25/08/2010 06:42 GMT+7

Ta người Việt Nam

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Hồi ức về những ngày tháng 8 lịch sử của những người đã trực tiếp chuẩn bị, tham gia cùng nhân dân Sài Gòn - Gia Định xuống đường biểu tình giành chính quyền 65 năm trước (25-8-1945 - 25-8-2010).

8WdZgeTp.jpgPhóng to

Ông Chín Lộc kể: “Tối 24-8, đội của chúng tôi được giao chiếm giữ khu vực Vĩnh Hội...” - Ảnh: Tấn Đức

“Quê tôi ở Châu Ổ, Bình Sơn, Quảng Ngãi. Năm 1936 tôi 15 tuổi đã phải rời nhà, theo cha vào Sài Gòn tha phương cầu thực, trước khi đường sắt xuyên Việt thông qua được đèo Cả...”, câu chuyện của ông Chín Lộc (tức Nguyễn Lộc hay Lê Tấn Ích, ngụ P.Tân Hưng Thuận, Q.12, TP.HCM) bắt đầu như vậy và quay trở về những ngày tăm tối.

Tìm đường

Những ngày ấy, người dân VN đi từ vùng này sang vùng khác phải có giấy thông hành, có thẻ thuế thân và khi nào cũng lấm lét, run rẩy mỗi khi gặp một quan Tây, khi nào cũng có nguy cơ bị lăng nhục, bị đánh đập.

“Cha tôi đi làm thuê cho người Pháp, đang cong lưng đẩy xe, một tên quan ba đi qua bỗng đạp vào lưng ngã nhào xuống đất. Rồi bọn chúng luôn miệng chửi “cochons, salauds” (đồ con heo, nhơ bẩn - NV) mỗi khi gặp chúng tôi. Cảm giác mình không phải con người nữa. Cha con tôi bỏ việc chỗ này vẫn phải đi làm thuê chỗ khác...”.

Những năm tháng như vậy cứ kéo dài mãi ra, chàng thanh niên Lê Tấn Ích làm công nhân cho xưởng cưa gỗ giá tị ở bến Vân Đồn, ước mơ một ngày thoát khỏi cảnh khổ nhục.

“Đầu năm 1945, không khí chống Pháp rất sôi sục. Tôi được mấy anh bạn rủ gia nhập phong trào Nhật - Việt phòng vệ đoàn. Tôi tham gia, nghe hô hào chống Pháp, nghe giảng về khối Đại Đông Á, nhưng trong lòng vẫn mơ hồ...”.

Tháng 3-1945, Nhật đảo chính Pháp. Ngoài đường phố, thay cho những tên quan Tây nghênh ngang giờ là những tên hiến binh Nhật đeo gươm vênh váo. Lê Tấn Ích nghe trong lòng đổ vỡ, biết rằng những người Nhật cũng sẽ là một ách thực dân thứ hai mà thôi. Anh bỏ phong trào, bỏ cả công việc, chán nản, thất vọng...

“Một buổi chiểu, đang lang thang trên đường tôi gặp một anh lớn hơn tôi chừng chục tuổi, tự giới thiệu tên Văn. Anh ấy hỏi thăm hoàn cảnh, biết tôi là công nhân, anh mời tham gia tổ chức công đoàn, giải thích đó là nơi để công nhân đoàn kết lại, bảo vệ quyền lợi cho nhau...”. Ích nghi ngại vì đã đi sai đường một lần, nhưng rồi cũng đồng ý với điều kiện phải có thời gian để tìm hiểu, suy nghĩ. Ích rủ thêm mấy chục công nhân làm cùng hãng đến nhà anh Văn (Hoàng Đôn Văn, ủy trưởng lao động của Ủy ban hành chánh lâm thời Nam bộ) buổi tối để nghe nói chuyện. Mọi người đều háo hức và những tối tụ họp được tổ chức thường xuyên hơn. “Những buổi sau này còn có thêm anh Lý Chính Thắng đến huấn luyện. Đó là lần đầu tiên chúng tôi được nghe về giá trị thặng dư, về phương cách bóc lột của chủ tư bản, về lợi ích của công nhân, tác động của công đoàn. Chúng tôi biết mình đã đi đúng đường...”.

U84NrNAR.jpgPhóng to
Mittinh tại Sài Gòn ngày 25-8-1945 - Ảnh tư liệu

“...Ta cúi đầu dưới bóng người xưa...”

Sau đó nữa là những ngày lực lượng công đoàn gia nhập Thanh niên tiền phong. Ông Sáu Hoa (Phạm Văn Hoa, Q.Bình Thạnh) giải thích rất đơn giản việc ông gia nhập Thanh niên tiền phong khi đang là thợ xây ở Sài Gòn: “Mình là người Việt thì phải yêu nước mình, căm ghét những kẻ xa lạ xâm lược. Thấy một đoàn thể kêu gọi cứu nước, hi sinh cho Tổ quốc thì trúng ý mình quá, vậy là tham gia thôi”.

Ông Tư Cang (Nguyễn Văn Tàu, Q.Bình Thạnh) cũng cười khà: “Năm đó 17 tuổi, đang học ở Petrus Ký Sài Gòn thì trường đóng cửa vì chiến tranh. Về quê ở Bà Rịa, thấy thanh niên cả làng vác gậy tầm vông đi tập luyện rầm rập, thề bảo vệ Tổ quốc, thế là tui cũng sắm cho mình một chiếc gậy. Đi...”.

Ông Chín Lộc, ông Sáu Hoa vẫn còn nhớ rõ không khí hừng hực của lễ tuyên thệ Thanh niên tiền phong lần thứ nhất ngày 15-7-1945, khi hơn 30.000 thanh niên hàng ngũ chỉnh tề tập hợp ở vườn Ông Thượng (nay là công viên Tao Đàn, TP.HCM).

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đứng trên bục, hào sảng: “Anh em tráng sinh ta hãy nhớ những nhà chí sĩ cách mạng, từ Phạm Hồng Thái, Nguyễn Thái Học, Đoàn Trần Nghiệp, Lý Tự Trọng, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Huy Tập, những người đã cống hiến cho Tổ quốc một tinh thần cứng cỏi, đấu tranh. Ta cúi đầu dưới bóng người xưa mà nhận lãnh từ nay một sứ mạng chiến đấu để giải phóng dân tộc, chống lại hết thảy các đế quốc thực dân, kiến thiết nền độc lập của nước VN”.

Bài diễn văn kết thúc trong tiếng vỗ tay vang dội, nhịp đi nhanh mạnh của khúc Lên đàng. Và mọi người đã rõ, con đường của Thanh niên tiền phong chính là con đường cách mạng.

“Nào anh em ta cùng nhau xông pha...”

“Suốt mấy tháng, Thanh niên tiền phong, công đoàn đã canh gác, giữ trật tự ở các khu phố, xí nghiệp, cơ quan chính quyền. Tối 24-8, đội của chúng tôi được giao chiếm giữ khu vực Vĩnh Hội. Cả đoàn hăng hái đi, mang gậy, dao, mấy khẩu súng cướp được của Nhật, miệng hô vang: “Độc lập hay là chết”, rồi hát. Gần như không có phản ứng nào, chủ Tây đã bỏ trốn hết, tụi Nhật thì chán nản vì tin thua trận, đầu hàng, quản lý người Việt thì sẵn lòng giao nộp... Chúng tôi treo cờ đỏ sao vàng phất phới khắp nơi” - ông Chín Lộc kể.

Trong dòng hồi ức của mình, GS Trần Văn Giàu cũng nhớ rất rõ buổi tối hôm ấy: “Tôi và Huỳnh Văn Tiểng ngồi ở điểm chỉ huy số 6 Colombert (nay là Thái Văn Lung) nghe báo cáo từng phút: chiếm dinh khâm sai, giải thích cho quan khâm sai và đổng lý văn phòng nghe về ý nghĩa của cách mạng. Tin từ nhà dây thép: lấy như trở bàn tay, lệnh cho viên chức tiếp tục làm việc. Tin từ nhà đèn Chợ Quán: ta làm chủ một cách êm thấm, nhà đèn cứ phát điện. Kể cả sở mật thám, sở cảnh sát thành phố và các bót quan trọng, đài phát thanh, dinh đốc lý, trại lính bảo an, cứu hỏa... Kế hoạch là đến 0g thì xong mọi cuộc chiếm đóng, treo cờ, nhưng mới 22g đêm kế hoạch đã hoàn tất”.

Cờ đỏ sao vàng được treo lên khắp nơi, rợp trời. “Nhưng để khẳng định rõ ràng sức mạnh của nhân dân vẫn còn cần đến sáng 25-8 nữa” - GS Trần Văn Giàu hồi tưởng.

Ngay trong đêm 24-8, một lễ đài đã được dựng lên ở ngã tư đại lộ Charner - Bonard (nay là Nguyễn Huệ - Lê Lợi). “2g sáng, đội thanh niên Chợ Đệm chúng tôi đã lên đường, vừa đi vừa hát, quên cả đói” - ông Năm Muôn (Nguyễn Tấn Muôn, thị trấn Tân Túc, Bình Chánh) mỉm cười nhớ về một thời sôi nổi.

Và 5g sáng 25-8 năm ấy, Sài Gòn thức giấc với một biển người rầm rập bước và say sưa hát, cờ đỏ sao vàng, cờ búa liềm, cờ vàng sao đỏ phất phới trên tay, trên vai. Đủ các kiểu ăn mặc, đủ các loại vũ khí nhưng mọi người đều đi theo từng khối, từng địa phương, hàng ngũ chặt chẽ, chỉnh tề, theo đúng lộ trình điều khiển của ban tổ chức.

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đứng trên đài cao đọc danh sách Ủy ban hành chánh lâm thời Nam bộ gồm chín người để bà con thông qua. Tiếng vỗ tay vang rền như sấm công nhận từng người trong chính quyền mới.

Sau này ông Huỳnh Văn Tiểng viết: “Cái gì phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, được nhân dân tự giác, tự nguyện ra tay thực hiện thì sẽ thành sức mạnh ghê gớm, sức mạnh vô địch không gì lung lay được”.

“Thật là một cuộc đổi đời”, ông Chín Lộc trầm ngâm kết luận bằng cả sự trải nghiệm của cuộc đời gần 90 năm của mình. Nam bộ đã chỉ được tự do có 29 ngày ngắn ngủi, nhưng cuộc đổi đời đã đến với hàng triệu người chỉ sau một đêm.

Các ông Tư Cang, Năm Muôn, Sáu Hoa, Chín Lộc... và hàng triệu người khác đã đi thẳng vào hai cuộc chiến tranh khốc liệt kéo dài mấy chục năm sau, với lời thề nguyện đã được cất lên bằng giọng hát rực lửa và hồn nhiên của tuổi thanh niên ngày ấy: “Đoàn ta chen vai nề chi chông gai, lên đàng. Ta người Việt Nam...”.

Như sóng, như gió<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

Cuối tháng 3-1945, Ida, quyền Tổng trưởng Thanh niên – thể thao Đông Dương, ngỏ ý mời bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đứng ra lập một tổ chức thanh niên. Xứ ủy <?xml:namespace prefix = st1 ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:smarttags" />Nam kỳ xác định phải nắm lấy thời cơ này để có được một đội quân cách mạng chính trị đông đảo.

gM7QoFjw.jpgPhóng to
Các đội thanh niên tiền phong được thành lập ở khắp miền Nam từ 6-1945 - Ảnh tư liệu

Ngày 1-6-1945, tổ chức Thanh niên tiền phong ra đời. Hình thức: tráng sinh hướng đạo. trang phục: áo sơ mi trắng ngắn tay, quần soọc xanh, nón rộng vành. Trang bị: tầm vông vạt nhọn, dao găm, dây thừng. Cờ vàng sao đỏ. Đoàn ca: Lên đàng của Lưu Hữu Phước. Khẩu hiệu: Thanh niên, tiến! Cơ quan ngôn luận: báo Tiến ra hàng tuần. Trụ sở: số 14 đường Charner (nay là Nguyễn Huệ).

Sau 3 tháng hoạt động, Thanh niên tiền phong phát triển ra toàn Nam bộ với 1.200.000 đoàn viên. Riêng Sài Gòn có hơn 200.000 đoàn viên với 200 trụ sở đặt ở các đường phố, công xưởng, trường học và 120.000 đoàn viên công đoàn trong tổ chức Thanh niên tiền phong.

Trích Lịch sử Đảng bộ TP.HCM

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên