21/04/2010 03:05 GMT+7

"Người khuyết tật cho chúng ta hạnh phúc"

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Những người khuyết tật tự bước đến và đưa tay ra nắm lấy tay những người may mắn hơn mình, trao cho họ niềm hạnh phúc được nhìn, được nghe, được nói, được đi... Ðó là câu chuyện của Ngày bảo vệ và chăm sóc người khuyết tật VN 18-4 với nhiều hoạt động trong những ngày qua.

UMvTrmDZ.jpgPhóng to
Không nhìn thấy gì, các em vẫn cống hiến những giai điệu và những bước nhảy ngộ nghĩnh cho những người may mắn hơn mình (chương trình “Ánh sáng và niềm tin” sáng 18-4) - Ảnh: Gia Tiến

Những cặp mắt tròn xoe mở to khi lần đầu rờ ngón tay trên những dấu chấm nổi vừa được người bạn khiếm thị viết thành câu. Những tiếng "ồ" thích thú và tràng pháo tay thán phục khi tiếng sáo, tiếng đàn réo rắt vang vọng giữa sân trường kể câu chuyện về những sắc màu mà người thổi không thể nhìn thấy. Những giọt nước mắt lăn dài khi chứng kiến chị nhà văn trẻ phải vặn người khó nhọc để phát ra một âm thanh không tròn tiếng. Những ngạc nhiên khi nhìn một cô giáo mặc váy thật đẹp đứng ở một góc sân khấu múa bằng tay để dịch lời bài ca đang ngân dìu dặt. Những giật mình khi biết ánh đèn màu rực rỡ và những bộ váy áo đẹp trên sân khấu không dành cho chính người biểu diễn…

Ðó là cảm xúc hồn nhiên, ngây thơ của những em học sinh vốn chưa bao giờ biết mình may mắn là được sinh ra và lớn lên khỏe mạnh, lành lặn mà chúng tôi ghi lại được khi Thư viện sách nói dành cho người khiếm thị lần đầu tiên tự giới thiệu trên sân Trường THCS Lê Quý Ðôn, quận 3, TP.HCM vào sáng 19-4; là chương trình "Ánh sáng và niềm tin" lần 6 sáng 18-4 tưng bừng, nhộn nhịp hơn hẳn mọi năm; và bộ ảnh Họ đã sống như thế triển lãm một vòng qua vài chục trường học...

4TKxWe44.jpgPhóng to

Lần đầu tiên các học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn (TP.HCM) biết thế nào là chữ Braille (ảnh chụp sáng 19-4) - Ảnh: Gia Tiến

Ngày bảo vệ và chăm sóc người khuyết tật VN 18-4 ra đời và được quy định trong pháp lệnh về người khuyết tật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 11-1998.

Theo số liệu của cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở VN tháng 12-2009, tính từ mức độ khó khăn khi thực hiện việc nghe, nhìn, vận động và ghi nhớ thì cả nước có 12,1 triệu lượt người bị khuyết tật (một số bị hai khuyết tật trở lên), chiếm 15,5% dân số tính từ 5 tuổi. Khuyết tật về nhìn có 3,9 triệu lượt người (33%), về nghe có 2,5 triệu lượt người (20%), về vận động có 2,9 triệu lượt người (24%), về ghi nhớ có 2,8 triệu lượt người (23%).

Trường THCS Lê Quý Ðôn sáng 19-4. Ngần ngại mãi nhưng cuối cùng Hướng Dương, giám đốc dự án Thư viện sách nói dành cho người mù, cũng đồng ý đến đây, ngôi trường năm xưa chị một thời là một liên đội trưởng năng động.

Lần đầu tiên, sau 11 năm âm thầm đọc sách trong phòng thu, Hướng Dương chia sẻ câu chuyện của mình trước hàng ngàn học sinh. Câu chuyện ấy được minh chứng bằng bước chân giả hơi thập thõm của chị, bằng ánh sáng trên gương mặt những em học sinh Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Ðình Chiểu đang đêm ngày học tập và tìm hiểu thế giới thông qua sách nói của chị.

"Ai giúp chị thu âm sách nói? Chị làm ra bao nhiêu băng đĩa mỗi ngày, gửi đến cho người mù cách nào? Các bạn viết chữ Braille ra sao? Có phải khi mất một giác quan, những giác quan khác sẽ tinh nhạy hơn không?...". Hàng loạt câu hỏi đã được các em học sinh đưa ra và đều được trả lời cặn kẽ, minh chứng sinh động.

Lần đầu tiên các em đã biết có những người bạn đồng trang lứa không được viết chữ, không được đọc sách, không được xem phim, không được nhìn ngắm cỏ cây, đường phố, gương mặt những người thân yêu như mình. Các em lại được biết các bạn ấy vẫn sống và sống vui vẻ, vẫn học và học giỏi, hơn nữa các bạn còn đàn, còn hát, còn thổi sáo và sẵn lòng chia sẻ sở trường của mình.

Lần đầu tiên các em biết đến sách nói, biết những băng đĩa với mình vốn chỉ là phương tiện giải trí thì với người khác lại là ánh sáng, là cả thế giới.

Lần đầu tiên các em biết có một người không còn đi được nhưng không khóc mà lại đi tìm nhân lên hạnh phúc bằng cách chia sẻ đôi mắt của mình với những người không được thấy ánh sáng.

"Em rất xúc động, chưa có bài học giáo dục công dân nào hay bằng. Em đang bận thi nhưng hè này em sẽ tìm đến Trường Nguyễn Ðình Chiểu. Cho em nắm tay chị để xin một chút may mắn" - Khánh Duy, lớp 9/8, chạy theo Hướng Dương.

Ngay trong buổi giao lưu, các em học sinh đã tự nguyện đóng góp gần 20 triệu đồng, tương đương 2.400 băng sách nói thành phẩm để gửi đến thư viện. Nhưng với Hướng Dương, câu nói và cái nắm tay của cậu bé mới là món quà lớn nhất.

Chương trình văn nghệ giao lưu "Ánh sáng và niềm tin" của nhóm tình nguyện Những ước mơ xanh lần 6 tổ chức tại Nhà hát kịch TP.HCM sáng 18-4. Sân khấu rực rỡ ánh đèn màu, từng nhóm biểu diễn mặc những bộ quần áo đẹp nhất, đi những đôi giày mới nhất. Dưới khán đài, các bạn tình nguyện viên chộn rộn dẫn người này vào, đưa người kia ra.

Từ hôm nay, Trường THCS Lê Quý Đôn sẽ phát sách nói trong chương trình phát thanh giữa giờ.

Trường cao đẳng nghề Việt Mỹ cũng đang phát động phong trào nuôi heo đất để chung tay với Thư viện sách nói dành cho người mù.

Biết mình hạnh phúc để tận hưởng và chia sẻ là cái lớn nhất mà các em sẽ nhận được qua những câu chuyện của Hướng Dương.

Chợt giật mình khi nhận ra ở đây không có những tiếng than phiền khi ai đó nhấp nhổm trên ghế, ai đó đứng lên che khuất ánh nhìn. Phần lớn khán giả đều xuất phát từ các mái ấm khiếm thị, khiếm thính. Thế ra buổi diễn văn nghệ hoành tráng nhất mà nhóm Những ước mơ xanh nỗ lực thực hiện lại chính là dành cho chúng tôi, những người may mắn được nghe, được thấy.

Thế nhưng các cô cậu bé ngồi bên cạnh tôi vẫn rạng rỡ nét mặt, hồ hởi vỗ tay từng tràng theo từng âm thanh trên sân khấu, từng động tác của cô giáo phiên dịch thủ ngữ. "Em vui lắm, hiếm khi em được đến nhà hát như thế này" - Duyên, cô bé đến từ mái ấm khiếm thị Thiên Ân, thì thầm, y như em đã nhận ra thoáng đắng lòng qua cái nắm tay của tôi.

Ðến với người khuyết tật khi nào cũng nhận được nhiều hơn cái mình cho là như vậy. Ðó cũng là một trong những động lực giúp nhóm tình nguyện Những ước mơ xanh duy trì được hoạt động đều đặn và ngày càng lớn mạnh suốt tám năm qua, dù đến hôm nay nhóm vẫn như ngày đầu: không địa điểm sinh hoạt, không ngân quỹ tích lũy. Chỉ có những nụ cười và hạnh phúc được chia sẻ là cứ nhân lên, nhân lên.

Vừa ra mắt lần đầu, bộ ảnh Họ đã sống như thế của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á đã vang tiếng. Những tấm gương nghị lực của người khuyết tật không có gì xa lạ, phần lớn các nhân vật trong bộ ảnh đều đã xuất hiện trên báo chí, nhưng 90 câu chuyện bằng ảnh của gần 100 nhân vật cùng tập hợp lại trong một phòng triển lãm tạo nên sức mạnh cộng hưởng khó ngờ.

Trong sổ lưu niệm, không đếm hết những xuýt xoa, thán phục dành cho tác giả ảnh và nhân vật. Không đếm hết những người đã giật mình tự soi rọi lại bản thân khi xem ảnh như nhìn vào những tấm gương, như đọc những bài học. Và còn có rất nhiều ý tưởng được đề xuất: triển lãm trong trường học, mời nhân vật giao lưu, in sách…

Ba tháng nay, bộ ảnh đã triển lãm qua gần 30 trường học trong TP.HCM. Nhiều em học sinh đã rơi nước mắt ngay khi xem ảnh, càng rơi nước mắt nhiều hơn nữa khi được gặp các nhân vật: cô nhà văn Trần Trà My khó nhọc lê từng bước với công cụ phụ trợ, càng khó nhọc hơn để nói một tiếng không tròn vành; cô giáo Hạnh không nghe được nhưng lại có thể đối thoại bình thường bằng tiếng Anh rất chuẩn; thầy Phú khiếm thị nhưng rất vui vẻ và hát rất hay...

Ðã có một cái gì đó thức tỉnh khi các em được nhà trường yêu cầu viết bài thu hoạch. Nhiều em đã xin số điện thoại, địa chỉ để kết bạn với nhân vật. Nhiều em bắt đầu tham gia công tác xã hội. Nhiều em đã biết rũ bỏ những nỗi buồn đôi khi vụn vặt, vô cớ của mình.

"Ðến với người khuyết tật, bạn chưa kịp cho thì đã nhận được rất nhiều rồi", Nguyễn Á chia sẻ niềm vui sau mấy năm đi tìm hết người khuyết tật này đến người khuyết tật khác. Niềm vui ấy cũng đang đến với những em học sinh sau khi xem bộ ảnh của anh.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên