29/09/2010 06:24 GMT+7

Kỳ tích đê sông Hồng - Kỳ 4: Những tranh luận trên đê sông Hồng

THU HÀ - ĐỨC BÌNH
THU HÀ - ĐỨC BÌNH

TT - Học giả Pháp Pierre Gourou vào đầu thế kỷ 20 từng viết: “Châu thổ sông Hồng đã bị chết trong tuổi vị thành niên của nó”. Có thể nói từ thời Lê, đồng bằng châu thổ sông Hồng đã chấm dứt giai đoạn phát triển tự nhiên của mình.

PqR26AVM.jpgPhóng to

Giữa những tranh cãi dữ dội của lịch sử và những đe dọa của thiên nhiên, đê sông Hồng vẫn vượt qua biến cố và tồn tại tới hôm nay - Ảnh: TTXVN

Kỳ 1: Dời đô và đắp đê Kỳ 2: Kỳ 2: Những trận vỡ đê lịch sử Kỳ 3: Vụ án đê Yên Phụ

Những cuộc tranh luận trong lịch sử

Nó gần như bị cắt đứt liên hệ với chính con sông từng tạo ra và nuôi dưỡng. Dòng nước chứa nhiều phù sa của sông Hồng không còn tràn vào đồng bằng mà bị nhốt giữa hai thân đê.

Do vậy đáy sông không ngừng bị nâng cao, nhiều doi cát giữa dòng và bãi bồi được hình thành, đặc biệt đoạn từ Sơn Tây đến Nam Định. Đó là nguyên nhân khiến từ đời này qua đời khác các con đê cứ phải được tôn tạo, đắp cao lên mãi.

Tiến sĩ địa chất thủy văn Tạ Hòa Phương là người từ lâu quan tâm đến việc nghiên cứu địa hình của đới đứt gãy sông Hồng, cũng như tình trạng đê sông Hồng và những tác động của nó đến thủy văn của đồng bằng Bắc bộ và vùng châu thổ sông Hồng tại Hà Nội nói riêng. Từ cách đây hơn 10 năm, ông đã có ý kiến về việc nên bỏ bớt một số đoạn đê sông Hồng.

Ông cho rằng: “Việc đắp đê sông Hồng là quyết định đúng đắn thời kỳ đầu. Năm 1108, vào thời Lý, con đê đầu tiên được đắp ở phường Cơ Xá chỉ có nhiệm vụ bảo vệ kinh thành Thăng Long. Những con đê thấp được đắp vào đời Trần (1225-1400) chỉ cốt giữ cho nước không tràn vào đồng ruộng để kịp làm vụ chiêm, sau khi mùa màng thu hoạch xong thì nước được tự do tràn vào đồng ruộng - một giải pháp có thể chấp nhận được.

Nhưng những con đê bề thế được đắp mới và tôn tạo trên hai bờ Nhị Hà (sông Hồng) vào triều Lê Sơ (1428-1527) đã là sự can thiệp vào tự nhiên quá giới hạn cho phép.

Bị kềm kẹp giữa hai thân đê, sông Hồng càng trở nên hung dữ, đã “giãy giụa”, bứt phá, gây ngập lụt triền miên vào thời Nguyễn. Cũng chính trong thời Nguyễn đã có nhiều ý kiến đề nghị xem xét vấn đề bỏ hay giữ đê. Ví dụ vào thời Minh Mạng, năm 1833 Đoàn Văn Trường, Đặng Văn Thiêm, Trịnh Quang Khanh đã dâng sớ xin khai sông thay vì đắp đê, tạm bỏ đê ở Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định.

Vốn có tư chất thông minh, năng động và quyết đoán, sau 10 năm tăng cường tôn tạo và đắp đê, vua Minh Mạng đã cho áp dụng biện pháp thử bỏ đê và tiến hành đào sông Cửu An để tiêu lũ.

Phải thừa nhận đó là một quyết định mang tính cách mạng, tuy việc thực hiện chưa thành công do nhiều khó khăn khách quan. Tiếc rằng không phải ai cũng hiểu như vậy, có người còn đánh giá việc làm kể trên biểu hiện thái độ ươn hèn của triều đình Minh Mạng”.

Vào cuối thời Thiệu Trị, năm 1847, quyền tổng đốc Hà Ninh Nguyễn Đăng Giai đã dâng sớ nêu 12 điều hại của đê và xin bỏ đê.

Nguyễn Đăng Giai khẩn khoản: “Nước với đất là vật nương tựa nhau. Đắp đê phòng lụt, nước không vào ruộng được, ruộng ngày càng khô ráo. Tuy có cấy lúa cũng không lên được... Mỗi năm đến tiết hạ - thu, nước sông trướng rật lên là phải đi hộ đông vệ tây, trống thúc huyên thiên, đồng ruộng lại khô hạn. Nhưng trong đồng thì mong nước như khát, mà bên ngoài sông thì coi nước như thù. Muốn đào ra lấy nước thì sợ vỡ đê. Muốn hộ đê cho vững thì ruộng lúa bị bỏ... Đường đê đã nhiều, hao phí tài lực càng lắm. Làm chỗ này hỏng chỗ kia. Kè bên đông thời bỏ bên tây. Đem cái công làm ruộng hữu hạn mà đắp đê bối vô hạn, tài lực của dân làm sao chịu nổi...”.

Tổng đốc kiến nghị khai đào một số con sông (ví dụ các sông Nguyệt Đức, Thiên Đức, Nghĩa Trụ) để phân lưu cho sông Hồng, đổ về phía đông, giảm bớt lượng nước tràn vào đồng ruộng: “Chỗ bồi lấp đào khơi ra. Sao cho dòng nước đều lưu thông. Các cửa sông có đê đắp ngang, xin khai đôi cửa sông lên phía trên để thu hút nước thượng lưu, bất tất phải nắn thẳng đem chỗ xa ra chỗ gần mà phí công tổn hại ruộng đất, chỗ ở, phần mộ của dân thành ra bất tiện... Nhất thiết đem cái công bồi đắp đê điều làm vào việc khai đào sông cũ, không nên làm gì khác để phí của. Khai đào được bao nhiêu đất bùn, đem ra xa hai bên bờ độ mấy chục trượng, tích lại để bảo vệ bờ nông”.

Vào thời Tự Đức, Nguyễn Đăng Khải đề xuất (năm 1857) xin giữ lại đê bên tả ngạn sông Hồng, phá bỏ đê bên hữu ngạn để nước lũ có thể tràn vào đồng ruộng; Vũ Văn Bình (năm 1861) đề nghị bỏ tất cả đê ở các tỉnh Sơn Tây, Bắc Ninh, Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định; Trần Bình và Hoàng Tá Viêm cũng cho rằng bỏ đê thì lợi hơn đắp đê.

Năm 1915, Kinh lược xứ Hoàng Cao Khải đề nghị bỏ đê ở những vùng đất cao, giữ đê ở những vùng đất thấp, tìm cách nâng cao những vùng đất thấp để dần dần phá bỏ đê hoàn toàn. Mở rộng dòng chảy để thoát lũ cũng là vấn đề ông quan tâm.

Khai dòng, thoát lũ, bỏ đê từng đoạn

TS Tạ Hòa Phương là người cổ vũ ý tưởng nắn chính dòng thoát lũ và bỏ từng đoạn đê để đưa nước phù sa vào đồng ruộng.

Ông cho biết: “Từ trước năm 1837 Nguyễn Công Trứ đề xuất giải pháp nắn chỉnh, khai đào đoạn khởi đầu sông Thiên Đức (sông Đuống), chuyển cửa nhận nước từ sông Hồng dịch về phía thượng nguồn giúp việc phân lũ được thuận lợi. Đó là một đề xuất rất khoa học, nhưng cũng không thể thực hiện vào thời Minh Mạng vì công trình quá lớn. Sang thời Tự Đức, ý tưởng đó mới được thực hiện một phần và được hoàn chỉnh thêm trong thời Pháp thuộc. Nhìn trên tấm bản đồ Hà Nội hôm nay chúng ta có thể thấy đoạn đầu sông Đuống đã được nắn chỉnh để có vị thế thích hợp như thế nào, khiến nó trở thành đường thoát lũ quan trọng nhất của sông Hồng”.

Mặt khác, TS Phương cũng nhấn mạnh: “Hà Nội nằm bên sông Hồng, con sông chảy theo một đới đứt gãy địa chất lớn - đứt gãy sâu sông Hồng, gần như chia miền Bắc thành hai nửa. Mà đứt gãy sâu thường là nơi bất ổn của vỏ Trái đất, nơi chịu các lực nén ép khổng lồ, tiềm ẩn khả năng động đất và chuyển động chờm, trượt...

Nếu nhìn từ Lào Cai về phía đông nam ta sẽ thấy dòng sông khá thẳng, đấy là đoạn sông còn chảy theo đứt gãy, chưa tiến vào đồng bằng châu thổ của nó. Cự ly dịch chuyển hai cánh đứt gãy sông Hồng hiện nay khoảng 300km (cánh tả ngạn bị trượt một cách tương đối về phía tây bắc).

Một điều đáng lưu tâm hiện nay là đới đứt gãy sông Hồng vẫn chưa ngừng hoạt động. Bởi vậy, vấn đề bỏ hay giữ đê đến nay cũng còn nguyên tính thời sự, nhất là khi chúng ta đã có hồ thủy điện Hòa Bình (trong tương lai gần còn có thêm hồ thủy điện Tạ Bú ở Sơn La) giúp điều tiết hiệu quả lưu lượng nước của hệ thống sông Hồng phía hạ lưu.

Vì thế đã đến lúc cần xem xét lại phương án bỏ đê từng bộ phận, đưa nước vào đồng bằng một cách có điều tiết, có thể kiểm soát mực nước dâng. Làm được điều đó châu thổ sông Hồng sẽ được hồi sinh. Những ô trũng trên đồng bằng sẽ được lấp đầy dần.

Nhưng dù phương án này được thực hiện thì những con đê bảo vệ Hà Nội vẫn cần được gia cố tốt hơn, để đảm bảo an toàn những giá trị ngàn năm của thủ đô văn hiến.

---------------------------------------------------

Đê sông Hồng đã đi như thế nào từ con đê đất đến đê bêtông và “con đường gốm sứ”?

Kỳ tới: Hành trình của con đê lịch sử

THU HÀ - ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên