Phóng to |
Giáo sư Trần Văn Giàu trong ngày nhận danh hiệu Anh hùng lao động 29-11-2002 - Ảnh: N.C.T. |
“Hai ngàn lẻ một xa chi mấy/ Ắt hẳn nhân gian có cụ Giàu”, giáo sư Hoàng Như Mai ngâm lại câu thơ ông đã ứng tác cách đây mười mấy năm, khi trong một lần trò chuyện giáo sư Trần Văn Giàu bỗng bật lên một ao ước: “Mình chỉ mong sống sang thiên niên kỷ mới một năm thôi, để xem sau năm 2000 thì ra sao”.
Thấm thoắt nay đã là năm 2010 rồi, giáo sư Trần Văn Giàu cùng người bạn đường thân thiết của ông là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người trước người sau cùng bước vào tuổi 100, cùng cả nước, cả dân tộc bước vào những ngày hội lớn. “Thật là đại phúc” - giáo sư Hoàng Như Mai, người đã 92 tuổi nhưng vẫn thấy mình “còn nhỏ” bên cạnh giáo sư Trần Văn Giàu, lặp đi lặp lại.
Vàng lửa
Nhà cách mạng, nhà hùng biện, nhà triết học, thầy của những nhà sử học là những danh xưng mà mọi người thường gắn với cái tên Trần Văn Giàu khi nhắc đến những ngày Cách mạng Tháng Tám ở miền Nam, nhắc đến những bộ sử được coi là kinh điển của Việt Nam thế kỷ 20. Với mỗi danh xưng ấy, người ta đều thấy một con người Trần Văn Giàu lấp lánh.
Trong một buổi nói chuyện với sinh viên ở Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM mà tôi may mắn được dự, giáo sư Trần Văn Giàu có nhắn gửi một câu nhớ mãi: “Tuổi trẻ phải biết ước mơ, mà phải là ước mơ “siêu nhân”...”. Khi ấy tôi chỉ thấy ngạc nhiên khi nghe giáo sư sử dụng những từ ngữ của bọn trẻ, sau này mới biết “ước mơ siêu nhân” chính là điều ông nuôi dưỡng từ những ngày trai trẻ.
“Làm một nhà cách mạng chuyên nghiệp” là bước ngoặt đầu tiên chàng thanh niên Trần Văn Giàu chọn để góp phần vào việc cứu nước, thực hiện ước mơ làm việc nghĩa mà anh đã thấm nhuần từ những ngày được nghe cha mẹ ngâm những câu thơ Lục Vân Tiên. Quyết định gia nhập Đảng Cộng sản khi đang du học tại Pháp, Trần Văn Giàu cũng lo lắng về lời hứa “mang về hai bằng tiến sĩ” với gia đình, nhưng khi về nước vì bị trục xuất sau khi tham gia đấu tranh, cậu Mười Ký (tên thường gọi của ông trong gia đình) chỉ nghe cha nói một câu: “Tận trung cũng là tận hiếu”.
Con đường cách mạng rộng mở. Nhà cách mạng Trần Văn Giàu đã sử dụng tài diễn thuyết cùng kiến thức sâu rộng của mình tổ chức những buổi diễn thuyết trước hàng ngàn người giữa Sài Gòn để đánh thức nỗi nhục của một dân tộc mất nước. Bị bắt vào tù, ông không chỉ giữ vai trò một “giáo sư đỏ” với các bạn tù mà còn thuyết phục luôn cả những người lính và quan Pháp cai ngục.
Theo dõi thấy phong trào bên ngoài bị đàn áp tới chìm lấp sau Nam kỳ khởi nghĩa, ông tổ chức vượt ngục, tự mình bôn ba gây dựng lại cơ sở, phát động lại phong trào. Sau này các học trò của ông tìm được một bản báo cáo của mật thám thành Vinh (Nghệ An) về ông: “Cực kỳ nguy hiểm. Hắn đi qua nơi nào, các tổ chức mọc lên ở nơi ấy”.
Nhận xét ấy chính xác. Chỉ vài năm sau khi Trần Văn Giàu và các bạn của ông vượt ngục, các chi bộ lại xuất hiện ở khắp nơi, phong trào lại phát triển rộng khắp, bắt nhịp trùng khớp với những diễn biến của cuộc chiến tranh thế giới, trùng khớp với những phong trào được Trung ương Đảng phát động ở ngoài Bắc dù khi ấy tổ chức Đảng ở hai miền hoàn toàn mất liên lạc.
Trần Văn Giàu vẫn vững tin mình không đơn độc, ông phân tích: “Người cộng sản sử dụng chung một phương pháp luận biện chứng sẽ dẫn đến những hành động giống nhau trong hoàn cảnh giống nhau”. Nhờ thế, Cách mạng Tháng Tám ở miền Nam đã được thực hiện thành công, hòa kịp thời với bản hùng ca khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Nhưng rồi Trần Văn Giàu được tổ chức yêu cầu chuyển hướng sang hoạt động chuyên môn, giảng dạy. Con người khí phách ấy chấp nhận phân công không một lời thắc mắc.
Phóng to |
Giáo sư Trần Văn Giàu chụp ảnh lưu niệm cùng các cháu thiếu nhi TP.HCM - Ảnh tư liệu |
Dòng sử nhỏ mồ hôi
Đến hôm nay, khi tên tuổi của giáo sư Trần Văn Giàu đã mấy chục năm vững như bàn thạch trong khoa học lịch sử, giáo sư Hoàng Như Mai vẫn chưa hết ngạc nhiên về người đàn anh trong nghề nghiệp của mình: “Tôi đã từng nghe, từng chứng kiến, từng khâm phục nhà cách mạng Trần Văn Giàu với những hành động nảy lửa với đối thủ, hiệp nghĩa với đồng đội. Không ngờ sau này ông lại trở thành một trưởng khoa cực kỳ nghiêm khắc của chúng tôi ở Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Ông rèn cho chúng tôi cách làm việc khoa học nghiêm túc, không ngừng nghỉ bằng những lời nhắc nhở cụ thể, bằng chiếc đồng hồ đặt trên bàn, bằng trà nước ngay nơi góc phòng, bằng những hộp sưu tầm tư liệu được cập nhật liên tục và bằng phong cách làm việc của ông. Cứ như thế, những công trình đã ra đời” - giáo sư Hoàng Như Mai kể, vẫn còn rùng mình như khi làm việc dưới “vòng cương tỏa” của thầy Giàu.
Đó là những công trình dày hàng ngàn trang nằm trong danh mục trích dẫn của hầu hết công trình nghiên cứu sau này về lịch sử Việt Nam thế kỷ 20. Đọc bộ Giai cấp công nhân Việt Nam và Lịch sử phát triển tư tưởng Việt Nam mà ông tự mình viết từng chữ, từng trang, người đọc sẽ thấy những trang sử nhỏ từng giọt mồ hôi và cả máu của những năm tháng đầy biến động đau thương của dân tộc.
Sử của giáo sư Trần Văn Giàu không khô khan dù chăng đầy số liệu, không làm mỏi mắt người đọc dù dày đặc sử liệu, bởi từng trang, từng trang thấm đẫm tình cảm và sự cẩn trọng của giáo sư, của một người từng đích thân mình làm nên lịch sử. Chỉ may mắn được biết ông những năm sau này, khi ông đã ngoài 90 tuổi, mỗi lần đến nhà giáo sư vào buổi sáng, tôi vẫn thấy ông nắn nót từng chữ cho bộ Việt Nam thế kỷ 20. Trong khi tôi quá đỗi ngạc nhiên thì ông tâm sự do tuổi cao sức yếu nên sức viết chậm hơn trước. Hỏi sao ông không để thư ký, trợ lý, học trò viết giúp, lập tức ông nổi nóng: “Tôi chưa bao giờ dùng thư ký, ý của mình, chữ của mình phải do tự mình viết ra”.
Trong thư viện đồ sộ của giáo sư Trần Văn Giàu tại tư gia, có một tủ sách nhỏ cũ kỹ. Một lần may mắn được ông gật đầu cho phép mở tủ, tôi thấy trong ấy có những cuốn sách in bằng bàn đá trên giấy mỏng từ hồi ở chiến khu Việt Bắc, có những cuốn sách giấy đã vàng ố của một thời miền Bắc khó nghèo. Và cuốn nào cũng được ghi chú ở bìa lót: “Bản của tác giả dùng để sửa chữa”.
Lật từng trang, tôi nhớ mãi đã nghe tim mình đập mạnh khi bắt gặp những ghi chú bằng nét chữ chân phương rất đẹp của ông: bên một bảng kê thu nhập và chi tiêu của công nhân ngành dệt năm 1929-1931, ông ghi “tìm giá gạo năm ấy (1929)”; bên một bài viết về tôn giáo, ông sửa chữ “cha” thành “linh mục” cho lần in sau; thỉnh thoảng lại thấy một trang giấy chép tay được dán vào giữa để cập nhật thêm những sử liệu vừa tìm thấy...
“Nhưng thầy Giàu không phải là con người gang thép đâu, thầy tình cảm lắm” - giáo sư Hoàng Như Mai hạ giọng kể về dòng nước mắt trên mặt thầy Giàu khi đến viếng học trò Đặng Huy Vận mất trong những ngày vất vả, tấm vé cải lương ông Sáu Giàu dặn phải tìm cho bằng được để đưa bà Sáu đi xem sau mấy chục năm xa miền Nam theo chiều dài hai cuộc chiến tranh, một chiều 30 tết thầy đứng giữa sân ký túc xá gọi tên từng người học trò từ miền Bắc vào dạy thỉnh giảng bảo về nhà thầy ăn tết...
Với tiến sĩ Đinh Thu Xuân, người học trò thân thiết, câu chuyện về tình cảm của thầy còn dài hơn. Là khi hoàn thành cuốn Tổng tập Trần Văn Giàu - tập 1, ông lau giọt nước mắt nhắc: “Hôm trước ông Sáu Dân có xin một cuốn. Nay ông mất rồi, phải mang một tập đến thắp hương cho ông”.
Là hôm rồi sinh nhật 95 tuổi của ông Nguyễn Văn Linh, ông dặn: “Mua 30 bông huệ thật to, thật thơm đến vái chín cái”. Và mới tháng trước, khi cuốn Hồ Chí Minh - vĩ đại một con người vừa xuất bản, ông ngồi dậy thay quần áo mới, ký tặng rồi cầm sách chụp một tấm ảnh thật đẹp, đưa cho tiến sĩ Xuân: “Nhân chuyến công tác, nhớ mang đến tặng bác Giáp”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chụp một tấm ảnh mới gửi tặng lại với lời nhắn: “Bác Văn vẫn khỏe, ăn được, ngủ được, đọc sách báo được”.
Hai người bạn đồng niên, đồng chí hướng ấy vẫn ngoéo tay nhau đi chung một con đường...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận