau khi Tòa Thượng thẩm Pháp ra phán quyết đầu tháng 11 năm nay cho phép tiếp tục cuộc điều tra.

niHwY0DF.jpgPhóng to
Grégory Ngbwa Mintsa, một trong ba người đoạt giải Liêm chính năm 2010 - Ảnh: H.Giang
tylqaH2a.jpgPhóng to

Công dân “biểu trưng”

Câu chuyện bắt đầu từ năm 2007, khi cảnh sát điều tra của Pháp phát hiện lãnh đạo ba nước châu Phi là Gabon, Guinea Xích đạo và Cộng hòa Congo cùng họ hàng thân thích sở hữu nhà cửa ở những khu vực sang trọng nhất Paris hay vùng ven biển Riviera và hàng loạt xe hơi đắt tiền.

Tổ chức Minh bạch quốc tế (MBQT) tại Pháp và tổ chức nhân quyền Sherpa đã đứng ra khởi kiện ba nhà lãnh đạo của ba quốc gia lần lượt là: Omar Bongo - cố tổng thống Gabon (qua đời tháng 6-2009), Teodoro Obiang Nguema - tổng thống Guinea Xích đạo và Denis Sassou-Nguesso - tổng thống CH Congo.

Tổ chức MBQT dẫn nguồn tin từ cuộc điều tra của Cảnh sát Pháp cho thấy Tổng thống Obiang sở hữu những chiếc xe hơi sang trọng có tổng trị giá hơn 4 triệu euro; cố tổng thống Bongo và người thân có 39 dinh thự; Tổng thống Sassou Nguesso và người thân có 18 nhà cửa cùng 112 tài khoản tại ngân hàng ở Pháp.

Lập luận của Tổ chức MBQT Pháp và Sherpa là những người này đã mua số tài sản trên bằng nguồn tiền bất hợp pháp. Tuy nhiên, đơn kiện của Tổ chức MBQT Pháp bị bác vì khi đó công tố viên cho rằng Tổ chức MBQT Pháp là một tổ chức dân sự và do đó không có tư cách để đệ đơn kiện.

Đó là lúc Tổ chức MBQT Pháp bắt đầu tìm kiếm một công dân Gabon để cùng đệ đơn kiện. Ngoài ý nghĩa pháp lý, sự tham gia của một công dân Gabon cũng sẽ mang ý nghĩa biểu trưng to lớn về phản ứng của người dân tại chính nước có nhà lãnh đạo bị cáo buộc tham nhũng.

“Cả nước Gabon không ai dám đứng ra làm chứng. Tôi thấy mình phải làm gì đó” - Grégory, cựu nhân viên Bộ Giáo dục Gabon, nhớ lại. Grégory hỏi ý kiến người bạn thân là Marc Ona, một nhà hoạt động vì môi trường. Phản ứng đầu tiên của Marc: “Anh có thể bị giết đấy!”. Nhưng Grégory không từ bỏ ý định.

Cùng với Tổ chức MBQT Pháp, vụ việc được kiện lên Tòa án tối cao Pháp. “Vụ việc mở ra tiền lệ một tổ chức dân sự có thể đứng ra kiện. Nó cũng chứng tỏ bất cứ những ai dùng tiền bất chính để mua sắm ở Pháp đều có nguy cơ bị phanh phui, kể cả đó là lãnh đạo nước ngoài” - Matthieu Solomon, cố vấn của Tổ chức MBQT, nói với Tuổi Trẻ.

Phải làm để thay đổi!

“Gabon là một nước giàu có, ít dân nhưng chủ yếu là dân nghèo. Một nhóm ít người đang nắm giữ của cải của đất nước cho riêng họ” - Grégory lý giải tại sao anh gia nhập đội ngũ bên nguyên đơn. Trước Grégory, chưa một ai từng đứng lên khởi kiện nguyên thủ ở các nước châu Phi là thuộc địa cũ của Pháp. Ngay lập tức, sự dũng cảm của anh đã vấp phải nhiều thử thách.

“Bộ Nội vụ cử người tới gặp tôi. Ban đầu họ rất thân thiện. Người đến gặp tôi cũng là bạn học cũ của tôi. Họ đề nghị cho tôi tiền. Tôi cũng muốn có tiền nhưng tiền không thay đổi được vấn đề” - Grégory kể.

Anh muốn giải quyết vụ kiện, giảm nghèo và phát triển đất nước trong khi món tiền họ mời anh nhận không thể làm được những điều đó. Món thứ hai anh nhận được là bất cứ vị trí nào trong chính phủ mà anh muốn. “Họ bảo sẽ quay lại sau 2-3 ngày và tôi cứ suy nghĩ rồi thông báo cho họ biết tôi thích làm ở đâu, muốn lương bao nhiêu. Tôi vẫn từ chối”.

Chẳng lâu sau, “món ăn” tiếp theo được dọn đến tận nhà Grégory: ngày 31-12-2008, cảnh sát đột ngột tới bắt anh và tống vào tù với một tội danh mơ hồ là “gây mất ổn định cho nhà nước”.

Hai tuần nằm tù sau đó lại là khoảng thời gian Grégory cảm thấy thoải mái sau khi đã trải qua một đợt căng thẳng triền miên. Trái ngược với ý đồ làm anh nhụt chí, vụ bắt giữ này càng củng cố niềm tin của Grégory: “Lúc trước tôi lo ngại bị giết, lúc đó thì vào tù có nghĩa là tôi vẫn sống.”

Anh tiếp tục kể lại: “Ngay từ đầu tôi luôn suy nghĩ: một cá nhân có thể làm gì để tạo sự thay đổi? Vì vậy mỗi khi sợ hãi, tôi càng muốn mình sẽ không sợ hãi nữa. Tôi càng muốn chiến đấu tiếp. Khi ngồi tù, tôi cảm thấy hạnh phúc vì điều đó có nghĩa là tôi đang đi đúng hướng”.

Sau hai tuần, Grégory được thả tự do và ngay lập tức bị cắt lương đột ngột không một lời giải thích. Nói về Grégory, ông Geo Sung Kim, chủ tịch MBQT Hàn Quốc và là thành viên ủy ban bình chọn giải thưởng Liêm chính, nói: “Chúng tôi chọn anh ấy vì sự dũng cảm chống lại những hành vi sai trái của nhân vật chính trị quan trọng nhất đất nước mình”.

Mặc dù trong phán quyết mới nhất Tòa án tối cao Pháp chỉ chấp nhận đơn kiện của MBQT Pháp và bác bỏ đơn của Grégory nhưng anh đã hoàn thành nghĩa vụ của mình: chứng minh cho người dân Gabon thấy một cá nhân có thể vượt qua sợ hãi để đối đầu cùng tham nhũng.

* Tuổi Trẻ: Giải thưởng Liêm chính có ý nghĩa như thế nào với anh?

- Grégory: Đó là thắng lợi lớn cho tôi và cho phần châu Phi nói tiếng Pháp, bởi nó chứng minh một điều là chúng tôi có thể kiện lãnh đạo đất nước. Đó là thắng lợi lớn vì các nhà lãnh đạo sẽ buộc phải quan tâm tới dân chúng và coi họ là công dân chứ không phải nô lệ.

Tôi sẽ tiếp tục việc mình đang làm bởi tôi nghĩ rằng có một thảm kịch mà báo chí không thể phản ánh hết: tại sao hằng ngày người dân chết dần chết mòn trong bệnh viện, làng mạc, bởi vì ai đó đã chiếm đoạt cho bản thân những phương tiện giúp người dân sinh đẻ, trưởng thành, có giáo dục, được chữa bệnh, được yêu, được làm việc và có gia đình. Đó là tội ác chống lại loài người.

Truyền thông, báo chí không thể giải quyết thảm kịch đó. Một nhà báo không thể sống chung nhà một người dân và đi theo anh ta từ lúc anh ta ra đời tới lúc chết.

* Anh có thông điệp gì cho những ai cùng trong công cuộc chống tham nhũng?

- Thông điệp của tôi không chỉ liên quan tới tham nhũng mà là quyền của con người. Người dân phải biết rằng nền pháp quyền không đến từ một nhà chính trị ở nước khác tới hay một tập đoàn nước ngoài. Nó đến từ năng lực chiến đấu vì quyền của mỗi người dân. Không ai làm điều đó tốt hơn chính bản thân chúng ta. Tất cả mọi người đều phải có trách nhiệm trước lịch sử về điều đó.

______________________

Một nhà báo Sri Lanka hai lần được trao giải Liêm chính, ông từng bị nghiền nát cả bàn tay khi viết bài điều tra chống tham nhũng liên quan đến các tổ chức của chính phủ...

Kỳ tới: Không thể cản trở công lý

HƯƠNG GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên