10/07/2010 07:09 GMT+7

Một đời trong lòng dân

Đại tướng VÕ NGUYÊN GIÁP
Đại tướng VÕ NGUYÊN GIÁP

TT - “100 tuổi? Đã là kỷ niệm 100 năm ngày sinh luật sư Nguyễn Hữu Thọ rồi sao?” - nhiều người thốt lên ngạc nhiên khi được thông báo về ngày kỷ niệm 10-7.

bsvXlbl6.jpgPhóng to
Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải (thứ hai từ phải sang) cùng lãnh đạo các ban, ngành thành phố xem triển lãm ảnh “Luật sư, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ - một cuộc đời gắn bó với Đảng, với cách mạng, với nhân dân” - Ảnh: Thanh Đạm

Dù đã vắng bóng trên cõi đời mười mấy năm, dù đã lấy đi bao nhiêu nỗi xót xa, thương tiếc trong thời gian dài trên giường bệnh, nhưng luật sư Nguyễn Hữu Thọ vẫn sinh động trong trí nhớ những người may mắn biết ông với mái tóc đinh dựng thẳng độc đáo, nụ cười tươi, trí tuệ mẫn tiệp và sức thu hút đặc biệt với quần chúng.

Lần lượt nắm giữ những vị trí: chủ tịch Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam, quyền chủ tịch nước, chủ tịch Quốc hội, chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, những bài nói, bài phát biểu của ông thường kết thúc bằng câu “cảm ơn đồng bào, đồng chí” và đi đến đâu ông cũng nói “tôi biết ơn bà con”. “Biết ơn”, cụm từ thật đẹp trong đời một người lãnh đạo, một đời trong lòng dân.

Đường đi đến lòng dân

Những ngày này, gia đình ông đang chuẩn bị những thủ tục để ra mắt một thư viện pháp luật mang tên Nguyễn Hữu Thọ (hiện đang đặt tạm tại Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM) như di nguyện cuối đời của ông. Chị Nguyễn Thị Dung, con gái út, vừa kết thúc khóa học đào tạo luật sư để hoàn thiện công việc của mình, lặp đi lặp lại lời cha: “Ông bảo phải nâng cao hiểu biết về pháp luật của quần chúng, đồng thời phải nâng tầm của luật sư, có vậy quyền lợi của dân mới được đảm bảo, mới có được dân chủ”.

Những ngày là sinh viên may mắn được sống gần cha ở Hà Nội, khi ông làm quyền chủ tịch nước, chị Dung thường thấy ông thức đêm, trăn trở bên những chồng hồ sơ xin ân xá án tử hình. Chị thắc mắc sao tòa án đã có quyết định mà cha còn phải đọc kỹ lưỡng, ông từ tốn giải thích: mạng người là trọng, quyết một án tử hình, ngoài luật pháp còn phải xem xét thật kỹ các yếu tố khác, sai là không thể sửa chữa. Và ông cứ thở dài mãi khi gặp những trường hợp bị cáo phạm tội do thiếu hiểu biết về pháp luật.

“Ông không thích ai gọi ông là chủ tịch, trước sau ông vẫn là một luật sư. Ba lần bị tai biến mạch máu não, nằm xuống rồi lại gượng dậy, bệnh tái đi tái lại nhưng ông dặn lúc nào cũng phải đặt cặp tài liệu bên giường để “khi đi được thì ba đi họp Quốc hội”. Vậy mà có mấy lần rời khỏi giường bệnh là ông đi họp thật, cho đến ngày không đi được nữa...” - chị Dung rưng rưng nhớ về người cha kính yêu của mình.

Nhà báo Nguyễn Hữu Phước, con trai ông, nói: “Là con ông nhưng trong gia đình chúng tôi ít nói chuyện chính trị. Sau này đọc lại những bài viết của ông vẫn thấy ngồn ngộn sức sống, nóng bỏng tính thời sự, giúp tôi rất nhiều trong việc làm báo”.

Quả vậy, lật lại những bài viết của luật sư Nguyễn Hữu Thọ, tưởng như không có mấy mươi năm đã trôi qua. Nghe ông nhắc nhở thanh niên: “Lớp trẻ tự sửa soạn thế nào để đảm đương trọng trách với đất nước? Câu trả lời: quả bóng ở trong chân bạn trẻ. Than phiền về một chính sách, một chiến lược chưa hoàn chỉnh song bản lĩnh của lớp trẻ cần phơi bày”.

Ông đòi hỏi: “Quốc hội dứt khoát không thể là vật trang trí, là tổ chức hình thức. Các phiên Quốc hội họp không thể là dịp đại biểu tham luận, phát biểu cảm tưởng. Quốc hội phải tranh luận thẳng thắn và công khai mọi vấn đề”.

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng (nguyên phó chủ tịch Quốc hội, giám đốc Bệnh viện Từ Dũ) vẫn nhớ hoài sự trăn trở của luật sư Nguyễn Hữu Thọ lần đầu tiên ban hành Bộ luật hình sự năm 1985: “Ông già đã làm nhiều đại biểu Quốc hội như tôi thấm thía khi nhắc đi nhắc lại phải luôn nhớ đến nguyên tắc “suy đoán vô tội”. Ông già nói dân Việt Nam mình mấy chục triệu, chỉ chừng một, hai hay chục ngàn người phạm tội. Ban hành luật ra không phải để trừng phạt mà để bảo vệ dân...”.

Nghe ông phát biểu trong lễ kỷ niệm 65 năm thành lập Đảng: “Không có một quang vinh nào từ ban phát cả mà phải từ hành động hiện tại”. Nhận định ấy cũng làm bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng nhớ năm 1989 khi hàng loạt nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu tan rã, đã có những âu lo cho tương lai đất nước. Nhưng ông vẫn vững tin vì chính những “hành động hiện tại” mà Đảng đang làm. “Ông già nói lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo Đảng của mình mới ra khỏi chiến tranh ít lâu, còn vững vàng và gần dân lắm, các đồng chí cứ yên lòng” - bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng kể.

nb9ZFqP6.jpgPhóng to
Các đại biểu Quốc hội chúc mừng luật sư Nguyễn Hữu Thọ được bầu làm chủ tịch Quốc hội năm 1981 - Ảnh: TTXVN

"Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là một trí thức đầy tâm huyết đối với vận mệnh đất nước, với sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Mong muốn thiết tha của anh là xây dựng một chế độ tốt đẹp, một nhà nước mà quyền lực thật sự thuộc về nhân dân, mọi người đều làm việc theo pháp luật và hiến pháp"

“Trả ơn bà con”

Luật sư Trần Ngọc Liễng, người học trò và là bè bạn thân thiết của luật sư Nguyễn Hữu Thọ, đánh giá: “Đường sự nghiệp của luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã có một khởi đầu hoàn toàn khác. Sang Pháp học từ năm 11 tuổi, tốt nghiệp luật sư ở tuổi 22, về nước mở văn phòng, cưới vợ mang quốc tịch Pháp..., con đường đi thẳng đến một cuộc sống sang giàu. Nhưng những ngày ấy trong lòng ông vẫn “canh cánh, băn khoăn, căm giận một nỗi đau mất nước, bị ngoại bang đô hộ” như ông thổ lộ sau này”.

Cách mạng Tháng Tám thành công, Sài Gòn được hưởng độc lập 29 ngày ngắn ngủi. 29 ngày ấy, luật sư Nguyễn Hữu Thọ biết có một nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời và tồn tại độc lập. Kể từ đó trong danh sách thân chủ của luật sư có tên những người kháng chiến. Trí lực, trái tim của luật sư Nguyễn Hữu Thọ ngày ấy đã cứu được những tên tuổi lớn của cách mạng Việt Nam sau này như Hoàng Xuân Bình, Nguyễn Châu Sa (Nguyễn Thị Bình), Lý Hải Châu.

Luật sư Trần Ngọc Liễng nói những ngày tháng được tập sự tại văn phòng của luật sư Nguyễn Hữu Thọ và được là người biện hộ (bảo vệ pháp lý) khi luật sư Nguyễn Hữu Thọ bị giam cầm tại Củng Sơn (Phú Yên) là lúc ông học được nhiều hơn bất cứ trường lớp nào đã dạy.

“Anh nói mình làm luật sư là để bảo vệ dân, bảo vệ nước, chớ có ham nhận nhiều tiền biện hộ. Năm 1969, từ căn cứ anh gửi bức thư cho tôi nhờ bác sĩ Dương Quang Trung đưa về, ngợi khen việc tôi thành lập lực lượng Quốc gia tiến bộ. Tôi không vô căn cứ với anh Thọ nhưng tư tưởng cách mạng vẫn được thấm nhuần từ anh, từ những bài học và lời ngợi khen ấy” - người bạn già của luật sư Nguyễn Hữu Thọ nhớ lại.

Đến hôm nay, bà Đỗ Duy Liên, nguyên phó chủ tịch UBND TP.HCM, vẫn còn nguyên nỗi xúc động của tuổi 20: “Anh không những đã tự nguyện làm mọi cách để tôi được trắng án mà còn không ngần ngại lấy xe riêng giúp tôi vượt ngục”.

Báo chí năm 1948 tường thuật lại lời ông hùng hồn trước tòa: “Người Việt dầu hấp thu tư tưởng Pháp cũng vẫn là người Việt. Thân chủ của chúng tôi kháng chiến vì tin rằng đó là bổn phận của người Việt, không thể buộc tội...”. Tên của luật sư Nguyễn Hữu Thọ xuất hiện trong những bản tuyên ngôn phản đối chính sách chia rẽ dân tộc của thực dân Pháp, thành lập nước Nam kỳ tự trị, yêu cầu tuân thủ hiệp định sơ bộ, ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh...

Trang nhất báo Sài Gòn Mới, Tín Điện, Thần Chung xuất bản ở Sài Gòn những năm 1950 thường xuyên xuất hiện tên của luật sư Nguyễn Hữu Thọ trên những hàng tít lớn nhất. Ông đại diện phái đoàn đại biểu các giới đọc diễn văn trong đám tang Trần Văn Ơn lịch sử, ông dẫn đầu cuộc biểu tình đầu tiên giữa Sài Gòn chống Mỹ can thiệp quân sự vào Việt Nam ngày 19-3-1950, ông hiệu triệu đồng bào đoàn kết giúp đỡ các nạn nhân hỏa hoạn, ông thành lập Phong trào bảo vệ hòa bình...

Và tất yếu, ông trở thành mục tiêu đe dọa, đàn áp của nhà cầm quyền. Hết bắt giữ tới an trí, lưu đày, hết Mường Tè (Lai Châu) xuống Hải Phòng, tới Củng Sơn (Phú Yên)...

Đến tận những năm cuối đời ông vẫn còn nhắc đến người đạp xích lô chở ông đi đám tang trò Ơn không lấy tiền, ông trưởng bản Giẳng ở Mường Tè và những vắt cơm trong giá rét, anh y sĩ ở Củng Sơn với chai mật ong và bài thuốc cứu ông khỏi cơn bệnh thập tử nhất sinh, những người dân thị xã Tuy Hòa đã hết lòng giúp ông thoát khỏi vòng giam giữ để thoát ly...

Sức khỏe đã suy yếu, ông vẫn cố gắng lặn lội vượt núi vượt đèo đến thăm từng nơi ở xưa, tìm gặp từng người cũ. Báo Phú Yên, báo Lai Châu tường thuật lại sau giây phút vui mừng, mọi người cảm động nói lời cảm ơn ông Chủ tịch vì những chính sách giúp đỡ địa phương, ông rưng rưng: “Bà con ơn tôi một, tôi ơn bà con mười”. Và mọi việc ông làm suốt đời dường như chính là để trả cái ơn ấy.

Khai mạc triển lãm kỷ niệm 100 năm ngày sinh luật sư Nguyễn Hữu Thọ

Chiều 9-7, đoàn lãnh đạo TP.HCM do ông Lê Thanh Hải - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy TP - dẫn đầu đã đến thăm triển lãm “Luật sư, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ - một cuộc đời gắn bó với Đảng, với cách mạng, với nhân dân”.

Triển lãm được khai mạc sáng cùng ngày (kéo dài đến 14-7 tại Nhà văn hóa Thanh niên TP, 4 Phạm Ngọc Thạch, Q.1) nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố luật sư, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ, do Ban tổ chức các ngày lễ lớn TP tổ chức.

Theo ban tổ chức, triển lãm là một trong những sự kiện chính trị, văn hóa nhằm tưởng nhớ và tôn vinh những đóng góp của cố luật sư, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ.

Nội dung triển lãm gồm hai phần: Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - những năm tháng tuổi trẻ; Luật sư, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ - một trí thức, nhà yêu nước, nhà cách mạng, người chiến sĩ cộng sản kiên định.

Đại tướng VÕ NGUYÊN GIÁP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên