12/09/2010 07:03 GMT+7

John Wood: "Hạnh phúc của tôi là phục vụ người nghèo"

KHỔNG LOAN
KHỔNG LOAN

TT - Một ngày đầu tháng 9-2010, trong thư viện Trường tiểu học Ngũ Hiệp 2 (Cai Lậy, Tiền Giang), Đức Duy đang ngồi lật giở từng trang sách để tra và ghi lại hình ảnh, ý nghĩa lá cờ các quốc gia. Cùng ngồi chung cái bàn nho nhỏ với em là Thanh Thảo, cô bạn học cùng lớp, cũng chăm chú tra từ điển tiếng Việt.

6d5aTOJE.jpgPhóng to
John Wood đọc sách với học sinh Nepal trước khi đến Việt Nam - Ảnh: RtR
0coIZjA5.jpgPhóng to
John Wood với các học sinh VN - Ảnh: RtR

Các em dường như không để ý đến sự nhộn nhịp đang diễn ra xung quanh mình. “Ở nhà em không có góc học riêng, cũng không có truyện đọc hay sách tham khảo” - Đức Duy nói, mắt vẫn nhìn vào hình ảnh những lá cờ nhiều màu sắc trong trang sách.

“Em ngồi học ở bàn uống nước của cha thôi” - vừa tra từ mới, Thanh Thảo vừa nắn nót ghi lại vào trong vở. Nghe lời thầy hướng dẫn, em sẽ chia sẻ với các bạn trong lớp mình các từ mới như “hội đoàn, hội thảo, hội nghị...”.

Room to Read ở Ngũ Hiệp

Thảo, Duy và các bạn của mình ở Trường Ngũ Hiệp là những học trò may mắn. Nay các em có thể xem những cuốn sách, truyện tiếng Việt, tiếng Anh nhiều màu sắc, phong phú đa dạng.

Thầy Trương Thanh Hùng với thâm niên 12 năm là hiệu trưởng kể từ khi trường thành lập năm 1998, đến năm 2008 thầy mới thấy có một nơi đọc sách tạm gọi là “thư viện” cho học trò và thầy cô trong trường. Với diện tích khoảng 100m2, có hơn 12.000 đầu sách, trong đó có gần 9.000 đầu sách cho học sinh.

Các em có thể đến đọc sách vào giờ ra chơi và có thể mượn về nhà trong sáu ngày miễn phí. Những cuốn sách mới lạ được đưa tới khiến cả giáo viên và phụ huynh cũng bỡ ngỡ. Nhưng họ đã được học cách quản lý thư viện, cách khơi gợi tình yêu với trang sách của các trò và con cái mình.

Ở Cai Lậy, không hiếm gia đình có tài sản, vật dụng sang trọng, với đất vườn rộng mênh mông, khu sinh hoạt gia đình tới hàng trăm mét vuông, nhưng một nơi đọc sách ở trường, một góc học tập phù hợp cho trẻ nhỏ trong nhà đến nay vẫn không phải là điều phổ biến.

“Từ khi có thư viện, các trò ngoan hơn, viết đúng chính tả hơn, làm văn hay hơn” - đó là lợi ích trước mắt mà thầy Hùng đã thấy.

Thư viện mới của Thảo và Duy, thư viện được cải tạo của Trường tiểu học Ngũ Hiệp 1 cách đó 5 phút đi bộ và gần 130 trường học cùng thư viện mới ở VN đã được Tổ chức Room to Read (phòng để đọc - RtR) - một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế - hỗ trợ.

Hành trình dài đem lại rất nhiều niềm hạnh phúc cho những em nhỏ kém may mắn ở vùng sâu, vùng xa của những nước nghèo bắt nguồn từ ý tưởng bất chợt của một người đàn ông đến từ nước Mỹ.

10 năm qua, điều hạnh phúc nhất của John Wood là chứng kiến ngày càng nhiều thư viện được mở, các em gái được đến trường bằng học bổng dài hạn, những ngôi trường mới được xây lên. “Mỗi khi nghĩ tới con số 11.000 cộng đồng có thư viện, 5 triệu trẻ em ở chín nước mà RtR hoạt động có cơ hội tiếp cận những cuốn sách, tôi không thể không cảm thấy run lên vì sung sướng” - John nói với chúng tôi khi trở lại VN nhân dịp 10 năm ra đời của RtR.

Từ bỏ vị trí một doanh nhân thành đạt

Sinh ra và lớn lên ở Connecticut (Mỹ), 12 năm trước, John 33 tuổi và đang là giám đốc phụ trách phát triển kinh doanh của Tập đoàn Microsoft tại châu Á - Thái Bình Dương. Ông đến Nepal, gặp một hiệu trưởng và thấy ngôi trường có 450 học sinh ở gần dãy Himalaya mà sách tham khảo cho các trò chỉ là vài cuốn xộc xệch, bám bụi, lại bị “nhốt” trong một cái tủ có khóa.

Một hình ảnh đối ngược tưởng chừng như không thể rõ ràng hơn khi John so sánh với những học sinh cùng lứa tuổi đang sống ở các nước phát triển. “Thật là điên khùng - John nhớ lại - Tôi đã không thể chịu được cảnh đi mấy ngày trời trên đường và không hề thấy một thư viện nào để các em nhỏ có thể đến đọc sách”.

Với ý nghĩ khi trẻ không được đọc sách, có tình yêu với sách, đó là lỗi của người lớn, John muốn đem đến cho các em nhỏ ở quốc gia Nam Á được có phòng đọc sách. Chỉ một năm sau, John quay lại với những chiếc xe bò chở 3.000 cuốn sách mà ông quyên góp được khi trở về Mỹ.

Nhưng trên thế giới vẫn còn gần 1 tỉ trẻ em không thể tiếp cận thư viện và xa lạ với những cuốn sách, gần 200 triệu trẻ em thức dậy mỗi sáng và không được nhảy chân sáo đến trường, 2/3 trong số đó là bé gái thì sao?

Không thể để các em xa lạ với sách vở khi đã 5, 6 tuổi. John nghỉ việc ở Microsoft và thành lập văn phòng đầu tiên của RtR ở San Francisco, nơi mà từ cửa sổ văn phòng ông có thể thấy cầu Cổng Vàng nổi tiếng ẩn hiện trong làn sương sớm.

Từ người quản lý, điều hành các dự án tiếp thị và mở rộng kinh doanh của Microsoft tại châu Á, vài năm đầu tiên khi bắt tay vào thực hiện RtR, John chỉ thấy “rất cô đơn, không có nhân viên, không có văn phòng đại diện ở các nước, tiền quyên được cũng ít”. Người ta biết ngay John Wood của Microsoft là ai, nhưng ai quan tâm tới John Wood của RtR?

Chuyển từ công việc được thù lao hậu hĩnh trong lĩnh vực kinh tế tư nhân sang lĩnh vực phi lợi nhuận là một quyết định không quá khó khăn với John.

“Tại sao lại không làm thử? - John nói - Ở lĩnh vực làm việc vì lợi nhuận, các nhà cung cấp sản phẩm hay dịch vụ hi vọng sẽ kiếm thật nhiều tiền. Còn ở lĩnh vực kia, bạn vẫn cung cấp dịch vụ và sản phẩm như vậy, điều hành và quản lý như vậy nhưng không phải vì mục tiêu lợi nhuận quy đổi tiền. Bạn làm vì tin rằng đó là việc làm đúng, với ưu tiên để phục vụ loài người”.

“Khi làm cho công ty lớn, cuối cùng bạn đang làm cho những người giàu có trở nên giàu có hơn. Còn những gì tôi đang làm là phục vụ những người nghèo nhất, kém may mắn nhất trong xã hội nhưng không ai để ý tới. Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi, tôi cảm thấy mình thật sự có phúc lành khi làm được điều đó”.

John không bao giờ nhìn lại hay tiếc nuối những tháng ngày là doanh nhân thành đạt, vì “tôi cảm thấy phù hợp hơn với công việc mới, dù ở Microsoft, tôi đã học được rất nhiều”.

10 năm và 11.000 thư viện!

Văn phòng RtR mở tại Nepal năm 2000 và một năm sau đến VN. Những năm 1990, ông từng tới đất nước hình chữ S hai lần, một lần với tư cách đại diện của Microsoft và lần kia là ông Tây balô với hai tuần rưỡi lang thang đây đó.

“Một đất nước hiếu học, với nhiều trẻ em có cơ hội sống tốt nhưng cũng còn rất nhiều trẻ em khác ở các vùng miền xa xôi hẻo lánh không có được điều kiện và phương tiện hỗ trợ học tập” - John quyết định chọn VN là nơi thứ hai mở văn phòng đại diện.

Thấm thoắt đã 10 năm. Riêng năm 2009, RtR đã đầu tư 1,9 triệu USD cho các công trình khuyến đọc, khuyến học ở các tỉnh ĐBSCL và TP.HCM.

Đến nay, RtR của John đã hoạt động ở chín quốc gia, trong đó có bảy quốc gia châu Á và hai ở châu Phi. RtR đã xuất bản những cuốn sách khổ lớn bằng chữ bản ngữ ở các nước, giúp cho các em nhỏ xem hình dễ hơn, tưởng tượng tốt hơn, nhớ lâu hơn những câu chuyện làm người, về tình thân, về lòng tự trọng, sự chia sẻ và những thói quen tốt.

10 năm qua, tại các nước RtR hoạt động, RtR đã đạt mục tiêu xây dựng tổng số 1.000 trường học mới, 10.000 bé gái có học bổng đến trường và vừa khánh thành thư viện thứ 11.000 ở Nepal.

Trung bình cứ ba ngày, RtR lại mở một thư viện mới ở đâu đó trên trái đất. Năm năm tới, John muốn giúp 10 triệu trẻ em được tiếp cận các thư viện của RtR, các bé gái được cấp học bổng và những ngôi trường mới sẽ mọc lên: “Tôi tin đó là kế hoạch khả thi”.

Thế giới vẫn còn tới 850 triệu người mù chữ. Với câu hỏi ám ảnh trong đầu “Tại sao lại có một thế giới mà có quá nhiều dư thừa vật chất và hàng tỉ USD lãng phí, trong khi vẫn có những đứa trẻ phải nghỉ học chỉ vì cha mẹ không có tiền đóng học phí 5 USD (gần 100.000 đồng) ở đâu đó trên trái đất này?”, John vẫn đang tiếp tục kiên trì thực hiện các chuyến đi tới khắp mọi nơi, gặp những tập đoàn khổng lồ, trò chuyện với những người giàu có và kêu gọi họ chia sẻ nhiều hơn.

John tin một thế giới sẽ ổn định và hạnh phúc hơn khi những đứa trẻ được đến trường, với những người thầy tâm huyết, với những thư viện thật nhiều sách.

John Wood

qYXo8e11.jpgPhóng to

* Anh hùng châu Á năm 2004, theo bình chọn của Time dành cho 20 người dưới 40 tuổi đã làm điều dũng cảm, táo bạo, phi thường.* Tác giả của cuốn Leaving Microsoft to change the world (Rời Microsoft để thay đổi thế giới, 2006).* Ba lần là diễn giả tại hội nghị sáng kiến toàn cầu Clinton.* Tổ hợp truyền thông BPC gọi ông là một trong những “Nhà lãnh đạo kiệt xuất của nước Mỹ”.* Hai lần đoạt giải thưởng của Quỹ Skoll dành cho sáng kiến xã hội.* Là “lãnh đạo trẻ toàn cầu” của Diễn đàn kinh tế thế giới.

KHỔNG LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên