30/06/2010 06:56 GMT+7

"Anh Mười Cúc trong tim tôi"

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Những ngày này, căn nhà yên tĩnh 97 Trần Quốc Toản, Q.3, TP.HCM đầy hoa, những giỏ hoa chúc mừng sinh nhật được bày trước bàn thờ có rất nhiều ảnh ghi lại nụ cười hồn hậu và ánh mắt sáng trong, cương nghị của người đã ba lần giữ chức bí thư Thành ủy TP.HCM: Nguyễn Văn Linh.

Sinh nhật lần thứ 95 của ông được gia đình, đồng đội, bạn bè chu đáo tổ chức dù ông đi xa đã 12 năm. Bà Ngô Thị Huệ, người vợ yêu dấu của ông năm nay đã 90 tuổi, vẫn hồng hào, khỏe mạnh, vẫn lấp kín thời gian biểu hằng ngày bằng lịch công tác cho Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo và vẫn miên man những câu chuyện... Những câu chuyện về dượng Bảy, về anh Mười Cúc thân thương và kính trọng của cả đời bà.

Kỷ niệm ngọt ngào

Lúc nào cũng thế, bà cũng kể lại câu chuyện cô Bảy và anh Mười gặp nhau trong những ngày bão táp cách mạng khi cả hai vừa ra khỏi nhà tù, thương nhau vì cùng chung lý tưởng “tìm lại công bằng, hạnh phúc cho nhân dân” và đám cưới đơn sơ trong kháng chiến với món quà 100 trái gòn khô của người bạn thân thiết Lê Văn Sỹ. Gần nhau được ba ngày, chưa kịp đập gòn ra nhồi đôi gối thì cả hai lại chia tay lên đường làm nhiệm vụ, bắt đầu cho những cuộc chia tay dày đặc, liên miên trong cuộc đời ông bà.

Cuộc sống vợ chồng gắn liền với lịch sử đất nước, gắn liền với những nguy hiểm, khó khăn và xa cách nhưng anh Mười Cúc vẫn kịp ghi lại những kỷ niệm ngọt ngào như món khoai tây nghiền trộn trứng gà khi vợ sinh con, tấm áo ấm khi mấy mẹ con lên đường ra Bắc, những lá thư động viên đúng lúc... Tất cả đã trở thành động lực để cả gia đình vượt qua những thử thách có lúc vô cùng nghiệt ngã của cuộc đời.

"Mục đích cuối cùng của cách mạng là công bằng, là dân giàu, nước mạnh, là hạnh phúc cho mỗi người"

Cố Tổng bí thưNguyễn Văn Linh

Và còn lại là những câu chuyện vui. Như khi cả gia đình ông bí thư thành ủy cùng cả nước vượt khó bằng phong trào nuôi chim cút, sân nhà đầy những dãy chuồng cút của vợ chồng chị Hòa, chị Bình, chuồng heo của mấy anh bảo vệ. Như khi ông đã ra Hà Nội nhận chức tổng bí thư, bà ở nhà bận rộn với trách nhiệm xây dựng nhà bảo tàng phụ nữ Nam bộ và... một con heo. Ông về nhà bất ngờ, hỏi: “Mẹ đâu?”, con gái trả lời: “Mẹ ở dưới chuồng heo”. Ông xuống và bật cười trước cảnh bà tổng bí thư đang loay hoay cạo gió, tìm cách cứu con heo bị bệnh. Nửa đêm, bà bật dậy chạy đi, ông nắm lưng áo kéo lại: “Chứ dậy chi sớm vậy?”, bà lật đật: “Nằm mơ thấy con heo chết”, ông lại bật cười...

Những năm tháng cuối cùng, gia đình được sum họp thì ông đau bệnh luôn, những căn bệnh tích tụ từ những năm tháng tù đày, gian khổ. Ông cứ áy náy: “Lúc khỏe thì xa vợ con, nay được gần gụi lại đau yếu” nhưng với bà đó vẫn là những năm tháng hạnh phúc nhất. Bà kể một bữa đang bận việc ngoài sân thì điện thoại reo, ông Sáu Tường (tức Nguyễn Vĩnh Nghiệp, nguyên chủ tịch UBND TP.HCM, nguyên chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo) gọi đến nhắn: chiều đi dự buổi bán đấu giá bức tranh bà được tặng để gây quỹ cho hội. Ông ở nhà trong nhắc máy, cằn nhằn: “Tôi đang bệnh đó nghe, ông cứ rủ bả đi hoài thì chết với tôi”.

Nói vậy rồi đến chiều ông lại mặc quần áo cùng bà đến ký tên vào bức tranh, ngồi đến phút cuối cùng khi bức tranh được bán với giá hơn 1 tỉ đồng. Ra về ông vui lắm, vì như thế là có thêm hàng trăm người nghèo được mổ mắt, thoát khỏi cảnh mù lòa.

Dấn bước trong khúc quanh

Đến hôm nay thì ai cũng biết Nguyễn Văn Linh là một trong những người cầm cờ đổi mới, riêng bà Bảy Huệ còn biết những tư tưởng được cho là đổi mới của ông đã được gieo mầm từ rất lâu, từ khi cậu bé Mười Cúc căm phẫn chứng kiến cảnh những người thợ ở cảng Hải Phòng bị ngược đãi trên đường đi học, từ trong những bài học về chủ nghĩa Mác mà Mười Cúc đã được học một cách căn bản, hệ thống trong nhà tù Côn Đảo và quá trình tự học sau này. “Và ông trung thành với những gì mình tin là đúng dù trong hoàn cảnh nào” - bà Bảy Huệ nhắc lại.

Chính vì thế, khi được gọi ra Việt Bắc học tập, được phân công tham gia phong trào cải cách ruộng đất, khi tổng kết ông Mười Cúc không tìm ra địa chủ. Ông giải thích: “Những người tôi thấy bị quy là địa chủ ở đây chưa bằng người trung nông trong Nam”. Rồi sau 30-4-1975, được phân công làm cải tạo công thương nghiệp, ông chủ trương không thể tiến hành cải tạo đại trà như quan điểm bấy giờ vì như thế là phá vỡ nền sản xuất, triệt tiêu kinh tế. Ông thiết tha trình bày những thấu hiểu của mình sau bao năm lăn lộn trên mảnh đất miền Nam, về tấm lòng của những người dân miền Nam đối với đất nước.

Mấy chục năm lùi xa, lịch sử đã chứng minh nhiều quan điểm của ông là đúng, “nhưng không phải lúc nào cái đúng cũng được nhận ra đúng lúc”. Có lúc ông được phân công công tác không hợp chuyên môn, sở trường nhưng rồi ông vẫn cười tươi “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành”, vẫn chủ trương đổi mới cả trong công việc mới ở Tổng Công đoàn VN.

Rồi ông lại được quay về với mảnh đất gắn bó là TP.HCM, vẫn kiên trì xốc tới cùng với từng cơ sở, từng địa phương tìm cách “tự cứu mình”.

(còn tiếp)

Triển lãm “Đồng chí Nguyễn Văn Linh - người cộng sản mẫu mực, sáng tạo”

P3Wd2AXp.jpgPhóng to
Ảnh: Xuân Trường

Ngày 29-6, đoàn lãnh đạo TP.HCM do ông Lê Thanh Hải - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy TP - đến thăm triển lãm nhân kỷ niệm 95 năm ngày sinh cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh (1-7-1915 - 1-7-2010) với chủ đề “Đồng chí Nguyễn Văn Linh - người cộng sản mẫu mực, sáng tạo” (ảnh).

Triển lãm khai mạc sáng cùng ngày và kéo dài đến 8-7-2010 tại Nhà văn hóa Thanh niên TP. Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - ủy viên Ban thường vụ, trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy TP - đến dự và phát biểu tại khai mạc. Đông đảo các bạn đoàn viên thanh niên đến xem nhiều hình ảnh, tư liệu được trưng bày tại triển lãm.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên