17/11/2010 04:20 GMT+7

Những kiểu "bán sống" con người - Kỳ 2: Khổ ải giữa rừng sâu

VIỄN SỰ - HỮU KHÁ
VIỄN SỰ - HỮU KHÁ

TT - Đường từ huyện lỵ Khâm Đức về xã Phước Chánh (Phước Sơn, Quảng Nam) mùa mưa phải mất nửa ngày với 500.000 đồng tiền xe ôm cho 20km đường núi. Nhưng sự cách trở ấy vẫn không làm chùn chân những kẻ buôn sức lao động.

r3sSWwGq.jpgPhóng to

Tại khu lán trại giữa rừng sâu Đắk Rmăng, lực lượng công an đã tìm ra những người lao động bị đày ải suốt sáu tháng trời - Ảnh do Công an huyện Phước Sơn (Quảng Nam) cung cấp

Kỳ 1: Sa chân

Năm nay trời chưa trút trận bão nào, nhưng những bản làng Cadong và Bh’noong từ Khâm Đức vào Phước Chánh, nhiều nơi xơ xác tiêu điều vì có gần cả trăm người vừa mới vạ vật từ rừng sâu Đắk Nông trở về do bị những kẻ buôn sức lao động dụ dỗ.

Bổn cũ soạn lại

Hơn 100 người dân Cadong và Bh’noong ở Phước Sơn bị lừa vào những cánh rừng hoang ở Đắk Rmăng (Đắk Glong, Đắk Nông) thì có đến 87 người ở Phước Chánh. Sau sáu tháng bị vứt giữa rừng sâu, không được trả đồng lương nào với mỗi ngày lao động 9-10 tiếng, câu chuyện của họ vẫn còn nguyên sự hoảng loạn và ngơ ngác. Không ai hiểu tại sao bao trai tráng trong làng đều tin vào lời một kẻ lạ mặt để rồi sa chân vào rừng sâu, lao động không công.

Ông Hồ Văn Chân, ở thôn 4, người lớn tuổi nhất trong nhóm những người bị lừa vào Đắk Nông, ngao ngán: “Mình và bọn trẻ có biết chi mô, thấy trưởng thôn giới thiệu nên tin ngay”. Đó là một ngày giữa tháng 4-2010, trưởng thôn Hồ Văn Xia dẫn qua khắp thôn một người đàn ông tên Đỗ Văn Lân đi tuyển lao động, với tiền lương mỗi tháng 2 triệu đồng, các khoản ăn uống, xe cộ đều được bao tất. Nơi làm việc mà mọi người được thông báo không phải là những cánh rừng heo hút ở Đắk Nông mà là huyện Đắk Gley (Kon Tum), chỉ cách quê nhà của họ một con đèo Lò Xo hơn trăm cây số.

Nhưng cũng giống như câu chuyện về những thanh niên vùng đất khác bị sa chân vào bãi vàng ngay tại quê mình, những người Cadong và Bh’noong nhẹ dạ ở Phước Sơn đã được chở đi từ 6g tối đến tận trưa hôm sau mới dừng chân. Nơi chiếc xe đò thả họ xuống không phải là phía bên kia đèo Lò Xo như giao ước mà tận bìa một cánh rừng ở xã Đắk Rmăng, xa bản làng tới hơn 500km.

“Lúc đó mình biết bị lừa rồi, nhưng xung quanh toàn rừng núi, họ lùa đi đâu thì mình cũng phải đi thôi” - ông Chân như phân bua cho sự cam chịu của ông và cả trăm người đồng hương trên hành trình rơi vào trại lao động, cách trung tâm xã Đắk Glong hơn 20km, với công việc phát rừng hoang và trồng keo lai quần quật từ sáng đến tối.

Vậy là chỉ một cái gật đầu của trưởng thôn Hồ Văn Xia, một người đàn ông không quen biết với tất cả những người Cadong và Bh’noong ở Phước Sơn đã lặng lẽ “gom” được tới hơn 100 nhân công. Dụ họ ra khỏi bản làng và đưa xe chở đi qua không biết bao nhiêu đèo núi, bắt đầu cuộc cướp bóc sức lao động.

Chúng tôi đi tìm trưởng thôn Hồ Văn Xia, muốn hỏi ông một điều gì đó về câu chuyện ông đã dẫn kẻ xấu vào làng để cứ mỗi người dân bị đưa đi ông được nhận 100.000 đồng. Nhưng khi chưa kịp cất lời thì đã nhận ra ông trưởng thôn cũng chỉ là nạn nhân. “Mình chỉ giới thiệu có 14 người thôi, mà có đến năm đứa là cháu mình rồi. Tụi nó đi rồi, đến khi không liên lạc được mới thấy mình dại quá!”.

Hóa ra từ cái mác người quen của trưởng thôn Hồ Văn Xia, sau đó Đỗ Văn Lân đã đi khắp bản làng Cadong và Bh’noong ở Phước Chánh, Phước Năng và Khâm Đức, leo lẻo dụ dỗ thêm rất nhiều người nữa. Ngay cả chủ tịch UBMTTQ xã Phước Chánh, ông Hồ Văn Dua, cũng bị Lân lừa đem luôn cả ba đứa con ruột vào rừng.

Tất cả họ đều là nạn nhân của một trò buôn sức lao động được lặp đi lặp lại ở khắp nơi.

Ký ức rừng

Phước Chánh 87 người, Phước Năng 26 người, Khâm Đức tám người... những bản làng Cadong có người dân bị lừa vào Đắk Nông lao động, cứ như vừa trải qua một cơn bão - xơ xác và đói nghèo, ký ức về sáu tháng lao động khổ ải vẫn chưa nguôi.

Chị Nguyễn Thị Thanh Hương và chồng là anh Lương Hoàng Lưu ở khối 6, thị trấn Khâm Đức, đã bỏ cả ba đứa con nhỏ để vào Đắk Nông trồng keo lai với hi vọng mỗi tháng kiếm được vài triệu đồng, sau khi về sẽ trả dứt món nợ ngân hàng 10 triệu đồng. Nhưng sáu tháng ra đi, niềm vui lớn nhất với đôi vợ chồng Cadong này là may mắn trốn thoát trở về với mấy đứa con, dù da vàng mắt xanh vì sốt rét rừng. Chị Hương kể cũng như hơn 100 đồng hương Cadong, công việc của vợ chồng chị mỗi ngày là leo qua ba con dốc hết hơn một giờ để phát rừng hoang trồng keo lai. Mỗi ngày bắt đầu từ 7g sáng và chỉ được nghỉ một tiếng ăn trưa rồi làm đến tận 6g tối. Nơi ở của họ là những lán trại che bằng bạt nilông không đủ ngăn nổi mưa và muỗi rừng.

Chị Hồ Thị Bông, một nạn nhân khác ở xã Phước Chánh, nói nhiều lần chị và những người cùng quê định bỏ trốn. Nhưng nghĩ tới quãng đường nửa ngày trời leo dốc từ trung tâm xã, không điện thoại và không mảnh giấy tờ tùy thân (CMND đã bị chủ trại lao động thu) nên ý muốn trốn thoát đành phải gác lại. “Việc thì không biết khi mô mới dừng. Ban đầu vô là phát rừng, sau đó trồng keo, sau nữa đến trỉa bắp. Họ nói khi mô trồng bắp xong sẽ trả lương và cho về, nhưng bắp cao quá đầu người rồi họ lại kéo cả lán đi qua cánh rừng khác phát tiếp...”. Câu chuyện chị Bông kể có thể còn kéo dài hơn nữa nếu không có một ngày Công an huyện Phước Sơn xuất hiện và phối hợp với chính quyền địa phương giải cứu họ...

Hơn 100 người Cadong và Bh’noong bị lừa vào rừng Đắk Rmăng suốt sáu tháng trời để lao động không công đều cùng chung sự nhẹ dạ. Nhưng dường như khi đã trở về làng, sự nhẹ dạ ấy vẫn còn quanh quẩn đâu đây. Câu hỏi cuối cùng của chúng tôi với anh Lưu, chị Hương, chị Bông và nhiều người nữa: “Lần sau có dám đi nữa không?”. Có người ngập ngừng, nhưng cũng có nhiều người không ngại ngần như vợ chồng anh Lưu: “Có ai gọi chắc mình cũng không đi, lần ni có kinh nghiệm rồi”.

Thượng tá Đào Quang - trưởng Công an huyện Phước Sơn (Quảng Nam) - cho biết sau khi có rất đông người lao động trốn thoát từ Đắk Nông trở về, Công an Phước Sơn đã cho trinh sát vào tận nơi và phát hiện còn 33 người dân Phước Sơn bị kẹt lại trại lao động ngay giữa một cánh rừng hoang ở Đắk Rmăng (Đắk Glong, Đắk Nông). Công an huyện đã lập phương án, giải cứu và đưa 33 người dân này về nhà an toàn đầu tháng 10-2010.

Tuy nhiên điều đáng buồn là những người dân này đi khỏi địa bàn đến sáu tháng chính quyền mới biết và chạy lên cầu cứu huyện. “Người dân cả tin mà cán bộ địa phương thì lơ là. Ngay cả ông chủ tịch Ủy ban Mặt trận xã Phước Chánh có ba con bị lừa đi, đến tận ba tháng sau khi con có lệnh gọi nghĩa vụ quân sự mới tá hỏa đi tìm thì nói chi người dân bình thường. Nó như một cái vòng luẩn quẩn kéo họ vô bẫy của kẻ xấu!” - thượng tá Đào Quang lo lắng.

_______________

Có những người không chịu nổi kiếp nô dịch đã gục chết giữa rừng sâu. Người thân chỉ đến đưa xác về chôn mà không biết kêu với ai...

Kỳ tới: Bỏ mạng nơi đại ngàn

VIỄN SỰ - HỮU KHÁ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên