19/05/2010 07:53 GMT+7

"Đôi chân" của cô bé xương thủy tinh

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TT - Hơn hai năm nay, có một phụ nữ dù ngày nắng hay ngày mưa, mỗi sáng bà vẫn đẩy chiếc xe đạp đã cũ nát để đưa cháu tới trường. Từng vòng xe lăn nhẹ nhàng, khó nhọc bởi chỉ cần sơ suất là cô bé bị bệnh xương thủy tinh bẩm sinh có thể gãy xương.

rAMOOYqq.jpgPhóng to
Khi kể về bé Xuân Quyên, bà Loan luôn rơm rớm nước mắt: “Nó còn nhỏ nhưng biết thương nội lắm, cũng rất ham học. Tôi chỉ mong còn sức khỏe để lo cho cháu ăn học tới nơi tới chốn” - Ảnh: TÂM LỤA

Mỗi ngày đều đặn vào giờ ra chơi, giáo viên và học sinh Trường tiểu học Tân Thạch A (xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) đều thấy bà bế cháu đi từ tầng 2 xuống dưới nhà vệ sinh và làm các sinh hoạt cần thiết. Cô bé xương thủy tinh Lê Thị Xuân Quyên (10 tuổi) nói một cách hồn nhiên: “Nội chính là đôi chân của con”. Đôi chân mà cô bé nhắc tới đó là bà Huỳnh Thị Kim Loan (62 tuổi, ngụ tại tổ 10, ấp 1, xã Tân Thạch).

Bố bị bệnh tâm thần, mẹ bị dị tật chân bẩm sinh nên từ lúc sinh ra mọi chăm sóc, sinh hoạt của bé Xuân Quyên đều nhờ vào bà. Những lần cháu bị gãy xương, bà Loan lại vay mượn khắp nơi để đưa cháu đi bệnh viện. Cô bé với đôi mắt sáng, thông minh nhưng không thể đi lại được như bạn bè cùng lứa. Thấy cháu ham học, cứ khóc xin cho đi học hoài nhưng không trường nào chịu nhận, bà Loan phải nhờ xã xin phòng giáo dục - đào tạo huyện, rồi đứng ra cam kết với trường sẽ chịu trách nhiệm về vấn đề sức khỏe và sinh hoạt của cháu. “Bù lại, cháu ham học lắm, luôn đứng đầu lớp và là học sinh giỏi của trường” - bà Loan tự hào.

Mỗi sáng khi đưa cháu tới lớp, bà tranh thủ về nhà làm công việc nhà, với một công đất dừa là nguồn thu nhập chính, rồi canh giờ ra chơi trở lại trường. Không ít người đi qua Trường tiểu học Tân Thạch A thấy bà nhặt rác, quét lá trong sân trường những lúc đợi cháu đều nhầm tưởng bà là lao công.

Khi được hỏi về ước mơ của mình, bé Xuân Quyên chia sẻ: “Con thương bà nội, con mong có tiền để mua cho nội một chiếc xe đạp mới, chiếc xe đạp nội hay đưa con đến trường đã cũ lắm rồi, cứ hư suốt. Nội đã già nên toàn phải dẫn bộ để đưa con đi”.

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên