19/09/2010 05:04 GMT+7

50 năm một mối tình điêu khắc

Ông HOÀNG GIA THUẬN
Ông HOÀNG GIA THUẬN

TT - Điêu khắc gia Hoàng Gia Thuận mặc nguyên bộ đồ còn dính đầy vôi trắng, cúc cài xiên lệch và ướt đẫm mồ hôi. Hai bàn tay xù xì còn dính đầy cát đất, cứ thế ông kể chuyện nghề của cả đời mình cho tôi nghe...

TSv4Dbp5.jpgPhóng to
Điêu khắc gia Hoàng Gia Thuận với tác phẩm chân dung Bùi Giáng mà ông yêu quý nhất - Ảnh: L.P.

“Người ta đặt tôi bức tượng lớn nhất là tượng “Phật trắng” ở Nha Trang, làm năm 1964-1965. Một mình tôi ra đó làm với hơn 50 thợ và cai thầu giỏi, cũng mất hơn một năm trời. Tôi lo bên mỹ thuật, lúc đó còn trẻ lắm, chỉ mới hơn 20 tuổi. Ban đầu ra mấy vị chưa tin tôi có thể làm được. Tới khi ra công trường thợ hồ cũng chưa tin. Có người bảo “Anh lên làm đi cho tôi bắt chước!”.

Thợ lúc đó toàn các chú, bác lớn tuổi. Tôi chỉ biết lễ phép rồi tự tay làm cho họ xem, rồi trao đổi theo khoa học cho người ta tin.

Bức tượng lúc đó bằng cả cái nhà sáu tầng rồi, giàn giáo lúc đó bằng gỗ hết, trong vòng một năm thì xong. Muốn điều khiển được việc làm tượng, các thợ làm tại chỗ, tôi phải chạy xe đạp xuống một cây cầu ở quãng đường đi qua tháp Chăm ấy, rồi đặt ống nhòm ngó lên xem, ghi chép lại tỉ lệ rồi sửa chữa dịch ra xô vào trái phải ra sao.

Tôi học cách ấy từ cách điêu khắc ngọn núi thành bốn gương mặt tổng thống ở Mỹ trong phim tài liệu. Mấy ông thợ đeo số như cầu thủ, cầm máy đục. Nhà điêu khắc ở xa, cứ thế điều khiển thợ đục theo hướng nào thôi”.

Lấy ngắn nuôi dài

"Tôi lo sợ nhiều người xem không có tri thức, không có văn hóa thưởng thức sẽ nghĩ những điều không hay về tượng khỏa thân"

* Ngoài đề tài về Phật giáo, ông thường làm những gì nữa?

- Chỉ có hai đề tài tôi thường khai thác là dân gian, dân tộc và đạo pháp. Có một tượng công viên theo chủ đề dân gian tôi làm năm 1980, tên Cờ lau - là hình ảnh các đứa bé công kênh nhau phất cờ lau, đó là Đinh Bộ Lĩnh. Lúc thi thì người ta bảo làm triển lãm, tới lúc triển lãm thì không ai báo tôi biết.

Hôm đó tôi đi ngang qua Nhà văn hóa Lao động thấy đang họp báo khai mạc triển lãm. Tượng Cờ lau ở nhà của tôi mới đắp xong, chưa sơn phết gọt giũa gì hết. Hai cha con cả đêm làm hết cho xong, 4 giờ sáng hì hục mang ra công viên cho kịp giờ, thạch cao còn ướt. Vậy mà bức tượng ấy được hạng nhất tượng công viên hồi đó. Bây giờ ở công viên Tao Đàn, chỗ đường Nguyễn Du, vẫn còn bức tượng các cậu bé ấy.

* Trong 50 năm dài đi làm điêu khắc, điều gì làm ông trăn trở nhất?

- Hồi đó, đa số nghệ sĩ điêu khắc đi làm các tượng La Mã như cô gái cầm bình, cô gái khỏa thân, tượng thần, người cá... để bán cho các quán cà phê sân vườn. Bạn bè hỏi sao tôi không làm vậy kiếm sống cho đơn giản. Tôi bảo mình cũng làm tượng cô gái đẹp, nhưng làm cô gái dân tộc, ăn mặc kiểu dân tộc (cười). Lúc đó cũng sao ra bán nhiều nơi, thế cũng kiếm được tiền. Cô gái VN đẹp thế cơ mà.

Cũng có người hỏi sao tôi không làm tượng các cô gái khỏa thân trang trí cho quán sân vườn, biệt thự này nọ, làm tượng Phật hoài chi vậy. Tôi cũng nghĩ tới làm tượng cô gái khỏa thân chứ, thân thể phụ nữ là vẻ đẹp cao nhất tạo hóa ban cho loài người. Nhưng tôi không làm để bán đâu. Người ta thấy ở nước ngoài tượng khỏa thân để trong công viên đấy thôi, có sao đâu.

Còn ở mình bây giờ thì sao, một anh thanh niên bây giờ có đủ kiến thức để thưởng thức và yêu vẻ đẹp đó hay không? Tôi không biết, hay là mình lại làm để cổ xúy cái văn hóa đồi trụy nào đó mà người ta gán ghép chăng? Cứ nghĩ thế là tôi không làm. Giờ hai người làm hai bức tượng rồi chưng ở sân vườn đi, một bức tượng khỏa thân, một tượng Phật bà.

Có thể người xem không biết đạo là gì, tôn giáo là gì, nhưng nhìn bức tượng Phật cũng thấy thiện hơn, an hòa hơn. Người xem không có tri thức, không có văn hóa thưởng thức sẽ nghĩ những điều không hay về bức tượng khỏa thân. Tôi lo sợ vậy.

* Người trong nghề bảo có lúc đời ông khốn đốn, thế lúc khổ nhất ông xoay kiểu gì để sống được với điêu khắc đến giờ?

- Cũng làm đủ nghề kiếm sống. Lấy ngắn nuôi dài mà. Có lúc mình đi làm cả gươm gỗ cho mấy người tập dưỡng sinh để kiếm tiền. Làm gươm gỗ mà cũng chạm khắc rồng rắn lên chơi cả đấy!

Không chỉ là nghề...

* 50 năm hành nghề, tác phẩm nào làm ông thấy “đã”nhất?

- Bùi Giáng đấy. Cảm hứng lên. Anh em đi nhậu dầm dề, nói chuyện về giỗ đầu Bùi Giáng. Tối về là tôi làm luôn. Chuyện bức tượng cũng vui lắm. Tôi có một người bạn đi làm phóng sự ảnh, có quen Bùi Giáng. Cô ấy cho tôi mấy bức ảnh chụp Bùi Giáng. Hôm đó là giỗ một năm ngày mất của Bùi Giáng, tôi ngồi làm một đêm là xong.

Tôi có ông bạn làm giám đốc công ty trang trí nội thất, tôi để lại cho ông vì ông quý lắm, coi như bạn tri âm của mình, coi Bùi Giáng như bồ tát trong lòng. Chẳng biết sau thế nào tượng mất tiêu luôn.

Mấy năm sau tự dưng tượng ra đường Lê Công Kiều, cái phố bán đồ cổ đấy. Ông bạn tôi ra đó, bảo đây là tượng của ông Thuận làm mà. Ông ấy mua lại cho tôi giá 300.000 đồng. Mừng quá. Vậy là “châu về Hợp Phố”. Tôi cứ nhìn bức tượng là thấy thương Bùi Giáng nhiều. Cái con người nửa tỉnh nửa mơ ấy mà làm thơ, dịch sách hay lắm.

* Ông có vẻ thích làm những tác phẩm kích thước rất lớn?

- Tôi thích làm tác phẩm to vì cảm thấy nó đủ rộng để mình trải lòng và thể hiện những khả năng của mình. Tác phẩm lớn công phu hơn nhiều, nhưng bây giờ dễ hơn ngày xưa nhiều lắm. Có một chủ lò gốm ở Vĩnh Long chịu chơi, thích làm cái gì lạ, cùng tôi làm cái bình gốm lớn nhất VN cao 2,5m. Mình làm ra hai cái, một cái theo chủ đề trống đồng Ngọc Lũ, cái kia là Phật giáo.

Ông ấy đem đi Đức triển lãm gốm VN, đoạt giải gì đó, xong mang về mất công quá, ổng bán luôn ở Đức rồi về rủ tôi đi nhậu. Cái còn lại giờ ở chùa Tây Thiên - Tam Đảo ngoài Hà Nội.

* Tuổi nghỉ hưu rồi sao ông vẫn tay lấm áo lấm đi làm?

- Lẽ ra là nghỉ rồi. Nhưng ông bạn thân hơn 50 năm lại giới thiệu qua chùa làm, không lẽ mình từ chối? Vả lại cái này không phải là nghề nữa mà tôi gọi là nghiệp.

* Ông còn la cà chơi trong sân của nghệ sĩ bây giờ không?

- Có chứ. Mình đi trại sáng tác, đi hát hò karaoke, nói chuyện thấy vui. Mình vui thì cũng xả bớt mọi chuyện đi. Anh em mỗi người một kiểu, một cuộc sống, cứ thế mà đến với nhau thôi.

oOo

Vợ ông ngồi cạnh đấy, dự phần vào câu chuyện ngày cũ đời điêu khắc của ông. Bà kể có thời ông làm tượng ở Vũng Tàu một mình. Có bão xảy ra ở biển. Một tay ông níu vào chỗ nào đó vững chắc, tay kia vẫn làm, cứ đội cái nón nào lên là bay mất cái đó. Có lúc hai đêm liền ông không điện thoại về, bà lo không ngủ được. Lúc gọi được ông chỉ nói một câu: “Mệt quá, ngủ quên mất hai ngày!”.

Cả đời ông, đến tận bây giờ, vẫn hành nghề trong tâm thế không mỏi mệt ấy...

BIg0iuZ6.jpgPhóng to

Tượng Phật ngoài trời lớn nhất VN

Điêu khắc gia Hoàng Gia Thuận là tác giả của tượng Phật trắng (Kim thân Phật tổ) của chùa Long Sơn tại Nha Trang, cao 21m. Bức tượng đã đưa ngôi chùa vào sách kỷ lục Guinness VN với danh hiệu “Ngôi chùa có bức tượng Phật ngoài trời lớn nhất VN”.

Ông chỉ đạo mỹ thuật việc thi công tác phẩm này trong hai năm. Với bức tượng này, chùa Long Sơn đã trở thành một địa chỉ nổi tiếng của Nha Trang, thu hút đông đảo khách du lịch (ảnh). Ông Hoàng Gia Thuận cũng là tác giả của chiếc bình gốm lớn nhất VN thực hiện năm 2005, cao 2,5m, nặng 400kg, đường kính 1m, với hai phiên bản thể hiện hai đề tài là trống đồng Ngọc Lũ và Phật giáo.

Suốt 50 năm hành nghề điêu khắc với nhiều tác phẩm nổi tiếng, ông vẫn chưa có một triển lãm cá nhân nào.

Ông HOÀNG GIA THUẬN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên