Kỳ 1: Giấc mộng cuộc đờiKỳ 2:Anh chỉ muốn có em!Kỳ 3: Hãy cẩn thận với những gì ta ước!Kỳ 4: Ba lần tự tửKỳ 5: Tấn trò đờiKỳ 6: Hành trình thành tỉ phúKỳ 7: Gặp lại “cụ già may mắn”Kỳ 8: Gã mồ côi thành tỉ phúKỳ 9:Đời và tiền
Giỏ tiền và hạnh phúc
Suốt năm năm chung sống hạnh phúc bên chiếc xe nước mía trên lề đường Kỳ Đồng, Q.3, anh Phạm Xuân Tòng và chị Liễu trải qua những ngày đói no có nhau. Hạnh phúc của họ càng ấm hơn khi cu Chiến chào đời. Những tháng đầu tiên đón thành viên mới, khó khăn trong gia đình họ tăng lên nhưng hạnh phúc cũng lớn hơn.
Bỗng một buổi sáng năm 2005, anh Tòng về nhà trên chiếc Future bóng loáng và ôm cả giỏ tiền to. Chị Liễu ngạc nhiên hỏi chồng, lúc này anh Tòng tiết lộ: vừa trúng sáu tờ vé loại 2.000 đồng xổ số Đồng Tháp được gần 300 triệu đồng. Vui quá, anh Tòng liền mang xe nước mía bao năm mưu sinh ra thanh lý, hứa sẽ lo cho mẹ con chị Liễu cuộc sống tốt hơn.
Có chút vốn liếng, anh Tòng mở cửa hàng mua bán xe máy cũ. Chị Liễu nhớ lại: “Buôn bán được vài tháng gì đó rồi anh Tòng theo bạn cờ bạc, nhậu nhẹt, có bồ nhí... bỏ mặc mẹ con tôi sống đói khổ ở nhà, lâu lâu ảnh về ném cho vài trăm ngàn đồng rồi biệt tăm.
Khi số tiền trúng số nướng sạch vào những trận đỏ đen, bao bồ nhí... ảnh quay lại đánh đập tôi, rồi bán nốt căn nhà ọp ẹp. Tôi và con qua quận 12 mướn nhà, ảnh tiếp tục đổ số tiền bán nhà vào những cuộc chơi không điểm dừng.
Năm trước, ảnh có ghé phòng trọ gặp mẹ con tôi, kể hiện giờ đang nợ nần chồng chất của bạn bè, họ săn lùng ảnh để chém giết, ảnh hối hận vì đã làm gia đình tan nát. Ảnh xin lỗi tôi, hôn con rồi lặng lẽ bỏ đi. “Nếu không trúng số, có lẽ anh Tòng vẫn là một người cha tốt, gia đình chúng tôi vẫn hạnh phúc trong sự nghèo”.
Qua cơn mê...
Buổi chiều 29 tết 2008 đã trở thành một kỷ niệm không thể nào quên với anh Nguyễn Văn Lục (Phù Cừ, Hưng Yên) khi hai tấm vé số độc đắc đã mở ra một trang mới cho cuộc đời chàng trai nghèo tha hương nơi đất Sài thành.
Sống nhờ bạn bè cưu mang, hai năm trời cày cục vẫn không đủ để anh Lục mua nổi chiếc xe máy. Anh mượn tạm chiếc xe Cub 78 của người bà con để chạy xe ôm. 25 tuổi, cày như trâu bò trên khắp các tuyến đường Sài Gòn vẫn sống lắt lay qua ngày. Cuối năm 2007, những con nợ tìm đến cha mẹ và các em nhỏ ở quê nhà mắng nhiếc, xiết nợ..., anh Lục gần như gục ngã vì bất lực.
Anh Lục kể: “Lúc đó tôi buồn lắm. Là cánh chim đầu đàn của gia đình nhưng không giúp được gì cho cha mẹ và các em. Bất chợt thằng bé bán vé số mời, nó còn bốn vé loại 5.000 đồng, tôi móc hết các túi trên người vét được 11.500 đồng lấy hai vé. Sau cuốc xe chở người khách đi Tân Bình về, tôi thấy bóng thằng bé từ xa reo to: “Anh trúng số rồi”.
Cầm số tiền trong mơ không thấy, anh Lục về quê thanh toán mọi nợ nần cho cha mẹ, mua nhiều quần áo mới cho các em và vật dụng trong gia đình. “Cho đến bây giờ đó là điều ý nghĩa nhất mà tôi làm được khi trúng số” - anh Lục bùi ngùi chia sẻ.
Với số tiền còn lại, anh Lục trở vào Sài Gòn, ngày nào cũng mua một xấp vé số gần 100.000 đồng với hi vọng trúng. Anh đã trả lại chiếc Cub và mua một chiếc Super Dream để đi lại.
“Sau nhiều cuộc nhậu, tôi và đám bạn xe ôm cũ lại rủ nhau đi karaoke, và tôi quen một cô gái xinh xắn làm tại đây. Cô tên Hoa, quê Vĩnh Long, tôi nhanh chóng đổ tiền vào những tour du lịch biển cùng Hoa. Thời điểm này cha mẹ và các em ở quê có điện thoại nhiều lần xin tiền, tôi hứa ậm ừ qua chuyện rồi thôi, sau vài lần tôi đổi số điện thoại, cắt liên lạc. Khi phát hiện Hoa không chỉ quen mình tôi, đau xót tôi nói lời chia tay” - anh Lục nhớ lại bước ngoặt quan trọng của cuộc đời mình.
Từ đây, gã trai chất phác có trái tim nồng hậu đã thay đổi. Đổ vỡ trong tình yêu, mất niềm tin tình người, anh Lục lao vào những cuộc vui để tìm quên. Khi trong túi chỉ còn 50 triệu đồng, anh vẫn tiếp tục quen với nhiều cô gái khác để trả thù đời. Sau nửa năm trúng số, chiếc xe máy mới coóng cũng bị anh đem bán để kiếm 12 triệu tiêu xài...
Rượu bia, những cơn vui thâu đêm về sáng làm sức khỏe anh suy giảm trầm trọng. Ngày anh phải nhập viện Bệnh viện 175 vì đau bao tử, trong túi chẳng còn một xu để trả viện phí... “Cơn mơ phù hoa đã qua, giờ đây tôi trở về với cuộc sống còn đắng chát hơn trước gấp trăm lần!”, anh chua chát nói về cảnh ngộ của mình lúc đó.
Anh Lục tâm sự: “Nhớ lại, trúng số độc đắc là một cơn ác mộng, mang đi của tôi gia đình, người thân... Và cái tôi tiếc nhất chính là sự chân quê của chàng trai nông thôn ngày nào không còn sau những cuộc chơi, nhậu nhẹt thâu đêm. Ngày đó nếu không trúng số, có lẽ cuộc sống của tôi vẫn gắn bó cùng chiếc Cub 78. Và sẽ còn yên bình đến ngày nay khi tôi vẫn có cả một gia đình ấm áp ở quê sẵn sàng chào đón”.
Một ngày đẹp trời tháng 6-2000, ông lão số đỏ Đỗ Văn Yên (phường Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội) đã đổi đời. Khi đó ông mua năm vé số kiến thiết miền Bắc và đã trúng độc đắc với trị giá giải thưởng 250 triệu đồng. Đó là lần đầu tiên ông trúng số với số tiền lớn như vậy. Cách giải quyết của ông đơn giản: “Tôi mua máy vi tính cho con và gửi tiết kiệm”. Đến năm 2003, bất ngờ ông Yên lại tiếp tục trúng số độc đắc bảy vé với số tiền 350 triệu đồng. Lần này ông quyết định gộp tất cả khoản tiền đang có để mua một căn nhà to hơn. Từ năm 2000 đến nay ông thỏa ước nguyện được đi du lịch khắp Việt Nam, cái ước nguyện mà thời chiến tranh cho tới tận hòa bình ông chưa hề thực hiện được. Ông cùng hội cựu chiến binh về thăm lại đồng đội đã hi sinh ở tỉnh Hải Dương, về lại chiến trường xưa, thăm những con người đã một thời vào sinh ra tử với mình. Đấy là lúc ông chia sẻ một ít tiền trúng số của mình để tặng các bà mẹ VN anh hùng, những người mẹ, vợ liệt sĩ và những đứa trẻ mang trong mình chất độc da cam... “Trúng số là mình được ban chút lộc của trời, phải chia sẻ một tí với người khác vậy!”. Ấy là tâm tình của người hai lần trúng số độc đắc này. |
__________________
Đón đọc số tới:
Phận “kiều nữ”
Dưới ánh đèn nhấp nháy quay cuồng và tiếng nhạc xập xình của quán bar, vũ trường... thân phận nào dành cho những cô gái làm nghề “chăm sóc khách hàng”? Những mối quan hệ “kiều nữ và đại gia” diễn ra như thế nào?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận