09/07/2010 06:22 GMT+7

Thầy thuốc chốn núi đồi - Kỳ 3: Nỗi niềm Ka Lăng

ĐÌNH DÂN - PHI LONG
ĐÌNH DÂN - PHI LONG

TT - Cả Trạm y tế xã Ka Lăng (Mường Tè, Lai Châu) thở phào nhẹ nhõm khi cứu sống được hai bệnh nhân bị tiêu chảy cấp mà gia đình đã chuẩn bị lo hậu sự. Nhưng chỉ sau đó vài ngày, cả trạm xá chạy đôn chạy đáo khắp nơi để vay 2 triệu đồng đưa một em học sinh lên tuyến huyện chữa trị. Tiền có đủ thì em đã ra đi.

NFc9LWXX.jpgPhóng to
R5v5RHV7.jpg
Để trẻ con quen được với ống tai nghe (ảnh trên) và để người già quen được với mũi kim tiêm (ảnh dưới) như thế này là một cố gắng bền bỉ của y sĩ Chu Lù Hà - Ảnh: Đ.Dân

Chuyện buồn ở Ka Lăng

Ka Lăng là xã biên giới nằm ở phía tây Mường Tè - huyện nghèo và xa nhất của tỉnh Lai Châu. Từ trung tâm huyện để vào xã chỉ có thể di chuyển bằng xe ôm với những con dốc cao, những khúc cua tử thần. Cách đây hơn năm năm, con đường còn chưa có và phương tiện di chuyển duy nhất là dùng đò ngược dòng sông Đà với mỗi năm vài cái chết vì lật đò.

Buổi chiều một ngày giữa tháng 4-2008, Pờ Go Phạ, học sinh lớp 6 Trường THCS Ka Lăng, đổ bệnh khi vừa từ trường học về nhà. Một ngày sau, khi mọi loại lá rừng không cầm được sốt, Phạ được cả nhà chuyển đến trạm xá xã. Bệnh có chiều hướng nặng hơn.

“Cái nhà đó làm gì có tiền. Làm nương, làm rẫy cũng chỉ đủ no vào mùa thu hoạch. Những tháng khác mưa dầm chỉ còn biết chạy sang hàng xóm mượn ăn từng bữa. Đâu chỉ có nhà nó, cả bản Mé Gióng cũng đều nghèo khổ như nhau” - y sĩ Chu Lù Hà trần tình.

Đó là lý do khiến con số 2 triệu đồng cần cho một chuyến chuyển viện lên tuyến huyện trở thành tin tức “nóng”. Cả bản bàn tán xôn xao. Số tiền ấy là tài sản lớn đối với người dân nơi đây.

Cơn mưa rả rích mấy ngày sau đó khiến căn nhà của em Phạ trở nên ảm đạm hơn, ông Pờ A Tí cứ đi ra đi vào. Chốc chốc trong ông lại lóe lên tia hi vọng khi có người trong bản mang đến nhà, người thì vài chục, người cố lắm được trăm nghìn. Còn chính y sĩ Hà lại thoăn thoắt khắp các ngôi nhà trong bản, đi tận mấy ngôi nhà xa tít trên sườn núi để vay tiền giùm. Mấy y sĩ trong trạm y tế cũng thay phiên trực rồi chia nhau xuống bản khác để vay tiền.

Bà con mình hiền lắm, có là cho mượn liền nhưng ai cũng nghèo nên đành chịu. Cả tuần sau mọi người mới huy động đủ số tiền, xe cũng đã thuê từ huyện vào chuẩn bị buổi sáng đưa em lên huyện. Tiếng thở phào nhẹ nhõm, đêm lặng lẽ chờ đợi, chỉ còn lại nhịp tim yếu ớt của Phạ.

Trời hửng sáng, khi mọi người chuẩn bị chuyến xe hi vọng chở Phạ lên huyện thì... em đã qua đời.

“Tôi không thể nào quên được hình ảnh của em. Chúng tôi không thể nào quên được ca bệnh của thằng Phạ. Nó đã bị con bệnh cướp đi trước mắt chúng tôi - những y sĩ của bản” - ông Hà nói với giọng day dứt.

Họ cũng đau lòng khi bất lực giữa chốn núi rừng này. Mọi thứ luôn trong tình trạng thiếu. Thuốc men có năm ba hôm lại hết, nước biển cũng chỉ cung cấp cho vài ca bệnh nặng rồi lại chờ chi viện tiếp. Còn khám bệnh, kinh nghiệm luôn được vận dụng hết cỡ vì trạm cũng chỉ có những dụng cụ đơn giản nhất như tai nghe, muốn biết huyết áp cao thấp đành bấm tay chứ không có máy đo.

Vượt khỏi rừng ma

“Chúng mày đừng có cúng con ma nữa, đến trạm xá mà chữa bệnh thôi. Không là chết đó” - y tá bản Mạ Lù Cà đến từng nhà hai bệnh nhân Lỳ Hà Xó và Chu Vờ Tá để khuyên gia đình họ chuyển con lên trạm xá để chữa trị. Mặc!

Hai gia đình đuổi Mạ Lù Cà đi và tiếp tục giết gà, mổ lợn cúng bái linh đình. “Tao lo cái bụng quá! Hai thằng nó yếu lắm rồi mà người nhà không cho khám” - Mạ Lù Cà tức tốc chạy qua khỏi khu rừng ma của làng, hướng về trạm xá kêu cứu.

Ngay lập tức trạm trưởng Chu Lù Hà và Lỳ Xì Mé theo Mạ Lù Cà ngược vào khu rừng ma đi vào bản Mé Gióng, nơi hai thanh niên đang thoi thóp với bệnh tật và hủ tục.

“Cán bộ tới, cán bộ tới!” - người nhà của Lỳ Hà Xó nhốn nháo cả lên. Thầy mo vẫn không ngừng cúng bái. Khói nhang nghi ngút. Trạm trưởng Chu Lù Hà hét toáng lên khi thấy bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch. Chu Vờ Tá mới 24 tuổi, anh bị tiêu chảy đến thổ huyết. Anh bị cách đây gần 10 ngày nên hai bắp chân phù nề và phần dưới người bắt đầu lở loét.

“Chúng tôi cũng không thể nghĩ khác được, chỉ biết lúc đó mệnh lệnh của thầy thuốc là phải cứu người bằng mọi giá. Chúng tôi đã làm hết sức để Xó thoát khỏi tay thần chết trong gang tấc” - anh Hà kể.

Thế là mặc ai cúng bái, các thầy thuốc thôn bản vẫn đốt sáng đèn cứu chữa hai bệnh nhân. Mạ Lù Cà đứng ngồi không yên, cái bụng nóng như lửa đốt. Hết tiếp nước rồi chế thuốc men, sau vài ngày nỗ lực cứu chữa cả hai bệnh nhân đều nhanh chóng hồi phục.

Người nhà của Lỳ Hà Xó và Chu Vờ Tá ngừng công việc chuẩn bị hậu sự, họ nắm tay y tá bản mừng phát khóc...

Mạng người đã được hồi sinh, từ đó dân làng bản Mé Gióng không còn mê tín như xưa nữa. Mỗi khi ốm đau họ biết gọi Mạ Lù Cà đến, biết vượt qua rừng ma của làng để đến trạm xá khám bệnh.

Riêng Chu Vờ Tá, từ khi được cứu sống thì những y tá bản thành người thân của anh và gia đình. Ông Chu Cá Chừ, bố Chu Vờ Tá, nói: “Thằng con tao không có y tá cấp cứu thì không còn sống nữa rồi. Tao cảm ơn y tá, cảm ơn Mạ Lù Cà nhiều lắm”.

Giờ đây Chu Vờ Tá đang đi học trung cấp chính trị ở tỉnh để về làm cán bộ xã. Hai gia đình đã trở thành thông gia. Con trai của Chu Cá Chừ kết duyên với con gái của y tá bản Mạ Lù Cà. Vậy là một bệnh nhân đã trở thành con rể của y sĩ bản rồi!

__________________

Có những người đã 30 năm quên tuổi xuân của mình để đến với bản làng và con người. Ngọn lửa cứu người do họ nhen nhóm đã truyền sang những thầy thuốc trẻ khác...

Kỳ tới: Về với núi rừng

ĐÌNH DÂN - PHI LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên