07/04/2010 09:04 GMT+7

Ba Chúc - chuyện những con người

QUANG VINH
QUANG VINH

TT - Tháng 4-1978, hơn 3.000 thường dân vùng Ba Chúc (Tri Tôn, An Giang) đã bị thảm sát dã man. Nhiều nạn nhân sống sót đã trải qua khủng hoảng dữ dội về tấn thảm kịch này. 32 năm sau, Tuổi Trẻ tìm gặp lại những người trong cuộc và lắng nghe cái cách mà con người đi qua những thảm kịch trong cuộc đời...

Fh8EJYU1.jpgPhóng to

Người vợ cùng năm đứa con và hàng chục người thân - những gì thiêng liêng nhất - đã bị giết thảm sau lưng ông.

“Tôi thoát chết nhưng trĩu nặng, đau điếng. Tiếng thét kêu cứu của con cứ giằng kéo tôi...”. Nhớ thương, hằng đêm ông thổi sáo, tiếng sáo vọng hồn bao trùm núi Tượng sầu não. “Tôi thổi sáo để được thấy vợ con dù hình dáng xưa là bóng mờ của núi non hay cây cỏ”.

Ông là Bùi Văn Lê, 69 tuổi, ở ấp Thanh Lương, thị trấn Ba Chúc, người làm nghề bốc thuốc nam và là “thầy đờn” tài hoa ở thị trấn Ba Chúc.

Hai lần chết

Đêm. Ba Lê cầm đàn kìm rồi đưa tôi lên núi Tượng. Trên núi có 15 cái hang bên trong còn hàng trăm thi thể đã bị Pol Pot tàn sát dã man. Ông uống rượu và chìm dần trong ký ức của những ngày tháng 4-1978.

“Khi giặc Pol Pot tràn vào Ba Chúc, tôi đưa vợ con cùng người cô ruột lên hang trên núi Tượng trú. Sau tám ngày ẩn nấp, chó săn bắt mùi hơi người. Khoảng cuối giờ chiều, chó sủa, bọn Pol Pot mở miệng hang xả liền hai băng đạn AK, con tôi đẫm máu khóc thét. Tôi lách người trong vách đá miệng hang, khi nghe chúng bắn hết đạn liền phóng ra, nhưng vừa ra khỏi hang lại thấy hai tên lính Pol Pot đứng lăm lăm chĩa súng vào tôi. Tôi lao mình xuống hẻm đá. Bọn chúng quăng hai quả lựu đạn nữa vào hang. Hai giờ sau trở lại, gia đình tôi chết hết, toàn bộ quần áo, vàng vòng chúng lấy đi. Tôi ôm người thân của mình vào lòng chết lặng. Sau đó mình tôi xếp thi thể vợ con nằm ngay ngắn rồi lấp miệng hang cho tới giờ”.

Sau khi đóng cửa hang, Ba Lê đã đến một số hang trên núi báo hung tin và tìm cách đưa khoảng 50 người thân khác trong xóm trốn đi.

Đoàn người theo đường tắt về xã Lương Phi không may lọt vào tầm kiểm soát của Pol Pot. Giặc bắn xối xả làm chết trên 30 người. Cả đoàn chạy hoảng loạn, sáng hôm sau gặp tại Lương Phi chỉ còn mười người.

Gặp lại cha mẹ, ông òa khóc: “Con còn sống là trời đẻ lần nữa rồi!”.

Kể đến đây Ba Lê im bặt, bàn tay siết chặt cần đàn như đang kìm nén. Rồi ông lại hát, thỉnh thoảng nghiêng ly đổ ít rượu lễ xuống nền đá nơi một thời loang máu người thân. 3

2 năm qua các miệng hang vẫn được đóng kín. Đêm nay Ba Lê lại thổi một bài sáo vọng hồn.

Năm đó Ba Lê 37 tuổi, có người bảo ông mất trí. Hàng năm trời sống với âm hồn bằng tiếng sáo vi vu từ đồi này sang đồi nọ, tiếng sáo du dương bi ai. Người đồng cảnh dưới xóm khóc ròng. Chính xã đội trưởng là anh Hắng còn than: “Tiếng sáo Ba Lê não nuột quá”.

Ông có tâm sự, có nỗi đau, cộng với tiếng sáo lay động lòng người. Ông cất chòi hai tầng để ban đêm coi rẫy và để được sống gần linh hồn vợ con.

Nhiều bạn bè lên núi an ủi, nhưng Ba Lê vẫn sống cuộc đời ẩn dật giữa vùng núi Tượng.

d1Qnm8Ui.jpgPhóng to

Bây giờ dẹp đi ống sáo, Ba Lê vẫn cất lên lời ca với cây đàn này, nhưng lòng ông đã nhẹ nhàng, thanh thản hơn - Ảnh: Q.Vinh

Giã từ tiếng sáo

Bà con khuyên giải: “Chú Ba ơi gượng sống lại đi, buồn thảm quá không giải quyết được gì, chú còn có cha mẹ với bệnh nhân mà. Chú đừng thổi sáo nữa”.

Ở Ba Chúc người ta biết Ba Lê là thầy thuốc được ông nội truyền nghề từ nhỏ. Trong những lúc tỉnh cơn mê với ống sáo, những bà mẹ đã bồng con tới nhờ ông trị bệnh. Rồi một ngày những đứa trẻ teo tóp vì bệnh tật đã gợi lại tình cảm về cuộc sống trong chính người đàn ông bất hạnh này.

Ba Lê hồi tỉnh và dần dà tìm lại được ý nghĩa của một cuộc sống hồi sinh từ những nỗi đau cùng tận của mất mát. Nó như cái miệng hang phải liền, như cây xanh phải bám mình xuống chân núi Tượng mà ra trái, ra bồng cho cuộc đời này.

Trong vòng hai tuần lễ từ ngày 18 đến 30-4-1978, 3.157 dân thường Ba Chúc đã bị quân Khmer Đỏ tàn sát.

Khu chứng tích tội ác được xây dựng năm 1979 và được công nhận là di tích quốc gia năm 1980.

Ba Lê sửa lại ngôi nhà bị trúng pháo dưới chân núi, mở lại phòng thuốc nam, chẩn bệnh bốc thuốc cho người nghèo. Công việc và bệnh nhân ngày một đông dần kéo Ba Lê về với cuộc sống thực tại.

Sau trận thảm sát tàn khốc, môi trường sống ô uế, nhiều căn bệnh bộc phát. Ba Lê phải cử người đi tầm thuốc từ các nơi đem về. Rất nhiều trẻ em bị dịch bệnh hoành hành đã được Ba Lê ra tay chữa trị.

Cuộc sống với Ba Lê dần hồi sinh nhưng hằng đêm ông vẫn lên hang núi thắp nhang chuyện trò với người thân như nhắc nhớ chính mình sống có ý nghĩa hơn.

Rồi một ngày nọ cha ông chọn cho ông một người vợ cùng cảnh ngộ. Người đó tên Võ Thị Châu, cũng là một nạn nhân may mắn sống sót trong vụ thảm sát trong chùa Phi Lai.

Khi giặc tràn vào Ba Chúc đốt phá, bà con chui vào nấp dưới bàn thần trong chùa với hi vọng chốn linh thiêng sẽ không bị tàn sát. Nhưng rồi chúng đã quăng vào chùa hai quả lựu đạn làm 40 người chết thảm, cô Châu là một trong hai người sống sót.

Ba Lê nói đây là cuộc hợp hôn vì chữ hiếu với cha mẹ dòng tộc sau này. Cha mẹ nói phải cưới và sinh con để duy trì nòi giống sau thảm sát. Nhưng lúc đó tim ông chai sạn, ông vẫn hay lên núi thổi sáo.

Một năm sau ngày cưới, bà Châu lên núi nói với Ba Lê: “Thôi đừng thổi sáo nữa anh!”. Nhìn vào mắt vợ, ông thấy trách nhiệm với cuộc đời. Vậy là về. Cất ống sáo. Ba Lê cho biết sự hồi sinh của nhiều gia đình vùng Ba Chúc nhiều khi đớn đau như vậy.

Rồi mọi thứ cũng qua đi, vết thương trong thể xác và tâm hồn cũng lành, cây đâm chồi lộc trên núi Tượng cứ ra hoa kết trái.

Trái ngọt cũng đã đơm trước nhà Ba Lê. Bây giờ họ đã có bốn người con, hai trai hai gái. Các con ông người đi làm ở UBND huyện Tri Tôn, người là học sinh cấp III, đều hiếu thảo và lễ nghĩa.

Ba Lê trở thành người tham gia quản lý di tích lịch sử nhà mồ Ba Chúc. Tiếng sáo ai oán trên sườn núi Tượng bây giờ không còn nữa...

_____________________

Ngủ trong nhà của Ba Lê, 5g sáng tôi đã thấy vợ chồng ông thức giấc nhang khói cầu nguyện cho người đã khuất. Làng xóm Ba Chúc cũng thức rất sớm, tiếng cầu kinh vang vọng lan truyền từ nhà này qua nhà khác. Lúc ấy có một người đàn bà lặng lẽ thức dậy thắp từng ngọn đèn trong căn nhà mồ tập thể, nơi 1.159 bộ hài cốt còn lưu giữ...

Kỳ tới: Bà Tư và ngôi nhà mồ

QUANG VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên