Phóng to |
Đường vào Ba Chúc hôm nay- Ảnh: Q.VINH |
Kỳ 1: Ba Lê và tiếng sáo vọng hồnKỳ 2: Bà Tư và ngôi nhà mồ
Những ngôi nhà mồ côi
Ông Tám kể: “Năm đó, một người chị và bốn đứa em cùng gia đình chú Út của tôi đã chết hết. Khi tản cư từ Kênh Đào (Châu Đốc, An Giang) về Ba Chúc, xóm làng đã cháy rụi. Anh em tôi không nơi nương tựa, lúc nào bụng cũng đói. Ngày nào cũng thấy người ta chở người bị thương do mìn pháo của Pol Pot, ngày nào cũng có người đi rẫy hay ra đồng bị trúng mìn mini của giặc cài lại”.
Cái chết vẫn còn treo trên những mái đầu trẻ thơ mất cha mất mẹ.
Tôi ghé nhà ông Nguyễn Văn Nghiệp, ở khóm An Định A. Nhà ông có 13 người thì đã bị Khmer Đỏ giết 11 người. Hai anh em Sáu Nghiệp và Bảy Nhân do bị trúng pháo mấy ngày trước đang được đưa đi chữa trị mà thoát chết.
Ông Nghiệp kể lúc đó trẻ mồ côi phải bám víu vào những người thân. Ông về sống với người bác ruột. Nhưng trong nhà người bác cũng có năm đứa trẻ mồ côi nheo nhóc khác được cưu mang.
“Mấy đứa rủ nhau đi chài cá, mò cua bắt ốc hay nhổ bàng cả tuần mới về - ông Nghiệp nhớ lại - Anh em hồi đó vận động cùng nhau làm vần công, không làm đơn lẻ để vơi nỗi buồn và bớt sợ ma. Tối đến hàng chục đứa trẻ mồ côi từ các nơi theo âm thanh gõ mõ, theo đốm lửa đêm lại tìm đến với nhau dựng chòi ở chung để thấy mình không còn đơn chiếc nữa. Những lúc buồn trong đêm chỉ cần một đứa khóc cả đám khóc theo gọi cha gọi mẹ vang cả rừng”.
Đến năm 1980 anh em của Văn Tám, Sáu Nghiệp, Bạc, Muôn, Ngàn... đã tổ chức lại cuộc sống tự lập. Họ tiếp tục sẻ chia, ông Nghiệp chỉ tay về hướng có những chòm nhà mà chủ nhà là những người bạn mồ côi thời trẻ con với nhau, rồi nhíu mày kể tiếp: “Phải cật lực làm để dằn nỗi thương nhớ và hận thù, để cho vong linh cha mẹ bình an siêu thoát”.
Và cuộc sống vẫn đâm chồi
Khi những đứa trẻ mồ côi đến tuổi trưởng thành, những bậc trưởng lão trong xã đã mai mối xe duyên cho họ.
Bà Huỳnh Thị Vĩ cũng là một đứa trẻ mồ côi sau chiến tranh, năm 21 tuổi đã được mai mối làm vợ Sáu Nghiệp. Bà Vĩ kể ngày cưới, hai vợ chồng chỉ có một chỉ vàng sính lễ. Những cặp “lương duyên mồ côi” đã dành toàn bộ tình thương cho con cái cháu chắt.
Ba người con đầu của vợ chồng ông bà Nghiệp - Vĩ bây giờ đều là giáo viên cấp II và người con út đang là sinh viên khoa sư phạm kỹ thuật nông nghiệp Đại học An Giang. Con trai út của ông Lê Văn Tám cũng đang là sinh viên khoa cơ khí Trường đại học Cần Thơ.
Trên 20 học sinh, sinh viên là con cháu trong những gia đình có cha mẹ mồ côi đều học giỏi và đỗ đạt ở Ba Chúc. Lớp con cháu của “thế hệ mồ côi” xưa bây giờ đã bớt vất vả so với 31 năm trước. Bà Vĩ tâm tình: “Chúng tôi phải lao khổ để có ngày hôm nay.
Chỉ mong con em mình ăn học thành tài giúp ích cho xã hội và gia đình là mãn nguyện rồi”.
Động lực để những đứa trẻ ngày hôm nay thành công có lẽ chính nhờ vào nghị lực vươn lên của cha mẹ, những người bất ngờ rơi vào thảm cảnh mồ côi bởi chiến tranh và sự ác độc của con người.
Ông Tư Cừu và “sổ hộ nghèo của ông trời” Ông Bùi Văn Cừu, 83 tuổi, ở khóm An Định A, thị trấn Ba Chúc, có vợ và năm con đã bị lính Pol Pot giết chết tại chùa Phi Lai. Ông trúng vé số độc đắc đến năm lần. Có người gọi ông là triệu phú khu nhà mồ nhưng ông nói mình vẫn chỉ là người cùng khổ với bà con. Ông dùng tiền trúng xổ số bao xe cho cả xóm đi du lịch và động viên mọi người làm ăn từ đồng vốn mà ông gọi là “sổ hộ nghèo của ông trời” ban tặng. Ông nói: “Tui trúng số coi như người lận đận được hưởng. Có bao nhiêu tui tìm đến người nghèo khó khăn giúp đỡ họ, tui cho mượn ai trả cũng được, không trả tui cũng không phiền trách. Bà con đã quá khổ đau rồi!”. Chuyện đi du lịch có người nói ông nghèo mà chơi sang, có người ngại sợ ông tốn tiền nhưng ông nói đi cho ông vui lòng, đi để biết đất nước đẹp cỡ nào. 17 triệu đồng tiền thuê xe và chi phí ăn ở cho chuyến đi Sài Gòn, Đà Lạt, Nha Trang. Số tiền còn lại được ông chia sẻ cho chùa và bà con nghèo cần vốn làm ăn. Ông Nguyễn Văn Ngọc nhà nghèo lại bệnh gan khó trị, đã được ông Tư tặng nửa chỉ vàng. Anh Bảy sửa xe, chị Nhung bán bánh bèo, bà Sáu cô đơn làm nghề đan đệm bàng... rồi trẻ con trong xóm thiếu tiền mua sách vở đều được ông Tư tiếp sức cho tiền như một nguồn động viên lớn. Lúc trúng số ông Tư còn mua cả đồ chơi, vật dụng, mua liền mấy trái bóng để lũ trẻ đá bóng vui đùa mỗi chiều. Ai nghèo khó ông Tư cho mượn từ vài trăm ngàn đến 7-8 triệu đồng. Gần 20 năm nay nhà ông vẫn như xưa. Ông muốn lưu giữ ký ức bằng những cảnh vật dù là sơ sài của gia đình. Chòm xóm ai có món ngon vật lạ đều dành phần ưu tiên cho ông. Có hàng chục người nghèo đang làm ăn khá lên từ nguồn tiền trúng số của ông, họ nói với chúng tôi rồi đây cũng sẽ noi theo ông Tư Cừu tiếp tục giúp người nghèo khó ở xóm nhà mồ... |
____________________
Khởi đăng: Cổ tích đồng bưng
Có một người đàn ông bưng biền lúc nào cũng khăm khẳm mùi dầu tràm, đi nước ngoài với bàn tay cáu bẩn và bàn chân nứt nẻ sình lầy... Ông không chỉ mở phòng khám bệnh, xây trường học miễn phí, đào kênh khẩn hoang, mà còn góp phần thay đổi cả một ý thức hệ bần cố nông bao đời cam chịu khó nghèo... Câu chuyện về một anh hùng được dân quê gọi là “anh Ba Bé”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận