![]() |
Chị Hân và con gái Kim Ngân tại phòng cô hiệu trưởng Trường THCS Bình Tây, Q.6 ngày 12-10 - Ảnh: L.TH.H. |
Cha mẹ Ngân là anh Từ Vĩnh Lợi và chị Trần Thị Ngọc Hân đang lui cui dọn dẹp, rửa chén bát. Quán cơm là một chiếc tủ nhỏ, một bộ bàn ghế cũ kỹ, một nồi cơm nóng còn nhiều, mấy cái thau nhỏ đựng những món ăn rất bình dân là tàu hủ, chả cá, măng xào, lòng heo xào dưa cải chua... Có lẽ hôm nay là một ngày buôn bán ế ẩm của anh chị nên nồi cơm, thức ăn còn nhiều.
Nợ chồng nợ
Nhà cha mẹ Ngân trong con hẻm ximăng mới được nâng cấp, dù nghèo, chị Hân vẫn phải ráng đóng 650.000 đồng theo quy định của địa phương. Căn nhà nhỏ khoảng 25m2 của người anh chồng mua (giấy tay) cho cha mẹ Ngân cách đây chín năm trong khu vực giải tỏa ở số 205/18A37 Tân Hòa Đông, P.14, Q.6, thấp hơn mặt hẻm nửa mét. Mưa xuống nước tràn vào nhà.
Nhà có một gác lửng đã xuống cấp trầm trọng, mối mọt ăn ruỗng nên không thể ở. Vì vậy, ba người con lớn của chị Hân phải tá túc bên ngoại. Còn vợ chồng chị và em Ngân đêm trải một tấm nệm dưới đất để ngủ...
12 năm nay cả gia đình sáu người sống nhờ quán hàng rong bên vỉa hè trước cửa nhà số 112 Cao Văn Lầu. Hôm chị nấu hủ tiếu, bữa đổi món phở bò, bánh canh... Nợ nần nhiều, vài tháng gần đây chị Hân tranh thủ bán cơm bình dân vào buổi trưa ở trước cửa nhà số 231 Cao Văn Lầu. Vốn liếng cho xe hủ tiếu khoảng 400.000 đồng. Nếu bán hết, trừ vốn liếng lời được 70.000-80.000 đồng. Buổi trưa bán cơm cũng chừng ấy vốn, bấy nhiêu lời. Ngày nào ế coi như đứt vốn.
Chị Hân bảo quanh năm suốt tháng chị chỉ dám nghỉ bán ngày mồng một tết. Còn lại dù mưa nắng thế nào vợ chồng chị cũng dậy từ 4g sáng, từ nhà ở đường Tân Hòa Đông ra đường Cao Văn Lầu buôn bán. Anh đẩy xe, nhóm bếp, đặt nồi nước lèo, chị chạy ra hông chợ Bình Tiên mua thịt, hủ tiếu, bánh canh, phở, rau giá... về chế biến, nấu nướng ngay vỉa hè.
Những lúc vắng khách, hai vợ chồng tranh thủ đi chợ, làm thức ăn bán cơm trưa. Lâu lâu, anh Lợi tranh thủ làm một cuốc xe ôm để kiếm thêm 30.000-40.000 đồng, đổ xăng đi lại mỗi ngày. Có khi cả ngày không có cuốc xe nào.
Ngày con gái lớn chị Hân đậu vào Trường đh Ngoại ngữ và tin học TP.HCM chị mừng rơi nước mắt. Vui chưa được bao lâu lại lo không biết lấy đâu ra tiền học phí cho con. Đưa cho tôi xem “Giấy cam kết trả nợ” với Ngân hàng Chính sách xã hội Q.6 mà chị Hân run run: “Tôi luôn sống trong tâm trạng hồi hộp, lo sợ vì nợ 24,6 triệu đồng mà chưa trả lãi đồng nào. Đến hẹn mà trả không được có bị bắt bỏ tù không cô?”.
Để có tiền lo cho các con ăn học, chữa bệnh cho Ngân, chị Hân phải vay nóng trả góp với lãi suất 1%/ngày. Giấy tờ nhà cũng phải đem cầm 10 triệu đồng, mỗi tháng trả lãi 1 triệu, nhưng ba tháng nay chưa có tiền đóng lãi. Chưa hết, 7-8 năm qua chị Hân còn vay góp của Hội phụ nữ phường. Năm nay chị được Hội phụ nữ phường nâng mức cho vay lên 11 triệu đồng, mỗi tháng góp cả gốc và lãi là 330.000 đồng (lãi suất 1%/tháng).
Lo sợ không có tiền trả nợ, chị Hân đã bảo hai con trai đang học lớp 10 và 11 nghỉ học để kiếm việc làm phụ giúp cha mẹ. Hai cậu con trai ham học cứ năn nỉ xin chị Hân cho học tiếp. Thương con, vợ chồng chị lại xuôi lòng, tự nhủ ráng thêm được ngày nào hay ngày đó. Nhiều lúc bế tắc vì nợ nần, vợ chồng chị Hân và các con ước ao được tham dự chương trình “Vượt lên chính mình” của đài truyền hình.
“Khi ấy, vợ chồng tôi sẽ thi trong 1 phút 30 giây nấu được 10 tô hủ tiếu để có tiền trả nợ ngân hàng. Ước là ước vậy, giờ tôi chỉ còn hi vọng con gái lớn năm sau tốt nghiệp đại học, xin được việc làm sẽ...” - chị Hân chứa chan hi vọng.
![]() |
Vợ chồng chị Hân, anh Lợi dọn dẹp, rửa chén bát chiều 12-10 - Ảnh: L.TH.H. |
Đứa con tội nghiệp
Ngân là con thứ tư của chị Hân và anh Lợi. Khi mang thai đến tháng thứ năm chị Hân vẫn không biết có thai vì chị tin tưởng đã được triệt sản hồi năm 1995 - khi chị sinh mổ đứa con thứ ba tại một bệnh viện phụ sản ở TP. Chị đã “bắt đền” bệnh viện nơi đã triệt sản cho chị. Bệnh viện bảo khi nào sinh đứa con này (bé Ngân sinh tháng 12-1998) thì mang theo giấy tờ ra viện, triệt sản vào bệnh viện. Rồi bệnh viện cấp cho chị Hân một phiếu bảo hiểm năm năm với lời dặn nếu chẳng may chị hay bé Ngân bị tử vong sẽ được lãnh 50 triệu đồng bảo hiểm...
PGS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh - giám đốc Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM - cho biết bạn đọc có nguyện vọng hiến máu tặng em Ngân có thể đăng ký hiến máu tình nguyện tại ngân hàng máu của bệnh viện ở số 118 Hùng Vương, Q.5. Khi đăng ký hiến máu tình nguyện cần nói rõ nguyện vọng được tặng máu này cho em Ngân. Nguồn máu hiến của bạn đọc sẽ được ngân hàng máu xét nghiệm sàng lọc, bảo quản, lưu trữ để dành truyền cho em Ngân hằng tháng. |
Từ lúc chào đời đến 3 tuổi, Ngân không biết đi mà chỉ chống tay lết theo mẹ. Đến khi đi đứng được thì thường xuyên quặt quẹo ốm đau, da xanh xao, tím tái. “Nợ nần từ từ chồng chất khi cháu Ngân được 5 tuổi và phát bệnh Thalassemia” - chị Hân rưng rưng kể lại.
Nhiều lần bé Ngân sốt cao, đưa con vào bệnh viện chị chỉ đủ tiền truyền cho con một bịch máu rồi lại xin xuất viện. Có khi về nhà được vài ngày Ngân trở sốt. Lại vay tiền vào viện. Có khi bác sĩ không cho về, chị phải năn nỉ: “Nói thiệt bác sĩ thương cho, tôi không có tiền và còn ba đứa con nhỏ ở nhà, phải buôn bán lo cho tụi nó...”.
Thấy kết quả xét nghiệm của Ngân quá thiếu máu, có lần bệnh viện cho người đến tận nhà bảo chị Hân phải đưa con vào bệnh viện truyền máu gấp. Không có tiền, chị tính liều để con ở nhà, bác sĩ bảo phải ký cam kết nếu Ngân tử vong chị sẽ chịu trách nhiệm. Nghe vậy, sợ con chết chị lại vay tiền tất tả đưa Ngân vào viện.
Hiện nay tháng nào Ngân cũng phải vào bệnh viện truyền máu. Dù có bảo hiểm y tế chi trả nhưng mỗi tháng chị Hân vẫn phải lo 400.000-500.000 đồng (đồng chi trả 20% viện phí), mua thuốc ngoài danh mục... cho Ngân. Tháng nào có máu truyền ngay, Ngân chỉ phải nghỉ học một ngày. Khi thiếu máu, Ngân phải nghỉ 2-3 ngày để đợi và vì mệt nên em không thể đến trường.
Những tấm lòng
Nói chuyện với tôi, chị Hân cứ nhắc hoài “họ thương vợ chồng tôi lắm” về chủ nhân hai căn nhà cho vợ chồng chị ngồi trước cửa để buôn bán. Họ không bao giờ lấy của chị Hân một đồng tiền nhà, khi ăn hủ tiếu cũng trả tiền sòng phẳng. Mỗi năm có ba ngày tết, vợ chồng chị mang ơn đem một hộp bánh và thùng nước ngọt đến biếu nhưng chủ nhà cho chị ngồi bán hủ tiếu dứt khoát không nhận, bảo mang về cho mấy đứa nhỏ ăn tết.
Mấy hôm nay Sài Gòn mưa như trút nước, chị Hân dầm mưa ngóng đợi khách đến ăn. Thế nhưng trời mưa hàng quán ế ẩm, vợ chồng chị Hân phải mang cơm, thức ăn về nhà, chia cho cả hai bên nội, ngoại, anh em... ăn giúp. Thế là lại đứt mấy trăm ngàn tiền vốn. Thấy chị bị cảm lạnh vì mưa gió, bà chủ nhà cho chị để xe cơm bán trước cửa âm thầm mua mấy ngày thuốc dúi vào tay chị bảo đem về uống...
Cô Đăng Thư - một giáo viên còn rất trẻ - cũng chính là người giúp “cô học trò tội nghiệp” của mình vượt qua khó khăn, bệnh tật bằng cách trình bày với cô hiệu trưởng về hoàn cảnh của Ngân. Dẫn Ngân vào gặp tôi tại phòng ban giám hiệu, mắt cô Thư cứ đỏ hoe khi nói về cô học trò tội nghiệp của mình. Nhờ cô, ngay lập tức những bàn tay từ thầy cô giáo, bạn bè của Ngân, phụ huynh học sinh, bạn đọc Tuổi Trẻ đã nâng đỡ, góp sức cho cha mẹ Ngân.
Cô hiệu trưởng Võ Thị Ảnh đã trao cho chị Hân 25 triệu đồng. Chị xúc động: “Nằm mơ tôi cũng không nghĩ có nhiều người quan tâm, giúp tôi số tiền lớn như vậy”. Chị Hân cho biết sẽ dùng số tiền này để chuộc giấy tờ nhà, trả nợ vay nóng, thanh toán tiền gạo, gas, mắm muối... mà chị còn nợ chưa trả và đóng học phí cho các con, mua thuốc điều trị bệnh cho Ngân.
Không chỉ giúp đỡ vật chất, nhiều bạn đọc đã điện thoại đến Tuổi Trẻ, đến Trường THCS Bình Tây xin được hiến máu (nhóm O) giúp Ngân điều trị bệnh.
Mẹ Ngân cứ nắm lấy tay tôi: “Tôi mang ơn các thầy cô, bạn đọc báo Tuổi Trẻ... không biết khi nào mới trả được”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận