25/07/2010 06:05 GMT+7

Người "vác tù và" cho hậu thế

Nguyễn Đức Lộc
Nguyễn Đức Lộc

TT - Không phải để kinh doanh, giảng viên trẻ Nguyễn Đức Lộc đã cùng học trò lập dự án, lập website chỉ để là nơi tất cả cá nhân trong xã hội này có thể lên đó kể những ký ức từ trong lịch sử và cả những câu chuyện nhỏ nhặt của ngày hôm nay. Tất cả nhằm mục đích để nơi ấy sẽ trở thành kho tư liệu quý báu cho tương lai.

GqlGi7zp.jpgPhóng to
Nguyễn Đức Lộc - Ảnh: Trương Công Minh

Ý tưởng lập dự án Bảo tàng ký ức xã hội cùng với việc cho ra đời website: baotang.kyucxahoi.com của vị giảng viên sinh năm 1979 này phát khởi từ việc anh đọc được cuốn sách Việt Nam xứ sở của ký ức (tên bản in tiếng Anh: The country of memory, của tác giả Huệ - Tâm Hồ Tài).

Cuốn sách nói rất nhiều về hoàn cảnh lịch sử ở Việt Nam, một phần trong đó mang tính chuyên ngành dân tộc học mà anh đang giảng dạy. “Câu hỏi bật ra trong tâm trí tôi sau khi bỏ cuốn sách xuống là vì sao lịch sử Việt Nam được nhiều người thừa nhận quá hay, nhưng trên thực tế lớp trẻ chúng ta lại không thích học sử?”, anh nhớ lại.

Phận người làm nên lịch sử

Đi tìm lời giải đáp, trong quá trình giảng dạy, nghiên cứu tại khoa nhân học, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, anh đặc biệt chú ý đến phương pháp nghiên cứu lịch sử qua lời kể của các nhà sử học nước ngoài khi họ đến Việt Nam công tác.

Quá trình tìm hiểu giúp anh nhận thấy phương pháp này đã giúp những câu chuyện lịch sử của họ trở nên sinh động, lôi cuốn khi nó cho thấy được mối liên kết giữa những biến cố lịch sử của cả dân tộc với từng phận người. Tức là mỗi khi nhìn vào các sự kiện trong sách sử thì ai cũng sẽ cảm thấy có mình, giống mình, thậm chí là liên hệ trực tiếp đến mình.

"Tôi vẫn luôn ân hận sao lâu nay khi cha mình còn khỏe mạnh mình không lưu giữ hình ảnh, kỷ niệm của ông. Giờ mới thấy thời gian trôi đi quá nhanh, mất mát quá nhiều..."

Trong khi đó, người thầy trẻ nhận thấy tại các trường ĐH của Việt Nam chủ yếu dạy sinh viên hai phương pháp nghiên cứu lịch sử dựa trên phương pháp sử học và logic.

Theo anh, chính những phương pháp nghiên cứu lịch sử như thế của chúng ta đã khiến những sự kiện lịch sử, những biến cố cột mốc khi đi vào sách vở trở nên quá khô khan. Chẳng hạn khi viết về các cuộc chiến, những người làm sử chỉ cho thấy các số liệu màu hồng của chiến thắng. Họ quên rằng việc cho thấy những nỗi đau, mất mát của những phận người cụ thể sẽ có tác dụng tôn vinh giá trị của độc lập.

“Thiếu yếu tố con người, câu chuyện về những biến cố lịch sử mất đi sự sinh động, gần gũi” - anh nói.

Bên cạnh, anh còn kể những câu chuyện thực tế như gần đây ở Viện Khoa học xã hội Việt Nam, người ta đi sưu tầm sử thi Tây nguyên bằng cách ghi âm lời những già làng kể chuyện.

Phương pháp này phát huy hiệu quả khi nhóm nghiên cứu nhận thấy những người già chính là cả một kho tàng kiến thức vô cùng quý báu. Nhưng đáng tiếc là khi biên soạn lại thành những công trình nghiên cứu khoa học có giá trị, chúng chưa được phổ biến rộng rãi cho nhiều người cùng biết. Mà đáng ra, theo anh, những kiến thức như thế rất cần có một nơi chốn nào đấy để chia sẻ cho nhiều người cùng thưởng thức, bồi đắp.

Trong việc đi tìm nơi chốn ấy, anh nhận thấy hiện nay việc lập một website sẽ là phù hợp nhất. Bởi giới trẻ và cả cộng đồng đang sử dụng rộng rãi các trang mạng xã hội. Họ liên tục ghi chép mọi chuyện xảy ra trong cuộc sống nên mỗi một ngày trôi qua lại trở thành một dấu khắc lịch sử của riêng họ. Nhưng việc này chỉ là những ghi chép vụn những mẩu chuyện rời rạc, đôi khi không trong sáng và thiếu tính hệ thống...

Từ tất cả yếu tố đó, anh muốn làm người đứng giữa, kết nối được cách thức làm sử truyền thống và cách làm sử rời rạc kia lại thông qua hoạt động của website baotang.kyucxahoi.com, ra mắt ngày 8-5-2010.

“Rác” hôm nay, vốn quý ngày mai!

Khi chúng tôi đặt câu hỏi liệu đó có phải là việc làm thật sự cần thiết? Anh đăm chiêu một chút rồi trả lời bằng cách kể một câu chuyện trong lần đi nghiên cứu về những người Công giáo di cư năm 1954.

Câu chuyện là sau khi được người giảng viên trẻ này gặp và phỏng vấn, vài người trong số họ đã đề nghị được gặp anh và đặt vấn đề: “Ông chỉ tôi cách để tôi phỏng vấn mẹ tôi, gia đình tôi đi. Vì mẹ tôi giờ cũng đã già rồi nhưng con chúng tôi lại không biết, không có chút thông tin về bà của chúng”.

Từ những câu chuyện như vậy anh tin chắc việc mình tạo ra thứ công cụ là trang bảo tàng trực tuyến, kết hợp với việc hướng dẫn cách làm cụ thể thì ai cũng có thể chia sẻ những ký ức dễ dàng.

Anh là người chân tình nên thẳng thắn bộc bạch ý tưởng này cũng cần phải kiểm định qua thời gian. Hi vọng sẽ có người biết, hiểu và cùng làm công tác lưu trữ nhiều hơn.

Niềm hi vọng lớn lao của anh là sau này người ta sẽ không phải đọc nhiều những sách lịch sử như sách giáo khoa, mà hoàn toàn có thể đọc một cuốn sách giống như hồi ký kể về cuộc đời một ai đó. Đọc để chia sẻ với cá nhân đó, vừa là để tìm ra con đường nhanh nhất đến với lịch sử.

“Có thể những gì chúng ta đang lưu trữ lúc này chưa cho thấy những giá trị, chúng ngổn ngang như... rác. Nhưng biết đâu chỉ năm mười năm nữa tất cả chúng sẽ trở nên những tư liệu quý báu. Chúng sẽ hóa thành những lát cắt lịch sử, phản ánh được các sự kiện lịch sử của xã hội một cách chân thực nhất, không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố ngoài sự chân thật” - anh ví von.

Một ví dụ sinh động mà người thầy trẻ cùng sinh viên của mình trải qua là lần đi điền dã, nhóm đã chụp ảnh nhà rông Tây nguyên (tại Kon Tum) vào hôm trước thì vài hôm sau nhà gặp hỏa hoạn, bốc cháy. Những bức ảnh may mắn chụp được ấy khi đưa lên trang bảo tàng trực tuyến bỗng nhiên trở nên một hình ảnh của ký ức, có giá trị lịch sử dù sự kiện mới chỉ diễn ra không lâu.

Qua nhiều câu chuyện tương tự, anh càng minh chứng được rằng cái gì cũng hữu hạn, việc lưu giữ ký ức dù là nhỏ nhất, riêng tư nhất cũng đều góp phần tạo nên những nhân chứng lịch sử phong phú cho cộng đồng mai sau.

Trong khi đó, cách chia sẻ ký ức cho cộng đồng, theo anh mô tả thật ra khá đơn giản. Ví dụ, dân miền Tây hoàn toàn có thể đến và ghi âm những bài vọng cổ còn lưu truyền trong cộng đồng dân cư xung quanh mình.

Việc làm như thế là rất cần thiết, vì những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp hay những tri thức dân gian khi chỉ được lưu truyền bằng cách truyền miệng thì chúng rất dễ bị thời gian khiến có những sai biệt.

“Mà chỉ cần mỗi một người già trong cộng đồng mất đi là mang theo những kho tàng kiến thức nhân loại. Trong khi việc ghi âm lại lời nói của họ ngay khi họ còn sống là việc làm vô cùng đơn giản mà cực kỳ hiệu quả. Quan trọng là công việc này ai cũng có thể chung tay, góp sức” - giảng viên trẻ này lý luận dễ hiểu.

Sau này, theo tính toán của anh, khi đội ngũ cộng tác viên dày thêm thì hi vọng nhóm sẽ có được những hoạt động xã hội, tích cực góp phần giúp toàn xã hội lưu giữ những câu chuyện hay mà họ không có điều kiện hoặc kỹ năng.

“Tạo được thói quen lưu giữ như thế giúp các nhà sử học, nhân học, dân tộc học dễ dàng hơn trong hoạt động nghiên cứu của mình. Bên cạnh mỗi thành viên trong xã hội này cũng từ việc làm đó mà nhận thấy những giá trị tốt đẹp từ việc biết trân trọng, lưu giữ những câu chuyện, kỷ vật liên quan đến cuộc sống của chính mình. Nhất là trong xã hội bây giờ nhịp sống diễn ra quá nhanh khiến tâm hồn con người ngày càng trở nên vô cảm” - anh nói.

yoK3GkQz.jpgPhóng to

Bảo tàng Ký ức xã hội là một dự án phi lợi nhuận do nhóm nghiên cứu và bảo tồn ký ức xã hội, trực thuộc Câu lạc bộ các nhà khoa học trẻ của Thành đoàn TP.HCM, do giảng viên trẻ Nguyễn Đức Lộc làm chủ nhiệm thực hiện.

Đăng ký làm thành viên của website: baotang.kyucxahoi.com, bạn có thể chia sẻ với cộng đồng tất cả câu chuyện có ý nghĩa đã xảy ra đối với cá nhân mình, kèm theo là hình ảnh những kỷ vật gắn bó với câu chuyện đó.

Nội dung được khuyến khích là câu chuyện mang tính nhân văn, góp phần xây dựng, tôn vinh những lối sống, giá trị sống tốt đẹp cho toàn cộng đồng.

Nguyễn Đức Lộc
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên