07/07/2010 04:53 GMT+7

Thầy thuốc chốn núi đồi

ĐÌNH DÂN - PHI LONG
ĐÌNH DÂN - PHI LONG

TT - Trên những rẻo cao Tây Bắc, họ cống hiến cho nghề nghiệp bằng cách chọn bản làng ngàn trùng xa, chọn những vùng đất còn khó khăn lạc hậu... Nhiều người đã hi sinh cả tuổi thanh xuân của đời mình...

Kỳ 1: Vượt mặt tử thần

Kể rằng mọi chuyện bắt đầu từ hai cái chết đột ngột vì sốt rét của hai người anh trai mà Hạng A Hồ quyết định từ bỏ công việc ở xã để theo học y sĩ. Anh trở thành y sĩ duy nhất của Sìn Hồ có thể trao đổi trực tiếp với bà con người Mông mà không cần phiên dịch. Xã Pu Sam Cáp nơi anh làm việc được người dân gọi là “ốc đảo“ vì mỗi năm bị cô lập sáu tháng với thế giới bên ngoài do mưa lũ...

jHvq5ZR4.jpgPhóng to

Y sĩ Hạng A Hồ trong một chuyến khám bệnh cho người dân ở bản Tìa Tê (xã Pu Sam Cáp) - Ảnh: Phi Long

U9IR10hY.jpgPhóng to

48 giờ thách thức

Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến hết năm 2008 cả nước có 98.968 nhân viên y tế thôn bản, chiếm 81,28% số thôn bản có nhân viên y tế. Tỉ lệ cán bộ y tế có trình độ đại học ở các xã đặc biệt khó khăn mới đạt 8,5%, trong đó Tây Bắc chỉ đạt 3,1%. Tỉ lệ xã có bác sĩ ở vùng đặc biệt khó khăn chỉ đạt 37,2% so với bình quân cả nước và thấp nhất vẫn là ở Tây Bắc (13,7%).

6 giờ chiều một ngày đầu tháng 10-2009, bữa cơm tối chỉ vẻn vẹn vài con khô mực đã lấm tấm đốm trắng cùng mớ rau mồng tơi mới hái ngoài vườn được dọn ra. Mọi người chưa ăn vội vì còn chờ anh Hạng A Hồ, trạm trưởng Trạm y tế Pu Sam Cáp, đi công tác trên huyện về cho ấm cúng. Bữa cơm đạm bạc đang rôm rả thì nhận được tin báo của người dân ở bản Hồ Sì Phán 1: “Có một sản phụ đẻ con so đang trong cơn nguy kịch”.

Thả chén cơm xuống nền đất, với tay lấy vội ống đo tim thai, thuốc trợ tim, trợ sức... Hạng A Hồ quay ngoắt lên đường khi trời đã sụp tối.

Năm giờ băng rừng, đá tai mèo cứa hàng chục vết trên đôi chân, Hạng A Hồ vẫn tiến về phía trước. Khi đến nhà bệnh nhân, phụ sản Hào Thị Si đang ngất lên ngất xuống. Mặc đôi chân rướm máu, anh lao vào cứu sản phụ đang nguy cấp. “Tôi khám, sơ cứu và cho sản phụ uống thuốc trợ sức, nhưng với kinh nghiệm hàng chục năm trong nghề tôi lo lắng chị Si khó qua khỏi”, anh kể. Chồng chị Si, anh Chăn Tỉ, ôm vợ van xin trong nước mắt: “Bác sĩ cố cứu lấy vợ con tao, cố cứu lấy nó bác sĩ. Tao mang ơn bác sĩ suốt đời!”.

Sức khỏe sản phụ càng lúc càng yếu. Trong đầu anh Hồ đã nghĩ đến viễn cảnh bất lực nhìn cái chết của hai mẹ con. “Mình làm nghề này là cứu người, giúp người dân tin vào khoa học, tin vào thầy thuốc. Mình sẽ không bỏ cuộc!”, anh nghĩ trong đầu.

Đã có lúc anh nghĩ đến chuyện chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, nhưng khi mường tượng cảnh những rặng đá tai mèo lởm chởm hai bên đường và sức khỏe của chị Hào Thị Si như ngọn đèn leo lét khiến anh chùn lại. Anh tiếp tục túc trực bên bệnh nhân với cái bụng đói meo. Mãi đến đầu giờ chiều ngày hôm sau, tiếng khóc của đứa trẻ vừa chào đời mới xua tan không khí ảm đạm bao trùm. Chính lúc đó anh ngất đi và trở thành bệnh nhân cần được chăm sóc. Anh tiếp tục ở lại bản đến ngày hôm sau mới lần về trạm xá.

Cuộc chiến với lá ngón

Trạm y tế ở Pu Sam Cáp nằm chính giữa xã trên một quả đồi bằng phẳng, còn các bản lại nằm rải rác trên lưng chừng các ngọn núi cao, nên ngoài các chuyến đi khám bệnh tận nhà, chuyện đi cấp cứu vài giờ, ở lại ít ngày cũng không quá lạ lẫm ở nơi đây. “Mỗi bản nằm ở một quả đồi - anh Hồ vừa nói vừa đưa tay chỉ cho chúng tôi - gần thì vài giờ, xa thì cả buổi nhưng nếu trời mưa có khi cả ngày chưa đến, mỗi chuyến đi chúng tôi phải mang theo cơm đùm cơm nắm ăn dọc đường”.

Sau khi trải qua một chuyến xe trần ai từ thị xã Lai Châu đi Pa Há (huyện Sìn Hồ), chúng tôi mon men tìm xe ôm vào xã Pu Sam Cáp nhưng ai cũng lắc đầu: “Đi vào đó làm gì, chẳng khác nào đi lên trời đâu”. Cuối cùng một anh xe ôm tốt bụng cũng đồng ý chở với giá 150.000đ cho quãng đường chỉ 14km và không quên hướng tay chỉ đích đến: “Chỗ đỉnh đồi kia kìa, cỡ ba giờ nữa mình sẽ đến”. Anh Hạng A Hồ đón chúng tôi ngoài cổng, tay cầm tờ giấy nhỏ đang ghi vội điều gì đấy. Hỏi ra mới biết chỉ cách đây vài ngày một người nữa đã nộp mạng cho lá ngón.

Trong đống hồ sơ công việc, có một tờ giấy anh Hồ luôn đau đáu giữ cẩn thận xem như báu vật của mình. Tờ giấy ấy ghi chép lại những trường hợp tự tử vì lá ngón kể từ khi anh lên nhận nhiệm vụ ở trạm Pu Sam Cáp.

“Đó là những cái chết thương tâm trong sự bất lực của gia đình và của cả những người làm nghề cứu người như chúng tôi. Một bí thư đảng ủy xã tên Chang A Sở ở bản Nậm Béo, chết ngày 9-4-2006; một phó chủ tịch xã tên Hầu A Phá ở bản Hồ Sì Phán 1 chết vào tháng 4-2003 vừa tròn 30 tuổi”, anh nói theo trí nhớ. Cứ có thông tin báo, cán bộ trạm y tế lại tức tốc cử người đến, gần thì vài ba giờ, xa có khi cả nửa ngày đường. Đến rồi lại về vì phần lớn đã mất trước khi cán bộ y tế có mặt, nhưng cũng có lần sự sống đã được các anh níu kéo lại được.

Buồn đời, thất tình... hoặc không muốn sống nữa, người dân lại tìm đến lá ngón để tự tử. Cho đến bây giờ anh Hồ nói cả trạm đang phải chiến đấu với hiện tượng tự tử bằng lá ngón vì năm nào cũng có ít nhất vài vụ.

Anh Triệu Quý Hòa, y sĩ của trạm, nói cả trạm đau đáu trước cái chết của một giáo viên từ TP Điện Biên lên đây dạy học và tự tử bằng lá ngón. Biết tin, trạm tức tốc cử cán bộ y tế lên cấp cứu nhưng vì đường xa nên đến nơi cô đã tắt thở. “Đó là chuyện xảy ra cách đây bốn năm và những năm gần đây mỗi năm trạm lại cứu sống vài trường hợp tự tử vì lá ngón. Mỗi bệnh nhân sống lại lại tiếp thêm động lực cho chúng tôi với cuộc chiến lá ngón”, anh Hòa nói.

Anh Hồ, anh Hòa đang cùng chính quyền xã phát động một đợt triệt phá cây lá ngón ở ven sườn đồi, gần khu dân cư với hi vọng tránh bớt những cái chết không đáng có. Anh Hồ khoe: “Vài năm gần đây số vụ tự tử đã giảm nhiều trong khi số trường hợp cứu sống lại tăng lên. Tuy nhiên, còn lá ngón, còn tự tử là cuộc chiến của chúng tôi vẫn còn...”.

_____________________

Trạm y tế được lập nhưng đồng bào Thái vẫn dùng tục “đẻ kéo dây” tại nhà. Những thầy thuốc vùng cao phải nghĩ cách đỡ đẻ trên cái thế “kéo dây” ấy...

Kỳ tới: “Đội đỡ đẻ lưu động”

ĐÌNH DÂN - PHI LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên